Dân tộc Thái quan niệm con người bao gồm hai phần là phần hồn và phần thân xác, phần hồn có sự gắn bó khăng khít với thân thể, hồn là một dạng phi vật thể, nhưng là thể sống của con người. Nếu không có hồn sự sống không tồn tại, thể xác của con người lúc bấy chỉ thuần túy là vật thể vô tri, vô giác. Theo người Thái, mỗi con người đều có rất nhiều khoăn ứng với mỗi bộ phận trên cơ thể người.

Bởi bất kỳ một lý do nào mà khoăn rời xa cơ thể, thì chủ khoăn sẽ bị ốm đau, bệnh tật thậm chí bị chết. Do đó để chữa bệnh phải tiến hành các lễ thức để đưa khoăn trở về với có thể. Đương nhiên phải tùy thuộc vào các loại khoăn nào và rời cơ thể để đi đâu mà gia chủ phải mời thầy mo nào và quy định mức độ, quy mô.. của lễ thức chữa bệnh.

Thông thường là gia đình người bệnh nhờ thầy mo hay mốt đi tìm khoăn lạc, rồi dụ dỗ dẫn đường để đưa khoăn trở về với gia đình, nhập vào cơ thể của khoăn, cho khoăn ăn, làm lễ cột khoăn vào với cơ thể (nghi lễ ở Lào gọi là sự khoăn - thành một quốc lễ của Lào) khuyên nhủ răn đe lần sau khoăn không được dại dột mà rời bỏ cơ thể.

Trong trường hợp trầm trọng thí dụ khi một gia đình, một dòng họ nào đó có người chết, khi ông mo phi dẫn phi chết lên mường pha, khoăn của một số người thân trong gia đình cũng đi theo. Thông thường khi đã dẫn phi đến mường pha, ông mo gọi hết khoăn của người thân, họ hàng dẫn họ trở lại trần gian, nhưng cũng có những khoăn bị lạc và cũng có những khoăn vị lưu luyến với phi của người thân vừa chết mà không kịp trở về. Cũng có những trường hợp khoăn bị các phi bắt giữ ở lại mường pha.

Trong các trường hợp này thì thầy mo (ông Mốt lao) phải đích thân lên mường pha, để đưa khoăn về. Có những trường hợp ông mốt lao phải đánh nhau với các phi để đưa khoắn trở về hoặc giữ khoăn. Tuy nhiên không phải lúc nào trong bất kỳ cuộc giao chiến nào, ông Mốt, nhất là những ông Mốt không cao tay có thể chiến thắng được các phi. Trong các trường hợp như vậy thì khoăn không thể trở về được và dĩ nhiên người ốm sẽ chết.

Khi con người chết đi phần hồn này sẽ bay lên trời theo tổ tiên ở trên cao, nơi đó có một cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy, do vậy người sống cũng có hồn và người chết thì thành hồn ma và không còn thể xác; cái chết là một tổn thất đau thương lớn đối với gia đình và cộng đồng thì tâm trạng của mọi người cũng đã phần nào được an tâm vì dân tộc Thái quan niệm người chết sẽ theo tổ tiên lên trời, nhưng để được toại nguyện thì trong đám ma của người Thái (ngành Thái trắng) có những quy định hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ bắt buộc những thành viên trong gia đình và cộng đồng phải noi theo.

Trong đám ma của người Thái trắng có một quy định bất thành văn đó là khi trong nhà có người già chết thì nhất thiết cháu rể, con rể, em rể - lu khươi phải là người vào bếp nấu nướng, phục vụ những người đến tham dự lễ tang, trước khi lễ tang chính thức được bắt đầu những người có trách nhiệm bên nhà có người chết phải sang xin phép người lớn tuổi bên thông gia để sang giúp; thường phải là những bậc ngang hàng ví dụ ông trong nhà mất, thì bố vợ phải sang nói chuyện với bên nhà thông gia để con rể đi giúp.

Có một điều kiêng kỵ nữa là là khi trong dòng họ có người chết tất cả các gia đình trong dòng họ trừ gia đình có người chết không được mài dao từ 5h chiều đến hết 3 ngày làm lý cho đám tang vì họ quan niệm nếu mài dao trong khoảng thời gian này thì, ông bà  cho rằng đó là những người con cháu  người bất hiếu mong ông bà chết để được mổ trâu, mổ lợn làm ma cho ông bà.

