Thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang); Công bố Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam; Tuyển Việt Nam sẽ đá vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á trên sân Mỹ Đình là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1. Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 15/7 đưa tin:

Nỗ lực hoàn thành các hạng mục chính tại di sản Mỹ Sơn trước mùa mưa

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo các Đền - Tháp A1, A12, A13 thuộc Nhóm A tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Đoàn chuyên gia kỹ thuật thuộc Cơ quan Nghiên cứu Khảo sát, Khảo cổ học Ấn Độ, chuyên gia Việt Nam và hàng trăm công nhân lành nghề tập trung thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo các Đền - Tháp A1, A12, A13 thuộc Nhóm A tại Khu Đền Tháp Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Các chuyên gia thực hiện các hạng mục chính như: Sắp xếp lại Đài thờ A1, Phục dựng, tái định vị gồm trụ đỡ, lối vào đền A1, hoàn thành trùng tu các tháp A2, A4, A5, A6 và A7 xung quanh Đền A1, tiến hành trùng tu phần đế tháp A13.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch

Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã diễn ra ngày 14/7, kết nối với 50 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những nhiệm vụ đã làm trong 6 tháng qua, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; khẳng định những kết quả đã đạt được để nhân rộng, chỉ rõ hạn chế, yếu kém để đề ra giải pháp khắc phục. Quan trọng hơn cả là từ cách tiếp cận "nhìn lại để thấy xa hơn", toàn ngành xác định phương hướng cho 6 tháng còn lại một cách khả thi, giải pháp có tính chất quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu công tác năm 2021 đã đặt ra.

Câu chuyện cổ tích Thiện Nhân đến với độc giả Italy

Với tình cảm đặc biệt dành cho những trẻ em Việt Nam không may bị khiếm khuyết, hai bác sĩ thiện nguyện Italy, Roberto De Castro và William Amighetti đã viết cuốn tự truyện với tựa đề "Il bimbo e le belve" (Đứa trẻ và thú hoang) để hồi tưởng lại những hành trình thiện nguyện và câu chuyện về cậu bé Thiện Nhân. Thông qua "Il bimbo e le belve", hai tác giả hồi tưởng lại một hành trình thiện nguyện trong nhiều năm hoạt động tại Italy, Anh, Mỹ, Saudi Arabia, Bangladesh, Syria và Việt Nam.

- Báo Văn hóa ngày 15/7 đưa tin:

Show thực cảnh Ký ức Hội An "giữ nhiệt" trong bão Covid-19

Show diễn được Reuters đánh giá là mãn nhãn nhất thế giới sẽ mở bán vé Siêu sale từ 17.27.7 cho tất cả du khách, thời gian sử dụng thoải mái tới hết năm 2021. Đây được xem là nỗ lực "giữ nhiệt" của một thương hiệu du lịch trong bão Covid-19. Trong chương trình siêu sale này, Ký ức Hội An sẽ bán đồng giá vé hạng ECO và HIGH chỉ với 333.000 VND (giảm 417.000 VND so với giá gốc 750.000 VND), và gói combo trọn gói xem show diễn và ăn tối chỉ với 555.000 VND/người. Vé khuyến mãi được mở bán tại website chính thức của Ký ức Hội An từ 17- 27.7. Khách hàng mua vé được sử dụng thoải mái tới hết 31.12.2021, áp dụng cả cho các ngày Lễ, Tết.

Công bố Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam

Ngày 14.7, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã chính thức công bố Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, với 5 điểm bắt buộc và 19 tiêu chí đánh giá. Đây là căn cứ cho việc xét công nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam". Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) cho biết, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông.

