Là di tích thành phần của di tích chiến trường Điện Biên Phủ, được người Pháp xây dựng từ năm 1939 lúc đó nằm trong hệ thống sân bay miền núi hẻo lánh của vùng Tây Bắc Việt Nam, sân bay Mường Thanh hiện nay được biết đến là một trong những đầu cầu giao thông vận tải đường hàng không chính của tỉnh Điện Biên nhiều hơn là một di tích từng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trở lại với quá khứ hào hùng của dân tộc, cách đây 60 năm, sân bay Mường Thanh là điểm cốt yếu trong chiến lược của quân đội Pháp nhằm thiết lập một tập đoàn cỡ bự tại Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt quân chủ lực Việt Nam, kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Ngày 20 tháng 11 năm 1953 những tên lính dù đầu tiên đặt chân xuống lòng chảo Điện Biên Phủ trong cuộc hành quân Castro đầy tham vọng. Trong vòng ba ngày từ 20 đến 22 tháng 11 đã có 6 tiểu đoàn dù với khoảng 4.500 lính dù đã có mặt tại đây. Đến ngày 29 tháng 11, lần đầu tiên lên thăm Điện Biên Phủ viên Tổng chỉ huy Navarre đã tận mắt nhìn thấy một vị trí đặc biệt quan trọng của thung lũng này cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chính thức được quyết định xây dựng tại bản mệnh lệnh số 949 bằng giấy trắng mực đen do chính Navarre ký và sẽ trở thành một Tập đoàn quân sự mạnh, một hình thức phòng ngự cao nhất nhằm thu hút đối phương đến giao chiến và giành thắng lợi quyết định.

Để thực hiện chiến lược mới, việc đầu tiên người Pháp làm là gấp rút sửa lại sân bay, con đường giao thông thuận lợi và duy nhất đối với quân đội Pháp lúc này. 2 sân bay được đầu tư sửa chữa, xây dựng là Mường Thanh và Hồng Cúm trong đó Mường Thanh sẽ là sân bay chính và Hồng Cúm là sân bay dự bị. Sân bay Mường Thanh nằm ở vị trí trung tâm (các ngọn núi cao nằm cách sân bay từ 10 đến 12km), có chiều dài 2000m, chiều rộng 50m. Với nhiệm vụ vô cùng quan trọng, Navarre đã không tiếc tay để biến Sân bay Mường Thanh trở nên hữu dụng và an toàn. Đường băng được ghép bằng hàng vạn tấm ghi sắt được làm sẵn từ Pháp chuyển sang bằng máy bay, thả dù và lắp ghép tại Điện Biên. Khu vực cất và hạ cánh rộng 25m và dài 120m đảm bảo thuận lợi cho việc lên, xuống. Một trung tâm, bao quanh đường băng sân bay gồm 5 cụm cứ điểm: Claudine, Huguette, Anne-Marie, Dominique, Eliane. Hai cứ điểm Gabrielle và Béatrice cách đó 2km đến 3km về phía Bắc và Đông Bắc cũng có nhiệm vụ tăng khoảng trời an toàn bên trên sân bay. Bên cạnh đó, cũng giống như các cứ điểm khác, hệ thống hàng rào dây thép gai dày từ 50m đến 75m bao quanh mỗi cụm cứ điểm, từng điểm tựa bên trong Sân bay Mường Thanh cũng được thiết lập dùng để ngăn chặn các hành lang mà đối phương có thể xâm nhập vào. Các chướng ngại vật này còn được củng cố bằng các bãi mìn, bộc phá và luôn có 6 máy bay khu trục và máy bay trinh sát được bố trí tại sân bay. Về khối lượng chuyên chở, mỗi ngày có gần 100 lượt máy bay vận tải từ đầu cầu Hà Nội và Hải Phòng tiếp tế cho Điện Biên Phủ từ 200 tấn đến 300 tấn hàng và từ 100 đến 150 lính dù.

Với những tính toán về hiệu quả và tính khả thi của việc vận chuyển bằng đường hàng không, nhưng từ sau khi kết thúc giai đoạn một của cuộc chiến, thời tiết tại Điện Biên Phủ ngày càng trở nên xấu hơn khiến cho thế mạnh về không của người Pháp gần như bị tê liệt, không phát huy tác dụng. Việt Minh tiếp tục có những hành động mạnh mẽ, liên tục vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Giao thông hào xuất hiện chung quanh các cụm cứ điểm, các trận địa pháo mặt đất và pháo cao xạ mọc lên dày đặc xung quanh các dãy đồi cao, hỏa lực phòng không cũng ngày được xiết chặt trên bầu trời. Tình thế của Tập đoàn cứ điểm đang theo chiều hướng xấu. Việc thả dù và di tản thương binh ngày càng khó khăn hơn. Máy bay hạ cánh một cách gấp rút trong vài phút rồi lại phải bay đi do luôn bị pháo kích dữ dội. Không lâu sau đó việc hạ cánh ban ngày cũng không còn thực hiện được, máy bay phải đáp xuống vào ban đêm, trên một đường băng không được chiếu sáng. Và mặc dù phi công đã rất can đảm nhưng cuối cùng quân đội Pháp đã phải hủy bỏ hoàn toàn việc di tản thương binh bằng máy bay. Chiếc trực thăng cuối cùng bị bắn rơi lúc cất cánh vào ngày 23 tháng 3. Chiếc máy bay cuối cùng di tản thương binh vào ngày 26 tháng 3. Đến ngày 30 tháng 3 năm 1954 không một chiếc máy bay nào tiếp cận được với Sân bay Mường Thanh. Điều này cho thấy, cầu hàng không mà Bộ chỉ huy Pháp đặt rất nhiều kỳ vọng trên thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cấp thiết của Tập đoàn cứ điểm khổng lồ tại Điện Biên Phủ.

