Luật Di sản Văn hoá năm 2021 quy định: Di sản văn hoá là sản phẩm vật chất, tinh thần chứa đựng giá trị lâu đời về lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ những thế hệ trước. Di sản văn hoá là những nét đẹp văn hoá truyền thống, là kết tinh của trí tuệ, của tinh hoa mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Di sản là vốn quý, là bệ đỡ cho một đất nước”. Người cũng giành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, ngày 23/11/1945, chỉ sau hơn 2 tháng nước nhà giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 65/SL”Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện”, đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về Bảo tồn Di sản văn hoá dân tộc, cho đến nay sau 78 năm ra đời Sắc lệnh vẫn giữ nguyên những tư tưởng cơ bản và sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hoá, ý nghĩa lí luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của đất nước.

Ngày 24/02/2005, trước yêu cầu tình hình và nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ đổi mới, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số: 36/2005/QĐ-TTg về việc hằng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam”. Cũng từ đây, việc tổ chức ngày di sản có nghĩa to lớn trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân, đặc biệt đối với những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày nay, việc gìn giữ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác di sản mà còn được toàn xã hội quan tâm, các hình thức truyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng hiểu và chung tay góp sức được đổi mới đa dạng, phù hợp với công chúng ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, khơi dậy lòng tự hào đối với những truyền thống văn hoá tốt đẹp, tạo sự lan toả và tham gia tích cực của các chủ thể văn hoá ở mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế văn hoá xã hội của đất nước. Đối với tỉnh Điện Biên - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và đa dạng văn hoá của 19 dân tộc anh em, công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và cơ quan quản lý trực tiếp là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Tính đến nay tỉnh Điện Biên có:

  + 18 Di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

  + 33 di tích được xếp hạng, trong đó 01 Di tích cấp quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ; 14 di tích cấp quốc gia; 18 di tích cấp tỉnh.

 Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh được thực hiện theo quy định; hiện có 49 di tích, địa điểm được kiểm kê.

 Thực hiện nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tại di chỉ khảo cổ và các di tích có di chỉ khảo cổ; nghiên cứu sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử, văn hoá các dân tộc trong tỉnh.

 Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học được quan tâm triển khai. Trong 18 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, có 02 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và di sản “Nghệ thuật Xoè Thái”).

 Ngoài ra công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ thuật nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được quan tâm, tính đến thời điểm báo cáo toàn tỉnh có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

 Việc giáo dục tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hoá tiêu biểu của các dân tộc cho học sinh thông qua các chương trình chính khoá, ngoại khoá, các hoạt động tập thể được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt. Để có được kết quả trên, ngoài sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND và các ngành liên quan cùng sự chỉ đạo quyết liệt sâu sát của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, còn là sự nỗ lực cố gắng và tâm huyết của những công chức, viên chức trực tiếp làm công tác Di sản. Hy vọng cùng với các lĩnh vực khác, trong những năm tiếp theo việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá riêng có của tỉnh Điện Biên tiếp tục được quan tâm, góp phần phát triển văn hoá kinh tế xã hội của tỉnh theo đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.440.711
Online: 109