Nhìn lại 71 năm kể từ ngày thành lập đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay, lực lượng TNXP đã không ngừng lớn mạnh, thể hiện sức mạnh và ý chí dời non, lấp biển của thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc kháng chiến cứu nước và dựng xây đất nước. TNXP cũng là môi trường giác ngộ lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng, là trường học lớn thực tiễn sinh động để tuổi trẻ rèn luyện cống hiến và trưởng thành. Những mốc lịch sử, những chiến thắng vang dội trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đều có dấu ấn đóng góp quan trọng, hy sinh lớn lao của lực lượng TNXP.
Theo chỉ thị của Bác Hồ, ngày 15/7/1950, tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Đảng Thanh niên vận Trung ương và Ban thường vụ Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam đã thành lập Đội Thanh niên xung phong. Khi mới thành lập đội chỉ có 225 đồng chí, Ban chỉ huy lâm thời của đội gồm 5 đồng chí, đồng chí Vương Bích Vượng - Ủy viên ban chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc làm đội trưởng và bí thư chi bộ.
Đồng chí Vương Bích Vượng – Đội trưởng Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên
Trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng TNXP đã góp phần bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch phục vụ chiến đấu. Tháng 8/1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên Giới năm 1950, với nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, mở tuyến giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang quân dụng từ hậu phương ra tiền tuyến. Đội TNXP đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương “Đội TNXP công tác nêu cao tinh đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, tuyệt đối tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong nhiệm vụ”…
Ngày 20/3/1951, Bác Hồ đến thăm đơn vị liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Củ, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn và đọc tặng bốn câu thơ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Bốn câu thơ của Bác là lời giáo huấn là phương hướng, tư tưởng hành động cho lực lượng TNXP và thế hệ trẻ Việt Nam. Đó là phương hướng tư tưởng để TNXP quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ trong hai cuộc kháng chiến, lập nên biết bao chiến công hiển hách, dũng cảm vượt qua bao mưa bom bão đạn của quân thù.
Năm 1953, Bác Hồ quyết định thành lập Ðoàn TNXP do đồng chí Vũ Kỳ phụ trách, với số lượng nhiều và chất lượng cao hơn, được tổ chức chặt chẽ như quân đội, có nhiệm vụ xung phong mọi việc để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi mới thành lập Đoàn TNXP tuyển thêm 10.000 người. Tháng 12/1953, khi Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP có hơn 16.000 cán bộ, đội viên. Ðối tượng tuyển lựa vào TNXP là những nam thanh niên thành phần bần, cố nông và học sinh quen lao động trong các vùng đã phát động quần chúng thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất.
Sau khi thành lập, Đoàn TNXP Trung ương đã cử đoàn cán bộ tuyển quân về các tỉnh: Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… để vận động chị em phụ nữ, thanh niên, đoàn viên gia nhập TNXP. Tuyển quân đến đâu thành lập đơn vị và đặt phiên hiệu đến đó, cứ 200 người lập thành một đại đội, và từ đại đội được phân thành các đội để dễ quản lý như: Đội 30, 34, 36, 38, 40, 42... Đặc biệt là Đội 34 và Đội 40 tập trung phần lớn lực lượng và vinh dự trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn TNXP Trung ương được giao nhiệm vụ tập trung lực lượng phục vụ chiến dịch: Đội 36 với 2.500 cán bộ, hội viên, làm nhiệm vụ phục vụ và tham gia bảo vệ các cơ quan Trung ương ở An toàn khu Việt Bắc; Đội 38 và 42 làm nhiệm vụ cơ động phục vụ chiến dịch trên địa bàn chiến khu Việt Bắc và các Chiến dịch khi có yêu cầu; Đội 34 và 40 với trên 16.000 cán bộ, đội viên làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường 6 và 41; trên các tọa độ lửa như: Đèo Pha Đin, Ngã ba Cò Nòi…
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh niên xung phong cùng bộ đội, dân công đã sửa chữa và mở rộng 3.300km đường, phá hàng nghìn quả bom nổ chậm, đảm bảo giao thông tại 60 bến phà. Hơn 300 Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cũng chủ yếu là trên mặt trận giao thông. Không chỉ giữ vững những tuyến đường huyết mạch, các đội Thanh niên xung phong còn được bổ xung lực lượng chiến đấu cho bộ đội chính quy. Trong cả chiến dịch Điện Biên Phủ, có khoảng gần 8.000 Thanh niên xung phong đã chuyển sang bộ đội chủ lực, đáp ứng nhu cầu chiến đấu ngày càng cấp bách ngay tại mặt trận.
