Tổ chức lễ xuất quân Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020; Phú Quốc thu hút hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào du lịch; Hoãn tổ chức trại sáng tác năm 2021 tại Cần Thơ và Đà Nẵng là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1. Lĩnh vực Văn hóa
- Báo Công an Nhân Dân ngày 14/7 đưa tin:
"Khan hiếm" không gian văn hóa sáng tạo
Ngay tại các thành phố lớn, các không gian sáng tạo, không gian văn hóa, nơi các nghệ sĩ, những người làm trong ngành sáng tạo có thể gặp gỡ, chia sẻ, trưng bày các tác phẩm, sản phẩm, hay trình diễn nghệ thuật vẫn còn rất thiếu. Đây là một trong những thách thức đã được nhiều chuyên gia chỉ ra nhưng chưa được khắc phục, kể cả với Hà Nội – thành phố được công nhận là Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Trong thời gian tới, để các không gian sáng tạo có vị trí tốt hơn trong xã hội, ngoài những nỗ lực của cộng đồng, những người hoạt động sáng tạo trong tổ chức xây dựng, vận hành các không gian sáng tạo, thì cần nỗ lực quan tâm, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nhất là nhận thức của những người làm chính sách, để có chính sách phù hợp, tích cực hơn đối với các không gian sáng tạo…
Bảo tồn di tích Châu Hương Viên - phát huy di sản phi vật thể quốc gia
Trên cơ sở các yếu tố nguyên gốc hiện còn, các ý kiến đề xuất trùng tu, bảo tồn di tích Châu Hương viên theo hướng thích nghi với công năng mới; cụ thể ngoài việc thờ tự cụ Ưng Bình tại di tích này, thì sử dụng một phần không gian di tích làm sân khấu cho các hoạt động biểu diễn Ca Huế, tuồng Huế. Ý kiến bảo tồn nói trên được đưa ra tại buổi tọa đàm "Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Ưng Bình tại Châu Hương Viên" và được các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu, các cơ quan nhà nước liên quan đồng tình…Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình, cuối năm 2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông qua chủ trương đầu tư tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ triển khai trong năm nay.
"Trình làng" nhiều tác phẩm sân khấu độc đáo về phòng, chống dịch COVID-19
Do những tính chất đặc thù như kinh phí đầu tư cao, phải tập trung nhiều người trong một thời điểm nhất định…, sân khấu đang gặp khó khăn trong dàn dựng tác phẩm, đặc biệt là vở diễn lớn về phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sân khấu đã dần "bắt nhịp" cùng một số loại hình nghệ thuật khác khi "trình làng" được những vở diễn quy mô lớn về đề tài này, được đánh giá cao và đạt giải thưởng. Trong thời điểm hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn "đóng băng" vì dịch bệnh COVID-19, việc sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc mạnh dạn đầu tư dàn dựng "Cuộc chiến COVID" là một bất ngờ lớn, ngay cả với người trong nghề.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 14/7 đưa tin:
Tin giả, tin xấu độc bủa vây người dùng mạng xã hội
Tính đến tháng 1/2021, con số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam là 72 triệu người, trong đó chủ yếu là người dùng Facebook. Mỗi ngày, với hơn 1 tỷ nội dung được đẩy lên mạng xã hội, trong đó tràn lan tin giả, tin xấu, độc, không được kiểm chứng, nhất là trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân.
'Câu chuyện dòng sông'
River Ơi (Quỹ Sống) vừa tổ chức khai mạc triển lãm nghệ thuật "Câu chuyện dòng sông" qua nền tảng phòng tranh 3D tại chuyên trang artspaces.kunstmatrix.com, nhằm giúp người xem có thể thưởng thức nghệ thuật dễ dàng và an toàn hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội. Triển lãm trưng bày hơn 20 tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế - những người đã luôn hào phóng và tích cực trong các hoạt động vì cộng đồng.
'Dọn rác' trên mạng xã hội
Với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội là công cụ tương tác hữu hiệu trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì nhiều cá nhân đang lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin sai sự thật, hoặc có ứng xử thiếu văn hóa. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhìn nhận: Chế tài xử phạt đối với những trường hợp lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin sai sự thật, đăng tải những clip có hành động và lời nói thiếu văn hóa đã được pháp luật quy định rõ.
