Không phải chỉ đến cuối năm 1953, sau khi thất bại ở hầu khắp các chiến trường trong kế hoạch Nava nhằm bình ổn Việt Nam, Điện Biên Phủ mới được Pháp để mắt tới là một chiến lược quy mô lớn nhằm quyết định số phận của cuộc chiến tranh Đông Dương đã kéo dài từ lâu mà không được như mong đợi.

Trước đó, người Pháp đã chiếm Điện Biên Phủ từ năm 1888 và nơi đây trở thành một trong bốn đạo quan binh của Pháp. Từ năm 1939 Điện Biên Phủ đã có một sân bay có khả năng được nới rộng ra một cách dễ dàng từ hai đến ba lần. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, hàng ngàn quân Pháp đã qua con đường Lai Châu chạy sang Trung Quốc. Năm 1945, quân Nhật sau đó là quân Tưởng Giới Thạch đã có mặt ở Điện Biên Phủ. Khi ta ký hiệp định sơ bộ ngày mùng 6 tháng 3 năm 1946 với Pháp, Pháp đã yêu cầu được đưa hơn 800 quân trở lại vùng này để làm nhiệm vụ tiếp phòng quân Tưởng.

Tuy nhiên từ sau chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Điện Biên Phủ đã được giải phóng cùng với nhiều châu, huyện khác. Lúc bấy giờ người chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp là Salan cho dù không giữ được Điện Biên Phủ nhưng chưa bao giờ giấu diếm ý định chiếm lại cái cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc này. Tuy nhiên do vấp phải các cuộc tiến công của Việt Minh trên hầu hết các chiến trường, phải chia nhỏ lực lượng để đối phó nên ông ta chưa thể đưa quân lên vùng đất hẻo lánh nhưng rất quan trọng đó.

Điện Biên Phủ có một dạng địa hình khá đặc biệt, bốn bên là núi hoặc những quả đồi nối tiếp nhau. Ở giữa có một dải đất bằng phẳng giống như một thung lũng lọt thỏm giữa trùng điệp của núi non. Dải đất bằng phẳng đó được tô đậm bởi cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, hiếm có đã đi vào thơ ca "Nhất thanh, nhì lò, tam than, tứ tấc". Đây là một vựa thóc khổng lồ giữ miền rừng núi trùng điệp. Vào cuối thế kỷ 18 nhà bác học Lê Quý Đôn đã miêu tả khá tỉ mỉ về cánh đồng trù phú này trong tài liệu sử học của mình: "thế núi vòng quanh,... ruộng đất bằng phẳng, mầu mỡ... công việc làm ruộng bằng nửa các châu khác mà số hoa lợi thu hoạch gấp đôi...". Sau này, cánh đồng Mường Thanh đã trở thành nơi trọng điểm về lúa gạo của tỉnh Lai Châu.

Sự thay đổi cấp chỉ huy cao nhất của người Pháp tại Điện Biên Phủ nhằm thay đổi cục diện chiến tranh đã khiến cho Nava lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam và đó cũng là tướng Pháp cuối cùng có mặt tại mảnh đấy hình chữ S trên bán đảo Đông Dương. Được đặt nhiều kỳ vọng không chỉ bởi những thành tích đáng nể trước đó mà còn bởi quyết tâm đặt một chân đô hộ đất nước này của Mỹ bằng cách viện trợ một cách tối đa về khí tài, tiền của cho trận chiến này, Nava sẽ cơ hội để thể hiện tài năng của mình.

Từ cuối tháng 7, Navarre đã có những trăn trở về việc thiết lập những căn cứ "lục - không quân hỗn hợp" hoặc những "căn cứ trận địa" để bảo vệ trực tiếp nước Lào nhưng chưa biết đặt căn cứ đó ở đâu. Suy đi tính lại, Navarre chợt nhớ lời của người tiền nhiệm mình là Salan về thung lũng Điện Biên Phủ. Phải chăng Điện Biên Phủ sẽ là địa bàn chiến lược để lấp đầy những sơ hở trong tính toán quân sự của vị chỉ huy này. Kế hoạch hành binh Caxstor (hải ly) ra đời. quân Pháp sẽ đánh chiếm Điện Biên Phủ bằng ba lực lượng phối hợp: từ Lai Châu đánh xuống, từ Thượng Lào đánh sang và quân dù từ trên trời nhảy thẳng xuống cánh đồng Mường Thanh. Sự xuất hiện của Đại đoàn 316 trên hướng Tây Bắc, tiếp thêm quyết tâm trấn giữ Điện Biên Phủ của Nava bằng cuộc nhảy dù của 6 tiểu đoàn với khoảng 4.500 lính xuống cánh đồng Mường Thanh trong vòng 3 ngày từ 20 đến 22 tháng 11 năm 1953 dưới sự chỉ huy của viên tướng Gill đầy kinh nghiệm.

