Sáng 14/7, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tới các Sở VHTTDL, Sở VH&TT, Sở VHTTTT&DL, Sở DL trên cả nước.
Chủ trì tại điểm cầu Bộ VHTTDL có Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng: Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt.
Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các cơ quan TƯ, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị
Để văn hóa thực sự là động lực của sự phát triển
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi mở các vấn đề cần đặt ra trong Hội nghị như xây dựng Chiến lược phát triển văn hoá, thể thao, du lịch; những khó khăn thách thức, những thuận lợi trong 6 tháng đầu năm để từ đó xác định những việc cần làm.
Bộ trưởng cho rằng, những người đang làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực VHTTDL cần hiểu văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, đa dạng, thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cần đặt văn hóa trong sự phát triển và trong mối quan hệ chính trị, kinh tế. Với cách tiếp cận đó để xác định trong 6 tháng qua, bài toán này đã được giải như thế nào, ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang ở vị trí nào?
Theo Bộ trưởng, những người làm công tác văn hóa cần hiểu rõ nội hàm, những luận điểm cơ bản đã được chỉ ra trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bộ trưởng cũng cho biết, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến ngành VHTTDL. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, Thủ tướng Chỉnh phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách ngành đã dành 2 buổi làm việc với Bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dành thời gian trao đổi, giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng. Những gợi ý, trăn trở của đồng chí Tổng Bí thư, những chỉ dẫn ân cần, là nguồn động lực để ngành tham mưu đúng hướng và kịp thời hơn, rõ nét hơn.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL về "Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới".
Bộ trưởng đặt vấn đề xây dựng Bộ tiêu chí để đánh giá ngành trong tổng thể các bộ, ngành của đất nước, xác được vị trí của ngành đang ở đâu, văn hóa góp phần phát triển xã hội bắt đầu từ đâu. "Hiện nay, chúng ta đã sử dụng văn học nghệ thuật thế nào trong dẫn dắt, lan tỏa những giá trị tốt đẹp? Làm sao cho các tác phẩm văn học nghệ thuật đi vào giá trị cuộc sống? Các đoàn nghệ thuật tinh hoa của đất nước đã đi đúng hướng chưa, đúng tính chất sự nghiệp đỉnh cao chưa? Truyền thông phải chủ động làm gì để lan tỏa những giá trị tốt đẹp?"- Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Bộ trưởng yêu cầu Hội nghị đi vào những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang yêu cầu cần định hướng của Bộ: quản lý di sản; tạo môi trường văn hoá; làm gì để đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; phát triển ngành trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19…
"Những nội dung đó phải làm rõ để kết thúc Hội nghị thu được những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, lấy lại vị thế của ngành trong lòng xã hội, để thực sự văn hóa là động lực của sự phát triển như Đảng ta đã khẳng định"- Bộ trưởng nói.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đã trình bày Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL về "Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới".
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã báo cáo những kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ trong 6 tháng đầu năm.
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 và diễn ra các ngày kỷ niệm, các sự kiện quan trọng của đất nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quán triệt phương châm hành động năm 2021 của Chính phủ là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển", bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện "mục tiêu kép", Bộ VHTTDL đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trên lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 theo hướng đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và bước đầu thu được kết quả.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt báo cáo những kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Bộ trong 6 tháng đầu năm
Về công tác thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Ngành.
Lĩnh vực văn hóa, gia đình: Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tập trung xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (phần nội dung quyền tác giả, quyền liên quan); Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"; về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo. Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; về chế độ chính sách đối với nghệ sĩ; về quản lý văn học; Sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021. Xây dựng Đề án ban hành Chương trình Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Đề án ban hành Chương trình xây dựng bản đồ số, quản lý, liên kết dữ liệu di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; Chương trình quốc gia truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Xây dựng các Thông tư quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình và định mức kinh tế-kỹ thuật trong điện ảnh…
Tại Hội nghị, 09 ý kiến phát biểu của các đại biểu đại diện các Cục, Vụ của Bộ và các địa phương đã nêu lên những vấn đề còn bất cập, cần sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VHTTDL như vấn đề quy hoạch di sản tại địa phương đang bộc lộ sự thiếu đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Xây dựng; Quy định về đoàn nghệ thuật chuyên môn… và những định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch…ở Trung ương và địa phương.
Quang cảnh Hội nghị
Mỗi người lan tỏa một ngọn lửa hồng của điều tốt đẹp
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Hội nghị đã làm việc với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, đặc biệt, quán triệt đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng: phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, từ đó, đi đến thống nhất những nhận định về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ VHTTDL trong 6 tháng đầu năm.
