Nếu có ai hỏi tôi cũng như rất nhiều người dân đã từng sống và trải nghiệm trên mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng rằng ở đâu có tầm view (tầm nhìn) thành phố đẹp nhất thì tôi đoán rằng đa số sẽ nói đó chính là đồi D1 nơi đặt tượng đài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Nếu có ai hỏi tôi cũng như rất nhiều người dân đã từng sống và trải nghiệm trên mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng rằng ở đâu có tầm view (tầm nhìn) thành phố đẹp nhất thì tôi đoán rằng đa số sẽ nói đó chính là đồi D1 nơi đặt tượng đài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.


Đặc điểm nổi bật của địa hình thành phố Điện Biên Phủ bên cạnh một cánh đồng Mường Thanh nổi tiếng đã đi vào huyền thoại “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, từ Tấc”, một cánh đồng rộng, màu mỡ phì nhiêu mà nhà bác học Lê Quý Đôn vào thế kỷ XVIII đã giới thiệu về cánh đồng Mường Thanh rằng "Thế núi vòng quanh, ruộng đất bằng phẳng, màu mỡ... công việc làm ruộng bằng nửa công việc các châu khác mà số hoa lợi thu hoạch gấp đôi...", gần với hiện tại hơn nhà sử học Dương Trung Quốc đã có nhận xét nếu Điện Biên không có cánh đồng Mường Thanh thì không khác gì một đô thị dưới xuôi.

Nhưng những ai sống lâu và chiêm nghiệm nhiều hẳn sẽ nhận ra một điểm riêng có nữa ở Điện Biên đó là có hệ thống đồi khá dày trong lòng thành phố tạo thành những điểm cao rất lợi thế cho quân sự mà thực dân Pháp đã xây dựng các cứ điểm như cứ điểm Bản Kéo, đồi Độc Lập, đồi E1, C1, C2, A1 và D1; ngày nay hệ thống các đồi này tạo ra cảnh quan hết sức đẹp mắt, bên cạnh đó tạo ra hệ thực vật phong phú góp phần làm trong lành thành phố.

Ngược trở lại quá khứ, đồi D nằm trong cụm Đôminích và bao gồm 3 ngọn đồi D1, D2, D3, thực dân Pháp đó xây dựng và biến cứ điểm này thành vị trí tiền tiêu của dãy đồi phía Đông. Do vị trí và nhiệm vụ của đồi D là trực tiếp che chở cho khu trung tâm Đờ - cát - xtơ- ri và sân bay Mường Thanh. Thực dân Pháp lợi dụng địa thế tự nhiên của 3 mỏm đồi có lợi cho chúng về mặt quân sự để xây dựng thành vị trí phòng thủ vững chắc.

Thực dân Pháp đã xây dựng cứ điểm đồi D rất chắc chắn ngoài cùng (Tiền duyên) gồm 3 lớp hàng rào dây thép gai đó là mái nhà kép, cũi lợn và hàng rào được liên kết với nhau có độ dày từ 40-60cm và xen kẽ các loại mìn. Có thể nói đây là một lưới lửa tự động để sẵn sàng thiêu cháy đối phương ngay từ ngoài tiền duyên.

Sau 3 lớp rào là tuyến hào tiền duyên sâu 1,5m, rộng 1m ( hào lộ thiên) từ tuyến hào này địch đào đường hào nhỏ ăn thông với tuyến hào 2 và phát triển ra 3 cứ điểm trên 3 quả đồi (D1 ,D2,D3 ). Đặc biệt ở tuyến hào này địch phát triển rộng ra nhiều tuyến hào liên kết với nhau và ăn sâu với chỉ huy sở. Chiến hào này sâu 1,7m rộng 1m, trên hào được bố trí nhiều ụ súng máy để bảo vệ chỉ huy sở. Quân Pháp bố trí tiểu đoàn 3 trung đoàn Angiêri rất thiện chiến chiếm giữ. Do vậy để chiếm giữ được ngọn đồi này trong hoàn cảnh khí tài vật lực của quân và nhân dân ta còn rất hạn chế nên ta tổn thất khá nhiều.Nhưng với cách đánh táo bạo bộ đội ta đào hào vây lấn, chia cắt các cứ điểm địch. Ta đào ban đêm, ban ngày địch lại ra lấp, các chiến sĩ không nản vẫn tiếp tục đào, tạo thành thòng lọng thít dần và cuối cùng thắng lợi hoàn toàn đã thuộc về bộ đội Cụ Hồ.

Điểm cao D1 vinh dự được chọn làm vị trí đặt tượng đài chiến thắng trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Theo dự kiến ban đầu, Tượng đài sẽ được đặt tại đồi C2 (ngày nay là nơi xây dựng Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh). Nhưng qua nhiều ý kiến bàn bạc, tỉnh Điện Biên đã xin ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và được sự đồng thuận nhất trí của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) và Bộ Xây dựng , nên đã quyết định đặt Tượng đài tại đồi D1. Vì đây là ngọn đồi lịch sử nằm ở trung tâm thành phố, có vị trí cao, có thể bao quát toàn bộ thành phố.Từ độ cao này có thể tạo ra góc nhìn đẹp đến tất cả các điểm di tích của Điện Biên Phủ như: A1, C1,, Hầm Đờ Cát , cầu Mường Thanh. Công trình này kết hợp với các đồi di tích, các điểm du lịch thành một tuyến khép kín mà điểm đến cuối cùng là khu Tượng đài kết thúc như một biểu tượng của chiến thắng và hoà bình.

 Điện Biên đang gấp rút chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử ĐBP nhưng những dấu ấn của 50 năm vẫn còn in đọng mãi hình ảnh còn khắc ghi mãi trong tim người dân Điện Biên là hình ảnh những xe siêu trường siêu trọng vận chuyển tượng đài chiến thắng phải sửa nhiều cầu cống để chịu được tải trọng lớn về đích an toàn trong niềm hân hoan của hàng ngàn người dân xuống đường cổ vũ như tái hiện lại phần nào chiến công hào hùng. Mặc dù có những vết gợn trong việc xây dựng tượng đài khi ở đâu đó có những người chưa thật sự dành hết tâm sức cho công trình này, nhưng nhìn tổng thể và khách quan công trình tượng đài chiến thắng lịch sử ĐBP vẫn là công trình đẹp mang nhiều dấu ấn lịch sử và thời đại.

Đến Điện Biên hôm nay vào các buổi tối nơi tụ tập sinh hoạt đông nhất không ở đâu khác chính là ở đồi D1 nơi đặt tượng đài chiến thắng LS ĐBP các cụ ông, cụ bà, thanh niên đi tập thể dục nơi độ có cao với không khí trong lành bởi xung quanh có hệ thống thảm thực vật phong phú; nơi đây cũng là nơi trung tâm nhất rất gần các địa điểm vui chơi, giải trí, giải khát; hình ảnh các cô bé, cậu bé được bố mẹ đưa đi chơi đi dạo trên tượng đài thích chí cười tít hết cả mắt, một hình ảnh của một dân tộc yêu chuộng và khát vọng hòa bình, một hình ảnh đẹp mà để có được bao lớp thế hệ cha anh đã ngã xuống cho Điện Biên hòa bình hôm nay.

Tôi cũng đang sải những bước chân mạnh mẽ dạo bước trên trục hành lễ tượng đài chiến thắng lịch sử ĐBP và miên man nghĩ mong cho tiếng cười trên miệng các cô bé, cậu bé cứ rạng ngời hạnh phúc mãi./.

Đào Duy Trình


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.148.544
Online: 140