Phim Việt Nam giành giải tại LHP Quốc tế Nghệ thuật châu Á
Bộ phim tâm lý kinh dị "Người lắng nghe: Lời thì thầm" của đạo diễn Khoa Nguyễn bất ngờ gây tiếng vang tại LHP Quốc tế Nghệ thuật châu Á – AFAIFF 2021. Theo đó, bộ phim đã lập cú hatrick với việc giành 3 giải tại LHP Quốc tế Nghệ thuật châu Á - AFAIFF 2021: "Nữ diễn viên xuất sắc nhất" cho Oanh Kiều; "Nam diễn viên có phần thể hiện đặc biệt nhất" dành cho Quang Sự và giải "Phim có nội dung đặc biệt".
- Báo Văn hóa ngày 13/7 đưa tin:
Hoãn tổ chức trại sáng tác năm 2021 tại Cần Thơ và Đà Nẵng
Ngày 12.7, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã ra thông báo về việc hoãn tổ chức cho hội viên đi trại sáng tác văn học năm 2021. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, nên Bộ VHTTDL, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tạm hoãn tổ chức 2 trại sáng tác năm 2021 tại Cần Thơ và Đà Nẵng như dự định và sẽ thông báo về kế hoạch tổ chức tới các hội viên sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.
Nghệ nhân "Đệ nhất ẩm thực Hà Thành" được đề nghị xét tặng Nghệ nhân Nhân dân
Cùng với 11 Nghệ nhân Ưu tú khác của TP. Hà Nội, Nghệ nhân Ánh Tuyết vừa được đề nghị xét tặng Nghệ nhân Nhân dân. Nghệ nhân Ánh Tuyết được nhiều người ca ngợi là "đệ nhất ẩm thực Hà Thành" do có nhiều năm gắn bó, gìn giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành, nắm giữ những bí quyết nghề nghiệp của nhiều làng nghề nổi tiếng. Chính vì vậy, năm 2021, Hà Nội lại tiếp tục đề xuất Hội đồng cấp Bộ xem xét trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho bà Phạm Thị Tuyết.
- Báo Nhân Dân ngày 14/7 đưa tin: "Thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến" cho biết: Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống yêu nước và lịch sử vẻ vang, ý chí độc lập tự do, khí phách quật cường của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; khẳng định chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến là quyết định đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Báo điện tử VOV ngày 13/7 đưa tin:
Hát lên Việt Nam - Ngợi ca quê hương đất nước
Cuộc vận động sáng tác Hát lên Việt Nam – Let's sing Vietnam do Đài TNVN phát động đã đi được một khoảng thời gian. Với mục tiêu nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đoàn kết, mến khách, giàu đẹp, vững vàng trước mọi thử thách khó khăn, đặc biệt là tìm kiếm những ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, Ban tổ chức mong muốn khuyến khích phong trào sáng tác ca khúc ngợi ca những thành tựu đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngợi ca quê hương, đất nước, con người Việt Nam và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đông đảo công chúng yêu nhạc.
Sao chép ý tưởng là điều tối kỵ trong lao động sáng tạo của giới nhiếp ảnh
Quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh hiện đang là một trong những vấn đề được quan tâm không chỉ trong giới luật học mà còn ảnh hưởng đến giới công nghệ, truyền thông… Và đỉnh điểm là vấn đề bản quyền tác giả, lâu nay đã trở thành nỗi bức xúc của nhiều ngành, nhiều giới và nhiều tác giả của lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Nhiếp ảnh cũng không nằm ngoài dòng chảy chung đó. Bên cạnh đó, để việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh được hiệu quả, nhà nước cần phải áp dụng các biện pháp nâng cao năng lực kiểm tra, xử lý hành chính của các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quyền tác giả, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của nhân dân và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này".
2. Lĩnh vực Du lịch
- Báo Vietnamplus ngày 14/7 đưa tin:
Đà Nẵng hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng
Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai giải pháp hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, đơn vị vừa có hướng dẫn cho người lao động ngành du lịch có nhu cầu vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để chuyển đổi ngành nghề hoặc khôi phục sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch. Theo hướng dẫn này, người lao động sẽ được hỗ trợ với mức vay tối đa là 100 triệu đồng, với lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Thời gian cho vay tối đa là 120 tháng.