Xét tặng giải thưởng, danh hiệu lớn của nhà nước: Quy đổi gặp khó vì tên gọi bất nhất

Liên hoan này gọi tên giải thưởng cao nhất là Huy chương vàng, Bông sen vàng; Hội diễn kia lại được trao giải Nhất, giải A; cuộc vinh danh nọ với cúp Vàng, cúp Đặc biệt... Với hàng loạt tên gọi giải thưởng khác nhau như vậy đã khiến cho các kỳ xét tặng danh hiệu phải tốn khá nhiều thời gian, công sức trong việc quy đổi để làm cơ sở định mức. Thực tế trên cho thấy sự cần thiết phải định chuẩn lại tên gọi các giải thưởng theo một cách đồng nhất, và quan trọng hơn là tính chính xác, khách quan trong quá trình xét tặng các giải thưởng, danh hiệu cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước hay phong tặng NSND, NSƯT...

- Báo Công an Nhân Dân ngày 15/7 đưa tin:

Phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội: Nhiều cơ hội mới cho nghệ thuật biểu diễn

Những ngày qua, thông tin Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) được xác định là 1 trong 12 lĩnh vực được Hà Nội tập trung đầu tư trong phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn cho loại hình nghệ thuật này. Theo NSND Thúy Mùi, phát triển NTBD, phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là đòi hỏi hết sức cần thiết và cấp bách nhưng phải đồng bộ theo xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Cần tiếp tục đổi mới cơ chế, cơ cấu các đơn vị NTBD để có môi trường lành mạnh và công bằng. Phải có những nhà hát với trang thiết bị, cơ sở vật chất tương xứng và phải có một đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ và khán giả mang tầm trí thức thời đại mới…

Ghi danh 395 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục quốc gia

Theo Cục Di sản văn hóa, đến nay, 395 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, 31 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện tại, hồ sơ đề cử di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) ghi danh vào Danh mục di sản thế giới; đưa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới được hoàn thiện.

Khởi dựng vở chèo "Chuyện tình một quân vương"

Nhà hát Chèo Hà Nội vừa khởi dựng vở "Chuyện tình một quân vương". Vở diễn do NSƯT Hoài Thu đạo diễn, dàn dựng theo kịch bản của tác giả Bùi Vũ Minh. Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Quốc Anh chỉ đạo nghệ thuật. NSND Minh Thu đảm nhận việc lồng điệu và dạy hát truyền thống. Theo NSND Quốc Anh, nhà hát chọn các nghệ sĩ trẻ tham gia vở diễn lần này với mong muốn tạo điều kiện để lớp diễn viên trẻ thể hiện khả năng, qua đó đào tạo đội ngũ kế cận. Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định, Nhà hát Chèo Hà Nội đang thực hiện chia ca tập luyện. Sau khi hoàn thiện, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Nhà hát sẽ công diễn phục vụ khán giả.

- Báo Quân đội Nhân Dân ngày 15/7 đưa tin: "Army Games 2021: Hòa quyện văn hóa truyền thống và hiện đại" cho biết: Thượng úy QNCN, biên đạo, diễn viên Bùi Phi Trường, thuộc Đoàn ca múa nhạc nhẹ (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) tham gia Đội tuyển Văn hóa nghệ thuật của Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam dự Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) năm 2021 với 3 tiết mục múa: Qua sông, Sen đá, Chí anh hùng. Trước khi lên đường sang Liên bang Nga tham dự Army Games vào đầu tháng 8, diễn viên Bùi Phi Trường đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về các tiết mục mà anh đã dày công luyện tập, dàn dựng trong nhiều ngày qua.

- Báo điện tử Biên Phòng ngày 14/7 đưa tin: "Đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 7 nghệ sĩ thuộc lực lượng BĐBP" cho biết: Hội đồng xét đề nghị tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10 trong BĐBP vừa thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 7 nghệ sĩ thuộc lực lượng BĐBP. Theo hướng dẫn số 981/HD-CT ngày 9-6-2021 của Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 trong QĐND Việt Nam, lực lượng BĐBP có 7 đối tượng được xem xét tại Hội đồng xét đề nghị tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 trong BĐBP, trong đó, danh hiệu NSND có 2 đồng chí (đã nghỉ hưu), danh hiệu NSƯT có 5 đồng chí (đang công tác).

