Dân tộc Mông tỉnh Điện Biên có tổng dân số là 228.856 người, chiếm 38,12% so với tổng số dân toàn tỉnh (Theo văn bản Số 2307/UBND-TH về việc thông tin số liệu về dân số chia theo tổng số và cơ cấu dân tộc qua kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở, tỉnh Điện Biên, ngày 10 tháng 8 năm 2020); phân bố ở hầu hết các huyện, thị xã, trong tỉnh.

Dân tộc Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao và được chia thành 05 nhóm chính là: Mông Đơ (Mông trắng), Mông Đu (Mông đen), Mông Lềnh (Mông đỏ), Mông Si (Mông hoa), Mông Sua (Mông xanh). Sở dĩ người Mông được phân biệt thành các ngành như vậy là dựa trên sự khác nhau về trang phục, ngôn ngữ và một số tập quán xã hội, tín ngưỡng giữa các ngành Mông.

Cộng đồng người Mông còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống như: lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống - đặc biệt là nghề chế tác Khèn. Khèn là biểu tượng văn hoá tinh thần của dân tộc Mông, là nhạc cụ độc đáo thể hiện trong tín ngưỡng, tập quán xã hội của đồng bào. Khèn có mặt trong các nghi lễ, lễ hội cũng như trong đời sống hàng ngày. Khèn Mông giống như nhiều loại khèn khác là nhạc cụ đa thanh. Nhạc cụ này có âm vực trong vòng 1 quãng tám, mỗi ống chỉ phát ra 1 âm thanh. Người Mông sử dụng Khèn trong những cuộc vui, chợ phiên, dịp Tết, lễ hội và trong tang ma. Hiện nay, họ có nhiều loại khèn với kích cỡ khác nhau (nhỏ, vừa và to). Theo truyền thống, nhạc cụ này do nam giới sử dụng.

Trong truyền thuyết của dân tộc Mông, nguồn gốc của chiếc khèn được kể lại như sau: “Ngày xưa có hai vợ chồng sinh được sáu người con trai, người mẹ mất sớm, chỉ còn lại người cha, cha nuôi nấng các con trưởng thành, không bao lâu sau người cha cũng mất. Nhớ thương người cha, các con khóc nhiều đến khản cả cổ, không còn tiếng nữa. Sáu người con bèn lên rừng chặt  cây trúc làm thành sáo để thổi thay cho tiếng khóc và nỗi niềm của mình, thổi đến ngày thứ ba thì ai nấy đều không thổi được nữa. Lúc này người anh cả bảo rằng gộp tất cả cây sáo vào một để thay nhau thổi cho cha nghe, khi một người thổi âm thanh vang lên, mang đủ 6 tiếng như 6 anh em nhớ cha mình. Từ đó mỗi khi buồn, vui cây khèn là bạn tâm tình của người thổi để gửi gắm tâm sự trong tiếng khèn. Trước đây 6 người thổi nay chỉ cần 1 người thổi vẫn vang đầy đủ 6 tiếng trầm bổng và huyền bí”. Sự tích cây khèn Mông là vậy và ra đời từ đó. Trải qua thời gian, cây khèn của người Mông được sử dụng trong các nghi lễ, ngày hội, ngày Tết với ý nghĩa và giá trị quan trọng.

Các bộ phận cấu thành tạo lên chiếc Khèn gồm: Thân khèn, ống khèn và đai khèn. Trong đó: Thân khèn gồm bầu khèn, một ống thổi dài, đuôi khèn, đầu ống thổi có gắn một ống đồng. Bầu khèn nối với 5 ống trúc và 1 ống nứa, trên mỗi ống trúc gồm 1 lưỡi đồng, riêng ống ngắn nhất, to nhất có 2 hoặc 3 lưỡi gà song song phát ra đồng âm. Tùy theo mức độ dài ngắn, to nhỏ mà các ống có âm thanh khác nhau. Thân khèn sau khi được khoét rỗng và cố định lại bằng đai khèn. Kỹ thuật sử dụng khèn Mông cơ bản là những thế bấm như vỗ, ngắt, láy rền, hợp âm và hoà âm…