Từ ngày 30 tháng 3, là giai đoạn quyết định của trận đánh. Các cuộc tiến công vào các cụm cứ điểm phía Đông và một số vị trí bảo vệ sân bay ở phía Tây, các trận địa pháo và lô cốt, hầm công sự của Pháp ngày càng trở nên dữ dội. Việt Minh nhanh chóng chiếm được các điểm tựa quan trọng nhất, pháo binh và pháo cao xạ ngày càng được đưa vào gần phân khu trung tâm. Đêm 1 tháng 4, Việt Minh đột nhập bất thần vào vị trí 106 bảo vệ sân bay về phía Tây và tiêu diệt gọn. Đêm 2 tháng 4, uy hiếp cứ điểm 311A ở phía Tây rồi chiếm hẳn vị trí này. Đêm 18 tháng 4, diệt vị trí 105 bảo vệ phía Bắc sân bay. Trận địa bao vây của Việt Minh từ phía Đông, Tây, Bắc cũng tiến vào sân bay, cắt ngang sân bay và cuối cùng Sân bay Mường Thanh đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Phạm vi chiếm đóng ngày càng bị thu hẹp. Quân Pháp không thể tiếp cận được với sân bay. Mọi tiếp viện cho Điện Biên Phủ chỉ còn trông chờ vào dù tiếp tế. Lính được thả dù vào ban đêm còn thực phẩm và đạn dược vào ban ngày. Tuy nhiên, Pháp không thể thường xuyên duy trì được các hoạt động tiếp tế đó. Phong trào “săn tây bắn tỉa” của Việt Minh hoạt động mạnh, máy bay Pháp buộc phải bay cao hơn và thả dù từ độ cao hơn 2.000m, cộng với gió mạnh khiến nhiều dù thả đồ tiếp tế rơi không đúng chỗ, lạc sang trận địa bao vây của đối phương. Pháo cao xạ của Việt Minh kiểm soát chặt chẽ và làm chủ bầu trời. Hoạt động không quân bị thu hẹp lại, tinh thần sĩ quan, binh lính Pháp căng thẳng và sút kém trông thấy.

Ngày 01 tháng 5 năm 1954, Việt Minh mở cuộc tổng công kích trên toàn mặt trận. Sau những trận đánh kéo dài suốt ngày đêm, tất cả vùng ngoại vi của cụm trung tâm bị tràn ngập. Tình thế buộc người Pháp hoặc chấm dứt trận đánh này vì thiếu lương thực hoặc dồn nỗ lực cuối cùng, nhờ vào sự hỗ trợ chủ yếu của không quân để có thể giành lại những thắng lợi nào đấy. Trên thực tế những nỗ lực của quân Pháp trong giai đoạn này hoàn toạn bị dập tắt do sự thu hẹp của các bãi đáp, chỉ phân nửa tiểu đoàn được tăng viện được thả xuống Điện Biên Phủ. Chiều ngày 07 tháng 5 năm 1954, một đội xung kích của Việt Minh tiến vào hầm chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Toàn bộ Bộ chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt. Điện Biên Phủ được giải phóng hoàn toàn.

Thiệt hại của không quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ là 36 máy bay bị bắn rơi hoặc phá hủy ngay trên mặt đất, 150 chiếc bị trúng đạn. Đã có khoảng 79 lính và sỹ quan Pháp chết hoặc mất tích (kể cả không quân và lực lượng máy bay của hải quân).

Năm 1958, vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở tại sân bay Điện Biên và do quân đội đảm nhiệm nhưng các chuyến bay rất ít. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Cảng hàng không Điện Biên Phủ vẫn được duy trì nhưng hầu như không sử dụng vào khai thác. Năm 1973, chuẩn bị kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Cảng hàng không Điện Biên Phủ được khôi phục và từ đó đến nay, Sân bay Mường Thanh từng bước được nâng cấp, hoàn thiện và xây dựng mới thành một trong những sân bay hiện đại của miền Bắc, mỗi ngày phục vụ hai chuyến bay tương đương với 150 hành khách vào giờ cao điểm tới thủ đô Hà Nội.

Trải qua gần 60 năm,đến nay việc đưa vào sử dụng và khai thác Sân bay Mường Thanh, trở thành Cảng hàng không Điện Biên Phủ đã khiến di tích Sân bay Mường Thanh năm xưa bị thay đổi. Một số cứ điểm tại khu vực sân bay phải đánh mốc dưới lòng đất theo tình tình hình thực tế. Các hiện vật ngoài trời hiện nay cũng không được bảo quản tối ưu, môi trường cảnh quan cũng bị thay đổi, Sân bay Mường Thanh không còn được nguyên trạng. Cũng chính vì vậy mà trong thời gian qua việc phát huy giá trị của di tích gần như là không thực hiện được và để có những phương hướng bảo vệ và phát huy hết được giá trị của di tích Sân bay Mường Thanh đòi hỏi sự phối hợp của các cấp, các ngành chức năng./.

Hồng Nhung


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 290.482
Online: 36