Một tục lệ nữa là khi trong gia đình có người mất thì những chiếc cuốc, xẻng, xà beng đi đào huyệt cho người chết, khi đào xong các dụng cụ này mang về sẽ phải để ở chân cầu thang, nếu người mất là bố mẹ thì để ở chân cầu thang bên gian hoóng còn người mất là con cháu thì để ở cầu thang bên mang hẩ, khi người chết đã được mai táng xong thì người trong gia đình phải lấy lá cây phủi vào các công cụ lao động này để xua đi những xui xẻo thì các công cụ này mới được đặt vào chỗ cũ.

Việc tham gia vào đám ma là một sự bắt buộc đối với toàn thể nhân dân trong bản, đây là một sự bắt buộc theo hương ước và cũng là tình cảm trách nhiệm giữa con người với con người và nhân dân trong bản, mỗi gia đình trong bản phải đóng góp 10.000đ và mang đến góp gạo, củi..với gia đình hoặc cũng có thể đóng góp thêm, việc đóng góp này được trưởng bản ghi vào danh sách, còn đối với những người trong họ hàng phải đóng bắt buộc là 50.000đ và cũng có thể đóng góp hơn số tiền đóng góp này được một thành viên trong gia đình ghi vào sổ.

Đối với con cháu trong nhà, ngoài khoản tiền phải đóng góp mỗi người con không phân biệt dâu, rể, con đẻ mỗi người phải đóng góp cho người quá cố một con lợn người nào kinh tế khá thì lợn to và ngược lại đây là phần đóng góp để giúp gia đình nào nuôi người quá cố đỡ phần nào chi phí vì khách qua lại trong, ngoài bản rất đông và trong mấy ngày liên tục.

Nếu là họ hàng với người quá cố còn có thêm chi tiết để phân biệt với nhân dân trong bản ở chỗ đã là họ hàng (đẳm) thì con trai đều phải dắt con dao đeo ở bụng để làm nhiều việc.

Do số lượng người tham gia đám tang rất đông chỉ riêng những người trong bản đã có số lượng lớn, chưa kể anh, em họ hàng, những người ở xa và những người bạn, bên cạnh đó trong đám ma người Thái có lý  riêng đã đến đám tang là phải ăn uống với gia đình người chết và đã là họ hàng – đẳm khi đến đám tang phải ngủ lại nhưng không được ngủ ở đâu khác mà phải ngủ ở nhà người chết, vì người Thái quan niệm quý nhau thì lúc này phải ở với nhau cho đỡ buồn và còn có lý do tế nhị hơn là ở lại sẽ đông người nên hồn ma sợ và sẽ không về để trêu chọc những người thần hồn nát thần tính, đặc biệt đối với những người khi sống mà vui tính thì sẽ hay về để trêu và quấy rối mọi người vả lại những người phụ nữ là những người yếu bóng vía nên càng phải cần đông người, do vậy mới có câu tục ngữ “ba năm ở rể, không bằng ba ngày đám tang”.

Việc đặt quan tài người chết cũng có quy định rõ ràng, nếu người chết là chủ gia đình thì sẽ được đặt ở gian giữa (hẩu pính), còn không thì khi sống nằm ở gian nào thì khi chết sẽ được đặt ở gian đó.

Trong đám ma có kiêng đối với những người tham gia vào đám tang là mỗi người không được động vào thân thể người khác đặc biệt là vào đầu bởi người Thái quan niệm nếu sờ vào người sẽ gây ra ốm đau và người gây ra sư động chạm này phải làm lý một con gà hoặc con lợn tùy thuộc vào người bị ốm nặng hay nhẹ.

Việc mặc quần áo cũng có sự phân biệt để dễ dàng nhận biết sự thân sơ đối với người quá cố qua cách ăn mặc. Đối với con trai mặc quần, áo trắng và đeo khăn tang trắng; con rể mặc áo trắng và đeo khăn trắng; cháu rể đội khăn trắng; con dâu, cháu dâu, con gái mặc áo dài đen (xửa luông) và đeo khăn trắng, con dâu, cháu dâu có sự phân biệt với con gái áo dài có thêm viền đen.