- Báo điện tử Vietnamnet ngày 14/7 đưa tin:

Triển lãm trực tuyến 'Câu chuyện dòng sông' gây quỹ vì cộng đồng

Triển lãm online "Câu chuyện dòng sông" tổ chức đấu giá hơn 20 tác phẩm nhằm mục đích gây quỹ vì cộng đồng. Triển lãm Câu chuyện dòng sông diễn ra từ ngày 12 đến 31/7. Do giãn cách xã hội, sự kiện diễn ra online trên một chuyên trang mô phỏng phòng tranh. Triển lãm trưng bày hơn 20 tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, gồm các họa sĩ Lê Đình Nguyên, Tôn Thất Bằng, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Thắng, Trung Liêm, cựu đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam - họa sĩ Nicolaos D. Kanellos, họa sĩ Hadi Soesanto người Indonesia…

Cần xóa tâm lý 'vùng trắng' quyền tác giả đối với ca khúc nước ngoài

Nghệ sĩ phát biểu liên quan đến quyền tác giả cho thấy hiểu biết hạn hẹp, chủ quan, không dựa trên luật và luôn lẫn lộn các khái niệm, đối tượng, phạm vi điều chỉnh. LS Phan Vũ Tuấn nói, không chỉ cá nhân, tổ chức vi phạm mà ngay chính chủ thể quyền là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả cũng chưa thực sự ý thức tốt trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì điều này, họ có xu hướng e ngại trong việc xử lý hành chính hay khởi kiện theo thủ tục tố tụng để tự bảo vệ mình.

2. Lĩnh vực Du lịch

- TTXVN, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 15/7 đưa tin: "Thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc" cho biết: Bên lề Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang).

Không gian nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế trên “đảo ngọc” Phú Quốc

Theo Thứ trưởng: Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chuẩn bị đề án, làm việc với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Ngoại giao, Y tế, UBND tỉnh Kiên Giang; phấn đấu trước ngày 20/7, tổng hợp được toàn bộ ý kiến đánh giá. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp thành đề án, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có ý kiến cuối cùng, đó cũng là cơ sở để chúng ta thí điểm đón khách quốc tế ở Phú Quốc (Kiên Giang). Phú Quốc được chọn làm thí điểm vì đây là điểm du lịch hấp dẫn, "đảo ngọc" trong du lịch biển của Việt Nam. Nơi đây cũng có đầy đủ cơ sở tầng, lưu trú, địa điểm tham quan, hơn nữa cộng đồng dân cư ít, khoảng 100.000 dân, tách biệt với đất liền, giao thông tốt...

- Báo Văn hóa ngày 15/7 đưa tin:

Khánh Hòa: Xây dựng phương án đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin

Ngày 14.7, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản thống nhất chủ trương cho xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin. UBND tỉnh Khánh Hòa lưu ý một số nội dung, trong đó yêu cầu trước mắt nên thí điểm đón khách du lịch có hộ chiếu vắc xin tại khu vực có phạm vi nhỏ, ít ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; thực hiện tại thời điểm phù hợp với thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh và có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của tỉnh, Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các tổ chức, cá nhân trong toàn bộ quy trình triển khai thực hiện, xử lý các vấn đề phát sinh, kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31.7.2021.

TT-Huế: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có quyết định phê duyệt đề án "Phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn", với những định hướng, mục tiêu, giải pháp phù hợp. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác, phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Phải có những cơ chế, chính sách đủ mạnh

Có thể khẳng định rằng, sự tăng trưởng của du lịch sẽ có những đóng góp cho nền kinh tế, quảng bá hình ảnh quốc gia và tạo ra đòn bẩy cho nhiều ngành, lĩnh vực liên quan. Thế nhưng để tăng trưởng bền vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu thì ngành Du lịch cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu nhằm đảm bảo năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; được đầu tư nguồn lực tương xứng và ổn định cho phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư bài bản cho công tác xúc tiến quảng bá; có những cơ chế linh hoạt, thích ứng nhanh với thị trường...

