Đi cùng với chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến khi giành được thắng lợi hoàn toàn đã có không ít những bài hát đã được các nhạc sĩ sáng tác để phục vụ cho chiến dịch. Các bài hát đã trở thành động lực và là món ăn tinh thần không thể thiếu để động viên và tiếp thêm sức mạnh, niềm lạc quan cách mạng, tin tưởng vào chiến thắng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh lớn của quân và dân Việt Nam, tham gia trong trận đánh này chúng ta huy động toàn bộ sức người sức của với quyết tâm đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp. Đã có rất nhiều những văn nghệ sĩ - những người chiến sĩ xung kích đã đầu quân cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các văn nghệ sĩ vừa tay súng chiến đấu vừa sáng tác tái hiện những khoảnh khắc của lịch sử.

“Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/Mắt ta sáng, chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…”  Những ca từ trong bài hát “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là những lời động viên nhẹ nhàng, ngắn gọn, dễ hiểu, chân tình đối với cán bộ, chiến sĩ, giúp họ vượt qua những cuộc hành quân khó khăn, gian khổ. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi còn sống đã từng kể rằng: “Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, tôi và nhiều văn nghệ sĩ khác cùng hành quân với bộ đội tham gia chiến dịch. Vì phải giữ bí mật nên mỗi chặng đường đi đều phải giữ kín, vì vậy nhiều người thắc mắc không biết chặng đường tiếp theo sẽ đi đâu? Khi đó, một đồng chí bộ đội trong đoàn quân đã động viên mọi người: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!” Câu nói rất đơn giản, nhưng không ngờ lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thể hiện ý chí cách mạng kiên cường của bộ đội ta. Ngay đêm đó, tôi đã ngồi viết bài hát “Hành quân xa” mà cảm hứng sáng tác chính là từ câu nói của anh bộ đội đó. Mãi sau này, qua nhà văn Hồ Phương, nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới biết: Người đã nói câu nói khơi nguồn cảm hứng cho sáng tác ca khúc “Hành quân xa” của ông chính là Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ - Đại đội 811, Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316 đã chỉ huy đơn vị mình lên phòng ngự và tấn công tiêu diệt đồi C1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một trong những yếu tố làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ đó là việc quân ta có pháo và bí mật kéo pháo vào mặt trận. “Hò kéo pháo” là bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân, khi ấy là một chàng trai Hà Nội ngoài 20 tuổi, được lên Điện Biên tham gia chiến dịch. Lúc bấy giờ để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, ta chủ trương dùng sức người để kéo pháo. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự hiệp đồng chặt chẽ, sự đồng tâm nhất trí cao. Nhạc sĩ Hoàng Vân có mặt ở Điện Biên Phủ và đã từng tham gia kéo pháo cùng các chiến sĩ. Trong chuyến đi thực tế chiến trường, được quan sát, tiếp cận với cuộc sống và tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ ở Điện Biên, đặc biệt là hình ảnh các chiến sĩ trong đêm thanh vắng u tối giữa núi rừng trùng điệp, các chiến sĩ đầu đội mũ nan lưới, mặc áo trấn thủ, cúi rạp người, choãi chân, những bắp tay cuồn cuộn cùng đôi bàn tay chai sần vẫn bám chắc dây tời, chân như đóng xuống đất nghiến răng ghìm, kéo pháo, dù vai ướt đẫm sương đêm nhưng vẫn nắm chắc tay không buông rời, quyết tâm để bảo vệ pháo. Ông đã mục kích sự hy sinh anh dũng của anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình để cứu pháo. Nhạc sĩ suy nghĩ nhiều đến một bài hát mang tính tập thể, có xướng, có xô. Ông kể là đã ngồi ghi nhạc trong một lán nhỏ, phải chùm chăn kín chân vì muỗi vàng đốt như ong châm. Cảnh lao động hùng vĩ giữa núi rừng hiểm trở  được tác giả ghi bằng những âm điệu gẫy khúc và nhảy quãng liên tục rất phù hợp với không khí kéo pháo khẩn trương sôi động, vất vả, gian khổ nhưng thoải mái, hân hoan: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...”.

