Dân tộc Cống là một trong 19 dân tộc sinh sống ở tỉnh Điện Biên, ngày nay cùng với xu hướng phát triển và hội nhập chung của đất nước dân tộc Cống vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc trưng riêng. Một trong những nét văn hóa truyền thống không thể không nhắc tới đó là trang phục truyền thống.

Tại tỉnh Điện Biên dân tộc Cống tập trung sinh sống ở một số xã, huyện giáp biên giới Việt - Lào như xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; xã Pa Tần thuộc huyện Nậm Pồ.

Hiện nay trước sự quan tâm của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dân tộc Cống tại các bản làng được tiếp cận những tiến bộ chung của xã hội, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao và vẫn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là trang phục. Người Cống không trồng bông dệt vải, họ chỉ mua vải nhuộm chàm của dân tộc Thái, Lào về để khâu, may và trang trí các hoa văn độc đáo mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình.

 Trang phục nam giới dân tộc Cống gồm: áo, quần và khăn

Áo (khà phà khà láp) được may bằng vải bông nhuộm chàm, cổ đứng, xẻ tà, áo cài khuy trước bằng 03 đôi khuy vải, phần cổ tay áo và hai bên dọc khuy áo được trang trí bằng dải vải hoa văn thêu chỉ xanh, vàng, các họa tiết nổi bật trên nền vải đen tạo điểm nhấn cho trang phục.

Quần nam giới dân tộc Cống (khà phà sống) may ống rộng, đũng rộng để thuận tiện trong việc di chuyển phù hợp với địa hình cư trú của đồng bào.

Khăn đội đầu (tù kho hay tù khọ la cạ) là loại khăn có chiều dài khoảng 0,9m, chiều rộng khoảng 0,3m,  xung quanh mép được khâu trang trí bằng các sợi chỉ xanh, đỏ. Khi đội khăn họ gấp 3 lần theo chiều dọc, sau đó quấn 1 vòng quanh đầu tạo hình chữ V ngược trước trán. Đối với người đàn ông dân tộc Cống, khăn không chỉ có tác dụng giữ ấm vào mùa đông, che nắng vào mùa hè mà khăn còn thể hiện sự nam tính, trang trọng của người đội khăn.

Trang phục nữ giới dân tộc Cống gồm áo, váy, khăn, thắt lưng.

Trang phục phụ nữ chưa có chồng

 Áo nữ giới (khà bạ khà lạm hay ác kha) may bó sát người, ống tay dài, hai bên tà áo được nẹp các dải vải dệt màu đỏ, đen, xanh, trắng...Đường nối giữa ống tay áo với vai áo được trang trí bằng cách thêu hình quả núi, hình móc xích... Để khép 2 tà áo lại với nhau đồng bào đã khâu 1 đồng bạc làm cúc cài vào khuy bằng vải. Đồng bào dân tộc Cống cũng giống như dân tộc Thái họ cho rằng bạc không chỉ có tác dụng tránh gió, trừ tà mà còn thể hện sự giàu sang phú quý của người sử dụng.

Trang phục phụ nữ đã có chồng

 Váy của nữ giới (thăng nga hay tình cà) được khâu bằng vải màu nâu hoặc màu đen, thân váy được trang trí các hình kẻ sọc, hình mây, hình người múa cách điệu, hình tháp lớn lồng tháp nhỏ... bằng các đường chỉ màu xanh, vàng, tím, trắng. Hình tháp là biểu tượng của cây rừng đang sinh sôi nảy nở. Cạp váy được khâu bằng một khổ vải màu xanh hoặc đen bản rộng. Đối với người Cống sinh sống tại bản Nậm Kè, cạp váy may rời, từ phần gấu váy đến 1/3 thân váy được trang trí các hoa văn hình quả núi, hình quả trám thành các đường song song.

Thắt lưng (tăng thơ) được khâu hai lớp bằng vải bông nhuộm chàm. Thắt lưng dùng để giữ cho váy khỏi tuột và tô thêm vẻ đẹp cho bộ trang phục.

 Ngày nay, do sự phát triển của kinh tế thị trường, hàng hóa thông thương, đời sống của dân tộc Cống từng bước được nâng cao, đồng bào được tiếp cận với nền văn hóa mới song vẫn gìn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống, trong đó có trang phục. Ngày nay chất liệu làm nên bộ trang phục của dân tộc Cống có thể sử dụng bằng các chất liệu bán sẵn trên thị trường để may nhưng vẫn giữ được kiểu dáng và cách trang trí theo truyền thống của dân tộc mình.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.136.595
Online: 41