Nậm Pồ là một huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Điện Biên; có 15 xã (trong đó có 8/15 xã biên giới giáp Lào, đường biên giới dài 119,7km), có 127 bản. Huyện có 8 dân tộc anh em trong cùng sinh sống gồm Mông, Thái, Kinh, Dao, Kháng, Khơ Mú, Hoa, Cống. Mỗi dân tộc đều có truyền thống văn hóa mang bản sắc riêng, trong đó người Dao nổi bật với một số tập tục sau:

1. Lễ cúng mừng cơm mới: Chủ nhà chuẩn bị lễ vật gồm: gà, lợn, rượu, cơm mới, canh, các loại rau, nước. Sau đó thầy cúng được mời về để cúng với nội dung: Đầu năm tổ tiên phù hộ được mùa, cuối năm lúa chín thu về làm lễ để tạ ơn tổ tiên, mời tổ tiên ăn cơm mới và tiếp tục phù hộ cho gia đình sức khỏe, làm ăn may mắn, được mùa.

2. Cúng lên nhà mới: Chủ nhà chuẩn bị lễ vật gồm 02 đôi vòng bạc, 01 gà trống luộc chín, thịt lợn, cơm canh, rượu, nước. Thầy cúng khấn với nội dung mọi người đi rừng lấy gỗ về làm nhà sợ có con ma rừng theo về nên cúng để đuổi ma đi, đồng thời báo cáo tổ tiên nay con cháu làm được nhà mới, cầu mong tổ tiên phù hộ các thành viên trong gia đình vào nhà mới có sức khỏe, làm ăn chăn nuôi gặp thuận lợi...

3. Cúng chữa bệnh: Khi trong nhà có người ốm, thành viên trong nhà thường tìm đến thầy cúng để xem bói và để biết nguyên nhân gây bệnh. Thầy cúng chỉ ra bệnh và yêu cầu gia đình về sắm lễ để cúng trừ bệnh, tuy nhiên việc sắm sửa lễ cúng phải tuân thủ theo lời của thầy cúng vì mỗi bệnh có những lễ vật khác nhau. Sau đó, thầy cúng được mời đến để cúng xua đuổi những con ma làm cho người trong nhà bị ốm và cầu sức khỏe mong cho người nhà chóng khỏi bệnh.

4.  Cúng khi người phụ nữ mang thai: Lễ vật là 01 con lợn, 01 gà trống, rượu, giấy tiền. Người Dao quan niệm người phụ nữ mang thai có con ma sát hại đeo bám. Người Dao dùng lợn để cúng cho con ma đó để đuổi ma ra khỏi bào thai. Còn lại gà để cúng mời thầy sư phụ (người cao tay hơn người đang cúng về hiện diện mới có thể diệt trừ được con ma sát hại). Chuẩn bị lễ vật xong, thầy cúng được chủ nhà mời về sẽ tiến hành cúng xua đuổi ma sát hại thai nhi ra khỏi người mang thai để sau này đứa trẻ sinh ra được hoàn toàn khỏe mạnh

5. Cúng đặt tên cho trẻ: Công việc này được tiến hành sau khi sinh 02 ngày đối với đứa trẻ là con trai và tiến hành sau sinh 03 ngày đối với đứa trẻ là con gái. Chủ nhà chuẩn bị 01 con gà trống, rượu, giấy tiền để thầy cúng gọi tổ tiên trong gia đình, gọi sư phụ/tổ sư của thầy cúng về chứng kiến sự ra đời của đứa trẻ, thông báo lễ cúng này để đặt tên và tiếp tục cầu mong tổ tiên phù hộ cho đứa trẻ khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Sau đó thầy cúng lấy một bát nước tiến hành làm phép, rồi lấy con dao của thầy cúng nhúng vào bát nước, vẩy vào người đứa trẻ, ngụ ý để rửa sạch mọi bụi bẩn hay vết nhơ cho trẻ đồng thời để tổ tiên và mọi người trong nhà công nhận, nhập đứa trẻ vào vị trí là một thành viên trong gia đình.

6. Lễ cấp sắc: đây là nghi lễ đặc biệt quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của người con trai Dao và người con trai được làm lễ cấp sắc phải đủ từ 18 tuổi trở lên. Tùy theo điều kiện gia đình sẽ chuẩn bị và lựa chọn thời gian phù hợp để tiến hành làm lễ cấp sắc. Đối với những người đã chết mà chưa làm lễ cấp sắc thì đợi khi gia đình có điều kiện sẽ làm lễ cấp sắc cho người này bởi khi đó người chết mới được về với tổ tiên. Người Dao làm lễ cấp sắc 3 đèn và 7 đèn, đầu tiên phải làm lễ báo cáo tổ tiên việc chuẩn bị làm lễ cấp sắc cho người trong gia đình là ai (kể cả người đang sống hay người đã chết) để tổ tiên chứng nhận người đang sống đã trưởng thành, có vai trò lãnh đạo trong gia đình còn những người đã chết thì được về với tổ tiên. Với lễ cấp sắc 3 đèn là lễ thông thường còn lễ cấp sắc 7 đèn dành cho người ở vị trí cao hơn trong xã hội người Dao, người này đã trải qua lễ cấp sắc 3 đèn. Lễ cấp sắc có 02 thầy cúng (thầy chính và thầy phụ). Người thầy chính có trình độ cao hơn có nhiệm vụ cúng gọi tổ tiên các đời và chỉ đạo, trực tiếp cúng lễ cho người trưởng thành; Thầy cúng phụ có nhiệm vụ báo cáo tổ tiên trước khi làm lễ cấp sắc 3 đèn, khi thầy cúng chính cúng dâng 3 đèn thắp lên những người trưởng thành xong thì thầy cúng phụ sẽ cúng thông báo lễ trưởng thành cho người này đã xong. Khi cúng xong, vợ chồng người cấp sắc mỗi người sẽ có 2 trang giấy dó - đó gọi là “đạo sắc” được thầy cúng dùng ấn tín đóng dấu giáp lai, một tờ giữ lại khi nào chết mới được đốt đi để ông trời đối chiếu hai trang của vợ và chồng có khớp nhau không để vợ chồng dễ nhận ra nhau; một tờ thầy đem đốt để gửi cho ma tổ tiên để sau này họ về thế giới bên kia thì tổ tiên vẫn nhận ra con cháu của mình.

