Sáng 09/6/2023, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Điện Biên phối hợp các sở, ngành tổ chức Toạ đàm về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.

Theo thống kê của Cục Trẻ em, trung bình hằng năm Việt Nam có trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, 24.000 phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 1 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái tuy nhiên đó cũng chỉ là số liệu vẫn chưa đầy đủ. Tại tỉnh Điện Biên, hiện có khoảng 215.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là hơn 7.730 trẻ. Số trẻ mồ côi cả cha, mẹ hơn 1.250 trẻ; 258 trẻ được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Làng trẻ em SOS; số trẻ khuyết tật hơn 4.760 trẻ; có hơn 71.910 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt… Hiện tại lao động trẻ em là gái nhiều hơn em trai, nhiều nhà hàng vẫn sử dụng trẻ em, vùng cao, dân tộc thiểu số còn đi gặt lúa nương, đi làm thuê, một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị kẻ xấu lừa gạt đưa đi lao động. Năm 2011 có 30 trẻ em ở Tuần Giáo, Tủa Chùa bị dụ dỗ đưa đi lao động ở TP Hồ Chí Minh và đã được giải cứu đưa các cháu trở về. Qua đó cho thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình.

Thực hiện luật trẻ em, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 15/03/2021 ban hành chường trình hành động vì trẻ em tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2030, trong đó có nhiều chỉ tiêu: Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 4% vào năm 2025 và 3,5% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đạt 93% vào năm 2025,  và 95% vào năm 2030. Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống 550/100.000 trẻ em vào 2025 và 500/100.000 vào 2030; giảm tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn thương tích xuống còn 16/100.000 vào 2025, và xuống 15/100.000 vào 2030; 100% trẻ em bị xâm hại, làm dụng, bóc lột khi phát hiện được can thiệp hỗ trợ và xử lý nghiêm. Phấn đấu 100% trẻ em gặp thiên tai, thảm hoạ, khi phát hiện được cứu trợ. Từng bước xoá bỏ tảo hôn, duy trì mức giảm tảo hôn từ 2-3% hàng năm. Duy trì tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 100%.

Để tăng cường công tác phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em cần: Nâng cao nhận thức xã hội; Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội; Tổ chức hoạt động truyền thông tại cộng đồng; xây dựng mô hình sống an toàn thân thiện; Tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em; Điều tra và xử lý trường hợp bị bạo lực; Trẻ em khi xảy ra thường rối loạn trong ăn uống, giấc ngủ, luôn lo sợ, thiếu tự tin. Do đó gia đình, thầy cô, xã hội và các tổ chức cần khuyến khích, hỗ trợ, chia sẻ, là chỗ dựa tinh thần cho các em lúc khó khăn bằng những việc làm phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ các em.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi thảo luận các vấn đề như: Triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn; Hoạt động của Viện kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; Thực trạng xâm hại trẻ em qua công tác xét xử của Toà án trên địa bàn tỉnh; Công tác bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực trẻ em tại gia đình. Qua đó đã tập trung làm rõ hơn kết quả công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn thời gian qua. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.129.741
    Online: 91