Điện Biên là tỉnh miền núi cao biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với hai quốc gia: Lào và Trung Quốc. Từ xa xưa cho đến nay, Điện Biên luôn có một vị trí quan trọng mang tính chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự của vùng Tây Bắc. Một trong những chứng cứ cho thấy Điện Biên từng là một vùng đất phát triển đó là sự xuất hiện của các đồng tiền cổ.

Theo các nhà nghiên cứu, ở nước ta đồng tiền kim loại đầu tiên được chính thức ra đời dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ X), trải qua các đời vua chúa tiếp theo, hầu như đời nào cũng cho đúc tiền và những đồng tiền ấy đều được đặt theo tên niên hiệu của đời vua đó để khẳng định một đất nước có chủ quyền, có quyền bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới. Mỗi thời có một kiểu đúc mang phong cách khác nhau, tiền đúc to nhỏ, nặng nhẹ, xấu đẹp phản ánh tình hình tài chính của xã hội lúc bấy giờ và đặc biệt nó còn đánh dấu sự tồn tại của từng thời đại. Tại tỉnh Điện Biên, ở một số địa bàn trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở thành phố Điện Biên Phủ đã phát hiện được một số hiện vật tiền cổ được đúc  bằng chất liệu kim loại. Số lượng hiện vật tiền cổ này được sưu tầm và lưu giữ trong kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh, hiện có khoảng hơn hai trăm hiện vật với nhiều tiêu bản có giá trị, trong đó có tiền cổ Cảnh Hưng thuộc triều vua Lê Hiển Tông.

Lê Hiển Tông (sinh năm 1717 - mất năm 1786), tên húy là Lê Duy Diêu, là vị hoàng đế áp chót của thời Lê Trung Hưng cũng là vị hoàng đế thứ 26 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông lên ngôi từ năm 1740 đến năm 1786, trong suốt thời gian trị vì ông chỉ dùng một niên hiệu là Cảnh Hưng. Sau khi lên ngôi, vua Lê Hiển Tông đã cho đúc ngay tiền để nâng cao quốc thể và củng cố nền kinh tế quốc phòng. Lê Hiển Tông là vị vua cho đúc và phát hành nhiều loại tiền nhất trong lịch sử Việt Nam. Hơn hai thế kỷ tồn tại núp dưới danh nghĩa chính thống của nhà Lê, các chúa Trịnh đã tiến hành một cuộc nội chiến kéo dài liên miên không dứt: Chiến tranh Lê - Mạc, sử gọi là nội chiến Nam - Bắc triều và nội chiến Đàng Ngoài - Đàng Trong, sử gọi là Trịnh - Nguyễn phân tranh. Thời Lê Trung hưng (1533 - 1788), tồn tại được 255 năm, là thời kỳ xã hội phong kiến Việt Nam hết sức phức tạp. Giai đoạn đầu, gần 150 năm nền kinh tế đất nước suy thoái do chiến tranh liên miên. Trải qua 9 đời vua: Lê Trang Tông (1533 - 1548), Lê Trung Tông (1548 - 1556), Lê Anh Tông (1556 - 1573), Lê Thế Tông (1573 - 1599), Lê Kính Tông (1600 - 1619), Lê Thần Tông (1619 - 1662), Lê Chân Tông (1643 - 1649), Lê Huyền Tông (1663 - 1671), Lê Gia Tông (1672 - 1675), việc đúc tiền rất ít, chủ yếu vẫn chỉ là dùng tiền của các đời trước và tiền của Trung Quốc. Việc đúc tiền như vậy của giai đoạn này không liên tục và được đúc rất ít lần, số lượng tiền không lớn. Chỉ đến triều vua Lê Hiển Tông (từ giữa thế kỷ XVIII) nền kinh tế hàng hóa nước ta mới có bước phát triển đáng kể và tiền tệ cũng phát triển đột phát. Tiền Cảnh Hưng được xem như một hiện tượng đột xuất của lịch sử. Tiền Cảnh Hưng không những nhiều về số lượng, loại hình, kích cỡ, mà còn được đúc với kỹ thuật khá cao, chất lượng kim loại khá tốt và đẹp. Tiền này còn được đúc cả ở trung ương và các địa phương. Trong thời gian lên ngôi vua Lê Hiển Tông  đã cho đúc 16 loại tiền khác nhau mang niên hiệu của mình. Một số đồng tiền được đúc dưới thời trị vì của ông hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên như tiền cổ: Cảnh Hưng, Cảnh Hưng - Thông bảo, Cảnh Hưng - Đại bảo, Cảnh Hưng - Chí bảo, Cảnh Hưng - Vĩnh bảo, Cảnh Hưng - Cự bảo.