-Báo Hà Nội mới ngày 15/7 đưa tin: "Phát triển du lịch cộng đồng là trọng tâm trong phát triển du lịch nông thôn" cho biết: Ngày 14-7, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức hội thảo về định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý. Trong đó, khoảng 70% là điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn, chủ yếu là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Theo thống kê sơ bộ của Bộ NN&PTNT từ 37 tỉnh, thành phố có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến điểm du lịch nông thôn. Ước tính, mỗi tỉnh có khoảng 500-1.000 lao động trong lĩnh vực du lịch...

- Báo Quân đội Nhân Dân ngày 14/7 đưa tin: Ngành du lịch "chơi vơi" mùa dịch cho biết: Khi du lịch ở điều kiện bình thường, nhân lực luôn là bài toán khó bởi thiếu cả số lượng và chất lượng. Nhưng khi dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, nguồn lực hiếm hoi đó không những không giữ được mà đang ngày càng rơi rụng, số ít còn lại cũng chơi vơi tìm đất sống. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Silkstar Holidays Lụa Vàng cũng cho biết, nhiều bạn bè làm trong nghề du lịch cũng chuyển sang môi giới bất động sản, tư vấn bảo hiểm nhân thọ... Hướng dẫn viên thì sang làm bảo vệ, xe ôm, ship đồ hoặc bán hàng online. Bản thân bà cũng phải tìm nghề khác trong lúc nghỉ nghề du lịch vì dịch bệnh.

-Báo điện tử Người Lao động ngày 15/7 đưa tin: "Đưa cảnh Việt vào phim để kích cầu du lịch" cho biết: Cần một kho dữ liệu bối cảnh bằng hình ảnh và chỉ dẫn cụ thể để chuyên gia nước ngoài tiếp cận thông tin nhằm đem tới nhiều cơ hội hợp tác. Đầu tư lớn cho bối cảnh phim Việt để làm nổi bật cảnh đẹp Việt Nam trên màn ảnh rộng đang là xu thế mà các đạo diễn trong nước hưởng ứng. Chiến lược này đòi hỏi có chính sách hỗ trợ đặc biệt, để các nhà làm phim sáng tạo, khai thác tối đa cảnh đẹp đất nước để vươn ra thế giới sau đại dịch Covid -19.

- Báo Vietnamplus ngày 14/7 đưa tin: "Hậu COVID-19: Doanh nghiệp lưu trú hút khách bằng cách nào?" cho biết: Khách du lịch sẽ có nhiều thói quen và nhu cầu mới sau các đợt dịch bùng phát. Dù hệ thống cơ sở lưu trú cả nước gặp nhiều khó khăn sau dịch, nhưng nếu còn "sống" họ sẽ cần thay đổi để thích nghi. Tác động từ đại dịch COVID-19 khiến mọi người đều đặt sức khỏe, sự an toàn và tính linh hoạt lên hàng đầu trước mỗi lựa chọn xê dịch. Khi rủi ro luôn tiềm ẩn, thay vì những chuyến bay xa thì loại hình du lịch gần nhà hay tại chỗ (staycation), du lịch bền vững và đi phượt (road trip) ngày càng chiếm ưu thế.

- Báo điện tử VOV ngày 15/7 đưa tin: "Thuê villa ngoại thành Hà Nội, du khách "loay hoay" giữa những rủi ro" cho biết: Nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân Hà Nội tăng cao, kéo theo sức ép về duy trì chất lượng ở một số mô hình lưu trú ngoại thành, cũng như gia tăng số vụ lừa đảo trên mạng xã hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch vẫn bị hạn chế, tại ngoại thành Hà Nội, các khu lưu trú và những mô hình tương tự như biệt thự nghỉ dưỡng (villa), căn hộ cho thuê… đón lượng khách tăng cao, đặc biệt là dịp cuối tuần. Tuy nhiên nhu cầu tăng lên cũng là lúc những đối tượng xấu lợi dụng cơ hội để lừa đảo, hoặc nhiều cơ sở chưa được kiểm định chất lượng cũng vội vàng đón khách.

