Không phải chỉ đơn thuần là đọc các tham luận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị tham dự Hội nghị đi thẳng vào những vấn đề thực tiễn đang yêu cầu. Thể hiện những ý kiến tâm huyết, trăn trở từ gan ruột, quyết liệt hành động để lấy lại vị thế của ngành, để Văn hóa thực sự là động lực của sự phát triển, như Đảng ta đã khẳng định. “Hãy đốt lên một ngọn lửa chứ đừng trách bóng đêm đang bủa vây chúng ta”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến

Diễn ra sáng ngày 14.7, Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của Bộ VHTTDL do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thuỷ chủ trì tại điểm cầu trung tâm (trụ sở Bộ VHTTDL- 51 Ngô Quyền, Hà Nội). Hội nghị có sự tham gia của đại biểu đại diện VP TƯ Đảng, Ban Tuyên giáo TƯ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban TNTNNĐ Quốc hội, các Sở VHTTDL, Sở VHTTTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch các địa phương tại 50 điểm cầu trên cả nước.

Đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng văn hóa và từ văn hóa

Hội nghị được tổ chức nhằm rút ra những bài học, kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo 6 tháng qua, khẳng định kết quả đạt được để tiếp tục nhân rộng điển hình; chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp khắc phục và quan trọng hơn, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm một cách khả thi.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Thời gian qua Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của năm đầu thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với tinh thần chung là “quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến” và đã đạt được những kết quả nhất định”.

Hội nghị gồm 2 phần việc lớn, trong đó, các Thứ trưởng đã trình bày tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; triển khai Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới”. Nghị quyết này giúp ngành khắc phục những yếu kém, hạn chế, bất cập mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đề ra.

Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, chọn cách tiếp cận mới để luận giải vấn đề, hóa giải tồn tại

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngành VHTTDL cần nhận thức rõ hơn những khó khăn, thách thức, chọn cách tiếp cận mới để thấy, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn có những khó khăn khách quan, chủ quan. Từ đó, xác định trong những tháng cuối năm, công việc cần làm là gì, nhận thức thay đổi như thế nào về công tác VHTTDL.

“Hơn ai hết, những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch phải hiểu, văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phong phú và hết sức đa dạng. Văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt nào chúng ta cũng nhận thấy sự có mặt của văn hóa. Đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, rõ ràng xã hội mong muốn, kỳ vọng vào ngành Văn hóa; Đảng và Nhà nước cũng đặt ra yêu cầu rất cao, giao cho ngành Văn hóa những nhiệm vụ quan trọng. Từ cách tiếp cận đó, phải nhận thức rõ, ngành Văn hóa đang ở đâu và phải thực hiện những nhiệm vụ nặng nề đó ở khâu nào?”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề.

Bộ trưởng nêu: “Phải chăng lâu nay chúng ta làm văn hóa nhưng lại chưa nắm chắc nội hàm cần tập trung để xử lý như: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, những luận điểm cơ bản đã được đề ra tại Nghị quyết TW5, Nghị quyết 33, Kết luận 76 của Bộ Chính trị… Có lẽ vì thế, có những vấn đề vượt tầm của Bộ nhưng Bộ vẫn phải chịu trách nhiệm khi vấn đề đó chưa được giải quyết tốt, chưa nhận thức ra”.

“Hơn ai hết, những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch phải hiểu, văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phong phú và hết sức đa dạng. Văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt nào chúng ta cũng nhận thấy sự có mặt của văn hóa. Đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, rõ ràng xã hội mong muốn, kỳ vọng vào ngành Văn hóa; Đảng và Nhà nước cũng đặt ra yêu cầu rất cao, giao cho ngành Văn hóa những nhiệm vụ quan trọng. Từ cách tiếp cận đó, phải nhận thức rõ, ngành Văn hóa đang ở đâu và phải thực hiện những nhiệm vụ nặng nề đó ở khâu nào?”.

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng)

Ông lưu ý các đơn vị, những người làm văn hóa cần phải thấm sâu, nắm vững, khu trú lại trong phạm vi quản lý của bộ, ngành mình và chỉ đạo, vận hành, điều phối cho hiệu quả. Làm rõ, lĩnh vực nào của Bộ, trách nhiệm của ai, mong mỏi của xã hội ra sao, trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành như thế nào; lĩnh vực nào Bộ làm, lĩnh vực nào cần đề nghị xã hội và các ngành khác chung tay.