Khảo sát: 70% số người Nhật Bản từng tới Việt Nam có ý định quay lại
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kết quả thăm dò mới nhất của Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) cho thấy, 70% số người Nhật Bản đã từng tới Việt Nam muốn quay lại quốc gia Đông Nam Á này. Trong khi đó, 63,4% số người có ý định đi du lịch nước ngoài bày tỏ mong muốn tới Việt Nam để thăm quan. Đây là kết quả của cuộc khảo sát do AJC phối hợp với Công ty TNHH Marketing Voice thực hiện trực tuyến trong tháng 1/2021, với sự tham gia của 10.000 người trên khắp Nhật Bản, trong đó 8,9% đã từng đến Việt Nam.
Hậu COVID-19: Gia tăng 'sức mạnh mềm' cho du lịch Việt cách nào?
"Sức mạnh mềm" đó chính là việc sử dụng các giá trị văn hóa để xâu chuỗi tất cả các lĩnh vực khác nhau, giúp gia tăng giá trị trải nghiệm mới cho du khách cũng như người dân bản địa. Đại dịch COVID-19 với sức tàn phá khủng khiếp đã xác lập một "trật tự thế giới mới" cho ngành du lịch. Trước tâm lý và nhu cầu thay đổi của thị trường cũng như để sẵn sàng cho ngày "mở cửa lại bầu trời," các doanh nghiệp không nên chỉ chờ đợi những quyết sách hỗ trợ từ Chính phủ. Họ cần tự gia tăng hàm lượng giá trị văn hóa, giá trị dịch vụ… cho doanh nghiệp mình như một số gợi ý của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, tiến sỹ Hà Văn Siêu.
Du lịch Việt muốn phục hồi bền vững cần đi bằng 'hai chân'
Đang trên đà phát triển như vũ bão giai đoạn 2016-2019, với các mốc tăng trưởng kỷ lục về cả lượng khách quốc tế, nội địa và tổng thu từ du lịch, thế nhưng bước sang 2020 đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến khoảng 90% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa; tổng thu từ khách du lịch giảm tới hơn 60%...Thực tế đòi hỏi không chỉ việc Chính phủ cần ra tay cấp cứu nền kinh tế xanh mà còn đặt ra thách thức muốn phát triển bền vững trong tương lai, ngành du lịch phải xác định được lộ trình cụ thể, bài bản để vừa khắc phục khó khăn vừa tạo động lực mạnh mẽ để hồi phục và bứt phá.
Lượng khách du lịch đến châu Âu còn thấp dù áp dụng hộ chiếu vaccine
Kể từ ngày 9/6, du khách nước ngoài có thể quay trở lại du lịch châu Âu, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của quốc gia hay vùng lãnh thổ mà họ xuất phát và hồ sơ tiêm chủng của họ. Tuy nhiên, dù các nước châu Âu mở cửa trở lại, du khách vẫn cho rằng đi du lịch trong bối cảnh đại dịch COVID-19 rất phức tạp. Văn phòng du lịch Paris cho biết số du khách Mỹ đến Paris hiện đã giảm 85% so với mức hồi tháng 6/2019, còn lượng du khách nước ngoài nói chung đã giảm 60%.
- Báo Nhân Dân ngày 14/7 đưa tin:
Phát triển du lịch nội tỉnh
Trong bối cảnh du lịch quốc tế vẫn "đóng băng", du lịch trong nước cũng chưa thể thông suốt do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch tại chính các địa phương (du lịch nội tỉnh) đã cơ bản khống chế được dịch bệnh được coi là bước đi cấp thiết và kịp thời để duy trì, từng bước phục hồi thị trường du lịch. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng hơn 10 tỉnh trong cả nước đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, trong đó có những tỉnh đã qua 30 ngày không ghi nhận trường hợp nào.
Italy và bài toán giảm tải du lịch khi mở cửa lại
Trong hai năm qua, lĩnh vực du lịch khổng lồ của Italy là một trường hợp chứng kiến sự trái ngược giữa tình trạng du lịch quá tải tại hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng và tình trạng trống vắng du khách. Giờ đây, những người làm du lịch Italy đang cố gắng tạo ra sự cân bằng, hướng tới du lịch bền vững. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nỗi lo lớn nhất của Italy và tình trạng du lịch quá tải, hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về các điểm du lịch nổi tiếng như Florence, Rome và Venice. Điều này đã gây tác động xấu tới cơ sở hạ tầng, môi trường và chất lượng cuộc sống của cư dân.
