Nói đến ẩm thực của người Mông phải kể đến bánh dày, đây là món bánh cổ truyền được làm từ gạo nếp nương, không thể thiếu trong dịp Tết đến, xuân về của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Điện Biên. Bánh dày không chỉ tượng trưng cho tình yêu, sự thuỷ chung son sắt của đôi trai gái người Mông mà còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất. Bánh dày chứa đựng trong đó sự cần cù, chịu thương, chịu khó của con người lao động và các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.

Theo tiếng Mông, bánh dày được gọi là “chúa plảu”, bánh hình tròn, màu trắng, to, dẹt, mịn và không có nhân. Để có được những chiếc bánh dày như ý cần có gạo nếp được trồng trên các mảnh nương rất thơm, ngon và dẻo. Trước khi làm bánh, gạo được vo qua một nước rồi ngâm trong nước trước một ngày để làm mềm gạo, gạo ngâm được đưa vào chõ đồ xôi làm bằng gỗ, khi đồ gạo cần đun nhỏ và đều lửa khoảng 60 phút để xôi được chín kỹ cho thật mềm và dẻo. 

Tiếp đó là giã bánh dày (Túa chúa), cho xôi ra cối để giã, cối giã bánh giày được làm bằng một đoạn gỗ, loại gỗ chắc như gỗ nghiến to, dài khoảng 1 đến 1,2m bổ đôi khoét hình máng. Dùng chày để giã bánh, chày giã bánh thường được làm từ cành của một loại gỗ chắc có mùi thơm đặc trưng, thân chày có chiều dài khoảng 1 đến 1,2m, đường kính vừa với tay cầm, một đầu chày là một đoạn gỗ có hình gần góc vuông liền với thân chày dài khoảng 0,3m. Giã bánh dày phải là những người đàn ông khỏe mạnh, thường là hai thanh niên đứng hai bên máng để giã bánh. Quá trình giã bánh, các thanh niên khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn cơm dẻo về một phía sau đó giã lại theo chiều “cuốn chiếu” để cơm nhuyễn đều, càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, dính quyện lấy nhau. Khi mệt, họ có thể thay đôi khác, cứ thế họ giã đến khi bánh có độ quánh, dẻo, mịn. Công việc giã bánh giày phải được thực hiện ngay khi xôi còn nóng. Khi đã giã bánh xong những người phụ nữ sẽ dùng hai bàn tay xoa vào lòng đỏ trứng gà luộc chín đã được dằm nhỏ nhuyễn và thực hiện nặn bánh, để chống dính. Sau đó mỗi chiếc bánh được nặn thành hình tròn, dẹt, mịn rồi đặt vào lá dong đã được rửa sạch và lau khô. 

Bánh dày ăn ngon nhất vẫn là khi vừa làm xong, bánh vừa mềm, dẻo, có mùi thơm ngon, hương vị của bánh quyện với mùi của lá dong rừng tạo nên một mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Những ngày sau, khi bánh không còn mềm dẻo, có thể cắt thành những miếng nhỏ mang dán hoặc nướng cả chiếc bánh cạnh bếp lửa rồi chấm mật ong rừng hay mật mía càng cho ta cảm giác về hương vị đặc biệt thơm ngon của bánh giày.

Bánh dày không chỉ được dùng để thờ cúng tổ tiên trong ngày lễ tết mà còn sử dụng trong các ngày tổ chức lễ cúng ma khô, ma bò hay khi có người thân, khách quý ở xa đến thăm và những dịp ăn mừng lúa mới của người Mông.

Đến với Điện Biên du khách không chỉ được trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con các dân tộc Mông, đặc biệt vào những dịp tết mà còn được thưởng thức bánh dày - ẩm thực truyền thống của người Mông.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.129.503
Online: 101