Bảo tàng tỉnh Điện Biên là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động của bảo tàng, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống một số dân tộc thiểu số.

Năm 2023, thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn 02 lễ hội truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, khôi phục những lễ hội có nguy cơ mai một, đồng thời đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, góp phần làm phong phú thêm lễ hội truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đó là:

 Lễ Cúng thần rừng của dân tộc Kháng tại bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo

Lễ Cúng thần rừng (Tam ma ngặt oom tia) được tổ chức vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 dương lịch, là thời điểm chuẩn bị gieo trồng mùa vụ mới. Cũng giống như một số đồng bào dân tộc khác, người Kháng quan niệm vạn vật hữu linh. Vì thế họ luôn tin rằng các cánh rừng, mảnh nương, dòng sông, con suối đều do các thần linh ngự trị. Bởi vậy, việc mưa thuận gió hòa hay thiên tai, bão lũ, được mùa hay mất mùa cũng do các vị thần linh định đoạt. Từ quan niệm này bà con luôn tôn thờ các thần linh để bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn sùng trước các vị thần linh và cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khỏe mạnh, nhà nhà ấm no, điều này được thể hiện rất đậm nét trong lễ cúng thần rừng.

Lễ Cúng thần rừng là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống xã hội của đồng bào Kháng. Thông qua lễ hội thể hiện được tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ, chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hoá dân tộc Kháng. Qua đó nâng cao được ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc ở địa phương. 

Lễ Cúng tổ tiên của dân tộc Thái, ngành Thái trắng tại bản Mường Nhé, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé.

Lễ Cúng được thực hiện bên ngoài

Từ xa xưa đồng bào Thái đã có tục thờ cúng tổ tiên, và rất coi trọng các nghi lễ này, bà con thường tổ chức lễ cúng tổ tiên vào ngày đẹp nhất trong năm gọi là ngày “Mự khốt” “Mự huộng”, “Mự hai”, “Mự mưng”... tùy theo từng dòng dọ, diễn ra trong các tháng 5, 6 âm lịch. Lễ Cúng tổ tiên gồm cúng bên nội do con trai trưởng (trưởng họ) thực hiện và cúng bên ngoại do tất cả những người con gái trong dòng họ lần lượt thực hiện.

Theo quan niệm của đồng bào Thái, ngành Thái trắng, thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng biết ơn công lao sinh thành của ông bà, cha mẹ, đồng thời con cháu muốn có sức khoẻ dồi dào, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà sinh sôi đầy đàn thì phải chú trọng đến việc thờ cúng tổ tiên. Vì vậy từ đầu năm bà con đã có kế hoạch chuẩn bị cho việc làm cúng được chu đáo.

Lễ cúng tổ tiên là nghi lễ quan trọng của người Thái trắng, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản. Lễ cúng tổ tiên của người Thái trắng mang tính linh thiêng, đặc sắc, độc đáo. Đây cũng là dịp để các thành viên trong dòng họ có dịp gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe và được tham gia vào các điệu múa, câu hát và trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc. Lễ Cúng tổ tiên (Mo khò lọ hóng) là một nghi lễ truyền thống chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái - ngành Thái trắng  tạo nên sự đa dạng trong kho tàng Văn hóa dân gian Việt Nam.

 Nhìn chung, công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội đã được khảo sát nghiên cứu kỹ lưỡng về người nắm giữ di sản, thời gian, địa điểm tổ chức; quy trình thực hành, không gian văn hoá liên quan...Đây là cơ sở khoa học để thực hiện bảo tồn lễ hội được diễn ra đúng với truyền thống và bản sắc dân tộc. Quá trình bảo tồn lễ hội được cộng đồng các dân tộc đồng tình ủng hộ, tham gia thực hành các nghi thức, nghi lễ và các hoạt động liên quan tới lễ hội một cách chủ động, khoa học, đem lại thành công cho việc bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống.

Tuy nhiên, thực hiện công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

 Kinh phí quan tâm đầu tư để duy trì bảo tồn lễ hội truyền thống các dân tộc chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, chưa phát huy được yếu tố xã hội hoá trong công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội.

 Nhận thức về tầm quan trọng của việc lưu giữ và phát huy giá trị lễ hội của một bộ phận trong cộng đồng còn hạn chế.

 Người am hiểu nắm giữ và có khả năng thực hành các lễ hội ngày một ít; thế hệ trẻ không thường xuyên tham gia học tập và thực hành các lễ hội truyền thống.

Quá trình nghiên cứu, khai thác thông tin về lễ hội đôi khi gặp khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng giữa người cung cấp thông tin và người thu thập thông tin.

Nguyên nhân do đời sống của Nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn nên hạn chế về kinh phí để duy trì tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc nâng cao nhận thức, tự nguyện tham gia lưu giữ, bảo tồn các lễ hội truyền thống chưa đạt hiệu quả cao. Người thực hành lễ hội thường là thầy Mo, thầy cúng am hiểu về phong tục tập quán, quy trình, nội dung, ý nghĩa của lễ hội và được cộng đồng tín nhiệm ngày một ít dần. Mặt khác, lớp trẻ hiện nay thường đi làm ăn nơi xa nên không thường xuyên tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm về tổ chức lễ hội. Do vậy không có nhiều người am hiểu, nắm giữ và có khả năng thực hành các lễ hội.

 Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống trong thời gian tiếp theo cần tập trung một số giải pháp sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 11- NQ/TU ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào về việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội và bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc. Thông qua các hình thức tuyên tuyền thúc đẩy, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia học tập và gìn giữ di sản văn hoá truyền thống của dân tộc.

 Đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá di sản, từ đó có phương án phát huy để di sản có sức lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc và truyền từ đời này sang đời khác.  

 Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tổ chức lễ hội thường niên, tổ chức theo đúng các nghi thức truyền thống. Đồng thời tạo điều kiện để nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ các nghi thức, nghi lễ, nghệ thuật trình diễn, phát huy hiệu quả và có tính bền vững trong đời sống cộng đồng.

 Tôn vinh, khuyến khích các trưởng bản, người có uy tín, người am hiểu lễ hội, thầy cúng, nghệ nhân và những người trực tiếp thực hành di sản trong cộng đồng, khích lệ họ tiếp tục lưu giữ, trao truyền những phong tục tập quán tốt đẹp cho thế hệ trẻ.  

Với những đóng góp của Bảo tàng tỉnh trong việc bảo tồn một số lễ hội truyền thống năm 2023 đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.129.050
Online: 78