Một đám ma của người Thái trắng khu vực xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay thường diễn ra trong 3 ngày cụ thể tiến trình như sau:

Ngày thứ nhất:

Khi trong nhà có người chết thì mọi người trong nhà phải tiến hành thông báo cho họ hàng, tiếp đó phải thông báo cho nhân dân trong bản, nếu có anh em họ hàng ở xa, giao thông đi lại cách trở, thông tin liên lạc chưa có thì trưởng bản phải nhờ người đưa thư tận tay để thông báo cho người đó biết.

Người chết là người chủ gia đình nên được đặt ở gian giữa nhà. 14h chiều trong nhà sẽ tiến hành phát tang tiếng Thái gọi là Khay vệ

Trong nhà phải chuẩn bị một bát nước bồ kết hoặc nước vo gạo, con trai cả sẽ báo cáo với tổ tiên ông bà hôm nay sẽ làm các thủ tục cho bố về với tổ tiên ông bà tiếng Thái gọi là cất cưới, trước khi làm lễ cúng tổ tiên, người con trai phải báo cáo với bố hôm nay sẽ làm “cất cưới” cho bố, người con trai tay phải cầm cái khó (mâm cúng của người Thái) trên có chiếc áo mà bố mình hay dùng, một đĩa trầu cau được đặt trên áo,  tay trái cầm than bếp, bụng dắt dao đi xuống gầm sàn phải đi bên mang hóng (gian cầu thang bên nam) và ngồi xuống gầm sàn, đi cùng có thầy mo đọc lời cúng cho phi bản (ma bản) biết rằng hôm nay chính thức làm lễ nhập hồn cho ông cụ về với tổ tiên ông bà trong bản, trong mường.

Sau khi thông báo xong người con cả cầm cái “khó” đổ trầu cau và than củi xuống nền nhà sàn và lên nhà lấy con dao dắt ở bụng chém vào vách ở giữa nhà một cái với ý nghĩa con cháu đã mở đường cho ông đi mời ông đi lên trên trới với ông bà, tổ tiên, từ nay âm dương cách trở; con cháu và họ hàng lúc này mới chính thức phát tang mới được quyền khóc người thân của mình, sau đó người con trai mới đút dao vào dưới bàn thờ đã đặt sẵn dưới chân người chết, cùng với rượu, vải thái và báo cáo với bố nhà có trâu, có lợn, có gạo, rượu cho bố để bố đi lên trời với tổ tiên, ông bà; tất cả mọi người cùng lạy trước bàn thờ có chân dung, sau đó mới mặc áo tang theo quy định.

Quan tài có thể được chuẩn bị trước hoặc không, người Thái không đóng đinh vào quan tài họ quan niệm như vậy thì hồn người chết sẽ không được siêu thoát, giữa các tấm ván được mọi người rang gạo cho cháy và xay nhuyễn trộn với nước để trát vào các khe hở cho xác người chết khỏi chảy nước và bốc mùi; sau khi các khe hở được chát một người đàn ông cầm một bó hương được đốt cháy hua hua khắp lượt quan tài để xua đuổi hồn của những người sống ra khỏi quan tài, tiếp theo mọi người cho gạo vào có thể là gạo nếp hoặc gạo tẻ, tiếp đến là lượt áo mưa và vải trắng được gấp thành nhiều lượt

Người chết được con cháu tắm rửa sạch sẽ, cho mặc quần áo mới và toàn thân được cuốn bằng vải trắng (phải) của người Thái nhiều lần sau đó người chết được cuốn chăn bông và cót ép.

Trước khi người chết được đưa vào niệm, con cháu, họ hàng và nhân dân trong bản đến nhìn người chết lần cuối, tình cảm con người gắn bó với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, cảnh chia tay lần cuối trước khi người chết được đưa vào niệm thật tang thương và cảm động, xác người chết được những người đàn ông khỏe mạnh đưa vào niệm, còn những người phụ nữ đứng xung quanh khóc lóc thảm thiết.

