Tháp Mường Luân thuộc địa phận bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là công trình kiến trúc mang nét văn hóa, tôn giáo của dân tộc Lào tại Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.

Mỗi vùng đất đều có dấu ấn kiến trúc, nghệ thuật đặc trưng của người dân, thể hiện văn hóa, phong tục vùng đất họ sinh sống. Đồng thời kiến trúc, nghệ thuật của các công trình xây dựng cũng nói lên phong cách nghệ thuật của từng thời kỳ phát triển của lịch sử. Tháp Mường Luân có tên gọi theo tiếng địa phương là “Thát Mướng Luân”. “Thát” còn có nghĩa là (tháp), còn “Mướng Luân” có nghĩa là Mường Luân tên địa danh của bản. Tháp được dựng trước một ngôi chùa có tên là “Vạt”. “Vạt” tiếng địa phương có nghĩa là (chùa). Tháp và chùa đều nằm trên địa phận bản Mường Luân. Qua hình dáng của tháp cùng những nét hoa văn trang trí trên tháp không giống cây tháp nào hiện có ở Việt Nam.  Đây là một kiến trúc đặc biệt, do vậy tháp Mường Luân góp phần không nhỏ cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu các tháp cổ tại Việt Nam.

 Kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ hay tháp Mường Và ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, đều được xây dựng cùng thời với cây “thát Luông” (tháp lớn ở Viêng Chăn - Lào). Sự ra đời của tháp Mường Luân, theo truyền thuyết do cụ Lò Văn Kẹo ở bản Mường Luân kể lại vào khoảng thế kỷ XV có một thầy địa lý xem đất nói: “Thế đất ở Mường Luân rất đẹp giống như một người đang đứng đầu quay về Việt Nam, tựa lưng về đất nước Lào”. Đây chính là minh chứng cho mối tình đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam - Lào đã cùng nhau xây dựng một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt.

 Tháp được xây dựng bằng nguyên liệu gạch, vôi, vữa, cát và mật mía. Gạch để xây tháp gồm 2 loại, gạch vồ và gạch chỉ, xây dựng theo hình bút tháp thân vuông, dưới to lên trên nhỏ dần, tháp có tổng chiều cao là 15m, được bố cục chia làm 3 phần chính: Chân tháp hình vuông vững chãi cao 1m (không trang trí hoa văn), phía ngoài cùng để hành lang rộng du khách có thể đi lại quanh tháp. Thân tháp xây hình ống vuông, xây đặc phần dưới to, lên trên nhỏ dần (toàn bộ kiến trúc của tháp cũng như trang trí hoa văn nổi bật nhất của tháp được thể hiện ở phần này); Ngọn tháp được chia làm hai phần không trang trí hoa văn, ở giữa phình to, hai đầu thóp lại giống hình quả trám, giữa hai phần của ngọn tháp và trên cùng của ngọn tháp cũng được thể hiện trang trí hoa văn họa tiết như phần trên của thân tháp nhưng được thu nhỏ để tạo vẻ thanh thoát, mềm mại cho toàn bộ bố cục của tháp.

Tất cả họa tiết, hoa văn trang trí trên tháp Mường Luân đều được làm bằng đất nung màu đỏ tươi, xen lẫn màu xám trắng, xám nâu và xám đen tạo cho tháp thêm cổ kính nhưng lại nổi bật trên nền xanh thẫm thể hiện sự no ấm của núi rừng Tây Bắc.

Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Luân hiện đã được Bộ Văn hóa, Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 09 tháng 02 năm 1991. Tháp Mường Luân là một di sản văn hóa cổ của dân tộc Lào hiện đang tồn tại nơi vùng núi Tây Bắc xa xôi của tổ quốc. Là một công trình kiến trúc có giá trị về mặt nghệ thuật rất lớn, thông qua di tích sẽ giúp các nhà nghiên cứu và khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật kiến trúc cổ, hiểu được ý tưởng và mong ước của cha ông đã gửi gắm vào những đường nét miêu tả trong kiến trúc hiểu được những thành quả lao động rất nghiêm túc của cha ông để tạo ra những công trình lịch sử văn hóa cho con cháu mai sau.

Ngoài giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, tháp Mường Luân còn có giá trị rất lớn thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào đã gắn bó keo sơn từ lâu đời. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật biểu trưng cho tình đoàn kết dân tộc, ngày nay vẫn được giữ vững như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm lại cho chúng ta qua những vần thơ về tình hữu nghị Việt - Lào:

Việt Lào hai nước chúng ta

Tình sâu như nước Hồng Hà Cửu Long

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 9.911.932
    Online: 214