Chợ A Pa Chải hay còn được gọi là chợ ngã ba biên giới nằm trên vùng đất tiếp giáp giữa huyện Mường Nhé (Điện Biên - Việt Nam) với huyện Giang Thành (Vân Nam - Trung Quốc), gần cột mốc số 3 giữa biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Được họp vào những ngày 3, 13 và 23 dương lịch hàng tháng, 6 năm trôi qua kể từ khi hình thành, chợ phiên A Pa Chải không chỉ trở thành một thói quen thân thuộc của nhiều thế hệ dân tộc, một nét đẹp văn hóa vùng biên cương mà còn là một địa chỉ hấp dẫn mời gọi du khách đến tìm hiểu, tham quan.
Được thành lập từ năm 2010 với mục đích ban đầu là phục vụ nhu cầu mua sắm, giao thương của bà con hai bên biên giới, mỗi phiên chợ thường họp từ sáng sớm đến 5 giờ chiều. Từ những ngày đầu còn đơn sơ, thưa thớt với những sạp hàng đơn lẻ, hàng hóa đơn điệu thì nay chợ đã phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bà con nhân dân cũng như du khách tham quan. Hiện quy mô chợ không ngừng phát triển, các gian hàng bày san sát và hàng hóa rất đa dạng nhiều chủng loại. Bên Việt Nam, bà con ở các bản mang đến hàng nông sản tự sản xuất như gạo nếp, gạo đỏ, gà, thảo quả,… Các quầy hàng nông cụ phục vụ sản xuất như dao, cuốc, xẻng, lưỡi cày của người Hà Nhì rất đông khách. Các mặt hàng như thuốc lá, bánh kẹo, Cà phê Trung Nguyên, Chè Tân Cương, Phan Nhất,… là những mặt hàng được nhiều người Trung Quốc ưa thích và tìm mua.
Bên kia Trung Quốc, các gian hàng cũng rất phong phú với đủ các mặt hàng đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Từ thực phẩm, giày dép, quần áo đến các sản phẩm điện tử, đồ gia dụng… Không chỉ người Việt và người Trung Quốc, đến chợ mua sắm còn có cả người Lào dù sinh sống ở những bản khá xa chợ.
Một điều lưu ý đối với mỗi người dân nói chung hay với những du khách nói riêng, để được vào chợ thì tất cả phải qua trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng A Pa Chải và trình chứng minh thư nhân dân hoặc sổ hộ khẩu. Các phương tiện đi lại được tập trung tại một khu vực riêng và có các chiến sỹ trông coi cẩn thận, miễn phí cho người dân.
Và có lẽ nét độc đáo của phiên chợ nơi cực Tây tổ quốc chính là không khí giao hảo thông thương nơi đây. Đó chính là cách người bán, người mua trả giá. Dù là người Việt Nam hay Trung Quốc thì người bán và kẻ mua không nhất thiết phải biết tiếng nước bạn. Người cần mua chỉ chọn hàng và giơ lên, tức khắc người bán sẽ lấy máy tính chỉ ra số tiền. Trong ví của người bán luôn có sẵn tiền các mệnh giá của cả Trung Quốc và Việt Nam. Khi được hỏi giá, họ liền mở ví, cầm số tiền tương ứng ra để người kia biết giá. Cứ thế cho đến khi một cái gật đầu, nụ cười tươi rói giữa chủ và khách đánh dấu sự kết thúc của cuộc mua bán.
Đi vòng quanh chợ sẽ thấy, người đến chợ không chỉ có mục đích là mua hang mà có rất nhiều người đến chỉ để chơi chợ. Đó là những thanh niên đang túm tụm trò chuyện nhưng mắt vẫn không rời khỏi dáng đi uyển chuyển của những cô gái trẻ. Nhiều phiên chợ còn bắt gặp những nhóm phượt của các bạn trẻ trên mọi miền tổ quốc may mắn đến với A Pa Chải dùng dịp chợ phiên, háo hức khám phá, say sưa với những khuôn hình phiên chợ đầy màu sắc.
Hãy đến với Mường Nhé, với Chợ phiên Sín Thầu. Một hành trình đầy thú vị sẽ đón chờ bạn. Với điểm nhấn là cột mốc ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc đã và đang là một địa chỉ đỏ đối với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với du khách thích “phượt”. Ấn tượng sâu sắc khi chinh phục A Pa Chải không chỉ là thể hiện lòng quyết tâm, ý chí, thể lực mà còn là niềm tự hào khẳng định chủ quyền tổ quốc, niềm say mê trước vẻ đẹp phiêu bồng của vùng núi quanh năm mây phủ ẩn hiện trong đó là những bản làng với những mái nhà trình tường rêu phong của người Hà Nhì. Tự bao giờ, ngã ba biên giới đã trở thành ngã ba hội tụ của những sắc màu văn hóa sẽ làm hài lòng du khách.
Bài, ảnh: Mai Hoa
Trung tâm TTXTDL