Dân tộc Khơ Mú là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dân tộc Khơ Mú (còn có tên gọi khác như: Xá, Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh) là một trong những tộc người cư trú lâu đời nhất, phân bố rải rác ở Thành phố Điện Biên Phủ và một số huyện như: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa, Nậm Pồ. Dân tộc Khơ Mú có tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái các vị thần linh và thờ cúng tổ tiên. Các nghi thức văn hóa dân gian và cuộc sống của họ thường gắn liền với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để sinh sống, xuôi theo tự nhiên để tồn tại; bảo vệ, khai thác tự nhiên để phát triển. Với địa bàn cư trú của người Khơ Mú là khu vực ven các thung lũng, sườn đồi, gần nguồn nước thuận tiện cho cả việc săn bắt, hái lượm, làm nương rẫy, đánh bắt thủy sản và chăn nuôi. Bản của người Khơ Mú thường cách xa nhau, ít dân, tuy nhiên cũng có một số bản có số dân tương đối lớn, có bản lên tới hàng trăm nóc nhà; với các dòng họ như: Quàng, Cút, Lò, Lường.... Các lễ hội truyền thống của dân tộc Khơ Mú không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, gắn với cuộc sống lao động nông nghiệp, cầu sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, cầu mong sự che chở của thần linh cho cả bản mà còn là ngày hội của cả cộng đồng dân tộc, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, cùng chung sức xây dựng bản làng và bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trải qua thời gian, cuộc sống mưu sinh đã cuốn người dân vào công việc, vào những ngày dài trên nương, dưới ruộng. Bởi vậy, một số phong tục văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào gắn với nông nghiệp vẫn được duy trì như: lễ Tra hạt, lễ Cầu mưa, Cầu mùa hay lễ Mừng cơm mới...

Lễ Tra hạt (Chi mô hơ rệ): Cũng như nhiều dân tộc khác, dân tộc Khơ Mú quan niệm vạn vật hữu linh, thiên nhiên xung quanh chúng ta như trời, đất, nương, rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Lễ tra hạt có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, để cho cây lúa cây ngô, khoai sắn tươi tốt, bông to, hạt trắc, cây cối đồi núi xanh tươi, hạn chế lũ lụt, hạn hán. Nghi lễ truyền thống này có từ xa xưa, gắn bó với đời sống kinh tế, văn hóa nông nghiệp của người Khơ Mú.

Lễ Tra hạt thường được tổ chức vào tháng 4 dương lịch (tức tháng 3 âm lịch), là thời điểm bắt đầu gieo trồng mùa vụ mới. Lễ được diễn ra trong một ngày nhưng không trùng với ngày kiêng kỵ của gia đình chủ nương và gia đình thầy cúng (tức không trùng ngày ông bà, bố mẹ mất). Để nghi lễ diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, trước khi tổ chức lễ hội khoảng một tháng (thời gian bắt đầu thu dọn nương rẫy) các gia đình, dòng họ sẽ họp bàn và thống nhất việc chọn ngày tốt, ấn định ngày tổ chức lễ, chuẩn bị đóng góp các lễ vật, phân công công việc tổ chức cúng lễ Tra hạt. Theo quan niệm của đồng bào, càng nhiều người tham gia thì lễ hội càng đông vui, năm đó gia đình chủ lễ sẽ thu hoạch được năng suất cao, mùa màng bội thu. Đặc biệt, trong ngày tổ chức lễ đồng bào Khơ Mú quan niệm rằng không được nói tục, cãi cọ, gây mất đoàn kết, sẽ làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng của lễ hội.

Lễ tra hạt là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống sản xuất của đồng bào Khơ Mú, chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng riêng của người dân. Lễ tra hạt của người Khơ Mú được tổ chức với ý nghĩa cầu mong các vị chủ rừng, chủ đất, chủ trời và các vị thần linh phù hộ, che chở cho hạt giống, cây trồng được bình yên sinh trưởng tốt tươi, không bị sâu bệnh, chim sóc thú rừng không ăn hạt giống, để cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, đầy đủ và hạnh phúc, mong muốn thần linh phù hộ cho hạt giống nảy mầm, bảo vệ không cho chim muông, thú rừng phá hoại.