- Báo điện tử Vnexpress ngày 14/7 đưa tin:

Báo nước ngoài gợi ý du lịch Phú Quốc

Chuẩn bị là nơi thí điểm đón khách quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, Phú Quốc có rất nhiều điểm để khám phá. Phú Quốc là đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng nằm ở bờ biển phía nam Việt Nam, rất gần Campuchia. Nơi đây được đánh giá là thiên đường biển đảo yên bình, không xô bồ bằng Bali (Indonesia). Đặc biệt gần đây, Phú Quốc đang được đề xuất thí điểm đón khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vaccine từ tháng 10. Du khách nước ngoài tới đây có thể trải nghiệm Phú Quốc thoải mái nhưng không được phép lên đất liền, và phần lớn khách sẽ tới qua các chuyến bay thuê riêng.

Nhiều người hủy phòng khi Hà Nội lập chốt kiểm soát

Hủy đặt phòng chịu mất phí hay tiếp tục đi chơi với nỗi lo khai báo ở chốt kiểm dịch là trăn trở của nhiều người Hà Nội. Một người làm đại lý bán của các villa cho biết trong 2-3 ngày gần đây cô liên tục nhận được yêu cầu hoãn, hủy dịch vụ, trong đó có cả ngày cuối tuần, ở những căn đã kín lịch từ rất sớm. Một số căn do điều kiện không thể hoãn hủy, chịu mất tiền hoặc phải tìm người thay thế, một số thì có thể dời ngày. Phần lớn khách hủy, dời lịch đều do tâm lý lo lắng về dịch bệnh đang quay trở lại Hà Nội hoặc không được quay trở lại thành phố sau chuyến đi.

Nhiều khách đến Bali không tuân thủ quy định về Covid-19

Mới đây, giới chức Indonesia đã thông báo về việc yêu cầu 4 du khách nước ngoài rời đảo Bali sau khi vi phạm các quy định về phòng ngừa dịch bệnh của quốc gia, đặc biệt khi nước này đang phải chịu thiệt hại nặng nề do dịch tái bùng phát. Theo Jamaruli Manihuruk, người đứng đầu Văn phòng Bộ Tư pháp và Nhân quyền khu vực Bali, 4 người bị trục xuất gồm hai khách Nga, một khách Mỹ và một khách Ireland. Du khách Nga nhiễm nCoV khi đến đảo, và được yêu cầu cách ly bắt buộc. Tuy nhiên người này đã cố tình rời khỏi khách sạn để ra ngoài. Hiện tại, nữ du khách được đưa đi điều trị tại Denpasar, thủ phủ của hòn đảo và buộc phải rời Indonesia sau khi khỏi bệnh.

3. Lĩnh vực Thể thao

- TTXVN ngày 15/7 đưa tin:

Tuyển Việt Nam sẽ đá vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á trên sân Mỹ Đình

Đội tuyển Việt Nam đã chính thức chọn sân Mỹ Đình làm địa điểm thi đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Việc đội tuyển Việt Nam được thi đấu trên sân nhà tại vòng loại cuối World Cup 2022 sẽ góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của đất nước Việt Nam trong công tác kiểm soát và phòng, chống dịch thông qua việc đăng cai tổ chức các trận đấu quốc tế chính thức tại một sự kiện bóng đá tầm cỡ thế giới, đặc biệt là giúp Đội tuyển có được sự chuẩn bị tốt để gia tăng cơ hội đạt được kết quả tốt nhất trong cuộc cạnh tranh tại Vòng loại cuối World Cup 2022, qua đó hướng tới các mục tiêu phát triển cao hơn trong các giai đoạn sắp tới.

