Cứ điểm Đồi C1 là một trong những cao điểm phía Đông thuộc phân khu trung tâm. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cả Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân Pháp đều nỗ lực củng cố chỗ đứng trên ngọn đồi này. Hơn 66 năm qua, di tích đồi C1 vẫn còn nhiều chứng tính như vang mãi khúc khải hoàn...

Từ cao điểm chiến lược

Cứ điểm Đồi C1 là một trong những cao điểm phía Đông thuộc phân khu trung tâm, bức bình phong che chắn hữu hiệu hình thành hướng phòng ngự chủ yếu để ngăn chặn đối phương tấn công từ phía Đông và Đông Bắc đánh vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và sân bay Mường Thanh - con át chủ bài của Thực dân Pháp.                                                                            

Cũng giống phần lớn những cứ điểm còn lại, cứ điểm Đồi C1 quân Pháp đặt tên là Eliane1, một trong những cứ điểm thuộc cụm Éliane (đặt tên một người con gái đẹp của nước Pháp). Cứ điểm C1 nằm trên điểm cao 493, ở giữa các cứ điểm A1, D1, D3 với độ cao 50m, sườn dốc thoai thoải. Tại đây, thực dân Pháp bố trí Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh Ma Rốc số 4 trấn giữ. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của tiểu đoàn dù thuộc địa số 6, tiểu đoàn Ngụy số 5, một đại đội của tiểu đoàn dù xung kích số 8, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bigeard - Chỉ huy phó Phân khu trung tâm.

Về phía Quân đội nhân dân Việt Nam, Tiểu đoàn 215, trung đoàn 98, đại đoàn 316 do trung đoàn trưởng Vũ Lăng trực tiếp chỉ huy được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm C1.

Cứ điểm Đồi C1 có vị trí chiến lược quan trọng. Chiếm được cứ điểm này đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là bàn đạp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến vào cứ điểm C2 và A1, mối đe dọa nguy hiểm đối với quân Pháp ở dãy cao điểm phía Đông. Chính vì vậy, cả Quân đội nhân dân Việt Nam và quân Pháp đều nỗ lực củng cố chỗ đứng trên ngọn đồi này. Trải qua 12 đợt phản kích giằng co, quyết liệt, Quân đội Việt Nam và quân Pháp đã giành giật nhau từng tấc đất, từng ụ súng, từng đoạn chiến hào nhưng bất phân thắng bại.

Đến ca vang khúc khải hoàn

17h ngày 30/3/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Các cỡ pháo của quân đội nhân dân Việt Nam dồn dập nã vào các cứ điểm của dãy đồi phía Đông trong đó có ngọn đồi C1. Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, dùng đạn phóng bộc lôi, sau 5 phút đã dọn xong cửa mở qua 7 lớp hàng rào dây thép gai. Tại trận chiến, đồng chí Vũ Lăng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 gọi điện yêu cầu pháo dừng bắn, chớp thời cơ hỏa lực của quân Pháp đang tê liệt, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 215 - Bùi Hữu Quán ra lệnh cho bộ binh xung phong. Để tổ chức tấn công có hiệu quả đại đội trưởng Lê Văn Dị có sáng kiến đào một đường hào ngầm dài 20m đi luồn dưới mặt đất từ trận địa Quân đội nhân dân Việt Nam xuyên thẳng về phía Cột cờ của Pháp. Từ đường ngầm này, ta đánh lấn chiếm được lô cốt số 3, từ lô cốt số 3, ta đã đào một công sự ném lựu đạn về phía quân Pháp.

Chỉ với một đợt xung phong chớp nhoáng, sau 10 phút Đại đội 38 đã chiếm được lô cốt trên đỉnh đồi,Tiểu đội trưởng Nguyễn Thiện Cải cắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên mỏm Cột cờ. Trận chiến đấu kéo dài 45 phút, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Đại đội gồm 140 lính Pháp thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh Ma Rốc số 4 trấn giữ, tạm thời làm chủ cứ điểm C1.

Tại Chỉ huy sở, trung đoàn trưởng Vũ Lăng điện thoại yêu cầu đại đội trưởng Lê Văn Dị phải cho lực lượng lùi xuống chân đồi 200m, chỉ để lại một trung đội dự bị để pháo binh Việt Nam trên đồi D bắn vào trận địa của quân Pháp trước khi đại đội 811 xung phong. Sau khi cân nhắc đồng chí Lê Văn Dị cho một trung đội dự bị lui về phía sau 200m, còn lại toàn đơn vị vẫn bám chắc trận địa, với lý do trận địa của Việt Nam được xây dựng vững chắc, đủ sức chịu đựng sức công phá của đạn pháo. Nếu lùi lại quá xa sẽ lỡ thời cơ chiến đấu, không còn yếu tố bất ngờ, hơn nữa pháo của Pháp ở Hồng Cúm khi ấy có đủ thời gian bắn chặn chắc chắn sẽ gây thương vong cho quân đội Việt Nam, đồng thời quân Pháp ở C1 lại đủ thời gian củng cố để đánh trả. Đến đêm ngày 01/5/1954, sau 32 ngày đêm chiến đấu phòng ngự trên cứ điểm C1, Trung đoàn 98 thuộc Đại đoàn 316 đã làm chủ hoàn toàn điểm cao C1, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn tiến công tiêu diệt các cứ điểm còn lại của bức tường thành phía Đông. Nhờ có những quyết định táo bạo và sáng suốt của đồng chí Lê Văn Dị đã góp phần làm nên chiến thắng tại cứ điểm Đồi C1, mở thông cánh cửa vào Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Di tích đồi C1 là một trong những di tích thành phần thuộc Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, là một trong những minh chứng hào hùng cho thắng lợi vĩ đại của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng tại di tích đồi C1 cùng với các chiến thắng ở dãy đồi phía đông của đợt tấn công thứ 2 là tiền đề dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Trải qua hơn 66 năm, di tích Đồi C1 vẫn mãi là một chứng tích vang khúc khải hoàn của quân và dân Việt Nam anh hùng./.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.312.783
    Online: 59