1. Đồi C- (ÊLIAN 1).

1. Đồi C- (ÊLIAN 1).

Đồi C1 được quân Pháp đặt cho một cái tên thiếu nữ Pháp - Êlian 1, nằm trong dãy đồi  liên hoàn phía Đông. Ccùng với A1, C2,  E1,  D tạo thành tấm lá chắn bằng thép che chở cho phân khu trung tâm. Xét về địa thế, đồi C1 tuy không có độ cao như đồi E và đồi D, nhưng lại có vai trò quan trọng hơn rất nhiều bởi sự bố phòng liên hoàn cùng với A1.


17h ngày 30/3/1954 cùng với các cao điểm phía Đông khác, ta nổ súng tấn công đồi C1. Nếu sự có mặt của ta trên đồi C1 là mối đe doạ nguy hiểm đối với quân Pháp ở dãy điểm cao phía Đông, thì về phía ta, đánh chiếm và giữ được ngọn đồi này sẽ làm bàn đạp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến vào cứ điểm C2 và A1. Chính vì vậy, cả ta và địch đều phải dùng mọi nỗ lực vào việc củng cố chỗ đứng trên ngọn đồi mà bom đạn địch đã huỷ diệt toàn bộ các công sự chiến đấu cũng như chổ ẩn náu. Cuộc chiến đấu tại đồi C1 diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Các trận địa pháo và khu vực quân cơ động của địch chìm trong khói lửa

Đêm 1/5 /1954 đợt tấn công thứ 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Sau 32 ngày đêm chiến đấu phòng ngự trên đồi C1 ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm C1, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn tiến công tiêu diệt các cứ điểm còn lại của bức tường thành phiá Đông, mở thông cánh cửa vào khu trung tâm tập đoàn cứ điểm. “Con Nhím khổng lồ” Điện Biên Phủ chỉ còn sống những giờ phút hấp hối.

Di tích đồi C1 hiện nằm ở địa phận phường Mường Thanh - thành phố Điện Biên Phủ. Cùng với thời gian và sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, các dấu vết của khu di tích chiến trường xưa đã phần nào không còn nguyên vẹn như xưa, bên cạnh nó là hàng loạt các công trình đô thị mới đang mọc lên nhưng trận chiến đấu của các chiến sỹ tại di tích này, cùng với các di tích khác sẽ còn được ghi nhớ trong ký ức của mỗi người dân nơi đây nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

2. Di tích đồi C2 (ÊLIAN 4).

Đồi C2 khá rộng, nối với C1 bằng một yên ngựa. Sườn đồi phía trong thoai thoải, đổ xuống đường 41 (nay là đường 7/5), rất tiện cho quân Pháp cơ động lên phản kích. Trên đồi có hệ thống chiến hào liên hoàn với nhiều lô cốt, ụ súng khá kiên cố. Phía ngoài là nhiều lớp rào dây thép gai và bãi mìn dày đặc.

Ta tổ chức tấn công đồi C1 vào hồi 21h ngày 30/3/1954 của đợt tấn công thứ hai. Lực lượng của ta, qua nhiều lần xung phong bị hoả lực rất mạnh của địch cản lại nên quyết định tấn công địch ban ngày. Sau khi các vị trí xung quanh lần lượt bị mất, quân Pháp đã dồn lên C2 một số quân khá đông khoảng 600 tên. Chúng huy động toàn bộ 20 khẩu pháo 105 ly ở Mường Thanh và Hồng Cúm đồng loạt bắn vào C1 và C2, 4 xe tăng tiến lên C2 trút đạn lên đỉnh đồi, máy bay bắn chặn những con đường tiếp viện của ta.