Ngày 29 tháng 11 năm 1953, lần đầu lên thăm Điện Biên Phủ, viên Tổng chỉ huy Navarre đã tận mắt nhìn thấy một vị trí đặc biệt quan trọng của thung lũng này cả về quân sự và kinh tế. Điều đó càng củng cố thêm quyết tâm biến nơi đây thành một lô cốt chiến lược của quân đội Pháp. Và thế là chỉ mấy ngày sau, ngày 3 tháng 12 bản mệnh lệnh số 949 bằng giấy trắng mực đen do chính Navarre ký được chuyển đến cơ quan tham mưu và những người có liên quan về chiến lược mới của vị Tổng chỉ huy.

Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn nhất ở vùng thượng du phía Tây Bắc, sát biên giới Việt Lào, cách biên giới các nước Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan từ 150 đến 300km, cách Hà Nội gần 500km. Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp hai tỉnh Phong Saly và Luang Prabang (Lào) với 170km đường biên giới, Điện Biên là tỉnh có chung đường biên giới với hai quốc gia Trung Quốc và Lào. Với vị trí đặc biệt, Pháp và Mỹ coi Điện Biên Phủ là ngã tư chiến lược quan trọng không những đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á. Một  trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Đó là “một cái chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào”, một “bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Miến Điện và Trung Quốc. Đây cũng sẽ trở thành một căn cứ không quân, lục quân lợi hại phục vụ tối ưu cho các chính sách mà Pháp tiến hành ở Việt nam. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào rồi từ đó đánh chiếm ra các vùng đã mất ở Tây Bắc trong năm 1953 - 1954 và  tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các đại đoàn chủ lực của đối phương nếu họ đến đấy.

Trong vòng 10 ngày (từ 23 tháng 11 đến 3 tháng 12 năm 1953), quân đội Pháp đã thả hàng ngàn chiếc dù hàng với đủ loại vũ khí phương tiện cung cấp cho chiến trường Điện Biên Phủ. Những cuộn dây thép gai, phuy ét xăng, đạn dược, thực phẩm những khối đạn pháo và phương tiện đủ loại được thả xuống Điện Biên Phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn sân bay Mường Thanh đã được tu sửa lại. Ngày 25 tháng 11 chiếc Dakota đầu tiên đã hạ cánh xuống Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 12 năm 1953, những công trình hiện đại đã bắt đầu mọc lên ở thung lũng lòng chảo. De Castries được chỉ định làm chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm quan trọng này.

Hàng trăm lượt máy bay, xe tăng, xe ủi đất và hàng trăm pháo lớn các loại, hàng ngàn tấn bom đạn và phương tiện chiến tranh cùng quân tinh nhuệ được huy động để chiếm đóng Điện Biên Phủ. Quân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một Tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh, một “pháo đài không thể công phá”, một “cối xay thịt” có thể nghiền nát bộ đội chủ lực của đối phương. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tổng cộng 49 cứ điểm và mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự riêng biệt. Nhiều cứ điểm nằm sát cạnh nhau tạo thành cụm cứ điểm, bao gồm 8 cụm cứ điểm yểm trợ lẫn nhau theo kiểu "phòng ngự liên hoàn" với những "trung tâm đề kháng phức hợp", có lực lượng cơ động và hỏa lực riêng, có hệ thống công sự vững chắc xung quanh có hàng rào dây thép gai dày đặc và có khả năng phòng ngự độc lập. Những cụm cứ điểm này được gọi theo thứ tự A, B, C... căn cứ vào thời gian hoàn thành việc xây dựng. Mỗi cụm cứ điểm mang tên của một thiếu nữ đẹp nước Pháp:

1. Annơ Mari (Anne Marie) - gồm 4 cứ điểm Anne Marie 1 và 2 nằm trên 2 mỏm của đồi Bản Kéo. Anne Marie 3 và 4 nằm ở phía Bắc sân bay Mường Thanh liền kề với phân khu Trung tâm, sau này được sát nhập vào phân khu Trung tâm.