Lực lượng thanh niên xung phong mở đường
Thành tích của lực lượng TNXP được Bác Hồ đánh giá cao. Ngày 8/5/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen cán bộ chiến sĩ, dân công, TNXP và đồng bào Tây Bắc đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất và 60 Huân chương các loại cho tập thể và cá nhân trong chiến dịch lịch sử này. Những chiến công của lực lượng TNXP đã góp phần làm nên thành công chung chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bác Hồ tặng cờ thi đua mang dòng chữ “Dũng cảm, lập công, xuất sắc”, đã có nhiều tập thể, cá nhân TNXP đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng, trong đó có 320 chiến sĩ thi đua cấp đơn vị, 25 chiến sĩ thi đua và 4 đơn vị khá nhất toàn Đoàn Thanh niên xung phong được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Kháng chiến hạng Hai, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 10 Huân chương Lao động hạng Ba, 25 Bằng khen và 6 Cờ thi đua khá nhất của Trung ương Đoàn, Bộ Giao thông công chính tặng cờ “Thi đua khá nhất”.
Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Bước vào giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc 1958 - 1964, thực hiện Chỉ thị số 01/CT.TNLĐ/TW ngày 25/02/1959 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam các đội TNXP xây dựng Xã hội chủ nghĩa đã được thành lập để làm nhiệm vụ đảm nhận xây dựng các công trình kinh tế lấy tên là Công trình thanh niên, như xây dựng Nhà máy cơ khí trung quy mô; lò cao khu gang thép Thái Nguyên; Thủy điện Thác Bà; các tuyến đường sắt, đường bộ, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. TNXP là lực lượng đi đầu trong thực hiện phong trào thi đua khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, làm hậu phương vững chắc đảm bảo sức người, sức của phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước.
Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ cho quân đánh phá miền Bắc nước ta. Thực hiện chỉ đaọ của Đảng và Nhà nước, Đoàn thanh niên lao động Việt Nam đã phát động thanh niên cả nước thực hiện “Ba sẵn sàng, năm xung phong”. Từ phong trào đã có, trên 25 vạn nam, nữ thanh niên tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, tiếp bước cha anh lên đường với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng Mỹ xâm lược”. Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã có mặt trên khắp các tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động, sẵn sàng hi sinh anh dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường chiến lược, vận chuyển quân trang, lương thực thực phẩm, vận chuyển thương binh, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Sau khi đất nước thống nhất, lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước miền Bắc và miền Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; Huân chương độc lập hạng Nhất; Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất; Huân chương thần đồng Tổ quốc hạng Ba; Huân chương quân công hạng Ba; Huân chương giả phóng hạng Nhất, hạng Hai, hạng Ba; hàng trăm huân, huy chương các loại; hàng ngàn bằng khen, giấy khen.
Sau hai cuộc kháng chiến, lực lượng TNXP tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu trên các chiến trường; xây dựng và củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng; xây dựng phòng tuyến phòng thủ; lao động sản xuất và bảo vệ, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giúp dân ổn định sản xuất, cuộc sống, giữ gìn trật tự trị an, an ninh xã hội các địa phương trên địa bàn giới...
Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ thanh niên ngày nay đang được sống trong thời đại hòa bình và một môi trường đảm bảo cho sự phát triển toàn diện, mỗi đoàn viên thanh thiếu niên thấm nhuần sâu sắc tình cảm của Bác, đề cao ý thức trách nhiệm với bản thân mình, với đất nước, có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự trong cộng đồng và tập thể, cụ thể hóa bằng hành động, bằng việc làm để vươn lên giành những kỳ tích mới. Trong hoàn cảnh, mới lực lượng TNXP luôn nêu cao tinh thần xung phong không sợ khó, không sợ khổ, đem sức trẻ, nhiệt huyết, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc và nhân dân cần, ra sức công hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt nhiều thắng lợi hết sức to lớn, góp phần đưa Việt Nam ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.