Hội nghị khẳng định, trong bức tranh thực hiện nhiệm vụ của Bộ trong 6 tháng đầu năm, có 5 điểm sáng. Đó là:
Thứ nhất, chức năng quản lý nhà nước của Bộ, của các Sở. Bước vào nhiệm kỳ mới, trách nhiệm của ngành là thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng các chính sách pháp luật của Nhà nước. 6 tháng đầu năm, chúng ta đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành, chủ động báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phân cấp quản lý, đề xuất sửa đổi. Trong đó chúng ta đã đạt được một số yêu cầu, đối với một số lĩnh vực mà Bộ phải có Luật để quản lý là hoàn thành Luật Điện ảnh, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 tới. Chọn 8 lĩnh vực để tiếp tục đề xuất, sửa đổi, bổ sung ban hành một số bộ luật như: nghệ thuật biểu diễn. Các nghị định đang bất cập cần đề xuất sửa đổi. Đáng mừng là, trong tổng thể đó, Chính phủ cho phép chúng ta nghiên cứu đề xuất một số lĩnh vực như: Nghị định về Chế độ chính sách cho nghệ sĩ… Đây là bước cơ bản giúp cho ngành tiếp tục phát huy được giá trị nghệ thuật, thông qua nghệ thuật thực hiện vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng, giáo dục vẻ đẹp của nghệ thuật, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam theo hướng Chân, Thiện, Mỹ.
Thứ 2: Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, chủ động tham mưu xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện theo hướng các kế hoạch chiến lược đều sát, đúng, đón nhận nhiều sự quan tâm của các cấp ủy đảng. Chiến lược văn hóa và chương trình phát triển du lịch đã nhận được sự đóng góp ý kiến của 63 tỉnh, thành đóng góp cho ngành. Đã phát huy được trí tuệ, sức mạnh tổng hợp, ý kiến từ cơ sở để hoàn thiện và tạo ra sự kết nối để khi triển khai thuận lợi hơn, sát hơn. Tương tự, giám đốc các sở đã chỉ đạo ngành tại địa phương đạt hiệu quả cao.
Thứ 3: Chuyển biến rõ nét trong tư duy, tiếp cận lĩnh vực VHTTDL. Làm rõ hơn chức năng quản lý nhà nước, phân định rõ về vấn đề phát triển sự nghiệp, bắt đầu tập trung chỉ đạo theo hướng quyết liệt hơn. Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến không chỉ là khẩu hiệu của Bộ mà đã lan tỏa đến tất cả các ngành, các đơn vị để chúng ta tập trung thực hiện. Tập trung rà soát, phát hiện điểm nghẽn, tìm biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ. Tìm nguồn lực bên trong và bên ngoài, coi sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là nguồn lực quan trọng, to lớn để chúng ta thực hiện phát triển ngành.
Thứ 4, ngành VHTTDL cùng với Đảng, Nhà nước đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống chính trị, chúng ta đã phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của toàn dân tộc, cùng Chính phủ phòng chống dịch bệnh. Trong khó khăn, dịch bệnh, giá trị cao đẹp về đoàn kết, sẻ chia, trách nhiệm một lần nữa được nhân lên. Đó chính là sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc.
Thứ 5, công tác tham mưu của ngành đã từng bước được nâng cao chất lượng, trúng, sát và kịp thời hơn. Các Sở đã tạo hình ảnh tốt, phát huy vai trò, vị thế của ngành ở địa phương. Từ đó thấy được sự kết nối liên thông, vai trò của Bộ với Sở, đồng hành để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng mong toàn ngành tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy 5 điểm sáng mà ngành đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm nhìn thẳng, nói đúng, Bộ trưởng chỉ ra 4 điểm còn "mờ" của ngành.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các Sở VHTTDL, Sở VH&TT, Sở VHTTTT&DL,Sở DL trên cả nước
Thứ nhất là trong công tác tham mưu, chưa làm rõ được vị trí của văn hóa trong phát triển kinh tế- xã hội, chưa lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa, trong toàn hệ thống chính trị, góp phần làm thay đổi nhận thức, hiểu đúng, đủ và sâu sắc về ngành.
Thứ hai, hệ thống cơ sở vật chất của ngành còn yếu, thiếu. Cá biệt, có tỉnh thành 3 thiết chế cơ bản đã quy định trong luật hiện nay vẫn chưa có. Trong khi yêu cầu phát triển đòi hỏi phải có cơ sở vật chất tương xứng.