Các đồng tiền thời Cảnh Hưng trên sưu tầm được ở trong Nhân dân, phát hiện một cách ngẫu nhiên trong quá trình san gạt tạo mặt bằng, đào móng nhà. Những đồng tiền cổ Cảnh Hưng đều có một đặc điểm chung đó là: được đúc bằng đồng; hình dáng giống nhau đều là hình tròn, có lỗ vuông ở giữa; xung quanh có gờ viền mép và gờ viền lỗ; phía lưng tiền để trơn; tuy nhiên một số đồng mặt lưng tiền có chữ và có ký hiệu; đồng tiền có kích thước nhỏ từ 2 - 2,5cm. Mặt tiền được đúc nổi bốn chữ Hán ở xung quanh, viết và đọc theo hai cách: Cách 1: viết, đọc chéo theo chiều từ trên xuống dưới, phải sang trái.

Cách 2: viết, đọc thuận vòng tròn theo chiều kim đồng hồ (từ phải qua trái) với các kiểu chữ Chân, chữ Triện, Khải hoặc kết hợp các kiểu chữ với nhau.

Hai chữ ở vị trí 1 và 2 trên đồng tiền là niên hiệu của vị vua cho đúc tiền. Hai chữ này do đó thường phản ánh thời gian tiền được đúc.

Các chữ thứ 3 và thứ 4 trên đồng tiền có ý nghĩa, nguồn gốc khác nhau, trong đó có những chữ gọi theo cách gọi của tiền cổ do các triều đại Trung Quốc phát hành; hoặc do hoàn cảnh, sự kiện lịch sử đương thời; hoặc đơn giản chỉ là hàm ý nhấn mạnh giá trị đồng tiền:

Thông Bảo: là chữ thường thấy nhất trên các đồng tiền, nghĩa là đồng tiền lưu hành thông dụng. Hai chữ này xuất hiện đầu tiên trong tiền Khai Nguyên Thông Bảo do vua Đường Cao Tổ của Trung Quốc đúc năm 621.

Đại Bảo, Cự Bảo: tiền có giá trị lớn

Vĩnh Bảo: tiền lưu thông mãi mãi.

Chí Bảo: tiền cao quý nhất. Đồng tiền đầu tiên dùng hai chữ “Chí Bảo” là tiền Gia Định Chí Bảo của vua Tống Ninh Tông (1208-1224).

Tiền cổ Cảnh Hưng - Thông Bảo 

Tiền cổ  Cảnh Hưng - Đại Bảo

Tiền cổ  Cảnh Hưng - Cự Bảo

Tiền cổ Cảnh Hưng - Vĩnh Bảo

Tiền cổ  Cảnh Hưng - Chí Bảo

Tiền cổ là một loại hình hiện vật đặc biệt gắn liền với sự trao đổi mua bán, giao thương cũng như khẳng định độc lập tự chủ của mỗi quốc gia. Vì vậy việc lưu giữ và phát huy giá trị hiện vật tiền cổ luôn là một trong những chủ đề được các bảo tàng quan tâm, đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử các triều đại phong kiến tự chủ nói chung và lịch sử giao thương kinh tế thời phong kiến ở Điện Biên nói riêng./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.444.222
Online: 64