Tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” đã nêu rõ mục tiêu tổng quát của giáo dục và đào tạo là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Đây là mục tiêu lớn của Đảng, phù hợp với chủ trương của Đảng về “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, để đưa chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục, đào tạo và văn hóa, thể thao, du lịch vào thực tiễn đời sống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu các cấp có thẩm quyền và phối hợp triển khai nhiều hoạt động giáo dục địa phương ngoài nhà trường, trong đó trọng tâm là giáo dục kỹ năng sống, giáo dục nhân cách và truyền thống lịch sử. Cùng với các sở, ngành tỉnh có liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”. Gắn triển khai Đề án với việc thực hiện các Đề án có liên quan như xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Qua đó đã khai thác, phát huy giá trị sử dụng của các thiết chế văn hóa trong lĩnh vực giáo dục; tạo môi trường, cơ hội và điều kiện thuận lợi cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh được học tập thường xuyên.  

Phục vụ học sinh tham quan tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Sở đã ký kết Chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện. Hằng năm, phối hợp thẩm định nội dung chương trình giáo dục địa phương; chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai các nội dung giáo dục địa phương, xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; ký kết các chương trình phối hợp về bảo vệ và phát huy giá trị Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ.

Trên cơ sở định hướng chung của hai ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục; về vai trò, ý nghĩa của thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trong việc học tập suốt đời của người dân, từ đó khuyến khích nhân dân, cộng đồng tham gia hưởng ứng cũng như đóng góp về tinh thần và vật chất. Công tác tuyên truyền được thực hiện trên cổng/trang thông tin điện tử do ngành quản lý; bên cạnh đó lồng ghép tuyên truyền thông qua các hoạt động chuyên môn phục vụ đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên tại cơ sở, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

Học sinh tham gia chương trình “Chúng em làm chiến sĩ”

Các thiết chế văn hóa do ngành quản lý như thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ mang chức năng giáo dục đã hỗ trợ trực tiếp cho công tác giáo dục, đào tạo trong nhà trường. Nhiều hoạt động chuyên môn của ngành hướng tới đối tượng phục vụ là bộ phận thanh, thiếu niên nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng. Trong lĩnh vực thư viện, hằng năm Thư viện tỉnh đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Điện Biên Phủ vận động đăng ký làm thẻ tập thể cho các trường học trên địa bàn; vận động, khuyến khích làm thẻ tập thể cho các tổ dân phố; trao tặng thẻ đọc miễn phí cho các đối tượng ưu tiên; phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời, phối hợp tổ chức Hội thi kể chuyện theo sách... Tại trụ sở Thư viện, tổ chức phòng truy cập internet miễn phí đã phục vụ cho hàng ngàn lượt độc giả, trong đó chiếm đa số là các em học sinh.

Đối với một số địa bàn cơ sở, thư viện tỉnh chủ động sử dụng hình thức xe thư viện lưu động đến phục vụ tại chỗ cho học sinh phổ thông. Hằng năm, đã tổ chức hàng chục lượt thư viện lưu động, cung cấp sách, báo, tài liệu và các nội dung tuyên truyền đa phương tiện tại các điểm trường. Ngoài ra, hằng năm Thư viện tổ chức các hoạt động phong trào chủ yếu dành cho đối tượng học sinh, sinh viên như tổ chức Ngày Sách Việt Nam, Ngày sách và Bản quyền Thế giới... thu hút hàng ngàn lượt bạn đọc tới tham quan và đọc sách báo. Thông qua đó, góp phần hình thành thói quen đọc sách và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tổ chức cho học sinh đọc sách miễn phí

Tại các thiết chế bảo tàng, tổng thể lượt khách địa phương, trong đó có lượng học sinh, sinh viên tham quan Nhà Trưng bày bảo tàng của Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các điểm di tích, danh lam thắng cảnh hằng năm duy trì tăng dần đều, đặc biệt tăng đột biến vào những năm tròn, năm chẵn kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đảm bảo thực hiện chính sách miễn thu phí đối với khách tham quan dưới 18 tuổi theo quy định nên đã tạo điều kiện thu hút các đối tượng học sinh, sinh viên tới tham quan, nghiên cứu và học tập.

