Từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, chỉ mất khoảng 30 phút xe chạy là du khách sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa tâm linh mang đậm màu sắc dân gian không chỉ riêng của những người con Điện Biên mà đã và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đó là Thành Bản Phủ - Đền thờ Hoàng Công Chất.

Từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, chỉ mất khoảng 30 phút xe chạy là du khách sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa tâm linh mang đậm màu sắc dân gian không chỉ riêng của những người con Điện Biên mà đã và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đó là Thành Bản Phủ - Đền thờ Hoàng Công Chất.


Di tích Thành Bản Phủ thuộc xã Nọong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên được xây dựng vào những năm 1758 đến 1762. Thành rộng hơn 80 mẫu, dựa lưng vào sông Nậm Rốm; chân thành rộng 15m, mặt thành rộng 5m, cao 15m; tường thành đắp bằng đất, trồng tre gai đem từ miền Tây Thanh Hóa lên, hào sâu rộng 4-5 thước. Có thuyết nói rằng trên mặt thành ngựa, voi có thể đi lại được. Thành có các các cửa: tiền, hậu, tả, hữu. Mỗi cửa có kỳ đài và vọng gác... Thành là chứng tích ghi dấu mốc lịch sử về công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng Mường Thanh do tướng Hoàng Công Chất lãnh đạo vào thế kỷ 18. Sau khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều định Lê - Trịnh tại vùng đất thuộc Thái Bình ngày nay, ông đã đưa nghĩa quân lên vùng Tây Bắc, liên kết, phối hợp với 2 tướng địa phương là tướng Ngải, tướng Khanh lãnh đạo nhân dân đánh bại cuộc xâm lược của giặc Phẻ, giải phóng hoàn toàn Mường Thanh. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, tại thành Bản Phủ, người dân đã lập đền thờ vị thủ lĩnh nông dân Hoàng Công Chất, người có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc Phẻ, bảo vệ bản Mường.

Ngày nay, tuy không còn mang dáng vẻ hùng vĩ như xưa nhưng di tích Thành Bản Phủ được tôn tạo một đoạn tường thành để du khách có thể liên tưởng về tòa thành cổ uy nghi bề thế, một công trình kiến trúc quân sự trấn thủ vùng biên cương, gợi nhớ lại cuộc khởi nghĩa. Đứng trên vọng thành, du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh toàn vùng với những mái nhà sàn thấp thoáng ẩn hiện sau những rặng tre xanh và cánh đồng trải dài. Khu vực bên trong thành có nhà sàn văn hóa đủ sức chứa hàng trăm người, hai bên tường thành là ao sen kè đá chung quanh cùng hệ thống đường gạch và sân bãi rộng phục vụ cho những hoạt động văn hóa, lễ hội, vui chơi và thi đấu thể thao. Tại trung tâm đền thờ sừng sững cây cổ thụ được người dân nơi đây gọi là cây đại đoàn kết. Bởi cùng chung một gốc, nhưng cây đại đoàn kết lại là sự hòa hợp của 3 cây: cây si, cây đa, cây đề gắn kết hòa quyện vào nhau, tỏa bóng mát cho cả sân đền. Tương truyền rằng, cây cổ thụ này là do thủ lĩnh Hoàng Công Chất và 2 vị thủ lĩnh người Thái là tướng Ngải và Tướng Khanh cùng trồng. Trải qua bao biến cố  thăng trầm của lịch sử, cây cổ thụ vẫn vững chãi, như biểu tượng của tinh thần đoàn kết giữa người Thái, người Kinh và các dân tộc anh em trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, giữa miền xuôi và miền ngược. Cạnh gốc đa cổ thụ là ngôi đền thờ Hoàng Công Chất cùng các bộ tướng là nơi để du khách dâng hương tỏ lòng thành kính và thành tâm khấn bái cầu xin an lành và những điều may mắn…                                           

Những năm qua, di tích Thành Bản Phủ - đền thờ Hoàng Công Chất đã từng bước được giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa của du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, lễ hội được tổ chức trong các ngày 24-25/2 âm lịch (ngày giỗ của thủ lĩnh Hoàng Công Chất) là sự kiện quan trọng nhất trong năm của đền. Trong dịp này, lượng khách thập phương đổ về đây rất đông. Ngay từ sáng sớm ngày 24/2 (âm lịch), đoạn đường từ ngã ba Chợ Bản Phủ rẽ vào đền Hoàng Công Chất đã nhộn nhịp, tưng bừng bởi cờ, hoa và dòng người hành hương về tham dự lễ hội.

Phần lễ trong lễ hội đền Hoàng Công Chất diễn ra hết sức trang nghiêm, thành kính với những nghi thức linh thiêng được gìn giữ, truyền lại qua nhiều thế hệ. Mở đầu lễ hội là phần rước kiệu và màn tái hiện lịch sử, minh họa hình ảnh của tướng quân Hoàng Công Chất cùng tướng Ngải, tướng Khanh đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh:

Trước linh hồn những người đã khuất

Các dân tộc ngược xuôi đoàn kết

Yêu thương nhau như ruột thịt chan hòa

Chung quả bầu, chung lỗ khoan xưa

Gắn bõ mãi như keo sơn…

(Trích Điếu văn ngày lễ hội)

Lời chúc văn, tưởng nhớ, tri ân công đức của vị thủ lĩnh Hoàng Công Chất và kêu gọi tinh thần đoàn kết các dân tộc đã mở đầu cho phần dâng hương với những nghi thức linh thiêng. Ngày nay, những nghi thức trong lễ hội đã được tinh giản nhưng vẫn đảm bảo không khí trang nghiêm, thành kính trong mỗi màn tế lễ.

Ngay sau phần lễ là không khí nhộn nhịp sôi động của các hoạt động văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc. Không khí thật sự sôi động với nhiều tiết mục như trình diễn trang phục dân tộc, múa hát, trò chơi dân gian… Trong phần hội, các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt… luôn diễn ra hết sức sôi nổi, hào hứng, lôi cuốn sự cổ vũ, tham gia của đông đảo người đi hội. Tiếng hò reo cổ vũ của người dân và khách thập phương làm huyên náo khắp một vùng. Không chỉ là cổ vũ mà khách du lịch còn có thể tự mình tham gia các trò chơi dân gian đó. Đây sẽ là những trải nghiệm thú vị mà không phải điểm du lịch nào cũng có. Ngoài ra, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân tộc hay mua những sản phẩm địa phương như thổ cẩm, đồ thêu tay, đồ lưu niệm… để về làm quà.

Di tích Thành Bản Phủ - đền Hoàng Công Chất ngày nay đã và đang trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, tâm linh quan trọng của người dân Điện Biên, đồng thời là một địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách./.

Bài: Nguyễn Thị Mai Hoa

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.299.053
Online: 121