Do không cố định bằng đinh nên quan tài được buộc chặt bằng các sợi chỉ trắng, tiếp đó quan tài được chuyển vào gian giữa và được cố định hơn bằng cách xoắn chặt các sợi chỉ với các sợi dây thừng với một đoạn gỗ, quan tài được đặt ở gian giữa phía dưới đặt một chiếc bàn thờ, đây là trường hợp đặc biệt, sự kiện quan trọng mới có bàn thờ đặt ở gian giữa khi có người thân qua đời (vì người Thái chỉ có khái niệm gian hóng là gian thờ giành cho tổ tiên ông bà), những người đàn ông vừa niệm vừa khóc thể hiện tình cảm xót thương, tiếp đó quan tài được dải vải đỏ lên trên đến đây hết công đoạn nhập quan, qua hỏi những người am hiểu trong bản thì việc dải vải đỏ được thực hiện trong nhiều năm trở lại đây, do trước kia thiếu vải người chết chỉ được phủ giấy đỏ vì giấy này được bán rộng rãi, do vậy khi kinh tế đất nước đi lên việc dải vải đỏ lên quan tài người chết cứ thế như một tiền lệ để mọi người làm theo.

Lúc này mọi người trong nhà mới đội khăn tang bắt đầu từ con dâu, con trai, con rể, cháu rể, cháu dâu, cháu ngoại và tất cả con cháu, họ hàng trong nhà người chết vào viếng ông lần cuối, nếu là họ hàng bên nội thì không kể tuổi tác và thứ bậc ai trong họ cũng đều phải đeo khăn tang, còn đối với bên ngoại (lúng ta) thì nếu nhỏ tuổi hơn và vai vế thấp hơn thì phải đeo còn lớn tuổi và vai vế cao hơn thì không phải đội khăn tang. Trong lúc nhập quan thì họ hàng ở xa và nhân dân trong bản vẫn đi về để chia buồn với gia đình người chết.

Đối với nhân dân trong bản: ngoài việc giúp vật chất và đến chia buồn với gia đình có những công việc phải do nhân dân trong bản giúp đỡ đầu tiên là chiếc nhà mồ (thịnh heo) cho người quá cố, nhà mồ người Thái (ngành Thái trắng) chia làm 2 bộ phận chiếc giường tre (chong páy) được làm từ những cây tre để đặt vừa chiếc quan tài của người quá cố, bộ phận trên như cái mái nhà để che chở hồn của người chết (rô che), cũng được đan bằng tre và cũng được thiết kế sao cho phù hợp với chong páy, trên những khung tre những người phụ nữ lấy vải đỏ để khâu ôm hết khung; ở giữa tấm vải đỏ được khâu vào một tấm vải trắng như chiếc khăn tang giữa mênh mông núi rừng, xung quanh rô che được trang trí rất nhiều tua rua nhiều màu sắc họ quan niêm như vậy mới tốt mà mới nhìn thấy mà về và thích ở nhà mồ ngôi nhà mới dành cho mình hơn là ngôi nhà mà khi sống mình vẫn sống để không về quấy nhiễu con cháu nữa và chỉ khi nào con cháu mời về thì hồn người chết mới được về.

Đồ dùng thứ hai của người chết mà nhân dân trong bản phải làm giúp gia đình đó là chiếc ô (cúp chề) được làm bằng một cây tre, trên được gắn tấm vải đỏ như hình cái ô xung quanh có các sợi tua rua xanh đỏ tím vàng, sau khi những thứ trên được nhân dân trong bản chuẩn bị xong thì những đồ này được mang vào nhà và quan tài được đặt vào cái chong páy và rô che được đặt lên chong páy thành hình ngôi nhà mồ cho người chết, cúp chề cũng được mang về đặt cạnh đó, chiều cao của cúp chề phụ thuộc vào chiều cao của ngôi nhà sàn phải làm sao để cúp chế chạm gần đến nóc thì mới tốt

