Dân tộc Xinh Mun là một trong những dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á. Người Xinh Mun, còn gọi người Puộc hay người Pụa, cư trú ở lưng chừng núi thuộc huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Hiện tại, dân tộc Xinh Mun sinh sống tại 8 bản thuộc xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông gồm: Pá Hịa A, Pá Hịa B, Keo Đứa, Kéo, Co Mỵ, Huổi Hu, Hin Óng, Nà Ly. Tại đây, dân tộc Xinh Mun vẫn giữ được các nét văn hoá của dân tộc như tục thờ cúng tổ tiên, tiếng nói và đặc biệt là trang phục truyền thống.
Để làm ra những bộ trang phục, từ xa xưa đồng bào Xinh Mun đã biết trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm chàm...nhằm tạo ra các loại vải với màu sắc chủ đạo là màu đen. Để bộ trang phục được nổi bật trên nền màu đen, đồng bào đã tạo những điểm nhấn trên cổ áo, cầu vai, tay áo… bằng các kỹ thuật như khâu, can ghép, thêu… thành những đường viền vải và những hoạ tiết hoa văn màu sắc sặc sỡ.
- Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Xinh Mun bao gồm: Áo, váy và khăn, thắt lưng, được phân biệt theo lứa tuổi, phụ nữ lớn tuổi mặc áo dáng dài, phụ nữ trẻ tuổi mặc áo dáng ngắn.
Áo dáng ngắn: Chiếc áo truyền thống của phụ nữ dân tộc Xinh Mun được làm từ vải bông, nhuộm chàm. Thân ngắn tới ngang eo, cổ áo cao, tay áo dài đến mắt cá tay. Áo được cài bằng các đôi cúc làm bằng kim loại (bạc, nhôm, đồng…) được chế tạo giống hình con bướm, hình con ve sầu hoặc hình con nhện... phần cầu vai, nách, và cổ tay áo được trang trí các dải vải màu sắc.
Áo nữ dáng dài
Áo dáng dài: Là áo chui đầu, áo dài đến đầu gối, được làm từ vải bông nhuộm chàm, phần cổ áo, trước ngực, gấu áo được trang trí bằng cách ghép các dải vải màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, trắng... Phía dưới cầu vai được trang trí bằng 2 dải vải đỏ hoa văn hình kẻ sọc. Áo được người phụ nữ lớn tuổi mặc trong sinh hoạt hàng ngày và trong các dịp lễ tết.
Váy: Được khâu từ 2 lớp vải bông, nhuộm chàm, lớp trong được làm bằng vải màu trắng, lớp ngoài được làm bằng vải màu đen. Phần thân váy màu đen, không trang trí hoa văn. Phần gấu váy thường được thêu trang trí các họa tiết hình cây, hình núi, hình con vật sống dưới nước đồng bào gọi là con “Pe mắc heo hua heo họm”. Phần cạp váy thường được trang trí bằng cách can ghép vải hình kẻ sọc ngang màu trắng, đỏ, nâu.
Thắt lưng
Thắt lưng: Được làm từ khổ vải dài khoảng 250cm và rộng khoảng 15cm, thắt lưng thường được nhuộm màu xanh lá hoặc màu đỏ để tô thêm vẻ đẹp, sự duyên dáng cho người sử dụng.
Khăn: Được làm từ vải bông, rộng khoảng 40 cm, chiều dài khăn khoảng 160cm, khi đội hoặc quàng gấp miếng vải thành 2-3 lượt tuỳ người thích rộng hay hẹp. Ở 2 đầu được thêu trang trí bằng các sợi chỉ màu xanh, đỏ, trắng, vàng... tạo thành các hoa văn hình kẻ sọc, hình hoa, hình núi... Ở 4 góc khăn được đính 4 chùm hoa văn buộc bằng vải màu đỏ, ở các cạnh khăn đính các hình tròn nối tiếp được làm bằng các sợi chỉ màu vàng, xanh, trắng, đỏ.