Olympic Tokyo: 85% VĐV và quan chức đã được tiêm vaccine hoặc miễn dịch với COVID-19

Ngày 14/7, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach cho biết 85% vận động viên (VĐV) và quan chức tham gia Thế vận hội Tokyo 2020 đã được tiêm vaccine hoặc miễn dịch với COVID-19. Trong khi đó, khoảng 70 - 80% trong số phóng viên, nhà báo, những người đại diện cho các hãng truyền thông quốc tế, đến Nhật Bản đưa tin về sự kiện này cũng đã được tiêm chủng. Người đứng đầu IOC cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban tổ chức Olympic, cho rằng Tokyo là thành phố chủ nhà có "sự chuẩn bị tốt nhất từ trước tới nay", đồng thời nhấn mạnh hàng tỷ người trên khắp thế giới sẽ đón xem sự kiện thể thao này.

Vòng loại Asian Cup 2022: Đội tuyển nữ dự kiến tập trung vào giữa tháng 7

Theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, để chuẩn bị cho vòng loại Giải Bóng đá nữ châu Á 2022, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ chính thức tập trung vào ngày 17/7, tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam với 34 vận động viên. Danh sách trình lên Tổng cục Thể dục Thể thao gồm: 9 vận động viên của Thành phố Hồ Chí Minh, 9 vận động viên Hà Nội, Than Khoáng sản Việt Nam cũng góp mặt 9 vận động viên, 5 vận động viên Hà Nam, Sơn La và Thái Nguyên, mỗi địa phương 1 vận động viên.

- Báo Thể thao và Văn hóa ngày 15/7 đưa tin:

V-League 2021 chọn một đội để trao ngôi vô địch?

Đã có những ý kiến tranh luận khi mùa giải LS V-League 2021 phải tạm hoãn do sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, có nên trao chức vô địch sớm cho HAGL? V-League 2021 đã đi qua 1/2 chặng đường và chỉ còn 1 vòng đấu nữa là khép lại giai đoạn 1. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và dành thời gian để đội tuyển Việt Nam làm nhiệm vụ tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, giải đã phải tạm dừng kể từ ngày 6/5 và hiện chưa hẹn ngày trở lại.

Toàn bộ lịch thi đấu môn bóng đá Olympic 2021, xem trực tiếp VTV6, VTV3

Ban tổ chức vừa công bố lịch thi đấu môn bóng đá nam và nữ Olympic Tokyo 2021. Theo đó, người hâm mộ Việt Nam có thể xem trực tiếp các trận đấu bóng đá Olympic 2021 trên VTV6, VTV3 khi Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã đạt được thỏa thuận mua bản quyền phát sóng trực tiếp đại hội thể thao lớn nhất hành tinh.

- Báo Tin tức ngày 14/7 đưa tin: "Phát hiện ổ dịch COVID-19 tại khách sạn Nhật Bản đoàn Olympic Brazil ở" cho biết: Một ổ dịch COVID-19 đã được phát hiện tại một khách sạn ở thành phố Hamamatsu phía Tây Nam Tokyo. Đây cũng là nơi ở của hàng chục thành viên đội tuyển Olympic Brazil tại Nhật Bản. Theo hãng tin Reuters, 7 nhân viên trong khách sạn đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong một quy trình xét nghiệm thường nhật. Tuy nhiên, 31 thành viên trong đoàn thể thao Olympic của Brazil, trong đó có các vận động viên thi đấu Judo, vẫn luôn ở trong một "bong bóng bảo vệ" của khách sạn tách biệt với các vị khách khác và không bị lây nhiễm.

- Báo Hà Nội mới ngày 15/7 đưa tin: "Tuyển thủ Việt Nam nhận thưởng gần 1,9 tỷ đồng nếu giành Huy chương vàng Olympic Tokyo 2020" cho biết: Các tuyển thủ Việt Nam nếu giành Huy chương vàng tại Olympic Tokyo 2020 sẽ chắc chắn nhận được số tiền thưởng là 1 tỷ 850 triệu đồng. Khoản tiền thưởng "khủng" này gồm 350 triệu đồng theo quy định của nhà nước cùng 1,5 tỷ đồng do hai nhà tài trợ cam kết tại Lễ xuất quân Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 15/7 đưa tin:

Tấm huy chương Olympic muộn màng

Thay vì bước lên bục chiến thắng tại London từ 9 năm trước, cựu lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn chỉ được nhận tấm huy chương đồng (HCĐ) Olympic 2012 tại lễ xuất quân đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 vào tối 13-7. Câu chuyện tạm xem là kết thúc có hậu của cựu lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn cũng bàng bạc như việc lực sĩ Vương Thị Huyền mất suất đến Nhật Bản dự Thế vận hội 2020. Đó là hậu quả của việc 4 VĐV cử tạ Việt Nam bị cáo buộc sử dụng doping trong 2 năm 2019 và 2020. Với Vương Thị Huyền, đây là điều rất bất công, còn với thể thao Việt Nam, đây là bài học đắt giá.

