Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hóa, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay có truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn”.
Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị “ Thần” – những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Hình tượng các vị thần linh đã hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó là nhưng anh hùng chống giặc ngoại xâm; những người khai phá vùng đất mới, tạo dựng nghề nghiệp; những người chống chọi với thiên tai, trừ ác thú; những người chữa bệnh cứu người; những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc…Lễ hội là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, dân tộc.
Lễ hội là dịp con người được trở về nguồn, nguồn cội tự nhiên hay nguồn cội của dân tộc đều có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người. Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết gữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi đua tài, đua trí…
Lễ hội là tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Muốn gìn giữ và phát huy các giá trị quý báu đó, điều đầu tiên là phải biết và hiểu thật sâu gốc gác, nguồn cuội của chúng. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc tập sách “ Cẩm nang Lễ hội truyền thống Việt Nam” do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về Lễ hội truyền thống. Đây là tập sách được biên soạn trên cơ sở tập hợp, chọn lọc từ các nguồn tư liệu khác nhau đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hy vọng qua tập sách này bạn đọc có thể thấy được những cái hay, cái đẹp trong nền văn hóa đậm đà bản sắc của người Việt, đất Việt./.