Đồi A1 là một trong những điểm di tích nổi bật thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nơi đây ghi dấu trận đánh ác liệt nhất, kéo dài nhất và hy sinh nhiều nhất của Quân đội Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời đồi A1 còn ẩn chứa trong mình những câu chuyện gắn với những tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ lịch sử.
“Đồi Lạng Chượng” là tên gọi của ngọn đồi A1 trong thời kỳ xung đột giữa các Chúa đất vào khoảng cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII. Trong hành trình thiên di của dân tộc Thái, Lạng Chượng là con trai út của Tạo Lò (Mường Lò - Yên Bái ngày nay), đi “mở đất” bằng các cuộc đánh chiếm đất của các chúa Mường khác. Từ cánh đồng Mường Lò đoàn quân đi xuôi xuống đánh chiếm các Mường tả ngạn sông Đà, họ đến đánh chiếm đất của các chúa Mường thuộc vùng Sơn La. Lạng Chượng lên vùng Mường Muổi (Thuận Châu - Sơn La) nhưng không đánh bại được Chúa Mường Muổi là Ăm Poi, bèn dùng kế xin được lấy con gái Chúa Ăm Poi là nàng Ho Quảng làm vợ và ở rể Mường Muổi. Sau khi gả con gái cho Lạng Chượng, Ăm Poi dẫn quân lên Mường Thanh, vợ chồng Lạng Chượng cũng lên theo. Ăm Poi dũng mãnh về quân sự nhưng nhẹ dạ, cả tin đã không thắng nổi sự toan tính của Lạng Chượng nên Ăm Poi đã bị Lạng Chượng giết chết. Lạng Chượng sau khi lập mưu giết chết bố vợ rồi đưa quân mở rộng vùng đất lên xứ Mường Thanh và chọn ngọn đồi này có thế phòng ngự là vị trí đắc địa xây dựng dinh lũy. Một thời gian sau, con trai của Lạng Chượng đột ngột qua đời, Lạng Chượng trong đêm khóc thương con để lộ việc sát hại bố vợ, nàng Ho Quảng biết việc chồng mình chính là kẻ giết cha đã lên kế hoạch trả thù. Từ đó ngọn đồi này có tên là đồi Lạng Chượng.
“Đồi Đồn Tây” là tên gọi thời kỳ Pháp chiếm nước ta lần thứ nhất. Năm 1858, Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Đến năm 1890, Thực dân Pháp mới đặt ách cai trị tại Lai Châu. Năm 1909 Lai Châu thuộc đạo quan binh thứ 4 và thiết lập theo chế độ quân quản. Toà sở của viên quan binh kiêm quan cai trị được đặt trên ngọn đồi này, từ đó nhân dân gọi là đồi Đồn Tây. Ngày 03/9/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương, quân Pháp tại Lai Châu, Điện Biên bị quân Nhật truy kích ráo riết phải bỏ chạy sang Vân Nam, Trung Quốc, chờ thời cơ quay lại Lai Châu, Điện Biên. Khi đến thế chân quân Pháp tại Điện Biên, quân Nhật cũng đóng quân trên quả đồi này. Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh, Nhật rút khỏi Việt Nam.
“Đồi Eliane II” là tên gọi mà Thực dân Pháp đặt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và quyết định xây dựng nơi đây thành Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, gồm 8 cụm cứ điểm mang tên các cô gái đẹp của nước Pháp. Eliane II là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong dãy đồi phòng ngự phía Đông của phân khu Trung tâm. Được coi là “cuống họng” và trực tiếp bảo vệ cho căn hầm của tướng De Castries, quân Pháp quyết tâm bảo vệ cứ điểm Eliane II này như bảo vệ người đẹp của họ!
“Đồi A1” - là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho ngọn đồi này! Chữ A và số 1 luôn luôn đứng đầu trong bảng chữ cái và số thứ tự để nhấn mạnh được tầm quan trọng của ngọn đồi này với phân khu trung tâm! Nếu cứ điểm này bị tiêu diệt thì phân khu Trung tâm không còn đủ sức chống đỡ và Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng bị uy hiếp nghiêm trọng. Vì vậy, quân Pháp quyết giữ bằng mọi giá thì quân đội Việt Nam quyết giành giật tới cùng.
Tại đồi A1, trận chiến đấu diễn ra 39 ngày đêm vô cùng ác liệt, quân đội Việt Nam giành giật với quân Pháp từng tấc đất, từng mét chiến hào. Cuối cùng kế hoạch dứt điểm đồi A1 được thực hiện bằng cách đào hầm ngầm đặt 960 kg thuốc nổ. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 06/5/1954 khối bộc phá được giật nổ, quân đội Việt Nam từ các hướng tiến lên tiêu diệt toàn bộ cứ điểm A1. Trận chiến đấu tại cứ điểm A1 kết thúc lúc 4 giờ 30 phút ngày 07/5/1954. A1 - “Chìa khóa” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị phá vỡ, giải phóng được cứ điểm này tạo bàn đạp cho Quân đội Nhân dân Việt Nam nhanh chóng tấn công sang hầm De Castries và bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồi A1 là một ký hiệu, là chiến thắng được lịch sử ghi nhận và ngọn đồi này đã có tên gọi “Đồi A1” từ đó, một cái tên gắn với chiến công hiển hách của Quân đội Nhân dân Việt Nam và trở thành bất tử.
Đồi Lạng Chượng, đồi Đồn Tây, đồi Eliane II hay đồi A1 đều là tên gọi của một quả đồi - nơi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử: Đồi Lạng Chượng chính là câu chuyện buồn giữa một bên là hiếu - một bên là tình của chàng Lạng Chượng và nàng Ho Quảng. Đồi Đồn Tây và đồi Eliane II là nỗi buồn của một thời mất nước. Kể từ khi mang tên đồi A1 - với tinh thần đoàn kết, sự quyết thắng của quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954, ngọn đồi này đã không còn thay đổi tên gọi! Đồi A1 nơi ghi dấu chiến thắng hào hùng nhưng cũng vô cùng bi tráng của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong suốt 39 ngày đêm bão lửa, sẽ mãi trường tồn cùng với dân tộc Việt Nam và trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết, chiến thắng./.