Những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã ký kết các nội dung phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào “Xanh, sạch, đẹp” nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích lịch sử Điện Biên Phủ; đồng thời góp phần giáo dục toàn diện đối với học sinh. Mỗi năm huy động hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh, quét dọn, cắt cỏ, trồng cây tại Bảo tàng và tất cả các điểm di tích. Cung cấp tư liệu cho các nhà trường phục vụ nhu cầu giảng dạy, xây dựng giáo trình giáo dục địa phương của giáo viên; nhu cầu học tập và giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh. Phối hợp tổ chức hoạt động “Chúng em làm chiến sĩ”, các chương trình tham quan, trải nghiệm thực tế tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh...; phục vụ miễn phí cho thiếu niên, nhi đồng trong các dịp Tết Thiếu nhi, Trung thu;…

Ngoài ra, hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ hiện có trên địa bàn toàn tỉnh đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đẩy mạnh học tập suốt đời. Hằng năm chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và một số các hoạt động khác phục vụ nhân dân, học sinh, sinh viên. Quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng năng khiếu văn hóa nghệ thuật, truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc trong tỉnh; dạy kỹ năng phòng chống đuối nước và một số môn thể thao, loại hình năng khiếu khác để phục vụ cho các em học sinh trong dịp hè. Đây không chỉ là điều kiện để các em phát triển tài năng, nâng cao tầm vóc, thể lực mà còn tạo nên môi trường lành mạnh, an toàn cho các em học sinh phát triển hình thể, trí tuệ và nhân cách.

Qua những nội dung phối hợp hoạt động trên, công tác giáo dục địa phương đã từng bước phát huy kết quả, ý nghĩa trong đời sống cộng đồng, xã hội. Các em học sinh đã được tạo môi trường, điều kiện giáo dục phong phú, thuận tiện ngoài nhà trường, được tiếp cận và bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức, kỹ năng sống trên nhiều mặt. Tiêu biểu là phối hợp trong giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; giáo dục cho các em lòng yêu nước, lý tưởng cộng sản, niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao ý thức và chấp hành tốt quy định của pháp luật. Học sinh có kỹ năng sống, thái độ, hành vi tích cực, có khả năng nhìn nhận vấn đề, giải quyết tình huống theo hướng tích cực. Các thiết chế văn hóa cũng góp phần xây dựng môi trường giáo dục - văn hóa lành mạnh để học sinh rèn đức, luyện tài, đấu tranh chống lại những cái xấu, cái độc hại xâm nhập từ bên ngoài. Gắn xây dựng môi trường văn hóa với các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Gia đình văn hóa”…

Những kết quả trên đã khẳng định hiệu quả công tác phối hợp tham mưu, thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới giữa hai ngành. Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo toàn diện, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên; sự phối hợp chủ động, thường xuyên, lâu dài giữa hai ngành; kịp thời bám sát các chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên; sáng tạo kết hợp các nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo với văn hóa, thể thao và du lịch cùng năng lực tham mưu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc hai ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn tồn tại một số hạn chế nhất định do các điều kiện, nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Hoạt động phối hợp mặc dù đã diễn ra thường xuyên, từng bước đi vào chiều sâu song vẫn còn một số nội dung mang tính hình thức, chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của hai ngành. Văn hóa đọc của học sinh sinh viên chưa phát triển như mong muốn; hoạt động truyền dạy văn hóa văn nghệ mang bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc mới chỉ dừng lại ở các lớp năng khiếu hè, chưa thành hoạt động ngoại khóa thường xuyên; hoạt động tập luyện các môn thể thao dân tộc chưa tạo thành phong trào; việc trao đổi tài liệu chuyên môn, tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng giáo trình, giáo án của giáo viên đến nay vẫn mang tính hình thức...

Để phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác phối hợp tham mưu, thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong thời gian tới, hai ngành cần đánh giá nghiêm túc kết quả đã triển khai phối hợp, kịp thời rút kinh nghiệm và đề ra các phương hướng, giải pháp phù hợp theo yêu cầu của tình hình mới. Trong đó, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội, đội ngũ giáo viên và học sinh về vai trò, ý nghĩa của giáo dục địa phương. Tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước để tiếp tục tham mưu tỉnh Điện Biên ban hành các văn bản chỉ đạo có liên quan. Chủ động nghiên cứu các căn cứ pháp lý và nhu cầu do thực tiễn đặt ra, đặc biệt là quan tâm đến nguyện vọng của học sinh để ký kết các nội dung phối hợp. Đẩy mạnh phối hợp trên cả hai phương diện là quản lý nhà nước và triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể.

Những giải pháp cơ bản và đồng bộ trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương; phát huy hơn nữa vai trò của xã hội đối với công tác giáo dục và đào tạo, thực hiện theo nguyên lý giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình, để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.292.062
Online: 65