Điện Biên là miền biên viễn xa xôi của tổ quốc do đó trong suốt chiều dài lịch sử, chiến tranh luôn là mối đe dọa thường trực và thường xuyên đối với nhân dân các dân tộc Điện Biên. Vì vậy mà từ xa xưa nhân dân các dân tộc Điện Biên đã kề vai sát cánh bên nhau để xây dựng và bảo vệ quê hương. 

Điện Biên là miền biên viễn xa xôi của tổ quốc do đó trong suốt chiều dài lịch sử, chiến tranh luôn là mối đe dọa thường trực và thường xuyên đối với nhân dân các dân tộc Điện Biên. Vì vậy mà từ xa xưa nhân dân các dân tộc Điện Biên đã kề vai sát cánh bên nhau để xây dựng và bảo vệ quê hương. 


Thời phong kiến, do giao thông đi lại quá cách trở nên tính tự chủ của các tù trưởng địa phương  rất lớn. Các triều đại phong kiến luôn muốn vươn cánh tay và tầm ảnh hưởng của mình tới mọi vùng đất, đặc biệt là miền biên viễn nơi phên dậu của tổ quốc để củng cố sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Vào thế kỷ XVIII, triều đình phong kiến Trung ương bạc nhược, thối nát, thêm vào đó cảnh hạn hán, lũ lụt xảy ra liên miên, dân chúng đói rét, tha phương cầu thực rất nhiều. Quá đói khổ và mất lòng tin vào triều đình nên nhân dân đã nổi dậy chống triều đình ở nhiều nơi và thế kỷ XVIII cũng được ghi nhận là thế kỷ diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nhất nhiều nhất.

Một trong những cuộc đấu tranh tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của tướng Hoàng Công Chất. Ông vốn là một nông dân quê làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ông là lãnh tụ nông dân kiệt xuất đã lãnh đạo nông dân chống lại triều đình Lê - Trịnh mục ruỗng. Thời kỳ đầu, nghĩa quân hoạt động chủ yếu ở vùng Sơn Nam Hạ. Sau khi cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân liên kết với các lực lượng khác của Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) và Lê Duy Mật bị thất bại, nghĩa quân chuyển dần hoạt động lên miền thượng du Thanh Hóa.

Trong bối cảnh triều đình phong kiến quá bạc nhược không kiểm soát nổi miền Tây Bắc, vùng Điện Biên, Tuần Giáo bị buông lỏng để các thế lực thù địch phong kiến địa phương lũng đoạn xâu xé nhau, nhân cơ hội đó giặc từ phương Bắc tràn sang do Phạ Châu Tin Tóng cầm đầu từ miền thượng Lào tràn sang  đánh chiếm Mường Thanh (Điện Biên). Bọn chúng đánh bạt các chúa Lự lên lên vùng Mường Lự (Bình Lư) và Sìn Hồ. Chúng chiếm cánh đồng Mường Thanh và thành Sam Mứn. Đi đến đâu, chúng cướp phá thậm tệ, giết chóc nhân dân tới đó. Tội ác của chúng không sao kể xiết, nhân dân vô cùng oán thán nhưng do lực lượng còn mỏng nên đều bị trấn áp ngay từ trong trứng nước. Năm 1754, hay tin Hoàng Công Chất đang từ miền thượng du Thanh Hóa tiến lên Tây Bắc, hai tướng người dân tộc thiểu số là tướng Ngải và tướng Khanh đã liên kết phối hợp với nghĩa quân tổ chức tiến công thành Sam Mứn. Bọn giặc chống trả quyết liệt nhưng nhờ có sự ủng hộ hết mình của nhân dân, nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm và giành thắng lợi. Mảnh đất Mường Thanh (Điện Biên) đã được giải phòng hoàn toàn.

Sau khi giải phóng Mường Thanh, Hoàng Công Chất thấy thành Sam Mứn có bất lợi về phòng thủ nên cho xây dựng thành Bản Phủ (còn gọi là Chiềng Lề). Thành Bản Phủ là một kỳ công của họ Hoàng. Thành rộng 80 mẫu, cao 5m, dựa lưng vào sông Nậm Rốm, có tường thành đắp bằng tre gai mang từ dưới xuôi lên vây kín. Bên ngoài có hào rộng từ 4-5m, sâu 10m,…

Sau khi Hoàng Công Chất chết con là Hoàng Công Toản lên thay. Khoảng thời gian này, cuộc khởi nghĩa nông dân dưới xuôi bị dẹp do chúa Trịnh có khả năng tập hợp lực lượng để đối phó; hơn nữa trong nội bộ nghĩa quân có sự bất hòa nên nghĩa quân nhanh chóng tan rã, cuộc khởi nghĩa thất bại hoàn toàn.

Cuộc khởi nghĩa đã thất bại nhưng nhân dân Mường Thanh (Điện Biên) vẫn ghi nhớ công ơn người anh hùng đã giúp dân đánh gặc, giữ cho bản mường yên vui. Công đức của Hoàng Công Chất và thành bản Phủ ông dựng vẫn còn được trân trọng giữ gìn trong nhân dân:

Chúa cho ta ăn cơm, ta được ăn

Thành to, thành đẹp

Chúa bảo ta đắp thành ta xây ta đắp

Thành đứng giữa cánh đồng

Giặc nào chẳng khiếp vía..”

Bài vè trên chứng tỏ thế lực và tầm ảnh hưởng của họ Hoàng rất lớn, nó cũng chứng tỏ việc xây dựng thành có công sức đóng góp rất lớn của nhân dân địa phương. Việc xây dựng đền thờ Hoàng Công Chất chưa có tài liệu sử sách nào nhắc tới nhưng theo chúng tôi nó được lập vào khoảng thời gian rất lâu sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại vì dưới con mắt của triều đình thì cuộc khởi nghĩa là cuộc làm phản chống lại triều đình phong kiến.

Đền thờ họ Hoàng có thể do hậu duệ của ông và nghĩa quân lập nên vì có một bộ phận không nhỏ nghĩa quân đã ở lại thay tên đổi họ để sống lẫn và trở thành bộ phận không tách rời của cư dân Mường Thanh. Cũng có thể đền do nhân dân địa phương vì mến mộ tài năng công đức của ông mà lập để tri ân. Nhưng dù cho ai lập đi chăng nữa thì việc người dân địa phương chấp nhận việc lập đền thờ đã là một hiện tượng vì khắp lòng chảo Mường Thanh, đây là ngôi đền duy nhất để thờ một nhân vật lịch sử. Thực tế đó chứng tỏ tầm ảnh hưởng của họ Hoàng rất lớn ngay cả khi ông đã mất.

Hiện nay, nơi lập đền thờ ông có cây đa cổ thụ nhưng thực ra đó chính là do ba cây đa, đề, si tạo thành. Cũng từ ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất lên đất Mường Thanh (Điện Biên) đến nay có rất nhiều nhân dân dưới xuôi lên tham gia xây dựng đất Mường Thanh, trong đó chiếm số đông xuất thân từ trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc tỉnh Thái Bình).

Như vậy, có thể nói thành Bản Phủ không chỉ là một chứng tích lịch sử mà còn là một biểu tượng thể hiện sâu sắc tình đoàn kết giữa các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Mường Thanh, cùng chung vai bảo vệ vững chắc biên cương của tổ quốc./.

Đào Duy Trình

Phòng Nghiệp vụ Văn hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 295.688
Online: 122