Đối với dân tộc Khơ Mú ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, tang lễ là một phong tục quan trọng liên quan đến vòng đời, được tiến hành khi trong gia đình có người qua đời. Theo quan niệm của người Khơ Mú, bổn phận của các thành viên trong gia đình là cung dưỡng người thân khi già yếu và hoàn tất tang lễ khi quá vãng. Những bổn phận này cần thực hiện đúng nghi thức để tỏ lòng tôn kính, báo đền công sinh thành dưỡng dục và thể hiện tình cảm thiêng liêng của người thân dành cho nhau. Hiện nay, tang lễ người Khơ Mú vẫn giữ gìn được một số phong tục, nghi thức đặc biệt cử hành trước và sau khi gia đình có người thân lìa trần.

Khi gia đình người Khơ Mú có người chết, gia chủ sẽ giết một con gà đem hơ bếp lửa cho lông gà cháy, mùi khét nhanh chóng lan ra báo hiệu cho cả bản biết gia đình có người mất. Dân bản ngửi thấy mùi khét của lông gà cháy liền kéo đến tang gia để hỏi thăm và chia buồn, mang theo gạo, tiền, rượu để giúp tang gia lo liệu chôn cất.

Người chết nếu là ông chủ nhà thì quan tài đặt giữa nhà, đầu quay về phía sân phơi, nếu là bà chủ nhà thì đầu quay về phía gian thờ tổ tiên, còn lại những người khác thì quan tài đặt góc nhà cạnh bếp sưởi đầu quay về phía cửa giữa nhà.

Người chết nhanh chóng được gia đình tắm và thay quần áo mới. Thi thể người chết được liệm kín bằng vải trắng quấn chăn đệm xung quanh. Người ta lấy một con gà đập chết kẹp vào nách rồi đặt người chết vào quan tài (trước kia họ chỉ dùng chiếu hoặc cót ép bó bên ngoài). Người Khơ Mú quan niệm con gà được kẹp vào nách sẽ dẫn người chết về với tổ tiên. Sau đó họ đập chết một con gà cho vào dây buộc quan tài với ý nghĩa vĩnh biệt người chết và con gà sẽ dẫn người chết về thế giới bên kia. Họ lấy 2 nắm cơm nếp kẹp vào hai nách cùng với thịt lợn và thịt gà, cũng có gia đình cho vào ô nhỏ ở quan tài. Cơm với thịt gà là cơm bữa sáng, cơm với thịt lợn là bữa chiều giành cho người chết. Họ làm như vậy bởi quan niệm ngày đầu tiên người chết chưa làm xong hết các tủ tục nên chưa thành ma, chưa tự kiếm ăn được.

Người chết trước kia chỉ được quàn trong nhà 2 - 3 ngày nhưng ngày nay thường chỉ 1 ngày là người ta đem đi chôn. Trong khi quàn tại nhà, những người thân ngồi xung quanh thi thể khóc tang, thường thì phía đầu là con trưởng sau đó lần lượt đến các em, con dâu con rể ngồi dưới phía chân. Con trai người chết mặc trang phục tang có quấn vải xô, vợ người chết thì bỏ hoa tai, hạ búi tóc, những người thân còn lại trong gia đình mặc trang phục bình thường. Người ta bầy xung quanh quan tài tài sản của người chết như quần áo, ghế, tẩu thuốc…