- Báo Văn hóa ngày 13/7 đưa tin:
Phú Quốc thu hút hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào du lịch
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã thu hút 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường. Hai dự án này đầu tư trên địa bàn thành phố Phú Quốc, với tổng diện tích 21,7 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh thu hút được 327 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tổng diện tích 10.162 ha và tổng vốn đầu tư hơn 359.480 tỷ đồng. Trong đó, có 70 dự án đã đi vào hoạt động, tổng diện tích hơn 1.300 ha, tổng vốn đầu tư 16.146 tỷ đồng; 82 dự án đang triển khai xây dựng, tổng diện tích 4.236 ha, tổng vốn đầu tư trên 177.300 tỷ đồng và số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Sáu tháng đầu năm, Quảng Ninh đón 2,5 triệu lượt khách du lịch
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2021, du lịch tỉnh Quảng Ninh đón 2,5 triệu lượt khách, bằng 60% cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tổng thu từ du lịch đạt trên 5.200 tỷ đồng, bằng 61% cùng kỳ. Lượng khách giảm do ảnh hưởng của 2 đợt dịch liên tiếp từ đầu năm. Cùng với nỗ lực giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, tỉnh Quảng Ninh và ngành du lịch tận dụng mọi cơ hội an toàn trong dịch bệnh để khôi phục hoạt động, trước mắt đón khách du lịch nội tỉnh trở lại từ đầu tháng 6. Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các gói kích cầu, ưu tiên miễn phí vé tham quan cho khách du lịch đến vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh và Yên Tử từ ngày 18.6 đến hết năm nay.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 14/7 đưa tin:
Lấy ý kiến thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc
Bộ VHTTDL vừa có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ TTTT xin ý kiến dự thảo Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Theo dự thảo, đối tượng áp dụng thí điểm là khách du lịch quốc tế có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh.
Di tích lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915 đón trên 70.000 lượt khách
Tính từ tháng 7-2020 đến nay, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) đã đón 642 đoàn với 70.000 lượt khách đến dâng hương, tham quan. Trong số này có khoảng 60% lượt khách trong tỉnh. Nhiều trường học, các cơ sở đoàn cũng đã tổ chức cho các em học sinh, đoàn viên, thanh niên về Khu Di tích để tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử và những đóng góp to lớn của lực lượng TNXP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Báo điện tử VOV ngày 13/7 đưa tin:
Phú Quốc tiêm vaccine cho 60.000 lao động ngành du lịch, dịch vụ
Phú Quốc sẽ triển khai tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 cho người dân, người lao động trong các khu du lịch, khu vui chơi giải trí… đủ điều kiện thực hiện chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Theo kế hoạch số 134/KH-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang ngày 13/7, đối tượng tiêm vaccine trên địa bàn thành phố Phú Quốc là 127.607 người. Trong đó, có khoảng 60.000 người là cán bộ, nhân viên, người lao động… làm việc trong các khu du lịch, khu vui chơi giải trí… đủ điều kiện để thực hiện chủ trường thí điểm đón khách du lịch quốc tế; hoặc nhân viên, người lao động và người dân,… tham gia cung ứng các dịch vụ, hàng hóa,… phục vụ các khu du lịch, khu vui chơi giải trí được chọn thí điểm.
Lao động ngành khách sạn không còn mặn mà với nghề
Kết quả của cuộc khảo sát tại Mỹ chỉ ra rằng, nhiều nhân viên khách sạn bị mất việc trong thời kỳ đại dịch không muốn quay trở lại ngành, ngay cả khi nhu cầu về dịch vụ du lịch và ăn uống tăng cao trở lại. Rất nhiều người Mỹ trước đây làm việc trong lĩnh vực du lịch, lữ hành và khách sạn đã thất nghiệp sau khi Covid-19 bùng phát, do các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, cắt giảm chi phí hoặc ngừng kinh doanh. Sau khi bị buộc phải chuyển nghề trong cuộc khủng hoảng kéo dài, hàng nghìn người đang nhận ra rằng họ muốn rời khỏi ngành hoàn toàn.