Khoảng 16h chiều khi các công việc khâm liệm đã xuôi xuôi người con trai thứ hai do bố hoặc mẹ không ở với con cả mà ở với người con thứ hai, (còn nếu không thì phải do người con trai cả mang đi), tay trái cầm trứng vai đeo túi Thái trong có mấy sải vải Thái, vòng bạc trắng là những dụng cụ để tìm chính xác chỗ để đặt huyệt, cùng đi theo có 5 đến 7 người, những người đi theo này phải là anh, em họ hàng với người quá cố (trường hợp nhà nào neo người thì mới nhờ đến nhân dân trong bản để đi tìm chỗ hạ huyệt cho người quá cố), họ mang theo xẻng, cuốc, xà beng, đi lên nghĩa địa của bản và tìm chỗ để đặt mộ mọi người đi tìm và ném quả trứng sống mang theo xuống đất chỗ nào người quá cố ưng ý thì quả trứng sẽ vỡ, cũng có nhiều trường hợp người quá cố không muốn ở chỗ đó thì ngay cả ném vào đá thì trứng cũng không vỡ.

 Khi đã chọn được chỗ đào mộ tất cả mọi người đi theo đều phải đào những nhát xẻng, cuốc tượng trưng, coi như đã đặt phần đất này cho người quá cố và thường cũng có quy định bất thành văn nếu là người bậc thấp hơn và là con cháu thì mộ bao giờ cũng được đặt ở phía dưới nên những bậc cao niên thường ở trên cao tận trên đỉnh đồi bãi tha ma của bản.

Ngày thứ 2:

Khoảng 12h đêm bắt đầu của ngày hôm sau được bắt đầu bằng công việc mổ trâu, đây là con trâu thân thiết với người quá cố, con trâu hàng ngày ông vẫn chăm sóc, nâng niu; con cháu có lòng muốn cho trâu theo ông lên trời để phục vụ ông, còn những nhà nào mà không có trâu nuôi cũng phải bắt buộc mổ trâu để đi theo người quá cố lên trời.

Trâu được dắt tới chân cầu thang ngay gần gian giữa ngôi nhà sàn nơi đặt quan tài người chết, người con trai cả lấy những sợi chỉ hai đầu được quyết cơm nếp, một đầu đặt trên quan tài, một đầu sợi chỉ được cho qua thưng vách để đặt lên đầu trâu và nói rằng đây là trâu của ông nay con cháu giao cho ông để ông chăn dắt, nếu ông cụ đồng ý thì xôi sẽ gắn chặt lên đầu con trâu vì trong nhiều trường hợp nếu trong nhà có nhiều trâu thì phải phụ thuộc vào sự chọn lựa của người quá cố thông qua việc người chết thông báo qua thấy mo, đây cũng là thực phẩm chính phục vụ những người đến tham dự lễ tang người quá cố trong mấy ngày ròng.

 Khi người con trai cả nói xong sợi chỉ được kéo về phía quan tài; tiếp đó trâu được mang ra cho con cháu trong nhà để thịt, con trâu được trói gọn bốn chân lại và được kéo đổ một cách nhanh chóng xuống nền đất, được cột chặt và cố định bằng những cây tre đây là trâu cúng do vậy không được đập vào đầu cho ngất mới chọc tiết như trâu bán ngoài chợ mà phải cột chặt như vậy mới tôn trọng người chết và người chết mới nhận trâu.

 Khi trâu được giết và xẻ thịt xong sừng trâu phải được giữ nguyên vẹn và cùng với một mảnh xương để mang theo người chết ra mộ làm bằng chứng đã giết trâu để cho người chết mang về trời.

Sáng và chiều ngày hôm đó, con cháu, họ hàng và anh em gần xa mới nhận được hung tin và đến chia buồn với gia đình đây là ngày bận rộn và vất vả nhất của cánh làm rể họ phải phục vụ luôn tay chân không một lời ca thán và phải luôn nhã nhặn trước những đòi hỏi và yêu cầu của mọi người trong đám tang, do số lượng người đông nên lượng thịt cũng được tiêu thụ nhiều nhất trong ngày này.

Cửa vào nhà ở bên mang hóng và mang hẩ đều có treo những sải vải trắng với ý nghĩa để mở cửa cho người chết lên được trời nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng những sải vải trắng này có tác dụng treo ở các cửa để chặn ma không cho ma của người khác vào, lúc này có hai mâm cúng, mâm cúng được đặt ở dưới ngay dưới gian giữa đặt quan tài được đặt từ trước là của con cháu trong nhà.