2. Bêatrixơ (Béatrice) - tức đồi Him Lam cách phân khu Trung tâm 2,5km.

3. Clôđin (Claudine) - gồm những cứ điểm nằm ở phía Nam sân bay, hữu ngạn sông Nậm Rốm.

4. Đôminích (Dominique) - gồm những cứ điểm ở phía Đông sân bay, tả ngạn sông Nậm Rốm.

5. Êlian (Éliane) - gồm những cứ điểm nằm ở phía Đông phân khu Trung tâm, tả ngạn sông Nậm Rốm.

6. Gabrien (Gabrielle) - tức đồi Độc Lập cách phân khu Trung tâm 4km.

7. Huyghet (Huguette) - gồm một số cứ điểm nằm ở phía Tây sân bay, hữu ngạn sông Nậm Rốm.

8. Idaben (Isabella) - gồm các cứ điểm phía Nam sân bay Hồng Cúm.

Mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng, có chiến hào ngang dọc. Một số cứ điểm còn có hầm ngầm. Hàng rào dây thép gai bao quanh các cứ điểm dày từ 50 đến 200 mét. Ngoài ra còn có các bãi mìn dày đặc và hàng rào điện sát mặt đất.

Tám cụm cứ điểm này được tổ chức thành ba phân khu, mỗi phân khu đều có chức năng và nhiệm vụ riêng.­­

Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - PC.GONO (Hầm De Castries) được đặt ở vị trí trung tâm lòng chảo Điện Biên Phủ, cách cứ điểm A1 về phía Tây chừng 500m theo đường chim bay; cách cầu Mường Thanh khoảng 300m về phía Tây Nam. Hầm được thiết kế và xây dựng bằng các vật liệu chắc chắn đủ sức chịu đựng sự công phá của các loại hỏa lực của đối phương.

Về hỏa lực pháo binh được bố trí thành hai căn cứ có thể phối hợp yểm hộ cho tất cả các cứ điểm. Căn cứ thứ nhất ở Mường Thanh gồm một tiểu đoàn pháo 105mm, một đại đội pháo 155mm và 16 khẩu cối 120mm. Căn cứ thứ hai ở Hồng Cúm có một tiểu đoàn pháo 105mm.

Mặt đất xung quanh mỗi cứ điểm không còn một thứ cây cỏ gì ngoài một loại “cây leo bằng kim loại” chằng chịt đang sinh sôi nảy nở mỗi ngày, đó là dây thép gai.

Hỏa lực của mỗi cứ điểm thường có: 4 khẩu súng đại liên, 40 đến 45 khẩu súng tiểu liên, 9 khẩu súng trung liên, 9 khẩu súng phóng lựu đạn, 2 khẩu súng cối 60mm và 1khẩu pháo không giật 57mm. Ở những cứ điểm quan trọng, quân số được tăng thêm thì vũ khí cũng được tăng thêm tùy theo sự cần thiết. Đặc biệt còn có thêm vũ khí mới như súng phun lửa, các phương tiện chống đạn khói và súng hồng ngoại để bắn vào ban đêm mà không cần đèn.

Khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Navarre đã cho xây dựng 2 sân bay, sân bay chính là Mường Thanh và sân bay dự bị là Hồng Cúm. Mục đích của việc xây dựng 2 sân bay này là để nhận quân tăng viện của Pháp từ Hà Nội và một số cảng hàng không khác lên phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ. Một cầu hàng không nối liền sân bay Điện Biên với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai được thiết lập hoạt động tấp nập từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là cố gắng, nỗ lực cao nhất và cuối cùng của Pháp, Mỹ để giải quyết dứt điểm tình hình Đông Dương lúc này. Dù không có trong bản kế hoạch chiến lược của viên tướng thứ 7 ở Đông Dương nhưng cuối cùng vùng cửa ải biên giới phía Tây Bắc của đất nước Việt Nam lại trở thành điểm mấu chốt của kế hoạch Navarre. Người Pháp tin rằng họ bắt Việt Nam buộc phải chơi một ván cờ lật ngửa mà trong đó những quân cờ chủ chốt của họ đã đi trước đối phương một nước. Lẽ dĩ nhiên khi đã đi rước một bước, lại có sự chuẩn bị tối ưu về mọi mặt thì việc mơ về chiến thắng là điều không khó hiểu.

BTV


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 299.212
Online: 81