Đồng bào Mông rất coi trọng việc lựa chọn nguyên liệu để làm khèn, người làm khèn đã khéo léo dựa vào các đặc tính, tính chất của các nguyên liệu để tạo ra các bộ phận của chiếc khèn. Như muốn thân không cong vênh, nứt răm thì đa số người biết làm khèn sẽ chọn loại gỗ của cây Pơ Mu trắng hoặc đỏ để làm thân khèn. Vì gỗ Pơ Mu có mùi thơm, dẻo, nhẹ, không cong, ít đàn hồi và hút nước tốt. Còn đối với chất liệu làm ống khèn, đồng bào Mông đa số lựa chọn thân của cây nứa để làm ống khèn to, nhưng cũng có nhiều nơi họ không dùng thân của cây nứa mà dùng thân của cây măng ngọt làm ống khèn, chất liệu của 5 ống khèn nhỏ thường được làm thân cây trúc hoặc cũng có thể làm bằng thân của cây măng dê (sông kênh). Thường thì nguyên liệu làm ống khèn sẽ được lấy vào dịp cuối năm khi thời tiết hanh khô, các cây trúc đã già đủ độ. Ống lấy về được luộc cho khỏi bị nứt nẻ, sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô mới đem ra dùng. Còn đai khèn được làm từ vỏ cây đào rừng, vỏ cây đào rừng có ưu điểm là bền, chắc, khi gắn vào gỗ tự tiết nhựa càng giữ chặt. Khi chọn làm đai khèn phải chọn vỏ đào già vừa, không quá khô, không bị sâu. Đối với chất liệu làm lưỡi khèn hay còn gọi là lưỡi gà được làm từ đồng nguyên chất; đồng dẻo; đồng cứng; đồng đỏ hoặc các chất phụ gia khác.

Sau khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu để chế tác ra chiếc khèn, người chế tác khèn sẽ tiến hành làm thân khèn. Đầu tiên, gỗ để làm thân khèn sẽ được sơ chế qua rồi chẻ thành từng thanh có độ dài 80cm trở lên, dày và rộng từ 10 đến 15cm. Các thanh này sẽ được đục, đẽo thành thân khèn.

Thân khèn gồm ba phần:

- Đuôi khèn được đục, gọt thành khấc hoặc gọt thuôn tròn, người Mông tính đuôi khèn từ bầu khèn xuống phía dưới khoảng một nắm tay.

- Bầu khèn: Sau khi người làm khèn xác định được kích thước bầu khèn (dài khoảng 3 nắm tay, rộng 4 ngón, dày 3 ngón tay) sẽ tiến hành đẽo thanh gỗ thành bầu khèn phình giữa và thuôn về hai đầu, bầu khèn thường được làm thành 2 loại: 1 loại bầu không có cạnh, tròn bao quanh và 1 loại bầu có cạnh, khoảng 4 cạnh bao quanh.

- Thân trên (ống thổi) được đẽo, gọt thon dần từ bầu đến ngọn.

Công đoạn làm thân Khèn

Sau khi làm xong thân khèn, người chế tác sẽ làm ống khèn. Để làm ống to nhất (ống anh cả): Đồng bào lựa chọn thân cây nứa thẳng, sau đó tiến hành đo chiều dài khoảng 6 đến 8 nắm tay để làm ống to, ngắn nhất và là ống cả đầu tiên trên thân khèn. Các ống còn lại đồng bào sử dụng thân cây trúc để làm, trước tiên người làm khèn phải khoét sạch các mấu trong lòng ống cây trúc bằng cách hơ nóng thanh sắt tròn có một đầu nhọn, sau đó luồn vào thân ống trúc để phá lần lượt các mấu có trong thân cây trúc, cuối cùng dùng dụng cụ là một thanh tre nhỏ, dài, một đầu trẻ thành các nan nhỏ gập ngược lại tạo thành các tua ngắn như chiếc chổi đưa vào lòng ống để kéo và làm sạch các mảnh mấu còn sót lại trong lòng ống khèn. Sau đó người làm khèn sẽ đo kích thước của từng ống khèn nhỏ còn lại. Kích thước của mỗi ống khèn nhỏ dài ngắn khác nhau, để có được tỷ lệ dài ngắn và cân đối của mỗi ống khèn, theo kinh nghiệm dân gian của người làm khèn họ sẽ đo bằng cách mỗi ống khèn dài hơn nhau một nắm tay. Lấy kích thước của ống to nhất (ống anh cả) làm kích thước chuẩn để đo kích thước cho các ống khèn nhỏ còn lại.

