Người Kháng ở tỉnh Điện Biên cũng giống nhiều dân tộc khác, họ coi nhà là nơi để sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí và gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau đồng thời cũng là nơi các cá nhân trong gia đình mong muốn trở về, đoàn tụ mỗi khi xa nhà; đặc biệt nhà còn là không gian để thờ cúng tổ tiên nhằm bày tỏ lòng biết ơn của con cháu. Để dựng được một ngôi nhà thì cách chọn gỗ, chọn đất dựng nhà và quy trình dựng nhà là rất quan trọng. Nó phản ánh thái độ trân trọng của người Kháng với ngôi nhà của mình.

Người Kháng thường chuẩn bị làm nhà vào những lúc nông nhàn để có thời gian chọn gỗ, chặt đẽo, ngâm gỗ. Thông thường khi đã chọn được ngày tốt chủ nhà mang dao, khoác túi lương thực vào rừng tìm gỗ. Mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Người Kháng thường chọn nguyên liệu làm nhà là những cây đang sống, phát triển trong các khu rừng già, trên các sườn đồi, nơi tập trung nhiều cây to, gỗ tốt. Những cây được chọn để làm nhà phải đảm bảo các tiêu chí như: Thân cây đặc, chắc và thẳng, không có dây leo sống ký sinh, không cụt ngọn, đặc biệt là tránh cây bị sét đánh vì đồng bào quan niệm rằng những cây này để làm nhà sẽ mang những tai họa cho gia đình khi vào ở trong ngôi nhà.

Cột nhà đã chuẩn bị

 Như vậy, khi đã chọn được cây vừa ý, họ sẽ đánh dấu cây này bằng cách dùng dao vạch hai đường chéo tạo thành một dấu nhân, cỏ xung quanh gốc cây được phát quang để người khác nhận biết được cây đó đã có chủ. Sau khi đã chọn số lượng gỗ ước chừng đủ cho việc dựng một ngôi nhà sàn như ý, gia chủ sẽ lựa chọn ngày tốt, nhờ một số anh em, bạn bè vào rừng hạ cây, xẻ gỗ. Theo phong tục của người Kháng, cây gỗ được chọn để làm cột cái dựng ở đầu gian thờ phải do đích thân gia chủ chặt. Vì người Kháng quan niệm người đàn ông là chủ, là trụ cột của gia đình và được ví như cây cột cái của ngôi nhà. Gỗ sau khi đã chặt hạ sẽ được gia công đẽo cột, xẻ ván ngay tại rừng. Với một ngôi nhà 3 gian, 2 chái gia chủ sẽ phải nhờ khoảng 9 đến 10 người làm việc cật lực trong khoảng 7- 10 ngày. Sau khi hoàn thành xong sẽ được đồng bào vận chuyển về  ngâm nước từ 3 đến 6 tháng, để gỗ không bị mối mọt.

Sau khi đã chuẩn bị đủ gỗ làm nhà, gia chủ tiến hành chọn đất, đất được lựa chọn là những mảnh đất khô ráo, sạch sẽ và thoáng đãng. Do quan niệm vạn vật hữu linh, người Kháng cho rằng đất đai do thần đất cai quản, việc dựng nhà phải được sự cho phép của thần đất. Vì vậy gia chủ muốn có cuộc sống yên ổn, khỏe mạnh, “ăn nên, làm ra” trước tiên phải mời thầy cúng (thầy bói) xin ý kiến của thần đất để lựa chọn đất lành cho gia chủ, có như vậy những người sống trong ngôi nhà ấy mới được các vị thần phù hộ, bảo vệ. Do đó gia chủ phải chuẩn bị một mâm cúng với các lễ vật gồm: Cơm, gà, rượu, trầu, bạc trắng, tất cả đều được đặt trên một mâm bằng mây hoặc một chiếc bàn gỗ, lót lá chuối tươi. Đồng thời, khi hành lễ, bao giờ cũng đặt một chiếc áo của gia chủ bên mâm lễ.

Nơi tiến hành lễ cúng ma đất là một vị trí nằm trong khu vực đất được chọn để dựng nhà. Sau khi bày xong mâm cúng ở khu đất đã được chọn, thầy cúng hoặc gia chủ sẽ khấn báo mời thần đất về chứng giám, sau đó là nghi thức bói nhiều hình thức như: bói lạt, bói thẻ trúc, bói hố. Nhưng thường thì người dân hay thực hiện hình thức bói hố. Để bói hố, gia chủ đào hai cái hố cạnh nhau, cách nhau khoảng 0,5 - 1,0m; mỗi hố có đường kính khoảng 10cm; sâu 15 cm. Tại mỗi hố người ta đặt từ 4 - 5 hạt thóc chụm đầu hạt thóc vào nhau. Sau khi đặt thóc xong, gia chủ sẽ úp lên mỗi miệng hố một cái bát rồi về nhà. Sáng hôm sau, gia chủ sẽ mở bát ra và quan sát các hạt thóc trong hai hố. Nếu thấy các hạt thóc ở cả hai hố vẫn còn đủ và không bị xê dịch thì quẻ bói thành công và báo hiệu đã chọn được vị trí phù hợp. Nếu các hạt thóc bị xê dịch thì việc sinh sống ở đó sẽ có nhiều trắc trở. Đặc biệt tối kỵ việc mất một trong số các hạt thóc, vì theo quan niệm của đồng bào đây là điềm xấu không nên ở trong khu đất đó.    Sau khi chọn được vị trí đất, chủ nhà sẽ chọn ngày tốt và nhờ anh em họ hàng đến giúp đỡ và khởi công dựng nhà. Trước khi dựng nhà, gia chủ làm lễ cúng gồm: 1 bát cơm, 1 đôi gà, 1 chai rượu, 2 miếng trầu và 1 đồng bạc trắng, nếu không có bạc trắng thì có thể dùng tiền giấy. Gia chủ khấn báo thần đất trong lễ khởi công xin làm nhà mới. Sau lễ cúng, đồng bào tiến hành san nền, xác định hướng nhà, đo đạc, đánh dấu vị trí các cột.