Lễ Cầu mưa (tê hrôi cơ ma). Là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Lễ hội tổ chức vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 dương lịch hàng năm, sau khi hạt giống đã được gieo, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu mong sự che chở của thần linh, qua đó phản ánh ước muốn của đồng bào về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để đồng bào có dịp gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe và được tham gia vào các điệu múa, câu hát cùng với những trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc.

Người Khơ Mú quan niệm rằng, sau khi đã tra hạt, với ước nguyện một vụ mùa năng suất cao, phải tổ chức lễ hội cầu mưa, cầu các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, nguồn nước các khe, các suối chảy về phục vụ tưới tiêu ruộng đồng, phù hộ không cho xảy ra lũ lụt, xói mòn, cây trồng tốt tươi, tránh khỏi hạn hán thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất, cây trồng nảy mầm xanh tốt, mùa màng được bội thu. Qua nghi lễ thể hiện được tinh thần lạc quan của con người, niềm tin vào cuộc sống, vào thiên nhiên với những ước muốn của đồng bào về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe nhau, đồng thời cùng nhau tham gia vào các điệu múa và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào.

Lễ cầu mưa của dân tộc Khơ Mú diễn ra trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp, những nét đẹp truyền thống của đồng bào diễn ra trong các hoạt động nghi lễ thể hiện sự thành kính đối với các vị thần linh. Qua lễ hội càng tăng thêm sự đoàn kết của cả cộng đồng và những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc được nuôi dưỡng, khơi dậy từ những con người bình dị, tràn đầy sức sống ở miền Tây Bắc.

 Lễ Cầu mùa (Tê hrệ).  Theo quan niệm của người Khơ Mú, vạn vật đều có linh hồn; trời, đất, nương, rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống sản xuất của con người. Vì thế, cứ vào khoảng tháng 5 hàng năm, khi trên nương, cây lúa đã cao bằng 1 gang tay, cây ngô đã cao bằng đầu gối, đồng bào lại tổ chức lễ hội Cầu mùa để cầu cho một vụ sản xuất mới với năng xuất bội thu.

Đây là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào Khơ Mú, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Lễ hội được tổ chức vào tháng 5 dương lịch hàng năm khi cây lúa nương lên cao bằng gang tay, cây ngô cũng đã cao bằng đầu gối và bắt đầu xanh tốt thì người Khơ Mú tiến hành làm lễ. Lễ Cầu mùa được tổ chức thường niên mỗi năm một lần, lễ diễn ra trong một ngày nhưng không trùng với ngày kiêng kỵ của nhà thầy cúng (tức không trùng ngày ông bà, bố mẹ mất). Lễ Cầu mùa nhằm thể hiện lòng thành kính, lòng biết ơn đến các vị thần linh, đặc biệt là mẹ lúa đã nuôi dưỡng dân bản từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vì vậy, lễ thường được tổ chức tại một mảnh nương lúa là trung tâm của nhiều mảnh nương khác, nơi có vị trí đẹp có thể thuận lợi quan sát nhiều mảnh nương lân cận của nhiều hộ gia đình. Do đó lễ Cầu mùa của dân tộc Khơ Mú được tổ chức cho nhiều gia đình cùng khu vực canh tác nương rẫy hoặc có thể làm lễ chung cho cả bản tùy vào điều kiện canh tác của đồng bào theo từng năm.

Để lễ diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, trước khi tổ chức lễ hội khoảng một đến hai tháng, Nhân dân trong bản tập trung tại nhà trưởng bản để cùng nhau bàn bạc, lựa chọn thầy cúng, phân công nhiệm vụ cho những người tham gia và thống nhất mức đóng góp của từng hộ dân trong bản để chuẩn bị đồ lễ. Ngoài ra, trong ngày lễ Cầu mùa dân bản sẽ không đi làm nương rẫy mà ở bản tham gia giúp thầy cúng chuẩn bị và thực hiện nghi lễ. Theo quan niệm của người Khơ Mú, càng nhiều người tham gia lễ hội càng đông vui, năm đó hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ đạt hiệu quả, năng suất càng cao, mùa màng bội thu. Tuy nhiên trong ngày diễn ra lễ hội đồng bào Khơ Mú quan niệm rằng không được tranh cãi gây mất đoàn kết, không được uống rượu say sẽ làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng của lễ hội.

Thường thì mọi người sẽ chọn một người làm thầy cúng (mờ chơ mốt) của bản đứng ra đại diện cho bà con dân bản làm nghi lễ khấn mời các vị thần linh. Thầy cúng là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành việc chuẩn bị lễ vật và thực hiện các nghi lễ, được coi là chiếc cầu nối giữa thế giới thực với thế giới thần linh. Thầy cúng phải là người thạo việc cúng bái, hiểu biết rõ phong tục tập quán của dân tộc. Nếu như trong năm đó thời tiết không thuận lợi gặp lũ lụt, hạn hán, mùa màng không tươi tốt thì sang năm sau bản sẽ thay thầy cúng mới. Còn nếu mọi việc đều tốt lành thì thầy cúng đó vẫn được tín nhiệm, tiếp tục đảm trách công việc cúng lễ năm sau.

Lễ Mừng cơm mới (mạ ngọ hưn mệ). Lễ mừng cơm mới của người Khơ Mú được tổ chức để nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, ông bà, cảm ơn người đã khuất đã phù hộ cho gia đình có một mùa vụ bội thu, đồng thời cũng xin tổ tiên, ông bà phù hộ cho một vụ mùa tiếp theo. Cầu mong con cháu khỏe mạnh, gia đình được hạnh phúc.

Lễ mừng cơm mới của người Khơ Mú được tổ chức trong vòng một ngày (vào khoảng trung tuần tháng 7 hoặc trung tuần tháng 8 Âm lịch). Theo kinh nghiệm của người Khơ mú thì đây là thời điểm lý tưởng cho việc chọn được loại lúa chín sớm, độ chín vừa phải để làm gạo cốm thơm, dẻo và ngon để dâng cúng ông bà, tổ tiên trong ngày làm lễ. 

 Lễ mừng cơm mới mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, đây là dịp để con cháu báo hiếu, dâng lễ vật lên mời ông bà, cha mẹ về ăn mừng cơm mới bữa cơm đầu tiên cho một vụ mùa mới được thu hoạch và cảm ơn ông bà, cha mẹ đã vất vả quanh năm để trông nương rẫy cho con cháu; cầu mong mọi thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh và ông bà, cha mẹ tiếp tục phù hộ cho năm mới được mùa.

 Nghi lễ được diễn ra trong quy mô từng gia đình, có sự tham gia của họ hàng, bà con dân bản. Chỉ những gia đình nào có bàn thờ bố mẹ mới được tổ chức cơm mới (tức là bố mẹ đã mất). Vì vậy, đến ngày này, con cháu thường tập trung về nhà bố mẹ để tham dự nghi lễ cúng và đoàn tụ cùng gia đình. Nếu gia đình nào có nhiều con trai thì khi bố mẹ mất, tất cả những người con trai đều được tổ chức nghi lễ mừng cơm mới. Lễ vật để mừng cơm mới khá đơn giản, chỉ bao gồm các loại hoa quả, rau, măng ở trên nương, dưới ruộng vào mùa này có gì thì sẽ lấy về, chế biến để dâng lên tổ tiên. Ngoài ra, nhà nào có điều kiện thì có thể mổ lợn, gà, vịt, nhà nào không có điều kiện thì cũng phải có ít nhất 1 con gà, 1 con vịt để dâng lên tổ tiên và để con cháu ăn mừng cơm mới. Mỗi gia đình thường chuẩn bị vài hũ rượu cần để dâng lên tổ tiên và uống trong ngày lễ. Một loại lễ vật không thể thiếu đó là những bó lúa mới và xôi gạo cốm mới.

Các lễ hội truyền thống của dân tộc Khơ Mú không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, gắn với cuộc sống lao động sản xuất nông nghiệp, cầu sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, cầu mong sự che chở của thần linh cho cả bản mà còn là ngày hội của cả cộng đồng, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, cùng chung sức xây dựng bản làng và bảo tồn giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Do đó các lễ hội truyền thống của người Khơ Mú cần được bảo tồn và phát huy./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.367.612
Online: 401