Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 8-13/11 tại Nhà Quốc hội.

Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”: “Lời kể” về câu chuyện quá khứ hào hùng của dân tộc - Ảnh 1.Một góc Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Triển khai Kế hoạch tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm triển khai một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đề ra đó là: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".

Tại triển lãm lần này, Bộ VHTTDL đã trưng bày 320 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu, 123 tài liệu, hiện vật quý hiếm với các nội dung về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Văn hóa Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Dành khá nhiều thời gian để tham quan các không gian trưng bày tại triển lãm, ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là sự kiện vô cùng đặc biệt, không chỉ giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử văn hóa của đất nước trong một giai đoạn rất đặc biệt kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam đến thời điểm hiện nay.

Triển lãm còn giúp cho mỗi người xem có thêm những ký ức, đồng thời cũng truyền cảm hứng cho những người làm văn hóa nghệ thuật về việc cần phải có thêm quyết tâm để phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà. Qua triển lãm lần này, chúng ta thấy rằng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của văn hóa.

Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”: “Lời kể” về câu chuyện quá khứ hào hùng của dân tộc - Ảnh 2.ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (trái) tham quan triển lãm

Theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn, văn hóa có sức mạnh đặc biệt khi tạo ra một sức mạnh tinh thần dân tộc và chính nhờ sức mạnh tinh thần đó đã giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, kẻ thù để xây dựng một đất nước hùng cường như ngày hôm nay.

Triển lãm cũng cho thấy sức sống của văn hóa dân tộc từ truyền thống. Những hình ảnh về di sản văn hóa tại triển lãm đã cho chúng ta thấy được dân tộc của chúng ta có truyền thống lịch sử lâu đời, có kho tàng di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Từ đó để thấy được trách nhiệm phải làm sao để giữ gìn các giá trị di sản văn hóa này.

Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, nếu hiểu một cách sâu xa lời căn dặn đó có thể thấy rằng, dân tộc của chúng ta có truyền thống hết sức hào hùng. Chính truyền thống đó đã giúp chúng ta có sức mạnh được thể hiện qua lòng yêu nước, tình đoàn kết, sự sẻ chia, giá trị về nghĩa tình hay những giá trị tốt đẹp khác của dân tộc. Nếu chúng ta biết cách kế thừa, phát huy sức mạnh đó thì chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn.

Triển lãm lần này cũng cho chúng ta thấy lại những khó khăn của dân tộc trong quá khứ. "Tôi đọc những bài báo trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 25/11/1946 được trưng bày tại triển lãm thấy được tin tức về chiến sự ở thời điểm này rất nhiều. Thế nhưng, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng chúng ta vẫn tổ chức được Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Tại Hội nghị đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, và luận điểm này đã trở thành nguyên tắc chi phối, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - ĐB Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”: “Lời kể” về câu chuyện quá khứ hào hùng của dân tộc - Ảnh 3.Tại triển lãm, Bộ VHTTDL đã trưng bày 320 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu, 123 tài liệu, hiện vật quý hiếm.

Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, đến tận ngày hôm nay, văn hóa vẫn truyền được sức sống, cảm hứng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đối phó với dịch bệnh COVID-19. Chính sức mạnh của tình đoàn kết, tình yêu nước, tinh thần tương thân tương ái được thể hiện trong khó khăn đã tiếp thêm sức mạnh để dân tộc chúng ta vững tin vượt qua đại dịch.

"Khi xem những tác phẩm, những hiện vật trưng bày tại triển lãm, tôi cảm nhận rằng đó như một lời kể về câu chuyện quá khứ hào hùng của dân tộc, để từ đó liên tưởng đến những câu chuyện của hiện tại. Điều đó lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh chúng ta đang rất háo hức, chờ đợi sự kiện lớn của đất nước đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021" - ĐB Bùi Hoài Sơn.

ĐB Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, một điều đặc biệt và cũng hết sức ý nghĩa hơn đó là triển lãm được tổ chức ngay tại Nhà Quốc hội, một trong những trung tâm chính trị lớn nhất của đất nước. Trong đợt này, các ĐBQH, những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân trên mọi miền của tổ quốc tụ họp về đây đều chứng kiến và dành sự quan tâm đến sự kiện lớn này.

"Tôi kỳ vọng rằng, những xúc cảm tại Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" sẽ truyền tải thành ý kiến, nguyện vọng của cử tri thông qua các ĐBQH để có những ý kiến, hiến kế cho sự phát triển của văn hóa phù hợp với tình hình mới" - ĐB Bùi Hoài Sơn nói./.

Theo Cổng TTĐT Bộ VHTTDL


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.153.185
Online: 116