Him Lam nơi diễn ra trận đánh mở màn và ghi dấu thắng lợi đầu tiên của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài hát “Trên đồi Him Lam” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết khi quân ta bắt đầu mở màn trận đánh tại cứ điểm này. Lúc các nhạc sĩ  trong tổ sáng tác đứng trên bờ chiến hào, các anh vừa đàn vừa hát cổ vũ các chiến sĩ đang hành quân ở dưới. Trong đoàn quân đó có một chiến sĩ nói với các nhạc sĩ: “Cố gắng sáng tác nhiều nhé, khi về bọn mình sẽ có quà cho văn công”. Người chiến sĩ nói câu ấy không bao giờ trở về nữa vì anh chính là liệt sĩ Phan Đình Giót, người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận Him Lam. Sau này Đỗ Nhuận mới biết rõ. Và bài hát đã được ông sáng tác ngay tại trận địa, giữa bề bộn ngổn ngang các xe pháo và quân thù, trong mùi khói khét lẹt của đạn bom: “Hôm qua, đánh trận Điện Biên, chiến hào xuất kích, đồi Him Lam ta tiến vào”... Đó là bài “Trên đồi Him Lam” - một ca khúc hừng hực khí thế chiến đấu, sôi sục lòng căm thù giặc, nồng nàn tình yêu quê hương đất ước và tình đồng đội. Bài hát cũng được tác giả cấu trúc ở thể 1 đoạn gồm 4 câu nhạc nhưng mỗi câu đều được mở rộng, khá dài, vì đây là bài ông nhằm viết cho hát đơn ca. Đến nay, mỗi khi nghe lại “Trên đồi Him Lam”, ta như được sống lại bối cảnh hào hùng, quyết liệt của những ngày đầu tiên, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13 tháng 3 năm 1954.

Để ghi lại những giây phút lịch sử bằng ca khúc, các nhạc sĩ luôn theo sát chiến dịch, ban ngày cũng tay quốc tay chòng phá đá mở đường như bao chiến sĩ khác, ban đêm lại miệt mài sáng tác. Trong số các bài hát nổi tiếng về chiến dịch Điện Biên Phủ có một  bài hát được chọm làm nhạc hiệu chính thức hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là bài hát “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Lúc bấy giờ ông là Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đoàn lên Tây Bắc tham gia  “Chiến dịch Trần Đình” (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Trong hồi kí “Âm thanh cuộc đời” tác giả đã kể lại rằng  khi cuộc chiến  kéo dài tới ngày thứ 50. Sáng hôm ấy nhạc sĩ cùng anh chị em văn công san lấp hố bom dọc đường thì được một cán bộ tuyên huấn mặt trận thông báo rằng: Thắng đến nơi rồi. Đỗ Nhuận phải sáng tác một ca khúc mừng chiến thắng, kẻo không đuổi kịp cánh lính bộ binh xung kích đó...”. Những ca từ trong bài hát “Giải phóng Điện Biên” được rút ra trong cuốn hồi ký những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ca từ của bài hát rất giàu hình ảnh, như một bài thơ văn xuôi, có hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên chiến thắng trở về; có cảnh núi rừng Tây Bắc mừng vui với mùa hoa nở rộ, nương lúa mới của bản Mường và từng đàn em bé, từng đoàn dân công tiền tuyến reo vui, vẫy chào. Hình ảnh núi rừng và con người Tây Bắc cứ như một cuốn phim hiện lên khi gần, khi xa trong ca từ của ông. Vậy là đêm 7 tháng 5 năm 1954, nhạc sĩ đã thức trắng để gieo những nốt nhạc đầu tiên lên những vần thơ. Ca khúc “Giải phóng Điện Biên” đã ra đời từ đó, đến nay vẫn trở thành “tượng đài” bằng âm thanh, một bản hùng ca bất hủ gắn với chiến dịch giải phóng Điện Biên.

Gần 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã trôi qua nhưng “những bài hát đi cùng năm tháng” luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Giờ đây nghe lại những sáng tác ra đời trước và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta được sống lại cả một quá khứ anh hùng. Những chi tiết, thậm chí những sự kiện lịch sử, đến một lúc nào đó, người ta có thể quên nhưng những bài ca hay, thấm vào lòng người sẽ khiến các thế hệ truyền tụng và nhớ mãi.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 9.454.327
    Online: 101