Mỗi dân tộc có cách lý giải riêng về vạn vật và thế giới. Theo người Thái ở Tây Bắc có hai phi vật thể liên quan đến con người, thường làm cho con người ốm đau đó là khoắn và phi.

Khoắn, trong tiếng Việt nghĩa là vía, là một dạng phi vật thể, nhưng là thể sống của con người. Nếu không có vía sự sống không tồn tại, thể xác của con người lúc bấy chỉ thuần túy là vật thể vô tri, vô giác và sẽ bị phân hủy.  

Theo người Thái, mỗi con người xuất hiện nhiều khoắn:

Xảm xịp minh khoắn chậu

Can xịp khoắn hua khoắn hau

(Ba mươi vía của mình, chín mươi vía chính, vía phụ).

Các khoắn được phân bố trên khắp cơ thể.

Xảm xịp khoắn tang na

Hả xịp khoắn tang lung

(Ba mươi vía trước mặt, năm mươi vía sau lưng, vía đầy hai bên mình..)

Mỗi một bộ phận cơ thể đều có thể có khoắn và như vậy mỗi khoắn có chức năng riêng. Thí dụ: khoắn ta (vía mắt) biết nhìn, khoắn hụ (vía tai) biết nghe; khoắn đăng (vía mũi) biết ngửi; khoắn tin phoôm ở chân tóc có khả năng chịu gió, chịu nắn, khoắn tôn ở xoáy tóc là khoắn chính có vai trò quyết định sự sống còn của cơ thể. Đặc điểm khoắn thường rời bỏ cơ thể để đi chơi (nhất là khoắn của trẻ con). Nếu như khoắn của các bộ phận bỏ đi chơi, hoặc bị ma bắt thì bộ phận tương ứng sẽ bị ốm, bị đau. Còn nếu bị khoắn tôn lừa không gọi được trở về thì chủ khoắn sẽ chết. Như vậy khoắn là nguyên do chính để gây ra cho chủ khoắn tình trạng ốm, đau, thậm chí cả cái chết.

* Khé khoăn: gọi hồn và Bó khoăn: cúng hồn hoặc mời hồn ăn

Con người khi đi đâu xa về thấy mệt mỏi không ăn được, ngủ được đi xem bói biết rằng hồn của mình đã đi chơi quên không nhớ đường về nữa thì phải làm lễ khé khoăn để gọi hồn trở về với thân xác. Việc gọi hồn về phải do thầy mo mời và phải được tiến hành khé khoăn – gọi hồn trong 3 lần thì mới gọi được hồn về với thân xác người ốm.

Trước khi mời thầy mo về nhà, người bị ốm phải chuẩn bị một túi Thái trong có đựng: quần áo của mình hoặc nếu có vợ cũng có thể cuộn cả áo của vợ vào, một quả trứng luộc, một con cá nướng, một gói xôi.

Do người ốm chưa nặng (đó chỉ là sự giận dỗi bình thường trong khoảng thời gian ngắn) nên lễ vật cũng không cần cầu kỳ, đó chỉ là những thức ăn thường ngày. Nếu không gọi mời, hồn cũng sẽ tự trở về, nhưng để an tâm hơn thì làm lễ khé khoăn để cho mình khỏe mạnh.

Sau đó người bị ốm mời thầy mo về, thường là nữ giới. Bà sẽ mặc áo dài Thái (sửa luông) đen, đầu đội nón Thái, tay trái cầm quạt, tay phải cầm bó hương, vai đeo túi Thái trong đó có chuẩn bị các đồ cúng. Thầy mo phải gọi hồn về ở dưới gầm sàn chân cầu thang bên mang hóng nhà người bệnh. Trong lúc này hai vợ chồng người bệnh phải ngồi trên nhà và không được đi lại.

Thầy mo ngồi trên chiếc ghế mây, tay cầm quạt (cản ví) quạt vào bó hương và cúng để gọi hồn về. Đại ý rằng: hồn ở đâu sao đi chơi không về, nhà đã chuẩn bị cá, trứng để đi đón hồn về, hồn về thì đừng đi đâu nữa, không phải lo việc gì cả ruộng nương, đồng áng đã có con cháu lo….