Tuyển futsal Việt Nam tập trung sớm

Sớm hơn dự kiến, đội tuyển futsal Việt Nam sẽ tập trung trở lại từ ngày 20-7 tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP HCM để chuẩn bị tham dự VCK World Cup 2021, thay vì theo lịch cũ là từ 2-8 tại Trung tâm Thể thao Thái Sơn Nam (quận 8, TP HCM). Đợt tập trung thứ ba trong năm 2021 của đội tuyển futsal Việt Nam dự kiến có 22 tuyển thủ. Theo chương trình ưu tiên của Chính phủ đối với các đội tuyển thể thao tham dự giải đấu quốc tế, tuyển futsal quốc gia đã hoàn tất tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19 nhưng vẫn phải thực hiện xét nghiệm RT-PRC trước khi hội quân.

- Báo Pháp Luật TPHCM ngày 15/7 đưa tin:

Futsal Việt Nam bỏ giải Thái Lan, sang Tây Ban Nha tập huấn

Đội tuyển futsal Việt Nam (VN) sẽ không tham dự giải Quốc tế Liên lục địa do Thái Lan tổ chức (từ ngày 25 đến 30-7), có những đội Thái Lan, Iran, Mozambique, Kosovo, Tajikistan, Uzbekistan, Lithuania, Ai Cập. Thay vào đó là chuyển kế hoạch sang Tây Ban Nha tập huấn rồi dự giải tứ hùng. Do giải vô địch futsal VN hoãn đến sau World Cup nên đội tuyển futsal sẽ tập trung sớm từ ngày 20-7 tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia II (TP Thủ Đức). Tại đây, đội tuyển tập luyện trong điều kiện nội bất xuất, ngoại bất nhập để đảm bảo phòng dịch.

AFF Cup hoãn suốt mà 'mối' cứ vô

Dù AFF Cup 2020 bị hoãn liên tục nhưng nhiều nhà tài trợ vẫn tìm đến giải đấu. Đối tác thương mại mới nhất của AFF Cup 2021 là nhà sản xuất thiết bị thông minh Oppo của Trung Quốc. Hàng loạt đối tác thương mại ký với AFF như Herbalife, Yammar, nay đến Oppo. Chưa kể nhiều thương hiệu nhỏ khác liên tục tìm đến AFF hợp tác dù giải AFF Cup 2020 hoãn đến sang năm 2021.

Olympic Tokyo: Vừa tranh tài vừa lo thiên tai, địch họa

Giới khoa học, địa chất, thiên văn của Nhật cảnh báo cao độ, trong các cuốn sách cầm tay mà chủ nhà Olympic Tokyo phát cho từng người khi tham dự Olympic Tokyo có phần hướng dẫn rất kỹ để đối phó và tồn tại trong điều kiện thiên tai bất ngờ ập tới như siêu bão, sóng thần và động đất. GS Hirotada Hirose cũng nhấn mạnh: Thời điểm diễn ra Olympic Tokyo cũng trùng với chu kỳ địa chất Nhật rơi vào năm 2021 mà cơ quan dự báo thiên tai Nhật đã lên tiếng cảnh báo về thảm họa thiên nhiên.