3. Lĩnh vực Thể thao
- TTXVN, Báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 14/7 đưa tin: "Đoàn thể thao Việt Nam sẵn sàng lên đường tham dự Olympic Tokyo 2020" cho biết: Tối 13-7, tại Nhà khách Chính phủ (37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội), Ủy ban Olympic Việt Nam trang trọng tổ chức lễ xuất quân Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, diễn ra tại Nhật Bản từ ngày 23-7 đến 8-8-2021.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao cờ Tổ quốc cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020
Tại lễ xuất quân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã động viên, trao nhiệm vụ cho Đoàn thể thao Việt Nam. Phó Thủ tướng mong muốn, các vận động viên nỗ lực thi đấu với quyết tâm cao nhất vì màu cờ sắc áo, phát huy tối đa những tố chất của người Việt Nam: Nhanh nhẹn, khéo léo, mưu trí, dũng cảm, đồng thời đề cao sự trung thực với tinh thần thể thao cao thượng. Mỗi thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam phải thực sự là sứ giả thiện chí, chân thành để quảng bá truyền thống văn hóa tốt đẹp, hình ảnh hòa bình, thân thiện của đất nước Việt Nam thông qua sân chơi Olympic.
-TTXVN ngày 13/7 đưa tin: "Vòng chung kết FIFA Futsal World Cup 2021: Đội tuyển Futsal hội quân sớm hơn dự kiến" cho biết: Chuẩn bị tham dự Vòng chung kết FIFA Futsal World Cup 2021, Đội tuyển Futsal Việt Nam sẽ tập trung trở lại từ ngày 20/7 tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh thay vì ngày 2/8 tại Trung tâm thể thao Thái Sơn Nam - Quận 8 như kế hoạch ban đầu. Theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, sự điều chỉnh này nhằm đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn cho đội tuyển trong bối cảnh giai đoạn lượt về giải Fusal HDBank Vô địch quốc gia chưa thể diễn ra như dự kiến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
- Báo Nhân Dân ngày 14/7 đưa tin:
Niềm tự hào của giới trọng tài Việt Nam
Bên cạnh 18 vận động viên (VÐV) đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản, thể thao Việt Nam còn tự hào có ba trọng tài đạt chuẩn quốc tế được mời tham gia điều hành thi đấu tại đại hội. Trọng tài quốc tế môn cầu lông Nguyễn Phạm Duy Anh, một trong ba trọng tài của Việt Nam được tham gia điều hành tại Olympic Tokyo 2020 cho biết: "Có tên trong danh sách 24 trọng tài quốc tế tham gia điều hành môn cầu lông tại Olympic Tokyo 2020 là vinh dự và tự hào của tôi. Chắc chắn, khi tham gia công việc ở Olympic năm nay, bản thân tôi sẽ có nhiều trải nghiệm vì đây là lần đầu Thế vận hội diễn ra mà không có khán giả xem trực tiếp tại nơi thi đấu".
Đội tuyển bóng đá nam nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Chiều 13/7, nhân dịp cuộc gặp gỡ, động viên Đoàn thể thao Việt Nam trước khi lên đường tham dự Olympic Tokyo 2020, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao tặng Bằng khen cho Đội tuyển bóng đá nam quốc gia vì thành tích xuất sắc giành quyền tham dự Vòng loại cuối FIFA World Cup 2022. Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Đội tuyển bóng đá nam quốc gia tới dự buổi lễ và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có ông Trần Quốc Tuấn - Phó chủ tịch Thường trực LĐBĐ Việt Nam, cùng các cầu thủ Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Quang Hải và Đoàn Văn Hậu.
-Báo điện tử Người Lao động ngày 14/7 đưa tin:
Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á: Tuyển Việt Nam cần cơ chế đặc biệt
Hai ngày nữa là hạn chót để LĐBĐ Việt Nam (VFF) gửi công văn đến LĐBĐ châu Á (AFC) xác nhận việc đăng ký cho đội tuyển quốc gia được thi đấu trên sân Mỹ Đình ở các trận tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Sau lễ bốc thăm chia bảng vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, AFC đã đưa ra các tiêu chí như hệ thống sân thi đấu, sân tập luyện tiêu chuẩn, sân bay quốc tế không nằm cách nơi thi đấu quá 40 km, phải có khách sạn 5 sao... 12 đội tuyển quốc gia tham dự nếu muốn được chơi trên sân nhà phải đáp ứng được các yêu cầu trên.
