Dân tộc Xạ Phang có rất phong tục, tập quán, nghi thức liên quan đến vòng đời trong đó lễ cưới hỏi truyền thống là nghi thức chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tích cực và là một phần quan trọng trong ý thức của đồng bào.
“Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng” đó là quy luật chung của cuộc sống, người Xạ Phang cũng vậy. Thông thường, lễ cưới hỏi truyền thống của người Xạ Phang được diễn ra trong hai ngày, một ngày ở nhà gái và một ngày ở nhà trai. Thành phần tham gia đám cưới ngoài những người trong gia đình, anh em họ hàng, người thân còn có người dân trong bản tham gia giúp đỡ. Như vậy lễ cưới hỏi truyền thống của người Xạ Phang có thể coi là một nghi thức đặc trưng của cả cộng đồng dân tộc.
Lễ cưới hỏi truyền thống của người Xạ Phang thường được tổ chức từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch. Đây là khoảng thời gian nông nhàn nên tổ chức làm lễ là rất hợp lý.
* Quá trình chuẩn bị cho lễ cưới hỏi của người Xạ Phang
- Phần chuẩn bị của gia đình nhà trai: Để tổ chức một lễ cưới theo phong tục truyền thống, nhà trai phải chuẩn bị: khoảng 3 tạ lợn (1 tạ để mang sang nhà gái, 2 tạ còn lại để tổ chức bữa cơm tại nhà trai), 6 đồng bạc, 6m vải; 60 kg gạo; 60 lít rượu để tổ chức đám cưới.
- Phần chuẩn bị của gia đình nhà gái như: Quần áo, chăn, màn, vải và một số đồ dùng sinh hoạt...tùy theo điều kiện gia đình để làm của hồi môn cho con gái về bên nhà chồng.
- Phân công nhiệm vụ: Đây là công việc rất quan trọng, nó quyết định đến sự thành công của lễ cưới. Trước khi tổ chức đám cưới, nhà trai sẽ chủ động mời tất cả anh em họ hàng và dân bản đến họp bàn và phân công nhiệm vụ. Cuộc họp phải phân công và cử ra người có uy tín, có tiếng nói trong dòng họ hay trong cộng đồng thôn bản vào các vị trí cụ thể như sau:
1. Ban cán sự (Ban điều hành): Cử một người để điều hành tổ chức đám cưới, đồng thời là người chủ trì quán xuyến công việc trong những ngày diễn ra lễ, thường là người trong họ (trưởng họ), cũng có khi là người ngoài họ nhưng chỉ với những họ nhỏ anh em họ hàng ở xa.
2. Bộ phận thực thi công việc gồm: Người dẫn đầu và thay mặt nhà trai sang nhà gái làm lễ cưới, người nấu ăn, người làm phù dâu, phù rể... Công việc cụ thể của từng bộ phận như sau:
- Người dẫn đầu và thay mặt nhà trai sang nhà gái làm lễ cưới: Gồm có 2 người là nam giới, trong đó một người làm trưởng và một người làm phó đoàn. Đây là hai người đại diện bên nhà trai là những người am hiểu về các thủ tục trong lễ cưới truyền thống của dân tộc.
- Bộ phận nấu ăn đảm nhiệm làm thịt lợn, thịt gà: Nam giới và nữ giới không phân biệt người trong họ hay khác họ, chỉ lấy những người biết nấu nướng, có kinh nghiệm, khéo tay và nhanh nhẹn.
- Người làm phù dâu phù rể: Gia đình nhà trai sẽ cử một em gái (thường là em gái chồng) đi theo cô dâu, một con trai cùng bậc trong họ theo chú rể.
Ngoài những người được phân công công việc cụ thể như trên, còn có những người tham gia lễ cưới có trách nhiệm hỗ trợ khi được yêu cầu và làm những việc phụ khác để lễ cưới diễn ra thành công.
* Sơ lược tiến trình lễ cưới truyền thống của người Xạ Phang:
Người Xạ Phang cũng như các dân tộc khác trong huyện con cái tự do tìm kiếm bạn đời. Sau thời gian tìm hiểu và yêu nhau muốn xây dựng hạnh phúc gia đình người con trai sẽ rủ người con gái về nhà mình và cử em gái (thường là em gái ruột hay em họ) vào ở cùng để bầu bạn với cô gái.
