Dân tộc Xạ Phang tỉnh Điện Biên đón Tết cùng vào thời điểm Tết Nguyên đán cổ truyền của nước ta, kéo dài từ ngày 30 tháng 12 (âm lịch) đến ngày 15 tháng giêng (âm lịch) của năm mới.

Vào chiều ngày 30 tết, gia đình mổ gà cúng gia tiên, trong mâm cúng không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Do người Xạ Phang có nguồn gốc từ người Hoa di cư từ Trung Quốc sang nên trong mâm cúng ngày tết nhất định phải có các loại quả như cam, quýt, bưởi cùng các loại hoa quả khác tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (theo phát âm tiếng Hoa, quả quýt phát âm là “cát” tượng trưng cho sự cát tường, quả cam phát âm là “kấm tsản” tượng trưng cho vàng…)

Để chuẩn bị đón tết các gia đình quét dọn nhà cửa cẩn thận, chuẩn bị  đầy đủ lương thực cho mấy ngày tết. Tùy theo điều kiện, mỗi gia đình sẽ cố gắng nuôi một con lợn để cuối năm mổ đón tết. Việc mổ lợn để đón tết thường diễn ra vào khoảng tháng 10 dương lịch. Họ chế biến thành thịt hun khỏi, phù hợp với việc bảo quản. Lợn được mổ ra, làm sạch, nội tạng làm thức ăn để mời anh em trong gia đình, bạn bè cùng ăn. Các mảng sườn được xẻ làm tảng lớn, phần đầu để nguyên và bốn đùi lợn đều được treo trên gác bếp để dùng chế biến ăn dần cho đến tết. Riêng đầu lợn và một chân trước, một chân sau để dành đến ngày 30 tết (âm lịch) cúng tổ tiên.

Mâm cúng trong ngày 30 tết được bầy biện gồm:

- 01 con gà trống

- 01 đầu lợn

- 02 chân đùi lợn (01 trước và 01 sau)

- 03 bát cơm

- 03 chén rượu

- Các món ẩm thực…

 

Mâm cơm trong ngày Tết

* Cúng lần thứ nhất:

Mâm cúng được đặt trước bàn thờ tổ tiên. Gà luộc chín cho vào đĩa bầy lên mâm cúng, đầu lợn và chân đùi lợn cũng được luộc chín xếp vào chậu và các đồ lễ khác đều được đặt lên mâm cúng. Khi đã chuẩn bị xong mâm cúng, gia chủ sẽ thắp hương mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Việc cúng mời tổ tiên thường diễn ra khoảng 5-6 giờ chiều ngày 30 tết.

Lời khấn mời tổ tiên:

              Chấn thiến là gì xán sở

              Gòa góa ờ nhi

              Diu chú thều chồ chỉn

              Chỉn sần bao phủ gì

              Chí tả seo sính chỉnh phình ngắn

              Chái chổng gì chư lò

              Tỷ oản chư quỳ sóng

Dịch:

              “Hôm nay ngày 30 tết

               Mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu

               Có đầu lợn, rượu cúng mời tổ tiên

               Phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe

               Năm mới làm ăn phát đạt hơn

               Vật nuôi phát triển tốt, không bị bênh tật”

Khi đã khấn xong để mâm cúng khoảng 05-10 phút, rượu trong chén được hất đi gia chủ sẽ đốt vàng mã và xin dọn đồ lễ vào bếp để chế biến lại làm thức ăn.

* Cúng lần thứ 2:

Việc chế biến lại thức ăn đã xong. Các thức ăn được sắp xếp vào bát đĩa bày lại lên mâm gồm:

- Đậu tam giác nhân thịt băm (sáy cồ tển phu)

- Canh đậu đỏ (xán thắng)

- Đậu phụ (tếu phu cô)

- 08 bát cơm (goan)

- 08 đôi đũa đặt lên trên bát cơm (khoái thèo)

- 08 chiếc thìa (thèo cấn)

- Thịt lợn được chế biến thành nhiều món.

Sau khi hoàn tất các khâu bày biện, gia chủ mời tổ tiên cùng dự với con cháu. Mâm được đặt khoảng 5-6 phút, gia chủ đốt vàng mã xung quanh bốn cạnh của mâm và khấn:

               Chấn thiến là gì sán sừ siu

               Chu cống chu phà lài chừ phản

               Bao phủ gì ché tỷ seo sính chỉnh phìn ngắn

               Deng chú sần páng deng nhiều sân chiển

               Chái chộng gì chư lò tỷ oản chư quý sáng

Dịch:

               “Hôm nay ngày 30 mươi tết

                Mời tổ tiên về ăn cơm cùng con cháu

                Phù hộ cho con cháu mạnh khỏe

                Cây trồng phát triển tốt

                Vật nuôi phát triển không bệnh tật gì”

Khấn xong các thức ăn được đem hâm nóng lại. Cả gia đình cùng nâng chén chúc tụng nhau sức khỏe, góp ý cho nhau những việc nên và không nên làm. Họ quan niệm rằng mâm cơm gia đình ngày 30 tết có tổ tiên cùng dự và cũng là ngày đoàn tụ gia đình nên gần như không có khách tới dự cùng.

Sau khi ăn uống xong mọi người trong gia đình uống nước, nói chuyện với nhau vui vẻ, đến giao thừa gia chủ thắp hương cho tổ tiên và một năm mới lại bắt đầu.

Trong những ngày tết, đèn đuốc được thắp sáng liên tục cho nhà cửa sáng sủa. Mọi người trong gia đình, làng bản phải tránh tối đa việc gây gổ, nói chuyện phải kiêng cữ. Trước ngày 30 tết, các gia đình thường treo, dán các câu đối, bức hoành phi trong nhà ngoài ngõ như: Xuất nhập bình an, tân xuân đại cát, nhất bổn vạn lợi…

 Ngày mùng một tết theo phong tục của người Xạ Phang là ngày dành riêng để cúng bái và mừng tuổi trong nhà. Trong ngày này họ kiêng ăn thịt mỡ. Đến  ngày mùng hai tết mới được ra khỏi nhà để chúc tết, mừng tuổi bà con, bạn bè. Tết cổ truyền của người Xạ Phang không thể thiếu các phong bao lì xì. Đây là cách gửi những đồng tiền may mắn đầu năm cho trẻ nhỏ và những người độc thân (theo quan niệm của người Xạ Phang thì những người chưa lập gia đình đều được coi là trẻ nhỏ nên cũng được hưởng lì xì).

Đến ngày 15 tháng giêng các gia đình tổ chức làm bánh chưng (chỏng pá). Họ lấy lá thơm (có) là loại cây thân gỗ có mùi thơm đốt lấy tro, trộn với gạo để gói bánh, nhân bánh chỉ có thịt lợn, không dùng đỗ. Khi bánh chín bầy mâm lễ như ngày 30 tết để cúng.

Tết của người Xạ Phang diễn ra thật nhẹ nhàng, đầm ấm chứa đựng những nét đẹp truyền thống biểu đạt qua tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên, ông bà. Đây là những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc, được nuôi dưỡng, khơi dậy và bảo tồn đến ngày nay.  

Lò Hoàng

Bảo tàng tỉnh Điện Biên


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.260.091
Online: 25