103 năm ngày sinh, gần 1 năm ngày mất, nến vẫn sáng tại số nhà 30 Hoàng Diệu, hoa vẫn tràn ngập quanh khu mộ Vũng Chùa - Đảo Yến, hình ảnh Đại tướng vẫn nguyên vẹn trong trái tim và tiềm thức mỗi người dân đất Việt.

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lần thứ hai từ mùa xuân đại thắng, một năm Giáp Ngọ nữa lại đến với rợp trời cờ hoa, cả nước cùng hướng về mảnh đất nơi địa đầu phía Tây Bắc của tổ quốc. Hàng triệu triệu người trong chuyến hành trình trở về với cội nguồn lịch sử liên tưởng đến những cuộc hành quân giải phóng Điện Biên năm xưa. Trên tất cả các sách báo, các phương tiên thông tin đại chúng, chưa bao giờ ba chữ Điện Biên Phủ được nhắc nhiều đến vậy. Lần đầu tiên chúng con không có Đại tướng ở bên.

Tại trung tâm Văn hóa Cựu chiến binh trên đồi E2, một bàn thờ được lập vội ngay khi Bác vừa qua đời chưa lúc nào lạnh, đã trở thành nơi hội tụ những trái tim luôn hướng về người với niềm biết ơn vô bờ bến và sự xót thương không chỉ của người dân Điện Biên. Ngôi lán làm việc trong Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng luôn có những nhánh hoa rừng đặt trên bàn làm việc, là cách thể hiện tình cảm của bà con đối với vị tướng tài ba lỗi lạc, người đã chỉ huy, dẫn dắt Quân đội nhân dân Việt Nam chiến thắng một trong những đội quân hùng mạnh nhất trên thế giới, đem lại hòa bình, ấm no cho dân tộc.

Lần cuối cùng Đại tướng lên Điện Biên, máy bay trở Bác hạ cánh ngay tại khu rừng Mường Phăng, giữa tình yêu thương vô vàn và sự kính trọng, mong nhớ của nhân dân Điện Biên, không khí của 55 năm trước lại ùa về. Dù tuổi cao, sức yếu, Đại tướng miệt mài kể chuyện, dặn dò. Từng lớp người cứ ùn ùn kéo về để được nhìn thấy Đại tướng, để chụp ảnh Người, hay chỉ đơn giản là cảm nhận không khí nơi đây. Đã lâu lắm, bà con Mường Phăng mới lại vui, lại hân hoan đến thế. Công trình Nhà Văn hóa của xã là một nhà sàn khang trang được thiết kế theo nguyên mẫu nhà sàn của người dân tộc Thái được xây dựng bằng những vật liệu bền vững hơn với thời gian; công viên chiến thắng tại bãi duyệt binh năm xưa rộng rãi với tượng đài đồ sộ, hoành tráng; hoặc chỉ đơn giản là khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn vẫn gồng mình che chở cho mảnh đất và con người nơi đây luôn in đậm hình ảnh vị Đại tướng giản dị, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng luôn gắn liền với lý tưởng cách mạng và con đường giải phóng dân tộc. Trở thành chiến sĩ cộng sản khi đang là nhà giáo dạy Sử, bãn lĩnh, trí tuệ và tài năng sớm bộc lộ, ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc. Là người sáng lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), vinh dự là vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi tuổi đời còn trẻ mà chưa từng trải qua một trường lớp quân sự nào; liên tục chỉ huy, dẫn dắt quân đội ta giành những chiến thắng quyết định từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 và đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến thần thánh chống Thực dân Pháp xâm lược, sau đó là một loạt các chiến dịch vừa và nhỏ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và cuộc tổng tiến công, nổi dậỵ mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân của chiến đấu và chiến thắng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bằng trí tuệ, quyết tâm và lòng yêu nước, thương dân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến trọn đời cho đất nước. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết định chuyển phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu sang “Đánh chắc, tiến chắc” chỉ trong vòng một đêm không chỉ là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” của Đại tướng mà còn là quyết định thay đổi vận mệnh của cả dân tộc. Vượt ra ngoài biên giới quốc gia, ông là một trong những vị tướng hiếm hoi đánh bại cả hai đế quốc Pháp và Mỹ, trong đó chiến thắng Điện Biên Phủ là khởi nguồn cho sự sụp đổ của chế độ thực dân, thức tỉnh nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Có thể khẳng định, Đại tướng chính là một vị lãnh đạo tài ba, xuất chúng; là một trong những vị tướng quân đội xuất sắc nhất của lịch sử nhân loại.

Giây phút Đại tướng về bên kia thế giới, cả đất nước nghiêng mình, nghẹn ngào nói lời tiễn biệt. Từ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi mãi mãi, cả dân tộc cùng chung một nỗi đau, chung một đôi mắt, chung một cái nắm tay, thể hiện nỗi thương tiếc với Đại tướng và để xích lại gần nhau hơn. Cho đến ngày mất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn đã đem lại một chiến thắng to lớn cho đất nước mình, đó là chiến thắng của lòng dân, chiến thắng của tinh thần đoàn kết, thức tỉnh lòng yêu nước trong mỗi con người.

Đầu tháng 5/2014, sự xuất hiện của giàn khoan Hải Dương 981 với sự hỗ trợ tuyệt đối của máy bay, tàu chiến hiện đại và âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm đất nước Việt Nam dậy sóng. Người dân từ khắp mọi miền tổ quốc đến những kiều bào ở nước ngoài, từ già, trẻ, gái, trai với đủ thành phần, dân tộc, tôn giáo đều bày tỏ sự phẫn nộ và đã có nhiều hành động thiết thực cùng với Chính phủ đấu tranh bằng nhiều hình thức, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam; khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Sau nhiều thập kỷ được sống trong yên bình, tự do, lần đầu tiên chúng ta chứng kiến một quyết tâm sắt đá, một tinh thần đoàn kết làm lay động cả thế giới và một lòng yêu nước chưa bao giờ tắt, trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam. Lòng tự hào ấy xuất phát từ truyền thống hàng ngàn năm lịch sử, những chiến thắng oai hùng đã đi vào sử sách đồng thời được hun đúc, tô thắm thêm qua những con người đã trở thành biểu tượng bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Dưới thời đại Hồ Chí Minh, không ai khác chính là Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.

Hồng Nhung

Bảo tàng CTLS Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 299.233
Online: 96