Chiều ngày thứ hai huyệt mộ được những người thân trong gia đình đào xong, huyệt mộ được đào thường có chiều dài 2,4m, chiều ngang 1m, sâu 1,2 đến 1,4 m vì đây là đất đồi nên không có nước và đất rất rắn.

Một mâm cúng của thầy mo đặt ngang hàng với quan tài của người chết gồm một sải vải trắng, một đĩa xin âm dương một vòng bạc, hai chén rượu….việc giết lợn để cúng cho người quá cố nhiều hay ít tùy thuộc vào người đó có đông con cháu hay không.

Một mâm cúng ở dưới gồm 1 thủ lợn, 4 chân, đuôi và bộ lòng xếp thành hình con lợn hoàn chỉnh, vải trắng, gà con, gà to, rượu, …là mâm cúng cho người chết để mang theo lên trời, trong mâm cúng này có những chiếc lá trầu được cắt cách điệu hình con trâu có sợi chỉ xung quanh với ý nghĩa đây là những con trâu của gia đình mời ông về nhận để mang lên trên đó chăn, dắt.

Gà con là để cho người quá cố mang lên trời, còn gà to là để mọi người đến đám ma làm lý đây là những con gà được gia đình người quá cố mang thịt trâu để đổi lấy gà của bà Lâm Thị Hển là người biết làm lý trong bản khi đưa người quá cố ra bãi tha ma thì con gà to này sẽ được băm nhỏ và trộn với cơm để bà Hển dán vào đầu mọi người làm lý để gọi hồn mọi người về với gia đình không được đi đâu xa nữa nếu không hồn nào yếu bóng vía sẽ bị hồn của ma rủ đi.

Một mâm cúng gần quan tài để mang vào cúng trong rừng.Việc ngồi cạnh quan tài người chết cũng có sự phân chia rõ ràng con gái, cháu gái (những người bên nội) được ngồi trên ngang hàng với quan tài người chết, nhính sao (bên ngoại) và bao gồm cả con dâu, cháu dâu phải ngồi ở dưới.

Người Thái quan niệm khi chết là hồn được về  trời với tổ tiên ông bà và muốn được siêu thoát phải làm lễ Hảy sống khoăn (Hát tiễn đưa hồn) cho người chết nên phải nhờ người để đón thầy mo, hiện nay khu vực thị xã Mường Lay và Mường Chà còn một số thầy mo có tiếng được nhân dân hay mời đến cúng là thầy Khoàng Văn Thinh (bản Hốc, phường Na Lay, tx Mường Lay), Lò Thị Sính (bản Xá Đán, phường Na Lay, tx Mường Lay), Khoàng Văn Hăn, Phiêng Đất, xã Pa Ham, huyện Mường Chà…

Hảy sống khoăn với 3 mục đích: kể về tiểu sử người chết từ lúc trong bụng mẹ đến lúc sơ sinh

Quá trình lớn lên sinh sống làm ăn.

Quá trình ốm và mời thầy thuốc về để cúng, chữa bệnh nhưng không khỏi, và chết đi lên phải mời thầy cúng về để đưa người chết lên trời (năm khoan khoang), gọi hồn vía con cháu họ hàng và mời về nhà để làm ruộng nuôi con cháu, còn thầy mo và người chết cùng nhau lên trời để cùng đến chỗ ông bà tổ tiên ở (đao vi) để ông bà, tổ tiên dặn dò sau đó quay về.

Thầy mo thường cúng trong khoảng thời gian 2 tiếng lại nghỉ một lần để lấy lại sức, phụ giúp có một người chuyên làm giúp tiếp nước, thuốc lào cho thầy, thầy mo bắt đầu giờ cúng của mình vào lúc 20h tối và kết thúc vào khoảng 4h sáng ngày hôm sau.

Trong lúc thầy mo hảy sống khoăn cho người chết người nhà sau khi biết được người chết đã lên đường đi với tổ tiên, người con trai cả lấy nến bằng sáp ong vứt ngang qua thanh xà ngang và châm lửa đốt làm sao để nến sáp ong này cháy hết thì thôi với hàm ý con cháu đã chuẩn bị mọi thứ chu đáo, không tiếc thứ gì nhà đã chuẩn bị cá, gà, lợn trâu…tất cả mọi thứ sẽ cùng bố theo lên trời.

