Chiến dịch Điện Biên Phủ được Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm vì đây là chiến dịch vô cùng quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy “toàn quân, toàn dân và toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện quyết tâm đó, trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có sự hiệp đồng tác chiến giữa quân đội và nhân dân, sự đoàn kết, tinh thần quyết thắng và kỹ chiến thuật trong chiến đấu đã tạo nên nhiều bất ngờ cho thực dân Pháp.

Điện Biên là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam cách thủ đô Hà Nội gần 500km về phía Tây, có địa phận giáp ranh với các tỉnh Lai Châu, Sơn La và hai nước Lào, Trung Quốc. Điện Biên gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đây là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và quân viễn chinh Pháp.

Một trong những yếu tố làm nên chiến thắng của quân và dân ta và cũng là bất ngờ lớn nhất đối với Pháp, đó chính là việc quân đội Việt Nam đã mở đường và kéo pháo vào trận địa. Thực hiện nhiệm vụ, các chiến sỹ đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để kéo những khẩu pháo nặng từ 2 tấn đến 2,4 tấn sử dụng hoàn toàn bằng sức người vượt qua bao đèo cao suối sâu. Hàng trăm chiến sỹ mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ nan, cúi rạp người, choãi chân, những bắp tay cuồn cuộn, những bàn tay rướm máu bám chặt dây kéo pháo, những khẩu pháo nhích dần, nhích dần. Khi  pháo kéo  đến vị trí dốc Chuối, đêm tối, trời mưa, đường trơn, một bên là núi cao một bên là vực thẳm, khẩu pháo bị đứt dây tời lao nhanh xuống dốc. Trước hoàn cảnh nguy hiểm đó, anh Tô Vĩnh Diện hô anh em “thà hy sinh quyết bảo vệ pháo” và đồng thời anh lao tới để cứu pháo, khẩu pháo khựng lại, nhưng hàng tấn sắt thép ấy đã đè lên người anh, trước khi hy sinh anh còn hỏi đồng đội mình: “pháo có cứu được không?”. Tấm gương hy sinh của anh cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho đồng đội hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo vào mặt trận để phục vụ cho chiến dịch.

Kéo pháo vào trận địa

Yếu tố tạo nên bất ngờ lớn thứ 2 đối với Pháp đó chính là: Công tác vận chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí, đạn dược của quân đội Việt Nam vào chiến trường Điện Biên Phủ.  Navarre cho rằng Điện Biên là một tỉnh miền núi hiểm trở, lại ở cách xa hậu phương nên việc vận chuyển lương thực sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Navarre đã tính toán mỗi một dân công Việt Nam có thể vận chuyển trung bình từ 10 đến 20kg lương thực nhưng trên quãng đường vận chuyển đó sẽ ăn hết, chỉ dư ra từ 0,8 đến 2kg không đủ để phục vụ cho chiến dịch. Ngược lại Pháp có cầu hàng không hiện đại chỉ cần 90 phút 5 tấn hàng được đáp xuống sân bay Mường Thanh. Nhưng với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, chúng ta đã huy động toàn bộ phương tiện từ xe cơ giới đến thô sơ như: ô tô,thuyền, bè, mảng, xe cút kít, xe đạp thồ,... để vận chuyển hàng chục ngàn tấn lương thực, đạn dược vào mặt trận Điện Biên Phủ. Một trong những phương tiện sử dụng chủ yếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ là những chiếc xe đạp thồ. Ta đã huy động được 20.991 chiếc xe, trung bình mỗi chiếc có thể vận chuyển được từ 100kg đến 150 kg lương thực. Và đặc biệt chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng người dân công Phú Thọ, ông đã nâng tải trọng chiếc xe lên đến 337 kg trong một chuyến. Đây chính là những chiếc xe đạp hiệu PeuGeotcủa Pháp là những chiến lợi phẩm ta thu được từ những chiến dịch ở đồng bằng.

  Sau này khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, chính Navarre đã phải thốt lên rằng: Một trong những lý do khiến ông ta thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ lại chính bởi những chiếc xe đạp thồ đơn giản thô sơ được điều khiển bởi những người dân công Việt Minh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ngủ trên những mảnh ni lông dải ngay ở bìa rừng, nhưng lại có khả năng điều khiển những chiếc xe đạp có trọng tải hàng trăm kg, đã đánh bại các loại vũ khí tối tân hiện đại như xe tăng và pháo lớn của quân đội Pháp.

Bất ngờ lớn thứ ba đối với thực dân Pháp là chiến thuật “vây lấn” bằng cách đào các giao thông hào để đối phó với các cứ điểm phòng ngự kiên cố của Pháp. Sau khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, một trong những công việc đầu tiên của chúng là san phẳng mọi chướng ngại vật trong thung lũng Điện Biên để tạo điều kiện tối đa cho tầm nhìn, tầm bắn hiệu quả của các loại hỏa lực, triệt phá nơi ẩn nấp cơ động của bộ đội Việt Nam. Quân đội Việt Nam muốn tiếp cận các mục tiêu của quân Pháp phải vận động qua một địa hình trống trải khoảng 200m, đây là điều kiện rất thuận lợi để quân Pháp ngăn chặn, sát thương, tiêu diệt lực lượng. Nắm được âm mưu của thực dân Pháp, Bộ tư lệnh chiến dịch áp dụng chiến thuật đào hào vây lấn để siết chặt vòng vây và tiếp cận dần vào các vị trí của quân Pháp. Qua nhiều ngày đêm liên tục vừa chiến đấu vừa đào hào, bộ đội Việt Nam đã xây dựng được hệ thống giao thông hào dài hàng trăm kilomet bao vây, siết chặt các cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Hệ thống giao thông hào như chiếc thòng lọng từng ngày, từng tháng thít chặt quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Với chiến thuật đào hào vây lấn, quân đội Việt Nam không chỉ đã khắc phục được địa hình trống trải mà còn từng bước áp sát các cứ điểm của quân Pháp, hệ thống chiến hào đã trở thành bàn đạp tiến công vô cùng thuận lợi, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm với 3 đợt tấn công, 17h các đồng chí thuộc tổ xung kích xông vào căn hầm chỉ huy bắt sống tướng De Castries cùng 20 sỹ quan tùy tùng đã đầu hàng. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954  lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng De Catries giữa chiều hè tháng năm lịch sử, báo hiệu giờ chiến thắng, 24h ngày 7/5/1954 chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kết tinh của nhiều nhân tố, đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của tinh thần dũng cảm kiên cường với trí thông minh sáng tạo và những nỗ lực phi thường để khắc phục những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, làm được những việc tưởng chừng không thể làm nổi, tạo nên bước tiến vượt bậc về khả năng và sức mạnh chiến đấu để đánh bại mọi kẻ thù.  

Hơn sáu thập kỷ qua, Điện Biên vinh dự và tự hào được thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ và phát huy giá trị Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ - một trong những di tích quốc gia đặc biệt của cả nước. Trong đó bao gồm các di tích nổi bật của chiến trường Điện Biên phủ năm xưa như: Đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Him Lam, Hồng Cúm, đồi Độc Lập, cầu Mường Thanh, hay hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ... Một số di tích thuộc di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đang được gìn giữ và bảo tồn và phát huy giá trị, là điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh tiềm năng du lịch lịch sử thì du lịch văn hóa cùng các danh lam thắng cảnh đã và đang được tỉnh khai thác phát huy, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.

                                                                                     


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 9.914.532
    Online: 21