Sau khi cúng mời hồn về bằng nhiều hình thức mong hồn ở lại với gia đình đừng đi đâu nữa kẻo bị lạc, lại không có gì ăn thì sẽ trở thành con ma đói, thầy mo sẽ gọi gia chủ “chẩu khoăn ơi hồn đã về chưa?”. Đây là câu hỏi tượng trưng vì chính thầy mo là người đã gọi được hồn về với người bệnh nhưng người bệnh phải lên tiếng để hồn còn nhận biết chính xác thân xác của chính hồn mình thì mới về được nên người bệnh nói lại rằng “hồn đã về rồi”.

Thầy mo lúc này theo lời mời của gia chủ tiến lên cầu thang và vào nhà người bệnh, sau đó sẽ đặt túi vào đầu giường của người bệnh. Việc khé khoăn phải tiến hành trong ba lần vì hồn đi chơi, bị lạc có một hồn chủ nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều hồn khác không thể về cùng một lúc được. Phải gọi nhiều lần để thể hiện thành ý với hồn. Lần hai khi thầy mo cúng xong thì túi Thái đựng đồ cúng vẫn được thầy cho vào đầu giường chỗ ngủ của người bệnh

Khi gọi khé khoăn lần thứ ba xong thì một người cao niên trong họ của người bệnh phải ra đón tiếp với ý nghĩa trân trọng, thể hiện tình cảm chân thành đối với hồn người bệnh. Người này đón lấy túi cũng tức là đón lấy hồn của người bệnh vì lúc này gọi được hồn về rồi nhưng nó vẫn trú ngụ trong áo, chủ hồn của người bệnh. Sau đó người cao niên này đưa túi Thái cho 2 vợ chồng người bệnh lúc này đã ngồi sẵn trên gian ngủ của mình xung quanh là con cháu, nếu có thêm họ hàng đến tham dự thì những người này được gia đình mời ngồi ở dưới sàn.

Lúc này thầy mo mới bắt đầu “bó khoăn” vì người Thái quan niệm đã mời được hồn về rồi thì phải cúng hồn và mời hồn ăn thì hồn mới nhớ và không đi chơi nữa.

Mâm cúng được các thành viên trong gia đình chuẩn bị bao gồm: 2 con gà luộc vì làm cho cả vợ và chồng (nếu làm cho một người chỉ cần một con); bánh chưng gù, chuối tây, bánh kẹo, 2 coóng xôi, 2 bát nước canh, rượu 8 chén. Không có quy định cụ thể phải bao nhiêu chén rượu mà nhà nào nhiều con cháu thì phải để lên mâm nhiều chén…để mong cho bố mẹ khỏe mạnh. Thể hiện tình cảm của mình đối với ông bà, con cháu phải có mặt đầy đủ và khi về tùy vào điều kiện kinh tế mà phải chuẩn bị cho bố mẹ.

Thầy mo cúng mời hồn về ăn “mong hồn không đi chơi nữa, nếu khoăn đi theo quạ thì không phải là anh em mình, con diều hâu cũng không phải anh em mình, về nhà xem nhà mình, không có việc gì thì xem ngọc, xem vàng ở trong va ly mình không có vàng ngọc thì đọc sách, còn việc đồng áng thì để cho con cháu lo, đói đã có con cháu cho ăn, nhà đã  có gà, rượu, xôi mọi người đông đủ cả các thành viên trong gia đình không thiếu ai mời hồn về xum họp với gia đình…” Sau đó thầy mo đưa gà lên cho hồn của người bệnh là 2 gia chủ nam và nữ ăn. Hồn ăn tức là người ăn vì lúc này hồn đã về nhập với thân xác thành một, hồn đã ở lại với người bệnh không đi chơi nữa. Con cháu xung quanh cúng lạy hồn của bố mẹ, ông bà mong hồn của ông bà khỏe mạnh yên tâm ở lại với con cháu trong nhà.

