Khác với những năm trước, "Bản hùng ca bất diệt" năm 2023 là chương trình đầu tiên mà Bộ VHTTDL tổ chức cầu truyền hình trực tiếp tại hai điểm cầu linh thiêng của đất nước đó là nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và nghĩa trang liệt sĩ A1 (Điện Biên).
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca bất diệt" kết nối trực tiếp hai điểm cầu là Nghĩa trang Liệt sĩ A1 – thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên với Nghĩa trang Hà Dương – Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, linh thiêng và xúc động. Đây là chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND tỉnh Điện Biên tổ chức nhằm kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023).
Tại điểm cầu Nghĩa trang liệt sỹ A1- những địa danh lịch sử, biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần chiến thắng của dân tộc hàng trăm ngọn nến được thắp lên trên các phần mộ của những liệt sĩ đã ngã xuống trên mạnh đất Điện Biên.
Tại chương trình, thay mặt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ VHTTDL Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã trao số tiền 268 triệu đồng vào quỹ làm nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo tỉnh Điện Biên.
"Bản hùng ca bất diệt" là chương trình nghệ thuật đặc biệt, thường niên được Bộ VHTTDL tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Qua đó góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.
Các bạn trẻ của tỉnh Điện Biên đã thắp lên những ngọn nến tại các khu mộ liệt sĩ tại nghĩa trang A1 trước khi chương trình bắt đầu.
Bài hát "Cúc ơi em ở nơi mô" được nữ ca sĩ Phạm Thanh Thảo cất lên khiến nhiều người đặc biệt là các cựu chiến binh có mặt tại chương trình xúc động.
"Tôi rất vinh hạnh và xúc động khi được BTC chọn để hát bài hát Bế Văn Đàn sống mãi ngay tại phần mộ của anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn tại nghĩa trang A1 Điện Biên" - Ca sĩ Vương Long chia sẻ.
Nghệ sĩ biểu diễn tại chương trình cùng các cựu binh và các bạn đoàn viên thanh niên, học sinh hát bên mộ những liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc
"...Từ chiến thắng Điện Biên lẫy lừng thế giới Anh bước vào trang sách các em thơ Bế Văn Đàn một tâm hồn vĩ đại Hai mươi tuổi đời sống mãi với quê hương anh hùng..."- Ca sĩ Vương Long cất vang lời hát bên phần mộ liệt sĩ Bế Văn Đàn.
Các đại biểu xúc động khi được xem lại các thước phim hào hùng của dân tộc thời kỳ chống giặc ngoại xâm.
Đến nay cả nước vẫn còn gần 200 nghìn liệt sỹ nằm lại đâu đó, lặng lẽ trên chiến trường xưa, để lại niềm tiếc thương và sự mong chờ được đón các anh, chị trở về của người thân, gia đình; vẫn còn đó gần 300 nghìn ngôi mộ liệt sỹ thiếu những dòng ghi tên tuổi, quê hương; hàng triệu thương binh, bệnh binh đã mất đi một phần máu thịt, sức khỏe và tuổi thanh xuân.
Những Chiến sĩ Điện Biên năm xưa hầu hết đã ở tuổi gần 90 những vẫn nhớ như in những ngày tháng tự hào với những hi sinh, gian khổ để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu“. Tinh thần ấy tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ hôm nay.
Và ngay trong thời khắc không còn tiếng súng, vẫn còn bao liệt sỹ đã hi sinh thầm lặng nơi biên cương, đảo xa hay trên những nhà giàn, bãi đá giữa trùng khơi... để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống của Nhân dân.
Người dân có mặt tại buổi lễ xúc động chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên có một chương trình được tổ chức tại một nơi linh thiêng thế này. Thật ý nghĩa khi chương trình đã kết nối hai địa điểm đã từng là nơi mà hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ anh dũng hi sinh để bảo vệ đất nước".
Trong 76 năm qua, rất nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng.