Dân tộc Hà Nhì là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc của Việt Nam. Theo truyền thuyết ghi lại thì đồng bào Hà Nhì đã có mặt trên dải đất Việt cổ từ rất lâu, quá trình di cư của người Hà Nhì không diễn ra ồ ạt như dân tộc khác mà diễn ra từ từ qua nhiều thế kỷ. Khi biên giới quốc gia được hình thành, họ nghiễm nhiên là một thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến. Ở Việt Nam người Hà Nhì chia thành 02 ngành: Hà Nhì Hoa và Hà Nhì Đen. Tại tỉnh Điện Biên chủ yếu là ngành Hà Nhì Hoa.

Dân tộc Hà Nhì tại tỉnh Điện Biên có khoảng 4.500 người, sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Nhé, tập trung ở các xã: Mường Nhé, Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn và Chung Chải, trong đó xã Sen Thượng và xã Sín Thầu là vùng đất cư ngụ lâu đời, đồng thời cũng là vùng đất lõi để người Hà Nhì tỏa đi sinh sống ở các địa bàn khác.

Hiện nay, người Hà Nhì còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như: Tập quán xã hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống..., trong đó có trang phục truyền thống của người phụ nữ Hà Nhì thể hiện trình độ nghệ thuật, kỹ thuật điêu luyện, giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... phản ánh sâu sắc nhân sinh quan, thế giới quan về vũ trụ, vạn vật, cảnh quan thiên nhiên cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt của cộng đồng, tình cảm, ước vọng về cuộc sống tốt đẹp của người Hà Nhì. Có lẽ do tập tục của người Hà Nhì sống gần gũi với thiên nhiên, nên trang phục truyền thống cũng mang màu sắc rực rỡ như các loài hoa rừng.

Người Hà Nhì cư trú nhiều ở vùng núi cao, tương đối cách trở cho nên từ xưa, người Hà Nhì đã rất phát triển nghề trồng bông, dệt vải. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhưng trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì vẫn luôn tồn tại, gìn giữ và có sức sống lâu bền, qua bao thế hệ. Với sự tài hoa trong nghệ thuật thêu, can, ghép vải trên trang phục, dân tộc Hà Nhì đã tạo ra nét độc đáo riêng cho trang phục truyền thống của dân tộc mình, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Với đôi bàn tay khéo léo cùng với đức tính cần cù chăm chỉ, chịu khó người phụ nữ dân tộc Hà Nhì đã tạo ra những bộ trang phục cho thành viên trong gia đình. Bởi vậy, ngay từ nhỏ các bé gái dân tộc Hà Nhì đã được mẹ, chị và bà dạy cách khâu vá, thêu thùa để khi lớn các thiếu nữ phải tự mình làm ra bộ trang phục đẹp nhất để mặc trong ngày cưới, lễ, tết và tạo ra những sản phẩm, trang phục truyền thống cho gia đình.

Do hoạt động kinh tế của người Hà Nhì chủ yếu là nông nghiệp, nên ngoài trồng lương thực, hoa màu phục vụ cho đời sống, người Hà Nhì còn trồng bông, chàm để phục vụ cho việc làm vải, chăn, quần áo... Để có được một tấm vải phụ nữ Hà Nhì phải thực hiện các công đoạn: Trồng bông, trồng chàm, cán bông, kéo sợi, hồ sợi, dệt vải, nhuộm vải.

Bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì được làm khá công phu, mất nhiều thời gian, công sức, nhất là bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ đều được làm thủ công. Bắt đầu từ việc chọn nguyên liệu cho đến cắt, khâu, thêu, chắp nối các mảnh vải lại với nhau để tạo thành từng bộ phận, chi tiết như: Thêu viền cổ, viền nách, tà áo, vạt áo; đặc biệt dành nhiều thời gian cho việc ghép, nối các mảnh vải màu trên ống tay áo và gắn, đính các hạt kim loại phía trước ngực áo...sau đó mới chắp ghép may thành 01 chiếc áo hoàn chỉnh.