Sáng ngày 7/5/1954 sau khi giải phóng xong A1, lợi dụng quân Pháp tại C2 đang hoang mang, tiểu đoàn 215 của trung đoàn 98 đã mở nhiều đợt xung phong chiếm cứ điểm C2. Đúng lúc này, hoả lực của ta ở A1, đã kịp thời chi viện cho C2. Ta chia làm 3 mũi xung phong lên C2, lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu. 9h30 phút bộ đội ta làm chủ hoàn toàn đồi C2, toàn bộ quân Pháp ở dãy đồi phía Đông, và 1 số đông các sỹ quan dù tập trung tại đây, cùng với hàng trăm thương binh Pháp bị bắt sống.

Giờ đây, bất cứ đâu trên “Chảo lửa Điện Biên” cũng đều ghi dấu những chiến công oai hùng của nhân dân các dân tộc Điện Biên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Điện Biên Phủ đã trở thành một địa danh trường tồn của dân tộc, một điểm du lịch, lịch sử nổi tiếng của Việt Nam. Bởi nó gắn liền với chiến công lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954.

3. Di tích Đồi E1 (DOMINIQUE).

Đồi E1 nằm trong cụm (Dominique), là một trong 5 cao điểm phòng lực phía đông, thuộc phân khu trung tâm, có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tấn công ở hướng Đông-Bắc vào Điện Biên Phủ. Vì vậy, thực dân Pháp coi đồi E1 là bức bình phong bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ, chúng tìm cách giữ bằng được cao điểm quan trọng này.

Vào đúng 17h ngày 30/3/1954 đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu, Pháo ta tập kích dữ dội bắn đồng loạt vào dãy đồi phía Đông, trong đó có Đồi E1. Trận chiến diễn ra tại cao điểm đồi E1 hết sức quyết liệt, pháo của ta liên tục nã vào các vị trí chiến lược của thực dân Pháp trên đồi E1. Sau 1h 45 phút xung phong áp đảo quân địch, bộ đội ta chiếm toàn bộ cứ điểm, các chiến sỹ khẩn trương tổ chức phòng ngự và dùng súng DKZ, đại liên, súng cối chi viện cho các cao điểm khác. Bị mất E1 địch dồn mọi nỗ lực hòng chiếm lại ngọn đồi này. Hỏa lực của chúng vô cùng mạnh khiến quân ta thương vong nhiều. Nhưng cũng chính trong trận chiến ác liệt này đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên cường.

Sau hơn 20 ngày đêm chiến đấu một mất, một còn với địch bảo vệ đồi E1, ta đã giải phóng đồi E1, làm bàn đạp cho ta tấn công và tiêu diệt các cứ điểm tiếp theo, góp phần vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch, tiến tới tổng công kích giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ.

4. Bản Kéo.

Đồi bản Kéo nằm ở phía Tây bắc của tập đoàn cứ điểm. Thực dân Pháp đặt tên mới cho bản Kéo là trung tâm đề kháng Annơ Mari. Cứ điểm này nằm cạnh bản Kéo - một bản của đồng bào dân tộc Thái nên được gọi là đồi bản Kéo. Tiếng Thái Kéo là cái “Thung” nhỏ ở chân núi. Ở đây có một bãi rộng gần chân núi (Bộ đội hiện nay thường dùng làm bãi tập), đồi bản Kéo không cao lắm nhưng khá dài, hình vành trăng khuyết, chiều lõm quay về dãy núi phía Bắc. Cùng với đồi Độc Lập, bản Kéo có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Mường Thanh, ngăn chặn sự tấn công của quân ta từ hướng Lai Châu vào Điện Biên Phủ

Tại đây, quân Pháp bố trí hệ thống công sự phòng ngự khá vững chắc. Ngoài trận địa kiên cố, chúng còn sử dụng hàng rào dây thép gai bao xung quanh cứ điểm.

