Để thực hiện tham vọng độc chiếm Đông Duơng đã có một kế hoạch ném bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ đã được Mỹ tính đến vào năm 1954.

Trở lại những ngày giữa tháng 3 năm 1954, khi Chính phủ Pháp đã bắt đầu thấy khả năng thất thủ của Điện Biên Phủ, họ đau đầu với ý nghĩ: bằng cách nào để cứu vãn Điện Biên Phủ? Cuối cùng, ngày 22/3/1954 Chính phủ Pháp cử tướng Ê-ly, tổng tham mưu trưởng bay sang Mỹ cầu cứu khẩn thiết.Tổng thống Mỹ lúc đó đã dành cho Ê-ly sự tiếp đón nồng nhiệt, đồng thời chỉ thị cho Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, Đô đốc Rát-pho phải làm mọi việc có thể chi viện cho quân đội Pháp chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

Ngày 24/3/1954, trong căn phòng khu ngoài Lầu Năm Góc, Đô đốc Rát-pho đề nghị với Tướng E-ly một sự can thiệp bằng không quân ở Điện Biên Phủ. Rát-pho thăm dò, đề nghị Ê-ly hãy dùng 60 máy bay hạng nặng B29 từ căn cứ Mỹ Clarkfielt ở Philippin bay tới Điện Biên Phủ nhiều đợt trong đêm, mỗi đợt ném xuống 450 tấn bom, với sự hộ tống của 150 máy bay khu trục cất cánh từ các tàu sân bay của hạm đội 7 Mỹ ở Thái Bình Dương.Với số lượng như vậy quân Việt Minh đang bao vây Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ bị nghiền nát.

Rát-pho còn đưa ra một kế hoạch dự bị: Cho 02 tàu sân bay mang vũ khí nguyên tử tiến vào vịnh Bắc Bộ, dùng 3 quả bom nguyên tử chiến thuật nhỏ để tiêu diệt quân đội Việt Minh.

Tướng Ê-ly đặt câu hỏi: Bắt đầu từ ngày nào? Rát-pho đã trả lời với vẻ tự tin của con người biết mình sẽ bám lấy con đường đã chọn bằng mọi giá: Tôi sẽ nghiên cứu vấn đề ấy.

Ngay lập tức Ê-ly quay về tòa đại sứ Pháp, đánh điện mật báo cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng biết và chuẩn bị quay về Pari. Trong đầu Ê-ly đã tưởng tượng về chiếc B29 ném những quả bom lên các ngọn núi quanh Điện Biên Phủ, những quả bom nguyên tử mà cách đó 10 năm trước đó từng bắt nước Nhật phải đầu hàng. Hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki tháng 8 năm 1945, khi phát xít Nhật đứng bên bờ vực chiến bại đã gây tang tóc, đau thương không kể xiết cho dân thường Nhật Bản. Giờ đây, liệu ba quả bom nguyên tử của Mỹ định giúp Pháp có thể cứu vãn nổi thất bại của quân đội Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ?

Ngày 29/3/1954, Hội đồng Quốc phòng Pháp họp nội bộ để nghiên cứu các điều kiện về quân sự và chính trị do Mỹ vạch ra, được đặt tên là “Cuộc hành binh chim kền kền (Vautour)”.

Nghe được tin này, Tướng Navarre (Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại trận Điện Biên Phủ) khẩn thiết đề nghị cuộc hành binh này sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt, chậm nhất là trước trung tuần tháng 4/1954 vì vòng vây của Việt Minh ngày càng xiết chặt.

Theo đề nghị của thủ tướng Pháp Laniel, đầu tháng 4, hai tuần dương hạm Mỹ Boxer và Philipin Sea tiến vào vịnh Bắc Bộ. Chỉ huy hạm đội bí mật bay lên Điện Biên Phủ ban đêm để quan sát chiến trường. Giữa tháng 4 ,Partridge, Tư lệnh không quân Mỹ ở Đông Nam Á đến Sài Gòn cùng Navarre bàn cách che dấu bộ mặt can thiệp của Mỹ trong cuộc hành binh này. Ngày 22/4/1954, tướng Caldera của Bộ tham mưu không quân Mỹ ở Đông Nam Á, Bắc Bộ tìm hiểu thêm những điều kiện cụ thể thực hiện cuộc ném bom.