Nghệ thuật thêu: Thêu thùa là một trong những việc quan trọng của mỗi cô gái Hà Nhì, qua các đường nét hoa văn người ta có thể đánh giá được sự khéo léo, tính kiên trì và khả năng sáng tạo của người phụ nữ. Tùy vào sở thích, trí tượng tượng của mỗi người và phù hợp với từng đối tượng sử dụng mà mỗi bộ trang phục của Hà Nhì có những đường nét, hoa văn trang trí khác nhau, nhưng nhìn chung hoa văn trên trang phục của người Hà Nhì được thêu tỉ mỉ, từ đơn giản đến phức tạp, mô típ hoa văn phong phú, độc đáo, thông thường là các hoa văn: Hình  móc xích, hình dấu nhân, hình zíc zắc, hình quả chám, mặt trăng, mặt trời, hình núi, hình sao, hình hoa lá; hình ảnh con vật: Gà trống, xương sống cá, rồng, phượng, chim thú...với đường khâu đứt mũi mang đậm nét truyền thống của người Hà Nhì. Điều đặc biệt  đó là tất cả các hình thêu trang trí đó đều mang ý nghĩa tượng trưng về cuộc sống của con người trong vũ trụ bao la và mối quan hệ của con nguời với thiên nhiên.

Kỹ thuật chắp, ghép, can vải màu trên trang phục: Chắp, ghép, can vải màu trên trang phục là hình thức hoa văn trang trí phổ biến của người Hà Nhì. Với kỹ thuật chắp, ghép, can vải tinh tế, bố cục chặt chẽ, màu sắc sử dụng phổ biến là đỏ, vàng, trắng, xanh nổi bật trên nền vải đen, có lẽ do vậy mà mỗi bộ trang phục của dân tộc Hà Nhì nơi đây giống như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, kỹ thuật thêu, chắp ghép vải... được tạo ra từ chính bàn tay khéo léo, tài hoa, với khả năng cảm nhận cái đẹp của những người dân hiền lành mộc mạc vùng biên cương Tổ quốc.

Kỹ thuật ghép hạt nhôm, bạc: Chỉ được đính cho chiếc áo ngắn của người phụ nữ và mũ của trẻ nhỏ, với kỹ thuật ghép từ đơn giản đến phức tạp, như mạch thẳng, gấp khúc, hình vuông, hình kỷ hà, hình cây, hình núi.

Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Hà Nhì bao gồm: Bộ đội đầu, áo dài (mặc bên trong), áo ngắn (mặc bên ngoài) và quần. Trang phục của phụ nữ dân Hà Nhì được phân biệt theo lứa tuổi.

Bộ đội đầu gồm 3 chi tiết:  vòng quấn giữ tóc hình tròn (tro pà); khăn (ù khu) được làm từ mảnh vải vuông. Bốn góc khăn được đính 4 tua, mỗi tua dài khoảng 17-20cm, được trang trí bởi các chuỗi hạt cườm bằng nhựa màu đỏ, vàng, xanh và các quả bông len to, nhỏ màu sắc sặc sỡ. Khi đội gấp khăn theo đường chéo để hai tua cườm vắt sang hai bên và buông dài xuống thái dương. Sau đó, khăn đội đầu sẽ được cố định bằng chi tiết thứ 3 là một miếng vải rộng 2 - 3cm có từ 3 - 4 dây hạt cườm xếp sát được quấn tròn trên đầu để giữ khăn (ù pứ). Theo tín ngưỡng dân gian của người Hà Nhì thì hồn trú ngụ trên đầu nên họ sử dụng bộ đội đầu nhằm bảo vệ phần hồn của mình. Ngoài ra, vẻ đẹp của bộ đội đầu còn góp phần trang trí, điểm tô cho bộ trang phục sặc sỡ của người Hà Nhì.

Áo dài (Á khò khò mó) của phụ nữ dân tộc Hà Nhì là áo 5 thân, xẻ tà, cài khuy vải chéo về phía bên trái, thân áo màu chàm đen. Viền cổ áo, thân áo và tay áo được thêu hình núi, sông, đường thẳng gấp khúc, hình quả trám, hình hoa lá... với những đường thêu từ đơn giản đến phức tạp, màu sắc sặc sỡ bằng chỉ đỏ, hồng, vàng, xanh, vàng cam...phản ánh cuộc sống, mối quan hệ của con người với tự nhiên, thể hiện tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng của người Hà Nhì. Dựa vào cách trang trí trên áo của người phụ nữ dân tộc Hà Nhì có thể phân biệt được người già hayngười trẻ.