Mở màn đợt tấn công đàu tiên, ngày13/3/1954 ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Ngày 15/3/1954 ta tiêu diệt cứ điểm Độc Lập. Cứ điểm bản Kéo lúc này đã trở nên cô lập, bị quân ta uy hiếp mạnh, những người lính Ngụy bất đắc dĩ ấy ở trong tâm trạng rất căng thẳng và trong 2 ngày xảy ra trận đánh, những người lính Thái đã chứng kiến sự sụp đổ nhanh chóng của 2 trung tâm đề kháng mạnh nhất, do những đơn vị Âu Phi của Pháp được coi là sừng sỏ bảo vệ, họ đã tận mắt nhìn binh lính dù đi cứu viện cũng bị đánh tả tơi trong những chiếc xe tăng dính đầy máu từ Độc Lập chạy về Mường Thanh, và lúc này họ phải liệu tính một lối thoát, họ đã thấy sức mạnh của Việt Minh. Việt Minh có pháo lớn có quân đội dũng mãnh, Việt Minh lại có xe kéo pháo, mới xuất hiện trên cánh đồng là sự kiện lạ chưa từng thấy trong chiến tranh tại Điện Biên Phủ.

Trung đoàn 36 thuộc đại đoàn 308 được phân công tiêu diệt bản Kéo nhận thấy có khả năng giải quyết cứ điểm này không cần tới một trận đánh nên dùng tuyền đơn binh vận kêu gọi lính Thái đầu hàng.

Ngày 16/3/1954, dưới chân đồi bản Kéo đã xuất hiện cảnh tượng như một bức tranh lớn là một đoàn lính Thái rời bỏ vị trí kèm theo dòng chữ: “Quay trở về với Tổ quốc, với đồng bào các anh sẽ được đón tiếp tử tế”. Mặc dầu chỉ huy người Pháp ra sức khống chế, nhưng lính người Thái đã lợi dụng lúc chỉ huy Pháp chui xuống hầm ẩn nấp, thì mang vũ khí kéo ra hàng, quân Pháp cho xe tăng đuổi theo toán quân Ngụy Thái nhưng pháo binh của Việt minh đã bắn chặn để yểm trợ cho số hàng binh nói trên chạy tới những vị trí trú ẩn an toàn trong rừng.

Trung đoàn 36 không cần nổ súng đã chiếm được bản Kéo kết thúc đợt tấn công thứ nhất, mở toang cánh cửa phía Bắc vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

5. Di tích Đồi Độc lập.

Đồi Độc lập có tên là Pú Vằng (Đồi vực) sở dĩ gọi thế là vì có một cánh đồng trũng dưới chân đồi. Giặc Phẻ bắt hết trẻ em trong vùng đem giết, trẻ con ẵm ngửa chúng cho vào cối giã, trẻ lẫm chẫm biết đi hoặc lớn hơn thì chúng ném xuống cánh đồng trũng rồi tháo nước vào cho chết hết. Xương trẻ em trắng xoá cánh đồng từ đấy thành tên Tông Khao (Cánh đồng trắng). Những chuyện này, người Mường Thanh không mấy ai không biết.

Cứ điểm Độc lập ở phân khu Bắc nằm án ngữ đường Lai Châu vào Điện Biên do một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn thuộc địa Bắc Phi chiếm giữ. Đây là một quả đồi dài hình bầu dục, đỉnh cao tới gần 500 mét, nối lên thoải thoải. Đồi Độc lập có một vị trí chiến lược. Từ trên cao nhìn xuống đồn địch chiếm trọn toàn bộ quả đồi, nó tách rời với các cao điểm ở xung quanh, vì vậy ta đặt tên cho nó là Độc lập. Chiều dài cứ điểm là 700 m, chiều rộng là 200 m. Xung quanh đồi cây cối bị phạt tận gốc thay vào đó là nhiều hàng rào dây thép gai từ bùng nhùng, đến kiểu cũi lợn dày đặc từ ngoài vào trong.