Trong thời gian cô gái đến ở nhà trai, nhà trai nhờ người để thay mặt gia đình nhà trai sang bên nhà gái. Người được chọn đi phải là người có cuộc sống gia đình hạnh phúc, khéo nói, người am hiểu phong tục hôn nhân, có thể là nam hoặc nữ. Họ sẽ chọn những ngày chẵn để đi sang bên nhà gái, mỗi lần đi cách nhau khoảng 3 đến 4 ngày, đủ 3 lần thì bên nhà gái sẽ trả lời rõ có đồng ý cho đôi trai gái kết hôn hay không, sính lễ cụ thể như thế nào, để gia đình nhà trai chuẩn bị. Đồng thời lấy ngày tháng năm sinh của cô dâu, chú rể để nhờ người biết xem chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ cưới.
Đoàn rước dâu đưa cô dâu về nhà chồng
* Tối hôm trước khi đón dâu về: Nhà trai có trách nhiệm đi mời anh em họ hàng, đặc biệt là những người giúp việc cho buổi lễ cưới đến họp bàn và trò chuyện vui vẻ chuẩn bị cho ngày hôm sau đi đón dâu. Tối hôm đó, gia đình sẽ mổ lợn (thông thường mổ 2 con), khi mổ xong người ta cắt để 6 miếng thịt dọc theo một sườn treo ở bếp, chủ nhà rót 3 chén rượu cúng mời ma bếp với mong muốn được ma bếp phù hộ trong quá trình nấu nướng phục vụ lễ cưới thành công. Theo phong tục của người Xạ Phang vào khoảng 11 giờ đêm, chú rể bắt đầu thắp hương lên bàn thờ, tập lạy cho quen, đến 2 giờ sáng chú rể sẽ mặc quần áo cưới truyền thống. Lúc này, bên nhà gái cũng bắt đầu chải tóc, trang điểm, mặc quần áo cưới cho cô dâu. Để làm việc này, gia đình nhà gái sẽ đi nhờ một người phụ nữ phúc hậu có cuộc sống hạnh phúc, có kinh nghiệm chải tóc cho cô dâu.
* Ngày chính thức làm lễ cưới: Khi mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, buổi sáng khoảng 7giờ sáng, nhà trai cử người sang nhà gái làm lễ đón dâu. Trong đoàn có: Chú rể, chủ hôn, phù dâu, phù rể, cùng một số thanh niên mang kiệu sang rước dâu, riêng đi đợt này bố mẹ chú rể không đi cùng đoàn mà ở nhà chờ dâu về. Dẫn đầu đoàn đón dâu là đội trống, kèn, chiêng.
Đến nhà gái, chú rể cùng phù rể sẽ đi mời nước và thuốc những người lớn tuổi bên nhà gái, sau đó chú rể thắp hương, đốt vàng mã ở bàn thờ tổ tiên, ở bếp lò trong nhà, ở bếp củi sau đó vái lạy tổ tiên trước bàn nhà gái. Nhà gái mời đoàn nhà trai dùng bữa cơm, chàng rể làm nhiệm vụ rót rượu mời họ hàng nhà gái. Sau bữa liên hoan, tới giờ đẹp chàng rể mời nước đoàn nhà gái một lần nữa để xin phép rước dâu về nhà mình. Khi rước dâu về, họ dùng kiệu 4 người khiêng để rước, về đến trước cửa nhà trai, cô dâu và chú rể cùng bước vào thắp hương ở bàn thờ tổ tiên, ở cửa, ở bếp (mỗi nơi thắp hai nén) họ quan niệm rằng số chẵn tượng trưng cho sư trọn vẹn, có cặp có đôi, như vậy mới có sự sinh sôi phát triển. Sau đó cô dâu và chú rể cùng ra lạy bố mẹ, cô dì, chú bác bên nhà trai chủ yếu là những người cao tuổi, mọi người sẽ cùng mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể bằng tiền hoặc tặng phẩm.
Sau các thủ tục của lễ cưới đã xong là bữa cơm thân mật bên nhà trai, anh em họ hàng gần xa cùng đến chung vui mừng hạnh phúc cho đôi tân lang và tân nương, lúc này chú rể phải đi chúc rượu đáp lễ tất cả mọi người. Tiệc vui diễn ra trong tiếng chào đón chúc tụng của mọi người.
Các nghi lễ quan trọng trong lễ cưới hỏi truyền thống của người Xạ Phang đã xong, đôi vợ chồng trẻ lặng lẽ trở về phòng tân hôn của mình. Từ đây một cuộc sống mới bắt đầu, đôi bạn trẻ sẵn sàng đón nhận và tận hưởng hạnh phúc, đồng thời cùng nhau vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc sống để xây đắp tương lai. Điều đặc biệt sau ngày cưới là cô dâu không được ăn cơm bên nhà chồng trong 3 ngày và trong 3 năm không được mặc quần áo do nhà chồng may cho.
Minh Chiến - Trần Hoàn
Bảo tàng tỉnh