Ngôi nhà của người Kháng thường có hai đầu hồi theo hướng Đông - Tây là chủ yếu, cửa chính của ngôi nhà mở đi ra lan can theo hướng Nam. Người Kháng kiêng quay hướng nhà đối diện với mặt tiền của ngôi nhà khác vì đồng bào cho rằng làm như thế thì cả hai nhà sẽ không gặp được may mắn, có làm mà lại không có ăn, người trong nhà thì thường hay ốm đau bệnh tật.

Quy trình dựng nhà của người Kháng thường được bắt đầu bằng việc dựng cột cái đầu tiên rồi đến 3 cột còn lại. Cột cái và 3 cột này hợp thành 4 cột ở hai đầu hồi. Tiếp đến người ta dựng các hàng cột giữa và sau cùng là dựng 4 cây cột ở 2 chái.

Sau khi đã dựng xong các hàng cột, đồng bào Kháng sẽ lắp các thanh xà bằng kỹ thuật buộc vào ngoàm hoặc chui mộng. Vì người Kháng kiêng không đóng đinh hay những vật bằng kim loại lên những cấu kiện của ngôi nhà, đồng bào cho rằng nếu đóng đinh vào những cấu kiện thì chẳng khác nào đâm vào tổ tiên và các loại ma trú ngụ ở đó. Nếu làm như vậy sẽ làm cho tổ tiên và các ma nổi giận, trách phạt và làm hại đến các thành viên trong ngôi nhà đó. Cuối cùng người ta điều chỉnh các cột cho cân đối rồi đặt tảng dưới chân cột.

Các vật liệu để ghép nối

 Tiếp đến là việc làm sàn, các thanh dầm ngang được đặt trên các ngoàm cột hoặc xuyên qua các lỗ đã được đục sẵn trên cột. Độ cao của dầm sàn so với mặt đất  từ 1,5 - 1,8m. Trên dầm ngang người ta lại đặt những đòn dọc bằng tre hoặc gỗ. Cuối cùng người ta mới xếp dát sàn. Dát sàn thường được ghép bằng gỗ ván hoặc bằng tre đập dập đã được ngâm kỹ để chống mối mọt. 

Còn mái nhà được làm với các công đoạn: đặt xà gồ, dặt kèo, đặt rui và sau cùng là xếp gianh lợp. Gianh lợp được đan thành từng tấm phên, các tấm phên được đặt từ dưới lên trên, tấm sau chờm lên tấm trước và được đặt theo lối so le. Ngoài hai mái chính, ngôi nhà của người Kháng còn có hai mái chái ở hai đầu hồi có hình khum tròn tạo dáng cho mái nhà trông tựa như mai rùa. Ngày nay ngôi nhà của người Kháng, mái nhà được lợp bằng ngói hoặc tấm Prô- xi măng nên hai chái ở hai bên đầu hồi không còn dáng khum tròn như xưa.

Tiếp theo là làm hai sàn ở hai đầu hồi. Sàn chính làm trước, sàn phụ được làm sau. Về kết cấu và quy trình hai sàn này cũng giống như sàn trong nhà. 

Sau khi làm sàn ở hai đầu hồi nhà xong, người ta sẽ tiến hành đặt thang. Thang được làm bằng tre hoặc gỗ. Bất kể nhà sàn cao hay thấp thì người Kháng cũng tính toán, chia đoạn để làm bậc của thang sao cho có số chẵn - cầu mong cho sự may mắn, tốt lành vì người Kháng cho rằng cái gì thì cũng phải có đôi mới là tốt.

Khung nhà sau khi đã dựng xong

Công đoạn cuối cùng trong quy trình dựng nhà là công đoạn bưng vách. Vách nhà của người Kháng thường được làm bằng tấm phên đan bằng nứa, tre hoặc các tấm ván gỗ. Khi bưng vách, người ta sẽ để hai cửa ở hai phía đầu hồi  và một cửa ở gian giữa đó là phần để tiếp khách, sinh hoạt của ngôi nhà. Tiếp đó là đặt cánh cửa ở cửa chính và cửa phụ. Đến đây việc dựng nhà coi như đã được hoàn thành. Việc đặt bếp và đặt bàn thờ sẽ được tiến hành trong nghi thức lên nhà mới của đồng bào.

Những ngôi nhà sàn bình dị của người Kháng nằm quần tụ thành từng bản, tất cả đã tạo nên khung cảnh sơn cước đặc trưng của dân tộc Kháng nói riêng và văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung. Ngôi nhà sàn của người Kháng không chỉ phản ảnh tri thức, kinh nghiệm dân gian trong việc chọn vị trí, chọn vật liệu mà còn phản ánh những quan niệm về nhân sinh quan sâu sắc, thể hiện qua những kiêng kỵ, tập quán trong quá trình làm nhà. Dù cuộc sống có thay đổi thì đồng bào Kháng nơi đây vẫn đang giữ gìn lối sống sinh hoạt quây quần, ấm cúng bên ngôi nhà sàn truyền thống đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.153.142
Online: 117