Điện Biên là tỉnh có 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có những tín ngưỡng riêng gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh của mình.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên có các loại hình tín ngưỡng gồm: tín ngưỡng thờ người có công với đất nước, tiêu biểu như thờ nhân vật lịch sử Hoàng Công Chất tại đền Hoàng Công Chất - di tích Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; tín ngưỡng thờ cúng xử ca của người Mông, thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng vạn vật hữu linh - tín ngưỡng đa thần (thờ thần sông, thần suối, thần rừng, thần cây, thần đất.... của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và tín ngưỡng thờ Then của người Thái trắng.

Các cơ sở hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh tồn tại rất ít, tiêu biểu có đền thờ Hoàng Công Chấ tại di tích Thành Bản Phủ (huyện Điện Biên). Tại đây có Ban quản lý di tích đồng thời cử thành viên thực hiện kiêm nhiệm việc bảo vệ, trông coi cơ sở tín ngưỡng đền Hoàng Công Chất.

Nhằm thực hiện tốt các quy định và nội dung liên quan về cơ sở tín ngưỡng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 2106/SVHTTDL-DSVH ngày 22/11/2018 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản số 517/UBND-KGVX ngày 01/3/2019 về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019, trong đó UBND tỉnh đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến quán triệt, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện và triển khai có hiệu quả Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, các quy định của Đảng, nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội tại địa phương. Hướng dẫn Ban quản lý di tích, các cơ sở tín ngưỡng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội. Xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn quy mô, cách thức tổ chức lễ hội lành mạnh, thiết thực, phù hợp với phong tục, tập quán; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các di tích, cơ sở thờ tự đảm bảo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi thực hành tín ngưỡng và tham gia lễ hội. Hướng dẫn các địa phương xây dựng quy ước nhằm thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phát huy được truyền thống văn hóa, tập quán xã hội và tín ngưỡng của các dân tộc được cụ thể hóa trong các quy ước do cộng đồng xây dựng và đưa vào thực tiễn.

 Trong số các loại hình tín ngưỡng, tín ngưỡng chủ đạo của các dân tộc là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ biến tại cộng đồng các dân tộc. Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của cộng đồng, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi dân tộc có cách thức khác nhau về việc thờ cúng, như lựa chọn các thời điểm cúng trong năm hoặc cách đặt vị trí bàn thờ có thể là gian chính giữa nhà hoặc gian bếp - tùy theo tập tục của từng dân tộc.Tín ngưỡng đa thần thể hiện niềm tin vào sức mạnh và sự nhiệm màu của các vị thần linh cai quản tại các khu vực như rừng, sông, suối, đất đai, thậm chí cả cây cối cũng có thần ngự trị. Tín ngưỡng thờ cúng xử ca của người Mông được duy trì là bởi theo quan niệm của người Mông, xử ca (có nơi người Mông còn gọi là xử cang) là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống ma nhà của người Mông (ma nhà gồm: ma tổ tiên, ma xử ca, ma buồng, ma cửa, ma bếp). Trong đó ma xử ca được họ coi trọng nhất, đó là ma có nhiệm vụ cai quản của cải, tiền bạc, phù hộ cho gia đình làm ăn khá giả (điều đó cũng được hiểu xử ca giống như thần tài của người Kinh), ngoài ra người Mông còn cho rằng xử ca có nhiệm vụ giữ các linh hồn trong gia đình, không cho đi lang thang. Mỗi năm vào dịp Tết (theo lịch của người Mông) họ làm lễ để thay bàn thờ mới cho xử ca (còn gọi là thay áo mới) vào ngày 30 tết. Nơi thờ xử ca được đặt ở tấm ván giữa tường phía sau đối diện với cửa chính. Có thể thấy tín ngưỡng thờ xử ca của người Mông được thể hiện rõ nét và tiêu biểu trong đời sống xã hội của người Mông. Đây là nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng người Mông. Tín ngưỡng thờ Then của người Thái trắng chủ yếu được duy trì theo cách "Cha truyền con nối" hoặc người được truyền dạy thực hành các nghi lễ Then. Những người làm nghề Then sẽ lập bàn thờ Then tại nhà để thờ cúng và luôn tin tưởng vào sự phù hộ, dẫn lối của các quan Then hoặc các Tổ Then đã trợ giúp cho người trần gian được khỏe mạnh, hạnh phúc.

Để phát huy được các loại hình tín ngưỡng phải đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng, đặc biệt là gắn liền với hoạt động du lịch .Việc sử dụng cơ sở tín ngưỡng trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm trong nhiều năm qua. Tiêu biểu kể đến di tích Thành Bản Phủ được liên kết với hệ thống tuyến tham quan di tích chiến trường Điện Biên Phủ và các di tích khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, di tích Thành Bản Phủ đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước bởi du khách đến đây không chỉ nghiên cứu, tìm hiểu về các giai đoạn lịch sử mà còn chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp về văn hóa các dân tộc và ý nghĩa, giá trị về văn hóa tín ngưỡng được hội tụ trong những ngày diễn ra lễ hội tại đây. Cơ sở tín ngưỡng - đền Hoàng Công Chất đã được chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan, ban ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo tổ chức, tuyên truyền, quảng bá  hình ảnh, ý nghĩa, giá trị của lễ hội gắn với di tích. Do đó hàng năm di tích Thành Bản Phủ đã đón hàng nghìn lượt khách du lịch.

Ngoài ra, tại cơ sở thờ tự thuộc gia đình thầy Then duy trì và gìn giữ có thể phát huy giá trị gắn với du lịch thông qua việc tổ chức, kết nối cho du khách tìm đến cộng đồng để nghiên cứu, trải nghiệm về những ngày diễn ra lễ Kin pang Then được tổ chức vào mùa xuân hàng năm.

Như vậy, các hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh đã trở thành phong tục tập quán, được cộng đồng thường xuyên thực hành và trao truyền qua các thế hệ. Tín ngưỡng ấy đã ăn sâu trong lối sống, nếp nghĩ của người dân, tạo niềm tin và động lực tinh thần rất lớn cho nhân dân các dân tộc, giúp họ cân bằng cuộc sống và tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 9.914.413
    Online: 200