Sau khi làm được 5 ống khèn nhỏ có kích thước thích hợp, người làm khèn sẽ lần lượt hơ ống khèn nhỏ qua than hồng cho nóng, mềm rồi đưa vào dụng cụ uốn cong, độ cong của mỗi ống sẽ phụ thuộc theo kinh nghiệm của người làm khèn và phụ thuộc vào từng vùng, có vùng độ cong nhiều, có vùng độ cong ít.

Để tạo âm thanh trầm bổng khác nhau trên một chiếc khèn, người làm khèn sẽ lắp 1 lam đồng (lưỡi gà) trên mỗi ống khèn nhỏ và 3 lam đồng (lưỡi gà) vào 1 ống khèn to, ngắn nhất (ống anh cả).

Người làm khèn tiến hành đánh dấu và khoét lỗ để đặt lam trên ống khèn. Sau đó nhẹ nhàng đưa lam đồng vào từng vị trí đã khoét, khéo léo giữ chặt, cố định lam đồng trên ống khèn. Trong các công đoạn chế tác khèn, công đoạn nào cũng quan trọng, tuy nhiên để có được âm thanh khi thổi chuẩn nhất lại phụ thuộc vào khâu đưa ống khèn vào bầu khèn, vì khi đưa ống khèn xuyên qua bầu khèn người chế tác khèn phải rất thận trọng tránh không cho chỗ tiếp xúc giữa ống khèn và thân khèn bị hở dẫn đến rò rỉ không khí khi thổi ra bên ngoài.

Công đoạn uốn cong ống Khèn

Trên mỗi ống khèn đều có một lỗ âm, khi thổi dùng tay điều chỉnh âm thanh bằng cách bịt, nhả các lỗ âm trên ống khèn. Chính vì vậy sau khi lắp các ống khèn vào bầu khèn xong, người làm khèn tiến hành dùi lỗ âm trên các ống khèn. Việc dùi các lỗ âm trên các ống khèn được người làm khèn dùi lần lượt sao cho các lỗ âm có vị trí tỷ lệ thuận với từng ngón tay bấm của người sử dụng khèn.

Cuối cùng, sau khi đã làm gần hoàn chỉnh chiếc khèn, để cố định phần thân khèn (thân ống thổi, bầu khèn, đuôi khèn) không bị dò hơi khi thổi, đồng thời giữ và cố định các ống khèn với nhau, người làm khèn đã dùng vỏ của cây đào rừng để làm đai giữ và cố định. Người làm khèn thường bố trí buộc khoảng 3 vòng đai ở đuôi khèn, 4 vòng đai ở bầu khèn, 8 vòng đai ở thân ống thổi và 2 vòng đai cố định các ống khèn. Số lượng đai buộc có thể nhiều hơn hoặc ít hơn tùy theo sở thích, cách làm của người chế tác khèn có thể làm điểm nhấn, tô điểm cho cây khèn thêm đẹp và hài hòa.

Khèn Mông đã trở thành một nhạc cụ quan trọng đối với đời sống tinh thần của dân tộc Mông. Khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của cộng đồng người Mông. Qua các điệu Khèn của người Mông nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, tính cộng đồng cao, đồng thời, là nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hoá của các dân tộc ở mỗi địa phương. Trong cộng đồng người Mông tại tỉnh Điện Biên, có rất nhiều người biết sử dụng khèn, tuy nhiên còn rất ít người biết chế tác khèn. Chính vì vậy việc bảo tồn, phát huy nghề chế tác khèn của dân tộc Mông hiện nay là một việc làm hết sức cần thiết, nhằm duy trì nghề chế tác khèn nói riêng và nghề thủ công truyền thống truyền thống của Người Mông nói chung.

Vũ Loan


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 9.422.822
    Online: 82