- Trang phục truyền thống của nam giới dân tộc Xinh Mun cũng được phân chia theo độ tuổi, nam giới trẻ tuổi mặc áo dáng ngắn, nam giới lớn tuổi mặc áo dáng dài, được làm rất đơn giản thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ, giản dị với màu sắc trầm, chủ yếu là gam màu đen.
Áo dáng ngắn
Áo dáng ngắn: Áo cổ cao, tay dài, cài bằng nút vải. Ở hai tà trước được khâu 2 túi hình chữ nhật. Quanh gấu áo, cổ áo được trang trí bằng cách ghép các dải vải màu đỏ kẻ sọc; 2 bên túi và phía trên gấu áo được thêu trang trí các hoa văn hình cây, hình núi và hình con vật sống dưới nước “Pe mắc heo hua heo họm” ... bằng các sợi chỉ màu đỏ, xanh, vàng... Áo rộng tạo sự thoải mái khi sử dụng.
Áo dáng dài: Áo cổ cao, xẻ tà 2 bên, áo dài qua đầu gối người sử dụng, cúc cài chéo, cúc được làm bằng vải, áo không trang trí hoa văn. Áo được người đàn ông lớn tuổi mặc trong các dịp lễ, Tết.
Quần của nam giới được khâu ống rộng, không trang trí hoa văn. Quần không có dây lưng, khi mặc được túm cạp cho vừa bụng rồi cài ngược vào phía trong.
- Trang phục thầy cúng của dân tộc Xinh Mun gồm áo, quần, mũ, và thắt lưng. Áo gồm áo dáng ngắn mặc bên trong và áo dáng dài mặc bên ngoài. Áo dáng ngắn: Loại áo này được làm giống như áo của nam giới mặc trong sinh hoạt hàng ngày, may theo kiểu cổ cao, tay dài, cài bằng nút vải. Hai tà trước may 2 túi hình chữ nhật. Quanh gấu áo, cổ áo được trang trí bằng cách ghép các dải vải màu đỏ kẻ sọc; 2 bên túi và phía trên gấu áo được thêu trang trí các hoa văn hình cây, hình núi và hình con vật sống dưới nước “Pe mắc heo hua heo họm” bằng các sợi chỉ màu đỏ, xanh, vàng... Áo dáng dài: Là loại áo chui đầu, dài đến mắt cá chân, cổ áo, 2 bên vạt áo, quanh gấu áo trang trí bằng cách ghép các dải vải đỏ kẻ sọc vàng, trắng.
Mũ: Được làm từ 2 lớp vải dài khoảng 50cm; rộng khoảng 15cm. Lớp ngoài bằng vải màu đỏ, lớp trong vải màu trắng. Trên lớp vải đỏ trang trí các mảnh vải hình thoi, hình tam giác và các tua chỉ màu sắc sặc sỡ. Mũ quấn quanh đầu khi thực hiện các nghi lễ.
Thắt lưng: Được làm từ 2 lớp vải: lớp trong màu trắng, lớp ngoài màu đỏ trên nền vải đỏ trang trí các hoa văn hình thoi, hình tam giác màu đỏ, trắng, hồng...Trên một cạnh dài của thắt lưng có đính các tua đồng xu, và tua hạt cườm... màu xanh, đỏ, 2 đầu có 2 dây buộc.
Khi thực hiện các nghi lễ, thầy cúng mặc bộ trang phục được chuẩn bị riêng bao gồm áo ngắn, áo dài, thắt lưng, mũ và quần. Theo quan niệm của người Xinh Mun thầy cúng phải mặc trang phục như vậy tổ tiên và các vị thần linh mới nhận ra để ban lộc, ban sức khoẻ và những điều may mắn.
Trang phục truyền thống của dân tộc Xinh Mun không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử của tộc người. Xuất phát từ nhu cầu của đời sống thường ngày, trong quá trình phát triển của mình cộng đồng đã tạo dựng nên những bộ trang phục mang nét riêng, độc đáo, chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống, thế giới quan, nhân sinh quan. Thông qua các họa tiết trang trí bằng hình thức thêu, ghép vải, họ gửi gắm vào đó triết lý âm dương, tâm tư, tình cảm, ước nguyện của cả tộc người.