Ngày 21/4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã ký quyết định về việc ban hành quy chế về quản lý, vận hành Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Điện Biên. Đây cũng là một trong những mục tiêu của tỉnh trong việc thực hiện chuyển đổi số và hướng đến việc phát triển đô thị thông minh theo Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt theo quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 1/8/2018.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Điện Biên (hay còn gọi là IOC Điện Biên) được đầu tư với hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm. Trong đó Trung tâm sẽ có chức năng thu thập và phân tích, xử lý cơ sở dữ liệu của từng ngành, từng lĩnh vực để phục vụ công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương.
Ngày 21/4 vừa qua, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Điện Biên đã được ra mắt và khởi động để đi vào hoạt động. Theo đó,Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Điện Biên sẽ dựa trên các nền tảng công nghệ: quản lý điều hành tập trung, phân tích video và hình ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nền tảng IoT. Với nhiều chức năng như: Giám sát, điều hành giao thông; giám sát điều hành an ninh công cộng; trung tâm ứng cứu khẩn cấp; giám sát, bảo mật, an toàn thông tin; phản ánh hiện trường; hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; giám sát thông tin báo chí và thông tin truyền thông, an ninh mạng và quản lý dịch vụ công ích.
Ông Vũ Hoàng Thiên, Giám đốc Trung tâm CNTT và TT, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: “UBND tỉnh đã khai trương 3 mô-đun, khi các mô-đun này đi vào hoạt động sẽ thay đổi toàn bộ phương thức quản lý, nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành. Đồng thời, rút ngắn khoảng cách giữa người dân và doanh nghiệp, nâng cao môi trường cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.”
Ngay khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã cho thấy được tính ưu việt của công nghệ số hiện nay đối với công tác lãnh đạo và các mặt của đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Mặc dù Trung tâm chưa được hoàn thiện đầy đủ các mô-đun chức năng, nhưng hiện nay Trung tâm đang thực hiện chạy 3 mô-đun là: Phản ánh hiện trường; Giám sát thông tin không gian mạng và Họp không giấy.
Cụ thể: Mô-đun Giám sát thông tin không gian mạng sẽ giám sát an ninh trật tự, kinh tế - xã hội trên không gian mạng tại địa phương, phát hiện và xử lý các nguồn tin sai sự thật trên các báo điện tử và mạng xã hội, từ đó có hướng xử lý kịp thời. Modul phản ánh hiện trường có hệ thống giúp người dân gửi phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền các cấp thông qua website hoặc app Điện Biên Smart. Toàn bộ hình ảnh, video hiện trường sẽ được Trung tâm ghi nhận, xác minh mức độ cảnh báo và chuyển về các cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt, thông qua hệ thống camera kết nối liên thông, Trung tâm cũng có thể giám sát, phân tích dữ liệu để kịp thời báo cáo các cấp lãnh đạo xử lý các tình huống ngay tại cơ sở ở các địa bàn vùng xa, vùng cao như Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên Đông,…v.v.
Tỉnh Điện Biên đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả
Ông Vũ Hoàng Thiên, Giám đốc Trung tâm CNTT và TT, Sở Thông tin và Truyền thông: “Mô-đun triển khai đồng bộ cho toàn tỉnh, từ các hạ tầng về đường truyền, phầm mềm dùng chung cho toàn tỉnh. Các đơn vị, sở ngành cùng cập nhật, số hóa dữ liệu để làm giàu dữ liệu cho hệ thống.”
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Điện Biên đã tích hợp các thông tin có sẵn của địa phương như: hệ thống văn bản, hệ thống dịch vụ công, dữ liệu ngành Y tế và Giáo dục, từ đó nhằm tổng hợp dữ liệu và đưa ra những cảnh báo kịp thời.
Trung tâm Điều hành thông minh khi thực hiện sẽ kết nối tất cả các thiết bị ngoại vi, cung cấp dữ liệu, xử lý sự cố khẩn cấp và điều hành tập trung theo quy trình thu thập thông tin, xử lý thông tin, dự báo tình huống và thực thi hành động một cách nhanh chóng nhất. Chính vì vậy, để công tác quản lý, điều hành được hiệu quả, điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ kỹ thuật luôn phải thực hiện và tuân thủ đúng các qui trình về quản lý, vận hành, từ đó đảm bảo xử lỹ dữ liệu được chính xác hiệu quả.
Ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Hạ tầng số, Trung tâm CNTT và TT, Sở Thông tin và Truyền thông, cho hay: “Để đảm bảo hoạt động hệ thống nền tảng đô thị thông minh, bao gồm phần cứng và phần mềm; vận hành cơ sở dữ liệu các cơ quan đơn vị trong tỉnh; tiếp nhận xử lý điều phối các thông tin của người dân và doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý theo nhiệm vụ được giao... Chúng tôi tổ chức trực 24/24h để hệ thống vận hành ổn định.”
Với một nền tảng công nghệ chung, cho phép tích hợp dữ liệu lớn từ mạng lưới IOT Sensor rộng khắp về Trung tâm điều hành thông minh để cung cấp các dữ liệu mở phục vụ công dân, doanh nghiệp; đồng thời cho phép cộng đồng có thể sử dụng dữ liệu mở này để phát triển các ứng dụng thông minh. Đối với cơ quan quản lý sẽ tích hợp được các nguồn dữ liệu, chuẩn hóa, xử lý tập trung một cách tự động hóa; Đối với người dân: Nâng cao ý thức trong các hoạt động tại địa điểm công cộng, kiểm soát hành vi và ngăn ngừa vi phạm trật tự xã hội./.