7. Tục cưới xin: Trai gái tìm hiểu nhau, khi đồng ý sẽ tự mình báo cáo bố mẹ hai bên. Nhà trai mang lễ vật sang nhà gái ăn hỏi, tùy theo điều kiện gia đình nhà trai thường mang 3 - 4 con gà, 01 con lợn. Tuy nhiên lễ vật này là do nhà trai tự nguyện, nhà gái không thách thức hay đòi hỏi gì. Sau lễ ăn hỏi, người con gái phải ở nhà một năm thêu hoa, chuẩn bị quần áo cưới cho chính cô dâu và chú rể (bao gồm vải mua sẵn về nhuộm chàm, sau đó cô gái thêu hoa lên miếng vải đã nhuộm rồi mới đem cắt may thành bộ quần áo). Đến này cưới, nhà trai phải mang rượu, thịt lợn, gà (lễ vật bắt buộc) sang nhà gái tổ chức làm cơm để cúng tổ tiên, sau đó mời gia đình, dòng họ bên nhà gái cùng ăn, khi lên mâm cơm trai gái hát giao duyên chúc phúc cho đôi vợ chồng. Ngoài ra, nhà trai còn phải chuẩn bị 7,5 kg đùi lợn và 450.000 tiền mặt (tương ứng với 01 đồng, 5 hào ngày xưa) để biếu ông bà mối bên nhà gái. Với người Dao, khi có con gái cả trong nhà đi lấy chồng thì phải chọn một cặp vợ chồng bên ngoại của cô dâu làm ông bà mối; đến con gái thứ 2 đi lấy chồng thì vợ chồng người chị cả trở thành ông bà mối và cứ như vậy nếu người con gái nữa đi lấy chồng thì vợ chồng chị gái vừa cưới là ông bà mối . Khi nhà trai xin phép đón cô dâu về, cô dâu phải cúi lạy chào bố mẹ, họ hàng. Về tới nhà trai lại làm lợn, gà dâng cúng tổ tiên, cô dâu chú rể phải cúi lạy tổ tiên, bố mẹ chồng và một số chú bác trong họ. Xong thủ tục này mọi người ăn cơm liên hoan, khi nhà gái ăn cơm xong ra về người con rể biếu ông bà (nếu còn sống), bố mẹ vợ và người anh cả của vợ mỗi người một cái đùi lợn.

8. Tục tang ma: Khi trong nhà có người chết, chủ nhà đánh 03 hồi trống để thông báo với dân bản (trước đây là 3 tiếng súng) đồng thời gọi anh em trong dòng họ đến để phân công công nhiệm vụ trong đám tang. Người đi tìm thầy cúng, người chuẩn bị các lễ vật như lợn, gà, rượu, giấy tiền, rau xanh. Thầy cúng với đồ nghề của mình như một cặp sừng trâu đen bổ đôi; một cái sừng trâu to, dài, rỗng để thổi (còn gọi là tù và); một cái chuông; một cái chũm chọe và sách cúng rồi gọi linh hồn của người chết đến để cúng, mục đích là không để hồn người chết nhập vào người sống. Con cái sẽ làm cơm mời người chết ăn, bao nhiêu con thì có từng đấy mâm cơm. Trong đám tang, Người Dao mặc quần áo truyền thống, đầu đội khăn trắng để tang đồng thời con cháu chỉ được ăn cơm có thịt trong bữa cơm đầu tiên khi có người chết, sau đó đợi ngày chôn xong mới tiếp tục được ăn thịt. Người Dao để thờ người chết trong nhà 02 ngày rồi mang chôn, sau khi chôn người trong nhà sẽ mang chậu nước đi mời người chết rửa mặt trong 03 ngày. Ngày thứ nhất mang chậu nước ra tận mộ đặt ở đó mời người chết rửa mặt; ngày thứ hai mang đặt chậu nước ở ngang đường; ngày thứ ba đặt chậu nước ở ngay trước cửa chính. Tiếp đó, Thầy cúng mời linh hồn người chết về nhà để con cháu thắp hương tỏ lòng hiếu thảo (việc thắp hương này diễn ra trong vòng một tháng - cũng trong thời gian này những người con của người chết không được giết mổ, muốn ăn thịt phải nhờ người khác giết). Sau đó gia đình lập bàn thờ nhỏ đặt bên bếp để thờ người vừa chết. Sau một tháng nữa, thầy cúng lại cúng để đưa linh hồn người chết nhập cùng bàn thờ tổ tiên và dỡ bỏ bàn thờ ở bếp đi.

Lan Anh

Phòng Di sản văn hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.367.774
Online: 157