3 giờ 30 phút ngày 15-3 trận tấn công đồi Độc Lập bắt đầu. Trong khi lựu pháo của ta đang bắn vào các cứ điểm địch, các chiến sĩ bộ binh đã nhanh chóng tiến lên lùa bộc phá xuống dưới hàng rào kẽm gai. Sau gần 4 giờ chiến đấu, đến sáng ngày 15-3 trận đánh mới kết thúc khi quân ta đánh lui bộ binh, xe tăng địch đến giải vây, cờ quyết chiến quyết thắng của Bác trao cho lỗ chỗ vết đạn đẫm máu chiến sĩ trên đỉnh đồi lồng lộng vươn cao. Mấy Quan tư, mấy trăm tên lính Âu phi đã trở thành tù binh thoát chết. Cùng ngày thất trận, Quan 5 Pi Rốt tự tử.

Tại trận đánh đồi Độc lập, chỉ qua 1 đêm thực dân Pháp đã mất gần 1000 binh sĩ.

Trận thắng Độc lập cùng với trận thắng Him Lam đã mở gần thông đường vào phân khu trung tâm Mường Thanh  ta đã tiêu diệt xoá sổ những đơn vị, bộ binh, lê dương, tinh  nhuệ của quân Pháp

6. Vài nét về Trại tập trung Noong Nhai.

Theo tiếng Thái Noong là “Ao” Nhai là “Vỡ” bản Noong Nhai ví như cái ao bị vỡ bờ nước cạn cá chết, nhân dân ở Noong Nhai bị bom tàn phá giết hại 444 người.

Với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lần đầu tiên nhân dân các dân tộc Điện Biên được nhìn thấy các phương tiện chiến tranh hiện đại đến như vậy. Quá hoảng loạn một bộ phận người dân chạy lánh sang Lào, số khác chạy vào vùng giải phóng của bộ đội ta nguyện đi theo Cách mạng, còn lại đa số là đàn bà, trẻ em và người già bị giặc Pháp bắt vào trại tập trung. Tại đây, dân bản bị quân Pháp đi đâu trú quân đều bắt đi theo với mục đích nếu Việt Minh đánh vào thì chúng bắt dân làm bia đỡ đạn, nếu Việt Minh không đánh thì chúng bắt dân đi dỡ nhà, chặt phá cây cối để xây dựng hầm, hào, đồn bốt. Thời gian này nhân dân sống trong sự kìm kẹp của binh lính Pháp, cuộc sống rất khổ cực. Chúng bắt nhân dân gom lại thành 4 trại tập trung trong đó có trại tập trung Noong Nhai. Khu tập trung Noong Nhai có hơn 3000 người dân, cũng như các trại tập trung khác hầu hết là đồng bào dân tộc Thái, ngoài nhân dân hai bản tại chỗ, còn lại ở các xã tập trung về đây đều phải bỏ nhà cửa ruộng vườn chỉ dựng tạm lán bằng tre lợp rơm rạ để ở tạm, do đó nhà nào cũng phải ở rất chật chội và mất vệ sinh.

Khi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đang ở giai đoạn đợt tấn công thứ 2, giai đoạn địch đang bị bao vây thế trận. Đứng trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn tại Điện Biên Phủ bất chấp sự lên án vào hồi 14 giờ ngày 25/4/1954. Đờ-Cát ngang nhiên cho 4 máy bay Đa Cô Ta chở hàng trăm bom sát thương và bom Na pan đi từ phía Nam lên ném bom xuống trại tập trung Noong Nhai, trong lúc nhân dân đang tập trung đông người để đưa một đám tang.

Theo thống kê số người bị sát hại ngày 25/4/1954 ở Noong Nhai là 444 người phần lớn là phụ nữ và trẻ em, những người sống sót chạy sang tạm trú ở trại tập trung Co Mỵ và bản Ten, một số theo bộ đội vào vùng giải phóng còn phần lớn vẫn ở lại trại tập trung Noong Nhai.

Tổng hợp: Hồng Nhung

(Tư liệu Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 290.370
Online: 140