Thứ ba là việc chuyển hướng hoạt động của các đơn vị nghệ thuật theo hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng ta lại đang áp dụng một cách cào bằng, bình quân chủ nghĩa, chưa thấy được tính chất đặc thù để trình cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng cơ chế, chính sách riêng.
Thứ tư là vấn đề nhân lực. Đội ngũ chưa đạt chuẩn, nhiều cấp chưa đồng bộ, vì vậy, tổ chức thực hiện khó khăn vì thiếu cán bộ. Cần tìm kiếm, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành phải tìm cách khắc phục 4 điểm "mờ" này.
Bộ trưởng cũng nêu những việc cần làm trong 6 tháng cuối năm 2021, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là năm xây dựng cơ chế, chính sách, vì vậy, với tinh thần quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến, trong thời gian tới phải hoàn thiện thể chế, để đồng bộ hơn, giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đề ra.
Thứ nhất, khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược văn hóa, Chương trình hành động phát triển du lịch trong 5 năm tới; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Công tác TDTT; Đề xuất Trung ương ban hành Chỉ thị mới và xây dựng Chiến lược Thể thao, cùng với đó là ban hành một số nghị định, thông tư để tăng hiệu quả quản lý nhà nước...
Thứ hai, phải chọn việc, chọn lĩnh vực mang tính dẫn dắt trong các lĩnh vực VHTTDL. Đây là ba lĩnh vực có tác động qua lại mật thiết, hữu cơ, gắn bó. Vận dụng hình ảnh cỗ xe tam mã của ngành, chúng ta vận hành phải nhanh và nhuần nhuyễn, trong đó văn hóa là dây cương để kết nối cỗ xe, đưa cỗ xe vận hành nhuần nhuyễn nhất, nhanh nhất.
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho cơ quan nghiên cứu, những người thực hành văn hóa phải làm rõ nội hàm về hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam, nội hàm văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phải luận giải đúng, đủ, từng bước bổ sung, để nâng cao nhận thức cho tất cả các cấp, các ngành, từ đó hiểu và thực hành văn hóa đúng, không chệch hướng. Trên cơ sở đó, trả lời trước Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trước công luận về vấn đề văn hóa hiện nay có bị đứt gãy hay không?...
Thứ ba, đặt hàng, làm rõ để từng bước xác lập bộ chỉ số đóng góp của văn hóa trong quá trình phát triển. Chỉ khi lượng hóa được công việc của mình bằng chỉ số này thì mới khẳng định được vị thế của ngành. Đưa ra vấn đề trước đây chúng ta nói báo cáo kinh tế, văn hoá, xã hội nhưng hiện nay chỉ có báo cáo kinh tế, xã hội, trong khi quan điểm của Đảng đặt ra là Văn hóa phải đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, do vậy Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các Sở, Tổng cục, Cục, Vụ... cần chung sức luận giải vấn đề này.
Toàn cảnh hội nghị
Thứ tư, phải xây dựng các kịch bản, đề án, gói kích cầu để thực hiện phát triển du lịch trong thời gian tới. Hiện nay, du lịch đối mặt với dịch bệnh nên phải cơ cấu lại thị trường du lịch, chú ý nhiều hơn đến thị trường nội địa, từng bước thí điểm mở cửa thị trường quốc tế. Số hóa trong du lịch phải được thực hiện nhanh nhất, quyết liệt nhất.
Thứ năm, phát triển thể thao theo hướng 1 trọng tâm, ba đề án, 2 đột phá.
Thứ sáu, văn hóa liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ ngành, phải chủ động phối hợp. Phải chọn việc, chọn điểm, chọn phương pháp trọng tâm để phối hợp.
Thứ bảy, tập trung xây dựng sức mạnh trong nội ngành mà sức mạnh chính là con người từ trung ương, đến xã phường, thị trấn. Luôn luôn đồng hành, cổ vũ, động viên, khích lệ, phát hiện nhân tố mới để đào tạo, bồi dưỡng. Toàn ngành tổ chức riêng cuộc vận động về cán bộ ngành văn hóa học tập rèn luyện để xây dựng tấm gương sống văn hóa.
"Đốt lên ngọn lửa hồng, đừng trách bóng đêm xung quanh, mỗi người lan tỏa một ngọn lửa hồng của điều tốt đẹp, từ đó lan tỏa ra những người xung quanh và toàn xã hội"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.