Văn hóa không phải ngày một ngày hai là hình thành được. Cốt lõi của phát triển văn hóa là tạo lập được môi trường văn hóa và xây dựng con người văn hóa. Nhưng việc xây dựng môi trường văn hóa do Bộ VHTTDL làm hay toàn xã hội làm, lĩnh vực nào của Bộ? Xây dựng con người văn hóa là ai? Bộ đặt nền móng hay từng gia đình là những tế bào của xã hội cùng chịu trách nhiệm? Hàng loạt vấn đề được đặt ra. Cùng với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, kỳ vọng của xã hội, những yêu cầu thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi trước tiên những người trong ngành, những người làm văn hóa phải luận giải. Rất tiếc, chưa có câu trả lời thấu đáo. Bộ trưởng mong rằng qua Hội nghị và quá trình thực hiện nhiệm vụ, những người công tác trong ngành Văn hóa nhận thức sâu sắc hơn, làm rõ các vấn đề, khu trú lại, tham mưu cho Bộ lĩnh vực nào Bộ làm, Bộ quản lý, Bộ đề ra các tiêu chuẩn, Bộ vận động; vấn đề nào Bộ cảnh báo, Bộ đề nghị xã hội chung tay. Có như thế mới đúng bài, đúng người và tròn vai.

Hội nghị trực tuyến của Bộ VHTTDL có sự tham gia của 1 cầu trung tâm và 50 cầu tại các Sở địa phương

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, trong điều kiện hết sức khó khăn hiện nay, cần nhận thức sâu sắc hơn những điều kiện thuận lợi để tìm ra những giải pháp và định hướng phát triển. Trong thời gian qua, nhờ tham mưu trúng, đúng và kịp thời, chưa đầy 1 tháng Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách ngành đã dành 2 buổi làm việc để chỉ đạo các vấn đề chung của ngành và lĩnh vực thể thao; lĩnh vực du lịch cũng thường xuyên được lãnh đạo Chính phủ quan tâm, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã dành thời gian nghe Bộ trưởng báo cáo những vấn đề quan trọng của Bộ, giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng. Những những định hướng Chiến lược, những gợi mở của Tổng bí thư mà ngành phải trăn trở suy nghĩ, tập trung thực hiện. Sự quan tâm ấy của Đảng, Chính phủ là nguồn động viên lớn với ngành, là điều kiện thuận lợi để ngành phát triển trong tương lai. Để ngành có thể vững tin tham mưu trúng, tham mưu đúng và kịp thời; nỗ lực để không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước, có những hành động quyết liệt hơn, đúng hướng hơn, rõ nét hơn. Từ những hoạt động của ngành, phải luận giải bằng được đóng góp của ngành VHTTDL trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước là bao nhiêu, nên chăng đặt ra bộ tiêu chí để đánh giá giá trị tham gia của ngành Văn hóa là như thế nào, để được thừa nhận trong các báo cáo của quốc gia, để thấy vị trí của mình ở đâu, đang ở bước nào. Quan trọng nhất là thấy sự đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước bằng văn hóa và từ văn hóa.

“Trong thời gian qua, nhờ tham mưu trúng, đúng và kịp thời, chưa đầy 1 tháng Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách ngành đã dành 2 buổi làm việc để chỉ đạo các vấn đề chung của ngành và lĩnh vực thể thao; lĩnh vực du lịch cũng thường xuyên được lãnh đạo Chính phủ quan tâm, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã dành thời gian nghe Bộ trưởng báo cáo những vấn đề quan trọng của Bộ, giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng. Những những định hướng Chiến lược, những gợi mở của Tổng bí thư mà ngành phải trăn trở suy nghĩ, tập trung thực hiện. Sự quan tâm ấy của Đảng, Chính phủ là nguồn động viên lớn với ngành, là điều kiện thuận lợi để ngành phát triển trong tương lai”.

Rộng nhưng không thể không làm. Bằng việc thiết kế, khu trú công việc, phải xây dựng môi trường văn hóa, điểm nhấn là môi trường văn hóa doanh nghiệp, từ doanh nhân, những nhân tố quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, nơi mỗi thôn ấp, bản làng, cộng đồng người Việt Nam…Từ đó, giảm bớt đi áp lực, tăng lên niềm tin từ Đảng, Nhà nước và xã hội về ngành Văn hóa.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị

Trong nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ VHTTDL tập trung hoàn thiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chiến lược về Thể thao, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII trong lĩnh vực du lịch, trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Đổi mới tư duy và tiếp cận vấn đề, chọn việc có trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, lấy lại vị trí của ngành. Gắn kết chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương trong một chỉnh thể thống nhất. Phải xác định rõ, Sở mạnh thì Bộ mạnh, Bộ mạnh thì Sở mạnh. Bộ có uy tín thì hướng dẫn, hỗ trợ Sở thực hiện tốt nhiệm vụ. Không thể “đánh giặc mà không có quân”. Về vấn đề này, lãnh đạo của các Cục, Vụ tham mưu cho lãnh đạo Bộ để luận giải và xử lý.

Đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý

Báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và diễn ra các ngày kỷ niệm, các sự kiện quan trọng của đất nước. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quán triệt phương châm hành động năm 2021 của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện “mục tiêu kép”, Bộ VHTTDL đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trên lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 theo hướng đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và bước đầu thu được kết quả”.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy điều hành phiên thảo luận tại Hội nghị

Năm 2021, Bộ VHTTDL được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 25 đề án, Bộ trưởng giao thực hiện 1 đề án. 6 tháng đầu năm, Bộ đã trình 3 đề án, đang xây dựng 23 đề án. Từ đầu năm đến nay, Bộ VHTTDL được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 67 nhiệm vụ; đã hoàn thành 38 nhiệm vụ, đang thực hiện 29 nhiệm vụ theo đúng tiến độ được giao.

Bộ trưởng đã phê duyệt kế hoạch công tác của các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ, theo đó, 6 tháng đầu năm các đơn vị phải hoàn thành 106 nhiệm vụ, đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 47 nhiệm vụ, xin lùi, hoãn thực hiện 50 nhiệm vụ, xin thôi không thực hiện 9 nhiệm vụ (do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

6 tháng đầu năm, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo, giao các đơn vị thực hiện 190 nhiệm vụ, các đơn vị đã hoàn thành 83 nhiệm vụ, đang thực hiện 107 nhiệm vụ.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị

Đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận trong giải quyết các vấn đề, để có giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa phù hợp, phải dựa vào nguồn lực bên trong, trước hết là nguồn lực con người, giá trị con người Việt Nam là cơ bản, là chiến lược lâu dài, là quyết định để phát triển, Bộ VHTTDL xác định rõ phương châm thực hiện “Quyết liệt hành động- Khát vọng cống hiến”. Bộ cũng đã yêu cầu lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến, quyết tâm xây dựng ngành VHTTDL ngày càng phát triển. Ban Cán sự Đảng Bộ đã ban hành Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đồng thời, ban hành các quy định phân cấp quản lý công tác tổ chức cán bộ của Bộ; Quy chế đánh giá và phân loại công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng công chức; Xây dựng Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ…. Chủ động rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ  tinh gọn, hành động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân của từng lãnh đạo đơn vị; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát để phát huy tối đa tính chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo.

Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã phổ biến Nghị quyết của Ban cán sự về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Từ những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn cần giải quyết, Bộ VHTTDL đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm. Trong đó, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Kết luận của Bộ Chính trị… Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được hưởng thụ thật”, luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đoàn kết, giữ vững kỷ cương, chấp hành và tổ chức thực hiện hiệu quả ý kiến chỉ đạo, nhiệm vụ được giao, từng bước nâng tầm vai trò, vị thế của Ngành trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Bộ, Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, triển khai nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, rõ người, rõ việc, những việc còn vướng mắc phải bố trí lãnh đạo, công chức bám sát, giải quyết triệt để. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng 23 văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021. Tập trung xây dựng và hoàn thành Đề án Hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch đến năm 2026, định hướng đến năm 2030, làm cơ sở cho công tác xây dựng pháp luật của Bộ trong thời gian tới.Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao, Cục Di sản văn hóa, Cục Bản quyền tác giả, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở VHTTDL Quảng Nam, Bình Thuận, Lào Cai, Bến Tre… với những đề xuất sát với thực tế, cần có những thay đổi hoặc hướng dẫn thực hiện kịp thời.

“Hỡi các nhà văn hóa, hãy cùng chúng tôi trả lời. Hãy nhóm lên ngọn lửa hồng, từ trái tim từ những người làm văn hóa, lan tỏa tới bạn bè tôi và cho cả cộng đồng”.

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng)

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng nêu ra 4 điểm mờ, góc tối cần phải hóa giải, tô sáng và 5 điểm sáng cần được nhân rộng, lan tỏa. Trong đó, chọn các lĩnh vực mang tính dẫn dắt, có mối quan hệ mật thiết với nhau là văn hóa, thể thao và du lịch. Xác định “Cỗ xe tam mã” nhuần nhuyễn nhất với dây cương là văn hóa với vai trò định hướng. Làm rõ nội hàm về hệ giá trị về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Hiểu đúng văn hóa, thực hành văn hóa, trả lời cho được những vấn đề văn hóa Việt Nam hiện nay: Văn hóa có bị đứt gãy không, hay là một dòng chảy liên tục, dòng sâu nước chảy nhẹ hay là dòng sông lớn luôn cuồn cuộn sóng? Một lần nữa, Bộ trưởng lại kêu gọi: “Hỡi các nhà văn hóa, hãy cùng chúng tôi trả lời. Hãy nhóm lên ngọn lửa hồng, từ trái tim từ những người làm văn hóa, lan tỏa tới bạn bè tôi và cho cả cộng đồng”.

Nguồn: Báo Văn hoá điện tử


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.304.842
Online: 37