Áo ngắn (Á khò khò tư) là phần nổi bật nhất của trang phục phụ nữ  Hà Nhì. Áo có chiều dài bằng 1/2 chiều dài áo dài, không có tay áo, may theo kiểu 5 thân cài cúc bạc ở phía nách phải. Viền cổ, nẹp áo được thêu từ đơn giản tới phức tạp như thêu hình móc xích, hình dấu nhân, hình núi, hình hoa lá... thêu đứt mũi bằng chỉ đỏ, chỉ hồng, vàng, xanh nổi bật trên nền vải đen làm tôn vẻ đẹp tươi sáng, rạng rỡ cho người phụ nữ. Xung quanh ngực áo được đính nhiều hạt kim loại hình bán cầu (cứ khọ) đường kính 0,5 - 0,7 cm tạo thành các họa tiết hình tam giác nối tiếp nhau tượng trưng cho núi đồi, cảnh sắc thiên nhiên, khiến đồng bào Hà Nhì luôn tưởng nhớ đến vùng đất phủ đầy tuyết trắng, quê hương xa xưa của họ. Ngoài ra trên ngực áo còn được trang trí những đồng xu bằng kim loại hình tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời và 6 sợi tua được làm từ các hạt cườm bằng nhựa, các quả lục lạc khi người phụ nữ di chuyển sẽ tạo ra âm thanh, đó là những tín hiệu để các chàng trai tìm đến các cô gái, đồng thời tô thêm vẻ đẹp, thể hiện sự phú quý, sung túc của người mặc áo.

Do điều kiện sinh hoạt và lao động sản xuất để thuận tiện trong quá trình đi nương, cấy lúa, các hoạt động lao động khác nên phụ nữ Hà Nhì chỉ mặc quần kết hợp với áo dài. Quần(hlà truỳ) may theo kiều “chân què” cạp lá tọa, ống rộng màu đen hoặc màu chàm và được cố định bằng thắt lưng khi mặc. Vào các dịp hội hè, cưới xin hay đi chơi phụ nữ Hà Nhì mới mặc thêm chiếc áo ngắn ngoài chiếc áo dài để tôn thêm vẻ đẹp cho mình.        

Cùng với việc tạo ra trang phục cho mình, phụ nữ Hà Nhì còn có trách nhiệm tạo ra trang phục cho các thành viên khác cho gia đình. Hiểu được tâm lý, yêu cầu của mỗi lứa tuổi để tạo ra những bộ trang phục phù hợp với điều kiện, môi trường sống và phù hợp với yêu cầu lao động hàng ngày.

Nếu hoa văn trang trí trên bộ trang phục của người phụ nữ Hà Nhì đa dạng và sinh động, thể hiện sự độc đáo, tinh xảo, tài hoa thì trang phục nam giới người Hà Nhì không có trang phục phân biệt hoàn cảnh sử dụng như phụ nữ mà quần áo của họ chỉ mang tính chất phân định theo tuổi tác. Trang phục truyền thống của nam giới dân tộc Hà Nhì được cắt, khâu đơn giản thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ, giản dị với màu sắc trầm, chủ yếu là màu đen, màu chàm. Có hai loại trang phục là trang phục mặc khi lao động gồm: áo ngắn và quần; trang phục dùng trong các dịp lễ, tết, cưới: Khăn quấn đầu, áo dài và quần.

Áo (á khồ) được may theo hai kiểu: Kiểu xẻ nách và kiểu xẻ ngực, cổ cao, cài bằng nút vải, viền áo, túi áo được thêu hình quả trám bằng chỉ đỏ, vàng. Phía trước hai bên tà áo may 2 túi hình chữ nhật, áo may hơi hẹp về chiều ngang, bó lấy thân, tôn vẻ khỏe khoắn của nam giới, gấu áo dài phủ mông.

Quần (hlà truỳ) được may theo kiểu đũng “chân què”, cạp to. Khi mặc, cạp quần được gập lại, dùng dây lưng bằng vải thắt ngoài cho chặt.