Để thực hiện kế hoạch nói trên, tức “Cuộc hành binh kền kền”, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phải tranh thủ sự nhất trí trong hội đồng các tướng lĩnh, sự đồng tình của quốc hội và các nước đồng minh của Mỹ, nhất là Vương quốc Anh. Quan điểm tán thành mạnh nhất đối với một sự can thiệp của Mỹ là quan điểm của Tham mưu trưởng Không lực Hoa kỳ - Tướng Nathan - người năm 1945 đã chỉ huy các phi đội B29 ném bom nguyên tử vào đất Nhật.

Tuy nhiên, quan điểm của phía thủy quân đánh bộ lại không đồng nhất. Tướng chỉ huy của họ là Lemuel không chia sẻ quan điểm của phía không quân và công bố kết luận rằng “Một cuộc can thiệp bằng không quân là một cuộc phiêu lưu bất lợi”.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ, Tướng Matthew cũng đáp lại với tiếng “không” rất cương quyết và đưa ra lý do: “Một sự can thiệp như thế có thể dẫn đến rủi ro xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực” kèm theo lời cảnh báo : “nước Mỹ trước tiên phải hứng chịu những hậu quả”.

Còn Tổng thống Mỹ ngay giữa tháng 3/1954 đã nói với báo chí rằng sẽ không có sự can thiệp nào mà không có sự tham vấn ý kiến của Quốc hội. Quốc hội Mỹ lại “yêu cầu phải có sự tham gia của nước Anh mới được tiến hành can thiệp”, (theo Thời báo New York) vì họ lo ngại một cuộc chiến tranh mở rộng ở châu Á.

Ngày 04/4/1954, đích thân Tổng thống Ai-xen-hao gửi thư cho thủ tướng Anh Sớc-sin nhưng ba ngày sau lãnh đạo Anh quốc mới viết thư hồi âm: Nước Anh không chấp nhận bất cứ một sự chẩn bị nào cho một hành động thống nhất được tiến hành trước hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ngày 10/4/1954, Ai-xen-hao lại cử bộ trưởng ngoại giao Đa-lét sang Luân Đôn gặp ngoại trưởng Anh Ê-đen năn nỉ: Nước Anh hãy tham gia vào cuộc can thiệp, dù chỉ với một chiếc máy bay thôi cũng được, chiếc máy bay tượng trưng cho tình đoàn kết. Nhưng Ê-đen vẫn không thay đổi ý kiến (theo J.R.Tournoux, “Bí mật quốc gia”).

Không chịu dừng lại, sáng 25/4/1954, Ai-xen-hao tiếp tục cử Đô đốc Rát-pho sang Luân Đôn gặp Sớc-sin với tư cách đặc phái viên của Tổng thống. Nhận được bức thông điệp riêng của Tổng thống Mỹ, Sớc-sin triệu tập ngay cuộc họp bất thường của chính phủ. Chính phủ Anh đã đưa ra kết luận: không đồng tình với kế hoạch của Mỹ.

Ngay giới chính trị Pháp cũng có những dư luận trái chiều trước phương án ném bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ. Khi nghe bộ trưởng ngoại giao Mỹ Đa-lét nêu vấn đề sử dụng ba quả bom nguyên tử chiến thuật, bộ trưởng ngoại giao Pháp Bi-đôn lo ngại việc ném bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ sẽ tiêu diệt tất cả Việt Minh lẫn quân lính cố thủ của họ.

Vấp phải sự phản đối của phái chủ hòa trong hội đồng tướng lĩnh và Quốc hội, bị nuớc đồng minh thân cận từ chối, Tổng thống Ai-xen-hao buộc phải hủy bỏ quyết định tiến hành chiến dịch “chim kền kền”. Như vậy, âm mưu độc ác của bọn hiếu chiến Mỹ đã bị đập nát từ trong trứng.

Qua một số tin của địch, lãnh đạo và chỉ huy ta thừa biết cuộc hành binh này không dễ dàng thực hiện trong bối cảnh quốc tế ở thời điểm ấy. Đồng thời đến cuối tháng 4/1954, trận địa tấn công và bao vây của ta đã áp sát địch, Mỹ không thể ném bom xuống mà không gây thương vong cho quân Pháp.

Chiều ngày 7/5/1954,”pháo đài” Điện Biên Phủ sụp đổ, khi tướng Đờ-cát cùng toàn thể sĩ quan, binh lính của ông ta bị bắt làm tù binh và như Béc-na Phôn đã viết trong cuốn “Điện Biên Phủ, một góc địa ngục”: “Điện Biên Phủ không đơn thuần là thất bại của Pháp mà còn là của Mỹ”.

Nguyễn Phượng

Phòng Di sản Văn hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 299.242
Online: 33