* Van khoăn (xin khất hồn)

Một người tự nhiên ốm, ăn ngủ không yên đã đi kiểm tra thầy thuốc nhưng không phát hiện ra bệnh, đi xem thầy mo mới được biết rằng hồn của mình đã lâu không được ăn uống gì nên muốn ăn thịt lợn, và phải làm lý một con lợn (tu mu) thì mới khỏi được. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, gia đình chưa thể một lúc chuẩn bị ngay được lợn để thầy mo làm lý nên phải làm lễ Van khoăn - xin khất hồn lần sau gia đình mới làm được và mong hồn yên tâm mà ăn uống bình thường cho người khỏe mạnh.

Người bị ốm sẽ phải ngồi đối diện với thầy mo giữa là cái mâm gồm chiếc áo người bệnh hay dùng, trên là đĩa trầu cau, vôi.

Thầy mo cúng đại ý rằng hiện nay gia cảnh khó khăn quá nhà không có gì để làm lý cho hồn cả, nếu nhà có trâu, có lợn sẽ làm lý ngay nhưng hiện tại chưa có nên đành phải khất lại vào một dịp khác nếu hồn đói quá thì ăn trước trầu vôi với cau lần sau có sẽ làm.

Cúng xong thầy mo quyệt vôi và lá trầu nên áo người bệnh với hàm ý cho hồn ăn trước và  xin khất lại dịp sau khi kinh tế gia đình khá giả sẽ làm một lễ to hơn cho hồn. Tiếp đó, thầy mo làm lễ buộc chỉ cổ tay cho người bệnh để cột chặt hồn với người bệnh không cho hồn đi đâu nữa.

* Sỏn khoăn: (lấy hồn về)

Đứa trẻ bị ngã ở đường, suối, cầu thang…về nhà bị ốm nguyên do là khoăn của trẻ con rất thích đi chơi, lại bị vấp ngã và còn bé nên khoăn của đứa trẻ không nhớ đường về. Khi đứa trẻ về nhà hồn bị lạc nên sẽ ốm, đau. Gia đình phải làm lễ “sỏn khoăn” - lấy hồn đứa trẻ đó về nhà và giữ lại không cho đi nữa, thì đứa trẻ mới khỏe mạnh trở lại được.

Đồ cúng chuẩn bị cho lễ sỏn khoăn gồm: một cái mẹt trong đó có quần áo của cả nhà, đường bánh, chuối tiêu, xôi, trứng luộc. Trước khi vào làm lễ, mọi người lấy quần áo của các thành viên trong gia đình với gói xôi cho cùng với đường, bánh  vào trong túi xách của người Thái. Đây như một sự bảo bọc, quan tâm và tình yêu thương của đại gia đình đối với thành viên bé nhỏ, non nớt.

Thầy mo một tay cầm quạt, một tay cầm bó hương, còn người phụ lễ đeo túi Thái, mang đồ cúng đi ra cầu thang bên mang hở đến chỗ cháu bé bị ngã. Nếu cháu bé đã ý thức được mình ngã ở đâu thì chỉ cần cháu bé đi một mình. Nhưng nếu cháu đi cùng chị và chưa ý thức được bản thân ngã ở đâu thì cả hai chị em phải cùng đi theo thầy mo.

Đến chỗ cháu bé bị ngã, thầy mo và người phụ lễ ngồi xuống chỗ cháu bé bị ngã. Người cúng tay cầm quạt (cản ví) quạt vào bó hương, vừa quạt vừa khấn cho hồn đứa trẻ nhanh nhanh về với gia đình với nội dung “hồn ơi hồn về nhà cụ thôi về nhà cụ có cá, bánh, trứng đã chuẩn bị sẵn để đón cháu về, về nhà hồn còn được ăn gà (to cáy) đừng đi lang thang nữa mà khổ…”Còn người phụ lễ tay cầm cái ca tra (cái vợt để bắt cá) hứng hết khói bay từ quạt với ý nghĩa đón hồn về với gia đình và vừa đi theo thầy mo người phụ lễ này nhặt lấy những hòn sỏi còn vương trên sàn nhà với quan niệm phải nhặt hết, lấy hết những khoăn (hồn) còn rơi rớt lại của cháu bé, để khoăn (hồn) được về đầy đủ khi về gia đình. 

Đào Duy Trình

Nghiệp vụ Văn hóa

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin đã đăng
     Liên kết website
    Thống kê: 10.260.123
    Online: 59