Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, ngày 19 tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết các dân tộc, trong lĩnh vực văn hóa, nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền cùng với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong đó trực tiếp là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực hết mình thực hiện bằng nhiều chương trình hành động, những việc làm hết sức phong phú, cụ thể.

Xác định văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên là bộ phận cấu thành của văn hóa 54 dân tộc Việt Nam, do đó ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch coi việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá là vấn đề có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn. Qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc trưng của từng dân tộc, từng vùng khác nhau, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp song song với xây dựng, phát triển những giá trị mới. Một trong những hoạt động thiết thực nhất là tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa; củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết; tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc, vì một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; là dịp để các dân tộc Điện Biên hiểu về nhau, gần gũi, quý trọng và hòa hợp nhau hơn, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi đa dân tộc, trong đó hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số, do vậy Ngày hội phải được tổ chức sao cho bám sát và phù hợp với tình hình đặc thù riêng của địa phương. Để Ngày hội đi sâu vào cuộc sống, được đồng bào đón nhận, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương thường xuyên tổ chức tốt công tác tuyên truyền, quảng bá với nhiều hình thức phong phú, gần gũi. Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội diễn ra hết sức đa dạng. Nhiều loại hình được tổ chức đan xen như văn nghệ (ca, múa, nhạc), trò chơi dân gian, trích đoạn lễ hội truyền thống, ẩm thực, trình diễn trang phục, trưng bày triển lãm… Tập trung xây dựng, khai thác các tiết mục, chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, Dao…

Song song với tổ chức Ngày hội, Sở cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình và tổ chức đưa đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng là người dân tộc thiểu số được trực tiếp tham gia biểu diễn tại các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước; tham gia quản lý, khai thác, vận hành khu các làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được tổ chức hằng năm tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, về dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó tập trung thực hiện nhiều dự án trọng điểm như bảo tồn bản truyền thống và một số lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số; sản xuất và cung cấp sản phẩm văn hóa thông tin phù hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu, vùng xa, biên giới; hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở; phối hợp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; bảo tồn di sản văn hoá đặc sắc của các dân tộc, các làn điệu dân ca, các trò diễn xướng dân gian, các hoạt động tín ngưỡng truyền thống như: Dân ca của dân tộc Thái, Mông, múa xoè, sạp của người Thái, múa khèn của dân tộc Mông. các trò chơi dân gian dân tộc Thái…

Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Thường xuyên duy trì, tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao liên xã, liên bản. Hằng năm vào dịp Tết nguyên đán tổ chức Hội xuân và nhiều sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống đã thu hút đông đảo các dân tộc cùng tham gia. Thông qua đó, đồng bào các dân tộc thiểu số được giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết và thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được khơi dậy, bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực tham mưu, phối hợp cùng các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Đã xuất hiện nhiều điển hình, nhiều bài học kinh nghiệm về tổ chức xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thông qua việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa, huy động công sức, trí tuệ của nhân dân trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị, phương tiện và hướng dẫn tổ chức hoạt động. Khuyến khích, thu hút người dân tham gia sinh hoạt văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh và môi trường xã hội tiến bộ, lành mạnh; dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; tạo sự phát triển hài hòa về đời sống văn hóa với đời sống kinh tế; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã có tác động đến nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, được người dân đồng tình hưởng ứng.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Đó là khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các khu vực khác đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang đặt ra vấn đề giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa. Cùng với xu hướng đời sống văn hóa ở miền núi và vùng các dân tộc thiểu số có điều kiện mới để phát triển, ảnh hưởng của cơ chế thị trường, đô thị hóa nên cũng  phải đối mặt với  nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc ở một số dân tộc. Các phần tử xấu lợi dụng tự do tín ngưỡng, nhận thức chưa đúng, đời sống gặp nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc vùng cao để tuyên truyền đạo trái phép, gây rối, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp. Đầu tư của Nhà nước cho bảo tồn văn hóa còn thấp và thiểu đồng bộ, đặc biệt đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn nghiên cứu khoa học nhất là về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số chủ yếu từ ngân sách, song mức đầu tư còn thấp, chưa có chính sách huy động nguồn lực tài chính khác, việc triển khai chưa đáp ứng với đòi hỏi thực tế. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số rất ít người còn chưa đầy đủ, tương xứng với thực trạng và yêu cầu.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế song với quyết tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn từng bước phát triển, đạt thêm nhiều thành tựu theo thời gian. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên, sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc, trong thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai các Nghị quyết, chương trình của Đảng bộ, UBND, HĐND tỉnh về văn hóa và dân tộc. Từ đó, khai thác văn hóa truyền thống các dân tộc với tư cách là nguồn tài nguyên giàu giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó mũi nhọn là du lịch Điện Biên./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.467.023
Online: 35