Dân tộc Xạ Phang ở tỉnh Điện Biên là một dân tộc thiểu số ít người, sinh sống chủ yếu ở những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa và vùng cao biên giới, khí hậu khắc nghiệt và cuộc sống còn nhiều khó khăn. Người Xạ Phang ở tỉnh Điện Biên có cùng nguồn gốc với người Hoa, là một nhóm cư dân di cư sang Việt Nam và sinh sống trên các rẻo cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tên gọi Xạ Phang xuất phát từ biến âm của Xẻo Phăng có nghĩa là: Người Hoa sống trên rẻo cao, sau được đọc chệch là Xạ Phang.

Trong cuộc sống thường nhật, người Xạ Phang có rất nhiều phong tục, tập quán, nghi thức liên quan đến vòng đời trong đó nghi lễ tang ma cũng chứa đựng những yếu tố văn hóa đặc trưng riêng và là một phần quan trọng trong ý thức của đồng bào.

Khi gia đình có người lớn tuổi chẳng may ốm nặng có thể không qua khỏi thì được con cháu trong gia đình chăm sóc, túc trực cho đến khi tắt thở. Người Xạ Phang thường mua hoặc làm sẵn quan tài từ trước, khi gia đình chẳng may có người qua đời, trong lúc con cháu tắm rửa, thay trang phục mới cho người quá cố. Những người đến giúp sẽ lấy quan tài ra sửa sang lại cho sạch sẽ giúp tang chủ, áo quan được đặt vào gian giữa nhà trước bàn thờ tổ tiên. Khi đã thay trang phục cho người quá cố xong thì đặt người quá cố vào trong áo quan, lúc này con cháu mới được phép khóc to.

Trong lúc tổ chức khâm liệm, tang chủ cũng cử người đi báo tin buồn cho anh em gần xa được biết. Tang phục của người Xạ Phang vẫn mặc như thường ngày chỉ phân biệt ở chỗ là đeo thêm khăn tang, con cháu trong gia đình đều đeo khăn tang trắng, người trưởng thành thì đeo khăn tang để đuôi khăn tang dài hơn.

Theo quan niệm của người Xạ Phang thì những người đã lập gia đình, khi chết đi mới được để ở nhà 03 ngày; những người chưa thành lập gia đình chẳng may qua đời vẫn coi là chưa trưởng thành thì có thể để ở nhà một ngày hoặc đem chôn cất ngay trong ngày.

Việc đưa đi chôn cất được chọn giờ tốt, người con trai cả sẽ làm lý nhấc áo quan đầu tiên và mọi người cùng giúp một tay để khiêng quan tài người quá cố đến nơi an nghỉ. Các con cháu trong gia đình người quá cố sẽ chạy ra cửa quỳ lạy thành hàng, mặt hướng về phía quan tài để mọi người khiêng quan tài qua đầu. Khi quan tài đi qua, con cháu lại đứng lên chạy về phía trước để quan tài qua. Việc khiêng quan tài qua đầu được lặp lại 03 lần.

Dân tộc Xạ Phang không có nghĩa trang riêng giống như nhiều dân tộc khác. Trong tang ma, địa điểm chôn cất được lựa chọn theo phong thủy, theo quan niệm của họ.

Sau khi chôn cất cho người chết xong, trong vòng 01 năm mà gia đình làm ăn tốt, không có chuyện xấu xảy ra thì mộ phần của người chết sẽ được để yên nghỉ mãi mãi. Ngược lại, vị trí chôn cất không ưng ý gia đình có thể di chuyển mộ tới vị trí khác nhưng không được quá 03 lần.

Mộ của người Xạ Phang thường được chôn cất gần làng, bản. Gia đình chọn giờ tốt vào buổi sáng để động thổ đào huyệt. Đến giờ tốt con cháu trong gia đình tang gia sẽ thắp hương xin phép đào huyệt. Ba nhát cuốc đầu tiên sẽ được con cháu của người quá cố cuốc trước, sau đó những người đến giúp sẽ cùng đào. Do ở vùng rẻo cao có nhiều núi đá nên huyệt đào thường không sâu, chỉ đủ để lấp quan tài. Trên mộ được xếp đá lên và xếp tường đá nhỏ ở quanh mộ. Sau khi chôn cất xong, mọi người ai về nhà nấy, tắm rửa sạch sẽ rồi cử người đại diện đến động viên tang gia.

Thủ tục đem lửa cho người chết: khi đã chôn cất xong, trong 03 ngày đầu gia đình sẽ cử người đem lửa ra mộ cho người chết. Lửa là một thanh củi gỗ lấy trong bếp lửa để đem ra mộ. Quãng đường đi từ nhà tới mộ được chia thành 03 đoạn: ngày thứ nhất đưa thanh củi đến đoạn 1/3 quãng đường, lần thứ hai đến 2/3 quãng đường rồi có câu đại ý: “Hôm nay con cháu đem lửa đến đây cho nhé, tự đến đây mà lấy nhé…”; ngày thứ ba thì đem lửa đến tận mộ và có câu đại ý: Lửa con cháu đem đến cho đủ rồi, từ nay ông (bà) phải tự lo lấy nhé… Đến đây nghi lễ tang ma của người Xạ Phang coi như đã hoàn tất, việc cúng cho linh hồn người quá cố chỉ diễn ra ở nhà, sau 01 năm mới làm nghi lễ dứt tang…

Một số điều kiêng kỵ trong nghi lễ tang ma của người Xạ Phang:

- Đối với người phụ nữ có bầu không được phép đến gần áo quan.

- Khi đã chôn cất xong, trong 03 ngày đầu con cháu trong gia đình kiêng không được ăn thịt mỡ…

Việc cúng cho linh hồn người chết diễn ra trong 01 năm, nghi lễ cúng đơn giản. Mỗi bữa cơm, gia chủ đến cạnh bàn thờ và có lời mời linh hồn người quá cố về ăn cơm cùng gia đình. Trong 01 năm đầu linh hồn người quá cố chưa được phép nhập vào bàn thờ tổ tiên, nơi cúng cơm chỉ ở bên cạnh bàn thờ tổ tiên.

Sau 01 năm gia đình sẽ làm lễ nhập bàn thờ tổ tiên cho linh hồn người quá cố. Đây cũng là lễ xin dứt tang, tùy theo điều kiện gia đình nhưng không thể thiếu con lợn để làm lễ. Mâm cúng của người Xạ Phang không cầu kỳ, thức ăn đều được chế biến chín, bày lên mâm gần giống như mâm cơm thường ngày. Mâm cúng được đặt trước bàn thờ, những đôi đũa đều được đặt lên trên những bát cơm. Đại diện gia đình sẽ làm lễ xin dứt tang, sau khi khấn xong, khăn tang được gia chủ đem đi đốt. Việc kiêng kỵ, cúng cơm cho người quá cố đã được hoàn tất, con cháu trong gia đình sẽ không kiêng kỵ điều gì nữa.

Các nghi thức, tập tục trong tang lễ của dân tộc Xạ Phang rất phong phú, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan và tư tưởng luân thường đạo lý của họ.

Lò Hoàng

Bảo tàng tỉnh Điện Biên


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.408.141
Online: 33