Sau khi làm lễ cúng cho người chết, họ tiến hành đưa người chết đi chôn. Việc đào huyệt được người Khơ Mú rất coi trọng. Ban tang lễ sẽ cử ra một người đại diện là người đàn ông cao tuổi có kinh nghiệm trong tổ chức tang ma. Ông dùng 2 mảnh gỗ tung lên như xin quẻ âm dương của người Kinh, nếu 1 sấp 1 ngửa có nghĩa là thần đất đã cho phép đào huyệt. Sau đó người đại diện sẽ tới cúng, báo với người chết chỗ này là chỗ ở đẹp đẽ và sẽ chọn làm nơi đào huyệt. Họ quét dọn mảnh đất đã chọn, chặt cây đo quan tài và lấy dạo vạch một hình chữ nhật tượng trưng cho huyệt. Tại vết vạch, người đại diện sẽ đào một ít đất ở phía chân quan tài đã định trước đặt lên phía đầu quan tài và làm ngược lại, sau đó ông cúng “Tôi vẽ nhà rồi, người chết phù hộ đào cho dễ dàng, không gặp rễ cây, không gặp đá để cho nhà đẹp, nhà tốt nhé”. Sau lời khấn của người đại diện, các thanh niên được sự cho phép sẽ tiến hành đào huyệt mộ. Khi nhóm thanh niên đào xong, người đại diện lấy sáp ong đốt sau đó soi vào huyệt tượng trưng cho thắp đèn và làm ấm nhà của người chết rồi lấy một bó lá cây hua hua thể hiện việc quét nhà. Người Khơ Mú quan niệm rằng dương sao âm vậy nên nhà cửa của người chết cũng phải sạch sẽ, ấm cúng thì người chết mới phù hộ cho con cháu. Trong  khi quét, người Khơ Mú rất kiêng việc rụng lá vì cho rằng nếu rụng lá, người trong gia đình sẽ bị ốm đau.

Nghi lễ tiến hành trước khi hạ huyệt đó là lễ mở mắt cho người chết “ăn mê riêng nọng rắt noong ma”: người đại diện mở nắp quan tài, cúng xin người chết mở mắt xem nhà cửa sau đó họ lật khăn trùm mặt để một vài giây rồi đậy lại, đóng nắp quan tài và hạ huyệt.

Quan tài được quấn 2 dây và kẹp một con gà vào đặt lên 2 cái đòn (làm bằng 2 cây rừng chắc, đường kính khoảng 6 cm). Khi hạ huyệt, họ tiến hành nhấc quan tài lên bằng cách cầm 4 đầu dây, rút đòn ra và hạ dần xuống huyệt. Sau khi hạ xong, họ rắc 2 - 3 kg thóc xuống huyệt, coi đây là số thóc mà người chết sẽ dùng làm giống và cầu mong người chết phù hộ cho con cháu làm được nhiều thóc gạo, sau đó lấp đất. Khi lấp đất, người Khơ Mú không chôn hết dây quan tài xuống mà để 4 đầu dây buộc quan tài lộ trên mặt đất với quan niệm 4 đầu dây này sẽ giúp người chết lên mặt trăng.

Mộ người Khơ Mú được đắp cao khoảng 20 cm, vòm theo hình người. Sau khi hoàn tất, người đại diện lấy chiếc đòn kê quan tài đập vào mộ, mỗi vết đập tượng trưng cho thân người, chân, tay, đầu…, sau đó ông dùng dao đẽo mảnh gỗ nhỏ và đặt vào những vết đập tượng trưng cho từng bộ phận như mắt, mũi, miệng, bộ phận sinh dục… Người đại diện đặt gậy khênh quan tài lên trên mộ rồi lấy đầu dây lúc nãy buộc lại rồi vạch lên phía mộ bên trái 2 vạch. Dây buộc được coi là phương tiện người chết dùng để lên mặt trăng còn 2 vạch bên trái mộ tượng trưng cho đường đi lên nương và đường đi lấy nước. Đến đây là hoàn tất việc chôn cất người chết.

Như vậy, lễ tang của người Khơ Mú đã trở thành một phong tục tốt đẹp, tạo điều kiện duy trì những không gian linh thiêng, môi trường văn hoá truyền thống và có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với các thế hệ tộc người. Ngoài ra, lễ tang còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của văn hoá tâm linh người Khơ Mú ở Mường Phăng./.

Dương Chung

Nghiệp vụ Văn hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.367.620
Online: 401