Dòng sông Nậm Rốm (Nặm Rốm) gắn liền với lịch sử của Điện Biên, có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần, văn hóa, xã hội và kinh tế đối với người dân nơi đây. Sông Nậm Rốm khởi nguồn từ dãy Pú Huổi Luông nằm trên độ cao hơn 2.100m xưa kia có rất nhiều cây gỗ lát. Theo nghĩa tiếng Thái: Nậm (Nặm) là Nước, Rốm là cây gỗ lát, Nậm Rốm (Nặm Rốm) nghĩa sông gỗ lát hay “sông cây lát”. Trong lịch sử dòng Nậm Rốm đã chứng kiến biết bao thăng trầm của mảnh đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc. Cũng đã từng chứng kiến những trận chiến đấu oai hùng, sự hy sinh, đổ máu của biết bao người con ưu tú của dân tộc Việt Nam ngã xuống nơi đây.

Sông Nậm Rốm vào thung lũng Mường Thanh từ bản Ta Pố (Suối cây đề) chảy dài đến bản Pá Nặm (miệng nước) và gặp sông Nặm Núa (Sông cây sung) – bắt nguồn từ dãy núi thuộc xã Mường Nhà, Mường Lói rồi chảy về hợp với sông Nậm Rốm chảy về phía Tây, sang Lào gặp dòng Nậm U rồi vào sông lớn Mê Kông. Mê Kông theo tiếng Thái – Lào là “Me Khoong”- Mẹ sinh ra của cải” với ngụ ý mang sự giàu đẹp, của cải cho mảnh đất này.

Trong lịch sử, sông Nậm Rốm mang trên mình vô vàn vết tích bởi những cuộc binh đao điêu tàn. Xa xưa, sông Nậm Rốm rộng và sâu đến mức các thuyền buôn Thái Lan, Lào, Miến Điện thường theo dòng Mê Kông - Nậm U, vào tận thung lũng Mường Thanh để giao thương. Chính vì dòng Nậm Rốm rộng và sâu như thế, nên tướng quân Hoàng Công Chất có cả một đội thuỷ binh thiện chiến. Cửa thành Bản Phủ có một hướng mở ra ngã ba Pá Nậm, là nơi mà nghĩa quân có thể thủ hiểm trong các trận thuỷ chiến thư hùng.

Theo truyền thuyết của dân tộc Thái, cánh đồng Mường Thanh được khai phá bởi một nhân vật thần thoại ông khổng lồ có tên là Ải Lậc Cậc. Một hôm Ải đang cày ruộng thì lỡ tay đánh rơi viên đá lửa xuống sông Nậm Rốm. Để tìm lại viên đá lửa, Ải dùng chân gạt phăng những ghềnh đá ở sông Nậm Rốm. Vì thế mà lòng sông Nậm Rốm chỉ có đá về hai phía thượng nguồn và hạ lưu, còn đoạn trung lưu giữa thành phố Điện Biên Phủ (nơi Ải Lậc Cậc tìm đá lửa), tới giờ cũng chỉ có đất.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, khi Quân đội Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tại thung lũng Mường Thanh, đã cho xây dựng cây cầu Mường Thanh nối giữa đôi bờ sông Nậm Rốm (nay là di tích Cầu Mường Thanh) người Pháp gọi là cầu “Bailey”, cây cầu sắt duy nhất được xây dựng vào năm 1953, khi Pháp chiếm lại Điện Biên Phủ. Cây cầu là con đường huyết mạch quan trọng nối giữa các cứ điểm ở phía Tây sông Nậm Rốm với các cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là con đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược ... nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở khu vực phía Đông.

Sáng ngày 07/5/1954, sau khi các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam giành thắng lợi tại cứ điểm A1, C2 mở toang cánh cửa phía Đông cuối cùng để tiến về phía trung tâm tiêu diệt các vị trí phòng ngự bảo vệ Sở chỉ huy Decatries, cũng chính dòng sông này đã chứng kiến những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, đánh giáp lá cà bên bờ Nậm Rốm khi binh lính Pháp đang tháo chạy về trung tâm Mường Thanh. Chiều ngày 7/5/1954, dòng sông này đã đón bước chân của những Chiến sĩ Điện Biên anh dũng, kiên cường vượt qua làn mưa bom bão đạn của quân Pháp tiến vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của Quân đội viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ. Kết thúc “56 ngày đêm bão lửa” của chiến dịch Điện Biên Phủ đồng thời kết thúc chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ của quân và dân Việt Nam chống Thực dân Pháp xâm lược.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn nhiều khó khăn, lương thực của tỉnh Lai Châu lúc bấy giờ chủ yếu do Trung ương trợ cấp. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước chủ trương nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm để mở rộng khai hoang, canh tác trên cánh đồng Mường Thanh. Công trình chính thức được khởi công xây dựng từ ngày 3/10/1963, với lực lượng nòng cốt là hơn 2.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Sau gần 7 năm xây dựng, năm 1969, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm được hoàn thành. Việc đưa vào khai thác công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển sản xuất, phát triển thủy sản, thâm canh tăng vụ từ 1 vụ lên 2 vụ lúa và trồng cây vụ Đông. Nhờ đó năng suất lúa tăng, diện tích tưới tiêu khu vực vùng lòng chảo Điện Biên được mở rộng từ 2.000 ha lên đến gần 6.000 ha. Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình mang đậm dấu ấn sức trẻ của lực lượng thanh niên xung phong vẫn ngày đêm lặng lẽ đưa nước về tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngày 07/5/2015, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Dự án “Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Điện Biên” vay vốn ODA của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). UBND tỉnh phân công Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đứng ra làm chủ đầu tư thực hiện dự án.

Dự án sẽ được triển khai xây dựng trong 5 năm 2021-2025 với tổng số vốn hơn 981 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho dự án bao gồm 665,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, 275 tỷ đồng từ vốn đối ứng và 40,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ không hoàn lại của EU.

Theo dự án, Điện Biên sẽ xây dựng 14,7 km kè dọc sông Nậm Rốm, xây đập tràn và nạo vét một số đoạn sông. Dự án cũng sẽ bao gồm việc xây dựng một hệ thống giám sát, nâng cao năng lực quản lý nhiều thảm họa và các hoạt động truyền thông.

Sông Nậm Rốm đã và đang góp phần quan trọng trong việc kiến tạo nguồn thuỷ năng, phục vụ đắc lực công cuộc điện khí hoá và công nghiệp hoá cho nhu cầu xây dựng và phát triển của lòng chảo Mường Thanh. Hàng năm sông Nậm Rốm bồi đắp phù sa cho cánh đồng Mường Thanh thêm màu mỡ, nguồn nước tưới tiêu từ con sông đã góp phần cho cánh đồng những mùa vàng bội thu. Ngày nay, sông Nậm Rốm vẫn hiền hòa là chứng nhân cho hoài niệm lịch sử, cho tình yêu đôi lứa, những mùa vàng và cả những đổi thay của mảnh đất Điện Biên./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.441.890
Online: 64