Điện Biên là một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ Quốc, có đường biên giới chung với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, nơi hội tụ của 19 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó đồng bào dân tộc Dao ở tỉnh Điện Biên sống tập trung chủ yếu ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa với các nhóm: Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao khâu.

Cũng như các dân tộc khác, người Dao sống chủ yếu bằng nghề canh tác lúa nương và lúa nước. Một số nghề thủ công truyền thống khá phát triển như: dệt vải, rèn, mộc, làm đồ trang sức phần nào phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của họ. Trang phục của phụ nữ Dao chính là những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, chuyển tải quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh của cộng đồng thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, in trên đó. Trang phục truyền thống kết hợp với bộ trang sức của mỗi dân tộc không đơn thuần là hình ảnh để phân biệt với các dân tộc khác mà còn góp phần thể hiện, lưu giữ giá trị văn hóa đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Nam, nữ và trẻ  em người Dao đều thích đeo trang sức như vòng tay, vòng chân, vòng cổ, dây xà tích, bộ nhôm vấn đầu… tùy vào điều kiện mà bộ trang sức có thể được làm bằng rất nhiều chất liệu như bạc hoặc nhôm. Phụ nữ Dao quan niệm đeo trang sức mang lại sự may mắn, tài lộc và thể hiện sự duyên dáng, nữ tính, tôn lên nét đẹp của mình. Người nào sử dụng bạc thì càng được phù hộ cho khỏe mạnh, gặp những điều tốt lành, gia đình thịnh vượng, hạnh phúc. Để có sản phẩm trang sức  chất lượng, đẹp mắt cũng đòi hỏi cả một quy trình chế tác công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến chế tác. Từ cách vấn tóc, đội khăn, cách đeo vòng tay, vòng cổ không chỉ thể hiện nếp sống sinh hoạt thường ngày mà bộ trang sức kết hợp với bộ trang phục truyền thống còn thể hiện đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người Dao.

Trong những năm qua công tác sưu tầm, kiểm kê và bảo quản hiện vật được Bảo tàng tỉnh rất chú trọng và ưu tiên, những hiện vật được sưu tầm của các dân tộc rất phong phú và đa dạng trong đó có những đôi hoa tai, vòng cổ, bộ nhôm vấn đầu, làng nhang của đồng bào Dao, đang được lưu giữ và phát huy giá trị.

Bộ nhôm vấn đầu: Dùng để vấn đầu cuốn chặt tóc trước khi đội khăn trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong ngày lễ hội của phụ nữ dân tộc Dao. Bộ nhôm được làm thủ công bằng nhôm gồm hai phần: Phần dưới gồm có các thanh nhôm nhỏ, dài, một đầu đánh dẹt, một đầu cắm vào miếng nhôm, xếp hai lớp, giữa có dây màu đen cuốn chặt hai lớp. Phần trên là miếng nhôm hình tròn gò cong, giữa tâm có miếng nhôm nhỏ, nhọn, trên mặt có 3 hình sao nhiều cánh, giữa các cánh có hình con nhện.

Hoa tai: được làm bằng nhôm dài, có móc xuyên qua tai, dưới treo 3 chùm lá nhôm mỏng, trang trí nhiều họa tiết hoa văn hình tròn, hình móc.

Vòng  cổ: được làm bằng nhôm, hình elíp, phía sau để hở, hai bên uốn cong ra ngoài hình lưỡi đao, trên vòng có trang trí hoa văn hình bông hoa, hình tròn, hình zích zắc.

 Làng nhang (trang sức đội đầu): được làm  bằng nhôm, hai đầu có hai đồng xu tròn loại 20 cent trên có đục lỗ để treo móc và 6 sợi dây, hai sợi đánh vòng tròn kép móc vào nhau, 4 sợi đánh dây xích, còn lại treo con bướm trên hai quả lúc lắc (quả nhạc) và một con cá. Phụ nữ dân tộc Dao chỉ dùng khi đi chơi, xuống chợ, không dùng khi đi làm nương, làm ruộng để tránh sự vướng víu trong quá trình lao động.

Trang phục phản ánh văn hóa của cộng đồng Dao, thì trang sức cũng góp phần tạo ra những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào, tạo nên vẻ đẹp tổng thể về bộ trang phục truyền thống cho người phụ nữ Dao. Ngày nay với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự giao thoa về trang phục, trang sức của các dân tộc dẫn đến sự mai một về trang sức riêng có của mỗi tộc người. Vì vậy Bảo tàng tỉnh Điện Biên chú trọng công tác kiểm kê, sưu tầm, trưng bày, triển lãm để phát huy giá trị của trang sức nói riêng và văn hoá truyền thống các dân tộc nói chung.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.442.368
Online: 56