Ngày thứ 3:

Sau khi thầy mo cúng xong phải có mâm cơm tượng trưng để cảm ơn thầy mo và đưa lễ cho thầy mo trước đây toàn bộ mâm cúng ở phía dưới sàn dành cho thầy mo là đủ (nhưng trong thời buổi cơ chế thị trường hiện nay tùy vào điều kiện kinh tế các gia đình mời thầy đến đều phải đưa tiền).

Lúc này mọi người lại chuẩn bị đồ xôi mới và sắp một mâm cúng mới để cúng ngoài bãi tha ma bao gồm: một bát xôi, một đĩa thịt, một chén rượu, đôi đũa để cúng trước khi đưa người chết ra mộ, tất cả đồ cúng này cùng với lợn đã được hâm nóng lại được cho vào tá; trước khi tiễn đưa người quá cố ra huyệt mộ thầy mo đọc lời cúng để cho người con thứ hai đọc theo.

Một mâm cúng (khó) được người con thứ hai chuẩn bị gồm một đĩa thịt 12 miếng và rượu, đây là khó hết sức quan trọng vì người Thái quan niệm nếu một miếng mất đi là rất có thể một người nữa phải ra đi, một sự sợ hãi về sự trùng tang giống như người Kinh hoặc nếu không mất người thì làm ăn cũng sẽ thất bát vì thịt dành cho cha mà còn không giữ được thì nói đến chuyện làm ăn gì nữa.

Khoảng 6h sáng quan tài chuẩn bị được đưa ra ngoài bãi tha ma, quan tài lúc này được chằng buộc bởi các sợi dây thừng và được treo vào cây tre dài để khiêng.

Đoàn người ra huyệt mộ bao gồm: đi đầu là ông chủ họ với một bó đuốc đốt cháy để xua đuổi tà ma và dẫn hồn người chết đi đúng hướng, rể cả là người cầm cúp chề (cái nón), những người họ hàng cầm theo những chiếc cờ, con trai thứ hai cầm cái khó (vì người chết đang ở nhà con thứ hai nên việc làm ma cho bố người con thứ đóng vai trò quan trọng) nếu không mọi việc làm như xem đất và cầm khó là do con cả làm.

Cầm thóc, rượu và đồ cúng là con dâu và con gái, những người khiêng quan tài phải là những người họ hàng thân thiết, quen mặt đối với người chết, nhà nào neo người thì mới nhờ đến nhân dân trong bản, đoàn người cứ thế tiến đi rất nhanh vì quan tài rất nặng và cũng vì quan niệm phải đi nhanh để hồn người chết không nhớ đường để có thể về quấy nhiễu gia đình. Sừng trâu và xương trâu được nhân dân trong bản mang ra giúp.

Khi chuẩn bị từ đường cái lên rừng chỗ phi bản thì mọi người dừng lại để làm lý để chuẩn bị tách hẳn người chết khỏi thế giới của người sống, từ đây hồn người chết thành phi bản, phi mường. Quan tài sau khi được khênh ra đặt cạnh huyệt mộ), mái nhà mồ (rô che) được đặt sang một bên, cái đòn tre mang đi khiêng quan tài được chặt ra làm hai đoạn để đặt nganh huyệt mộ, lúc này quan tài được đặt dọc trên các đoạn tre, cúp chế (chiếc nón) được người rể cả đặt phía dưới chân mộ.

Bó đuốc được người chủ họ mang theo được mọi người kiếm thêm cây củi, bụi ở gần đó thành đám lửa to làm ấm lên không gian lạnh lẽo giữa mùa đông xứ núi, cờ mang theo được mọi người cắm xung quanh khu vực huyệt mộ như một sự đánh dấu khu vực có người chết mới.