Thể thao Việt Nam sẵn sàng cho Olympic Tokyo
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo gồm 43 thành viên trong đó có 25 cán bộ, HLV và chuyên gia cùng 18 VĐV của 11 môn thể thao, do ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, làm trưởng đoàn. Phát biểu trước lễ xuất quân, ông Phấn khẳng định mục tiêu của thể thao Việt Nam là phấn đấu giành huy chương, trong đó cử tạ, bắn súng và thể dục dụng cụ... được kỳ vọng sẽ gặt hái thành công.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 13/7 đưa tin:
U23 Việt Nam: Không có chỗ cho sự chủ quan
Theo kết quả bốc thăm được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) công bố, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ bước vào cuộc đua tại Vòng loại U23 châu Á 2022 với các đối thủ tại bảng I khu vực phía Đông, gồm: Myanmar, Hồng Kông (Trung Quốc) và chủ nhà Đài Bắc Trung Hoa. Đây là giải đấu có nghĩa rất quan trọng dành lứa tuổi các cầu thủ kế cận của cấp đội tuyển quốc gia, do vậy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam luôn dành sự quan tâm, đầu tư có chiều sâu và có trọng điểm để tạo điều kiện cho đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu đạt số trận nhiều nhất có thể tại đấu trường này.
-Báo Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 14/7 đưa tin:
Đội tuyển futsal Việt Nam hội quân sớm vào 20-7
Để chuẩn bị cho vòng chung kết futsal World Cup 2021, thầy trò HLV Phạm Minh Giang sẽ hội quân trở lại từ ngày 20- 7 tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TPHCM thay vì ngày 2-8 như trước đó và tại Trung tâm Thể thao Thái Sơn Nam. Sự điều chỉnh này nhằm đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn cho đội tuyển trong bối cảnh giai đoạn lượt về giải futsal vô địch quốc gia (VĐQG) chưa thể diễn ra như dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
V.League hoãn và câu chuyện Hoàng Anh Gia Lai
Trước tình hình dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp trên cả nước, VPF đã tạm dừng V.League 2021 vô thời hạn. Trong khi đó, SEA Games 31 đang được đề xuất dời lịch sang 2022 do các nước Đông Nam Á đang ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nếu AFF Cup sắp tới cũng hoãn thì giới mộ điệu bóng đá Việt Nam sẽ có một khoảng thời gian dài "trống vắng". Trong niềm tiếc nuối chung ấy, có lẽ riêng với các cổ động viên đội bóng phố núi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là buồn nhất.
4. Lĩnh vực Gia đình
- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 13/7 đưa tin: "Tôn trọng Quyền tham gia của trẻ em" cho biết: Các điều khoản trong Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP đã có các quy định về Quyền tham gia của trẻ em nhưng để đưa vào thực tế rất cần sự thấu hiểu của người lớn. Gần đây, việc thực hiện điều tra thân thiện với các vụ án xâm hại trẻ em đã được quy định rõ trong các thông tư, nghị định của ngành công an. Cán bộ điều tra được khuyến khích mặc đồ dân dụng, không mặc cảnh phục, để khi tiếp xúc với trẻ em, các bé sẽ cảm thấy gần gũi, không sợ sệt. Từ đó, trẻ chia sẻ nhiều hơn, thuận lợi cho công việc phá án nhanh hơn.
Trong tư duy của nhiều người lớn, kể cả thời gian trước đây và hiện nay, câu nói, ý nguyện của trẻ em rất ít có giá trị. Không ít người lớn thường tự áp đặt cho trẻ về mọi thứ trong cuộc sống liên quan tới trẻ mà không cần quan tâm tới tình cảm, suy nghĩ của con trẻ. Nhiều người lớn nhân danh sự tốt đẹp mang tới với trẻ nhưng tâm tư của trẻ em đã không được coi trọng, tôn trọng. Đa phần, người lớn áp quyền của mình lên trẻ, song lại không để ý tới quyền trẻ em. Vì vậy mà đã xảy ra nhiều bi kịch như trẻ tự tử, bỏ nhà ra đi, phản ứng bất cần với các nguyên tắc đề ra của người lớn.