Di tích Mường Pồn nằm trong quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, thuộc xã Mường Pồn huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20km về phía Tây Bắc. Theo quốc lộ số 12 từ thành phố Điện Biên Phủ đi thị xã Mường Lay chúng ta có thể đi bằng ô tô hoặc xe máy đến di tích Mường Pồn. Di tích Mường Pồn nằm cách quốc lộ 12 khoảng 135m về phía tay phải.

Di tích Mường Pồn nằm trong quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, thuộc xã Mường Pồn huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20km về phía Tây Bắc. Theo quốc lộ số 12 từ thành phố Điện Biên Phủ đi thị xã Mường Lay chúng ta có thể đi bằng ô tô hoặc xe máy đến di tích Mường Pồn. Di tích Mường Pồn nằm cách quốc lộ 12 khoảng 135m về phía tay phải.


Ngược dòng lịch sử, chúng ta cùng trở lại Mường Pồn cách đây hơn 50 năm vào  những ngày ác liệt của chiến tranh. Khi  Đại đoàn chủ lực của ta hành quân lên Tây Bắc, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống đánh chiếm Điện Biên Phủ. Thực hiện kế hoạch của Nava, ngày 6/12/1953, CôNhi ra lệnh cho quân Pháp rút khỏi Lai Châu, một bộ phận quân địch được máy bay đưa về còn một số rút theo đường bộ. Được tin địch rút, ngày 7/12/1953, Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ tổng Tư lệnh (lúc bấy giờ đặt Sở chỉ huy ở hang Thẩm Púa, km15 đường Tuần Giáo - Điện Biên) ra lệnh cho Đại đoàn 316 nhanh chóng cho một đơn vị theo đường 41 đánh vào thị xã Lai Châu, còn đại bộ phận đến Tuần Giáo theo đường tắt qua đèo Pa Phông cắt ngang đường Lai Châu - Điện Biên để tiêu diệt quân địch rút lui. Ngày 10/12/1953 quân ta được lệnh tiến đánh và giải phóng Lai Châu, địch bị đánh mạnh ở Lai Châu buộc phải rút về Điện Biên Phủ. Sáng ngày 12/12/1953 Đại đội 674 Tiểu đoàn 251 Trung đoàn 174 hành quân tới Mường Pồn thì phát hiện trong bản có nhiều quân địch từ Lai Châu rút về đang tập trung ở đây. Đại đội lập tức tiến hành bao vây và nổ súng tiêu diệt địch. Quân địch lợi dụng có máy bay yểm trợ, thấy lực lượng của ta ít chúng kiên quyết đánh bật quân ta để mở đường rút về Điện Biên Phủ. Các chiến sĩ Đại đội 674 chiến đấu rất dũng cảm, kiên quyết xiết chặt vòng vây. Chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn mang lệnh đến cho tiểu đội trưởng Chu Văn Pù, giữa lúc Tiểu đội chỉ còn 4 người đang phải chặn đánh một cánh quân từ trên cao tràn xuống. Một khẩu súng trung liên của Đại đội không bắn được vì xạ thủ đã hy sinh, còn một khẩu trung liên của đồng chí Chu Văn Pù chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trước tình thế ác liệt, Bế Văn Đàn đã lao tới nhấc hai chân súng đặt lên vai mình và giục đồng đội bắn.  Chu Văn Pù còn do dự, Bế Văn Đàn nói: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết hết chúng nó đi”, đồng chí Pù nghiến răng siết cò trút đạn về phía quân địch làm chúng hoảng hốt bỏ chạy. Đợt phản kích của địch bị bẻ gãy. Trong thời gian đứng làm giá súng, Bế Văn Đàn đã anh dũng hy sinh trong tư thế hai tay vẫn còn ghì chặt chân súng trên vai. Trận đánh ác liệt ngày ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức của thế hệ hôm nay và mai sau.

Năm 2006, Đảng và Nhà nước đã đầu tư kinh phí để trùng tu tôn tạo lại di tích Mường Pồn bao gồm các hạng mục: biển chỉ dẫn, đường vào di tích, bia, tường bao... Địa danh Mường Pồn nay đã gắn liền với tên tuổi của anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn cùng với chiến công của Đại đội 674 - Tiểu đoàn 251 - Trung đoàn 174. Nơi anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn ngã xuống giờ là chân ruộng, giữa những Pú Đồn (núi có đồn), Pa Hang (rừng giấy), Pa Nát (rừng cây nát chữa sai khớp). Tại đây đã dựng một tấm bia ghi nhớ tên tuổi và chiến công của anh để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh Bế Văn Đàn đã đi vào trang sử vàng của dân tộc và sống mãi trong lòng người dân cả nước. Mỗi khi nhắc đến tên anh, chúng ta lại nhắc đến người anh hùng bất tử vì anh cũng là một trong những người đã tạc nên “dáng đứng Việt Nam” đầy khí phách “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Một lần trở lại mảnh đất Mường Pồn, nhà thơ Chế Lan Viên đó viết lên những câu thơ để ca ngợi tấm gương anh dũng của anh:

“Anh ngã xuống Mường Pồn

Đâu biết có mùa cam

Anh chỉ biết dây thép gai đồn giặc

Tôi yêu những con người chưa hình dung ra hạnh phúc

Khi Tổ quốc cần dẫu chết chẳng từ nan”.

Hà Văn Trình

Bảo tàng CTLS Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 290.285
Online: 70