Nhân dân trong bản giúp gia đình người chết hoàn thiện ngôi nhà mồ (thịnh heo) ngay tại chân mộ, cái giường (chóng pay) được mang ra chặt và đập dập để làm sàn cho nhà mồ (thịnh heo), tiếp đó mái nhà mồ được lợp (mái nhà mồ này do hôm qua thầy bói xem xét ý nguyện của người chết muốn được lợp nhà mồ của mình bằng ngói của nhà, ý nguyện của người chết là linh thiêng lên gia đình đã lấy ngay mái lợp nhà mình mang đi để nhân dân trong bản lợp hộ).

Đứng cạnh đó những người phụ nữ mang theo đồ cúng đứng thành hàng trước huyệt mộ và khóc lóc thảm thiết. Ngôi nhà mồ (thịnh heo) được nhân dân trong bản hoàn thiện xong, rô che được đặt lên mái nhà, những đồ cúng mang theo như vải trắng, vàng mã được đốt để người chết mang đi.

Đợi đến một giờ nhất định, đã được thầy mo xem từ trước quan tài được hạ huyệt, trước khi hạ huyệt một người cầm bó hương vừa đốt lên hua hua; đoạn gỗ và dây được mang đi đốt.

Một người lấy sợi chỉ buộc vào cái que sau đó buộc vào sợi chỉ ở giữa quan tài để lấy tâm; đoạn chỉ này còn được một người họ hàng của người chết vuốt lại bằng đường ăn với quan niệm đây là đám ma của người chủ gia đình, có nhiều chuyện có thể người này người kia không hài lòng nhưng vẫn phải nói ngọt với nhau như đường, như lúc bố còn sống cũng như lúc bố chết anh em trong nhà phải biết bảo ban nhau mà sống cho vừa lòng người nằm xuống, quan tài được từ từ hạ xuống huyệt, mỗi người đi theo ra huyệt mộ lấy một nắm đất ném xuống huyệt người quá cố để chia tay lần cuối, quan tài sau đó được lấp lại.

Nhà mồ (thịnh heo) được đặt theo chiều dọc ngôi mộ và được cố định ngay trên mộ bằng cách chôn cột xuống đất và ngôi mộ được giằng kéo bở các sợi dây thừng, sau đó thịnh heo được rào chắn cả tầng trên và tầng dưới, trên nóc nhà mồ được con, cháu rể đặt lên; tầng trên được người con gái cả của người quá cố dải chiếu lên, còn những người con gái khác đặt các đồ cúng lên chiếc chiếu mà chị mình vừa dải, sau đó màn được mắc, chăn được đặt vào một góc cùng chiếc bem trong đó có đựng nhiều quần áo của người quá cố.

Mâm cúng dải lá chuối bao gồm lợn luộc xếp thành hình, xôi, bánh, 8 chén rượu…được đặt dưới đất, mâm cúng (khó) có 12 miếng thịt được đặt lên trên, người con trai cả cúng xong mọi người đi theo ra đám ma cùng cúi xuống lạy người quá cố lần cuối và mỗi người được phát cho một nén hương để cắm xung quanh mộ của người quá cố. Tầng trên sau đó cũng được rào nốt lại để che chắn không cho các con vật có thể động chạm vào các miếng thịt. Sau đó mọi người ra về và trước khi vào nhà mọi người lấy cây xanh hua hua qua đầu để xua đuổi những hồn ma có thể theo chân những người còn sống để về nhà.

Sáng hôm sau con cháu trong nhà có người chết phải ra thăm mộ, quần áo trong bem (đồ đựng của người Thái) được mang ra phơi, ở tầng dưới gà con được người họ hàng mang theo thả vào, sau đó tầng dưới được rào chặt lại, đây là vật mang theo để người chết dùng trong lúc chưa thể đi ngay lên trời với tổ tiên ông bà, trước khi đi về nhà con cháu chặt cây xanh để chặn lối không cho người chết về nhà.

Sau khi người chết được 10 ngày thì con cháu trong nhà phải làm lễ khé khửn hớn tức là lễ gọi hồn người chết lên nhà thành con ma hóng mới và cùng đó phải làm lễ dệt hóng để chính thức báo cáo với tổ tiên ông bà người quá cố đã trở thành ma nhà, từ này trở đi lên hẳn trên trời với tổ tiên ông bà và chỉ được về khi con cháu gọi đến tên tuổi.

Đào Duy Trình

Phòng Nghiệp vụ Văn hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.407.031
Online: 114