Người Thái đen ở Điện Biên cũng như các tộc người khác đều ý thức được vai trò, vị trí của nguồn lực con người, ý thức được sức mạnh của cồng đồng khi chống lại kẻ thù, thú dữ, chống lại với thiên tai để sinh tồn. Trong môi sinh đó, vấn đề tái tạo con người trở thành việc làm có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Hôn nhân đã ra đời với mục đích cố kết cộng đồng, tái tạo nhân lực, tăng cường sức mạnh và nguồn lực con người.

Đối với người Thái đen ở Điện Biên, cưới xin được coi là một việc rất quan trọng, đánh dấu hôn nhân đồng thời là bước đầu tiên để xây dựng cuộc sống gia đình độc lập, biến mỗi gia đình trở thành tế bào của xã hội. Do vậy khi đến tuổi trưởng thành, gia đình nào cũng lo toan cho việc dựng vợ gả chồng cho con.

Tục lệ cưới xin của người Thái đen Mường Phăng gồm các nghi lễ như dạm hỏi, ăn hỏi, gửi rể, lễ cưới.

Lễ dạm hỏi (pay ỉn) là một nghi thức cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ trường hợp hôn nhân nào, dù là trai gái yêu nhau hay do cha mẹ sắp đặt. Nếu không có nghi lễ này thì lễ cưới sẽ khó diễn ra, hôn nhân sẽ không được trọn vẹn. Khi đôi trai gái đồng ý, chàng trai sẽ về thưa chuyện với bố mẹ, sau đó bố mẹ chàng trai cùng anh em ruột thịt đến thưa chuyện với nhà gái với chủ ý thăm hỏi và định ngày ăn hỏi.

Lễ ăn hỏi (vay mía) là nghi lễ chính thức đặt mối quan hệ thông gia giữa hai gia đình, thống nhất chọn ngày tổ chức lễ cưới, lễ vật thách cưới (nếu có) và thời gian ở rể…

Chàng trai Thái muốn tổ chức lễ cưới thì phải trải qua thời gian thử thách. Mục đích của lễ này để gia đình cô gái xem xét chàng rể tương lai: chăm chỉ hay lười biếng, nhanh nhẹn, tháo vát hay chậm chạp, khỏe mạnh hay ốm yếu, nói chung là biết rõ mặt mạnh yếu của chàng trai, qua đó đi đến quyết định cuối cùng có tiến hành các lễ tục tiếp theo hay dừng lại. Nếu chàng trai sau thời gian ở rể được cha mẹ ưng ý cũng là lúc lễ cưới diễn ra.

Lễ cưới chính thức là ngày trọng đại nhất của đôi trai gái và cũng là ngày hội của bà con trong bản. Trước đây lễ cưới truyền thống của người Thái ở Điện Biên thường tổ chức nhiều ngày và tổ chức ở nhà gái trước, sau đó mới tổ chức ở nhà trai. Ngày nay, họ tổ chức chung một ngày và tiến hành song song ở hai gia đình.

Lễ cưới mở đầu bằng lễ Trải chăn đệm (pú xưa phả). Lễ trải chăn đệm do 4 người phụ nữ đã được chọn từ trước phụ trách, 2 người nhà gái, 2 người nhà trai và thường là họ hàng của cô dâu chú rể. Khi trải chăn đệm họ sẽ cầu chúc cho cô dâu chú rể những điều tốt đẹp nhất. Chăn đệm được trải trong lễ này thường là chăn đệm do mẹ chú rể và cô dâu tự làm. Khi trải họ thường trải chiếu của cô dâu xuống trước sau đó đến chiếu của chú rể, đệm của cô dâu trước mới đến đệm của chú rể, cứ như thế đối với ga và gối. Họ tin rằng khi trải như vậy cô dâu chú rể sẽ luôn hạnh phúc và có con cháu đầy đàn.

Lễ trải khăn đệm mang ý nghĩa chúc phúc cho cô dâu, chú rể

Lễ búi tóc ngược (khửn cẩu) là nghi thức đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời người phụ nữ Thái bởi phụ nữ Thái khi búi tóc ngược là dấu hiệu của người đã có chồng, người khác không được trêu ghẹo, việc ngoại tình sẽ bị cả bản mường chê trách, phạt vạ. Như vậy, lễ búi tóc ngược mang tính nhân văn khá sâu sắc, thể hiện sự công nhận của bản mường, cộng đồng về giá trị của hôn nhân. Tại lễ búi tóc ngược, trước tiên người bên nhà gái chải trước. Sau lời khấn nguyện người ta xõa tóc cô dâu, chải mượt hết một lượt rồi chải ngược đến lưng chừng thì chuyển cho người bên nhà trai chải tiếp. Người bên nhà trai vuốt ngược đuôi tóc lên trên và chải chụm giữa đỉnh đầu, rồi lấy hai lọn tóc giả độn cuốn cùng đuôi tóc và búi tóc lên đỉnh đầu. Cuối cùng là cài trâm bạc và đeo hoa tai, vòng tay cho cô dâu.

Lễ búi tóc ngược là nghi thức đánh dấu hôn nhân của người phụ nữ Thái

Ngày cưới chính là ngày thiêng liêng nhất trong đời sống tình cảm của con người, ngày mà niềm vui và hạnh phúc riêng của hai con người được nhân lên bởi sự quan tâm và vun đắp của gia đình, dòng họ, bạn bè. Vì thế ở thời điểm đó cô dâu và chú rể không thể quên công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của ông bà cha mẹ. Để bày tỏ lòng hiếu thảo, trong lễ cưới của người Thái Điện Biên có lễ cúng tổ tiên (xên hương, xên đẳm) và nghi lễ tạ ơn ông bà cha mẹ (dệt khuân). Ý nghĩa của nghi lễ trên là lời răn dạy đôi lứa trước tổ tông, báo hỷ cho người đang sống và người đã khuất biết sự gia nhập của thành viên mới. Đây cũng là lúc đôi trẻ hứa mãi mãi bên nhau trong mối quan hệ truyển kiếp, tiếp nối đời này sang đời sau.

Kết thúc lễ cúng tổ tiên, những khúc hát tạ ơn vang lên và tiệc mừng bắt đầu. Đôi trẻ vừa nâng chén chúc mừng vừa lắng nghe những lời hát đối đáp kể về ơn sinh thành, những lời răn dạy làm dâu, làm rể hết sức ý nghĩa.

Như vậy có thế thấy tục lệ cưới xin của người Thái Điện Biên hội tụ nhiều nét văn hóa dân tộc, thể thiện những nét đặc trưng bản sắc dân tộc cần được nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị trong thời đại ngày nay.

Bài, ảnh: Dương Chung

Nghiệp vụ Văn hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.129.338
Online: 99