- Báo điện tử Giáo dục và Thời đại ngày 15/7 đưa tin:

Truyền thông Trung Quốc lo lắng khi tuyển Việt Nam được đá tại Mỹ Đình

Truyền thông Trung Quốc tỏ ra e ngại khi đội tuyển Việt Nam được thi đấu trên sân nhà tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Ngay sau khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xác nhận sẽ tổ chức 5 trận đấu của thầy trò HLV Park Hang-seo trên sân Mỹ Đình, nhiều tờ báo Trung Quốc nhận định đội tuyển nước này có thể gặp bất lợi vì điều này. "Bất lợi lớn của tuyển Trung Quốc khi Việt Nam được đá trên sân Mỹ Đình", tờ Sina giật tít và bình luận: "Tham vọng của tuyển Việt Nam không phải giành vé đến Qatar vào năm 2022 mà họ muốn đánh bại đội tuyển Trung Quốc. Giờ đây, đoàn quân của ông Park Hang-seo có lợi thế lớn khi được thi đấu trên sân nhà Mỹ Đình".

Nhiều đội bóng ở V.League chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19

Cách đây ít ngày, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã quyết định hoãn giải V.League 2021 vô thời hạn do những lo ngại về ảnh hưởng của dịch Covid-19, đại dịch bất ngờ có dấu hiệu bùng phát tại Việt Nam trong những ngày qua.Khá bất ngờ, tới lúc này nhiều CLB tại V.League vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vắc xin phòng Covid-19. Theo tổng hợp từ VPF, hiện tại mới chỉ có 2 đội bóng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 là CLB Hà Nội và Viettel FC. 5 đội bóng khác đã tiêm 1 mũi là CLB Sài Gòn, Thanh Hoá, Nam Định, Sông Lam Nghệ An và TP.HCM.

BLV Quang Tùng: "Hủy V.League sẽ rất lãng phí và thiệt hại nhiều về kinh tế"

Theo BLV Quang Tùng, V.League chỉ nên hoãn chứ không hủy. Bởi nếu hủy giải vào lúc này thì rất lãng phí và còn thiệt hại đến nhiều mặt về tài chính, kinh tế. Theo dự kiến ban đầu, giải V.League sẽ trở lại vào cuối tháng 7 này. Giai đoạn 2 của mùa giải dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 31/7 đến 22/8 và được tổ chức tập trung tại cụm sân ở miền Bắc, không khán giả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giải đấu tiếp tục được hoãn và chưa xác định được ngày trở lại. Lúc này, nhiều người hâm mộ đang lo lắng giải đấu có thể bị hủy vì quỹ thời gian eo hẹp cuối năm của tuyển Việt Nam.

4. Lĩnh vực Gia đình

- Báo Quân đội Nhân Dân ngày 15/7 đưa tin: "Càng trưởng thành, "bộ rễ" đạo đức càng phải lớn" cho biết: Xu hướng người trẻ bắt chước, làm theo người nổi tiếng, cùng sự nở rộ các trang mạng xã hội (MXH) có nội dung không lành mạnh, khó kiểm soát đang trở thành mối quan tâm của các bậc phụ huynh và xã hội. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, cần phải có các biện pháp quyết liệt để hạn chế, ngăn ngừa những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn của một bộ phận thế hệ trẻ.

Theo PGS, TS Trần Thành Nam, hiện đang có nhiều sự "đứt gãy" trong giáo dục, bởi bố mẹ là sản phẩm của thế kỷ 19, sống và lớn lên trong điều kiện vật chất của thế kỷ 20, dạy con là sản phẩm của thế kỷ 21 cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, để đồng hành với con, bố mẹ phải tự nâng cấp bản thân mình, nâng cấp những kỹ năng của công dân thế hệ số, đồng thời có cái nhìn bao dung hơn. Vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội trong khi phối hợp để hình thành nhân cách, định hướng hệ giá trị sống cho những người trẻ, giúp họ có "bộ lọc" văn hóa khi tham gia môi trường mạng cũng đã được đề cập nhiều. Trước mắt, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão, MXH ngày càng được giới trẻ coi như "cơm ăn, nước uống" thì muốn chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn đạo đức đòi hỏi cả sự răn đe nghiêm minh của pháp luật.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.299.100
Online: 68