Khăn (ù tho) là miếng vải rộng 40 cm dài 2-3 m, khi đội gấp miếng vải thành 3- 4 lượt tuỳ người thích rộng hay hẹp, khi gần hết giắt múi ra sau gáy. Ngày xưa nam giới Hà Nhì để tóc dài, tết tóc, búi thành một quả sau gáy, vấn khăn quanh đầu. Ngày nay cắt tóc ngắn, đầu để trần khi làm lễ mới đội khăn.

Trang phục của trẻ em Hà Nhì: Về kiểu dáng được may tương tự như người lớn, nhưng  họa tiết, hoa văn trang trí đơn giản, không cầu kỳ. Đối với trẻ em quan trọng nhất là chiếc mũ, dù là bé trai hay bé gái, chiếc mũ đều được trang trí bằng tua rua màu sắc tươi sáng, hạt cườm và đồng bạc thể hiện ước muốn giàu sang, no đủ, có tác dụng tránh gió độc. Đây được coi là vật quý để lưu giữ hồn vía cho trẻ nhỏ, thể hiện tình cảm của người mẹ, người bà cầu cho con, cháu luôn được khỏe mạnh, bình an, khôn lớn. Ngoài ra những gia đình có điều kiện thường đeo cho trẻ thêm vòng cổ hoặc vòng tay bằng bạc để trừ tà, kị gió độc và cũng là một cách để làm đẹp cho trẻ.

Trang phục mặc trong lễ cưới: Về cơ bản trang phục mặc trong lễ cưới của người Hà Nhì cũng giống như các bộ trang phục mặc trong lễ hội, chỉ khác ở chỗ còn mới và được  mặc lần đầu, sau khi tổ chức lễ cưới xong mọi người sẽ mặc trong lao động, sinh hoạt hàng ngày.

Đối với trang phục trong tang lễ: Trang phục mặc trong tang lễ của người Hà Nhì cũng giống như các bộ trang phục truyền thống mặc thường ngày tuy nhiên là màu tối, trầm, thêm vành khăn trắng trên đầu thể hiện sự tiếc thương đau buồn với người đã khuất.

Phụ nữ dân tộc Hà Nhì với đôi bàn tay khéo léo, tài năng, sự cần mẫn, sáng tạo và tính thẩm mỹ cao đã tạo ra những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mỗi bộ trang phục là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ẩn chứa tính cách, quan niệm, giá trị thẩm mĩ, văn hóa, lịch sử của người Hà Nhì; phản ánh đời sống thường nhật, cách giáo dục con cháu, quan niệm về thế giới tự nhiên và tiến trình phát triển của lịch sử, văn hoá, sự giao thoa văn hoá. Qua đó họ đã có thể chủ động và tự túc phần lớn nhu cầu về mặc trong mọi giai đoạn, mọi tình huống dù là thuận lợi hay khó khăn của đời sống xã hội luôn vận động, biến đổi không ngừng. Để kịp thời bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm trang phục truyền thống của người Hà Nhì, năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể nhằm tham mưu UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 

Trang phục của người Hà Nhì là một nhu cầu vật chất phục vụ nhu cầu cho đời sống, tôn lên tính thẩm mỹ của người mặc, góp phần tạo nên một nét văn hóa trong cuộc sống của mỗi người. Ngày nay, khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội của người Hà Nhì, chính vì vậy sự thay đổi của trang phục các tộc người thiểu số ở nước ta nói chung và tộc người Hà Nhì nói riêng là điều không tránh khỏi. Nhưng người Hà Nhì vẫn luôn xem bộ trang phục dân tộc là hơi thở, là cuộc sống, là máu thịt của mình, với suy nghĩ ấy, niềm tin ấy, tinh thần giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống đã được người Hà Nhì truyền lại cho lớp lớp con cháu đến tận bây giờ. Và chính bởi vậy mà theo thời gian, dòng đời của họ cũng luôn chảy theo những nét hoa văn trên bộ trang phục truyền thống, ẩn chứa cho tính cách, quan niệm, giá trị thẩm mĩ, lịch sử cùng đôi bàn tay cần mẫn, tài năng của phụ nữ Hà Nhì./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.315.304
Online: 69