Dân tộc Hoa (Xạ Phang) là một trong 19 dân tộc đang cư trú tại tỉnh Điện Biên. Họ là một nhóm cư dân có cùng nguồn gốc với người Hoa từ Trung Quốc di cư sang Việt Nam sinh sống trên các rẻo cao của các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại tỉnh Điện Biên người Hoa (Xạ Phang) sinh sống tập trung ở một số xã thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé.

Người Hoa (Xạ Phang) đã có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Các thế hệ người Hoa (Xạ Phang) hiện tại có rất nhiều cơ hội tiếp cận với những tiến bộ chung của xã hội, xong họ vẫn giữ được các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, đặc biệt trong trang phục, đồng bào vẫn mặc quần, áo, đeo tạp dề, đi giày thêu hoa văn ... mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Trang phục nam giới dân tộc Hoa (Xạ Phang) gồm áo, quần, giày...

Áo của nam giới lớn tuổi (Di Cấn): Được khâu, may bằng vải sẫm màu đặc biệt là màu đen, có 2 tà, mỗi tà có 2 túi, túi trên nhỏ hơn túi dưới, cổ áo đứng, thân áo dài che hết thắt lưng, áo cài cúc phía trước, cúc được làm bằng vải.

Trang phục chú rể

Áo của thanh niên chưa vợ hoặc chú rể thường mặc áo màu xanh, dài qua đầu gối, cài cúc giữa, các cúc thường được làm bằng vải, người Hoa (Xạ Phang) quan niệm số lẻ là số của sự phát triển, may mắn, vì vậy số cúc đính trên áo thường là 3,5,7,9... tùy vào độ dài của áo.

Quần (Khủ Xua) của người Hoa (Xạ Phang) là quần chân què, cạp lá tọa, đũng và ống rộng để thuận tiện trong việc di chuyển.

Trang phục nữ giới dân tộc Hoa (Xạ Phang) gồm: Áo, quần, tạp dề, giày...

Áo truyền thống của phụ nữ dân tộc Hoa (Xạ Phang) thường mặc áo ngắn, cổ áo cao, xẻ nách, cài chéo bằng các đôi cúc vải, vạt áo ghép bằng viền vải màu xanh, hồng.... Phần cổ áo được thêu hoa văn hình bông hoa, lá, hình lượn sóng…bằng các sợi chỉ màu xanh, đỏ, vàng…Phần cầu vai, một bên vạt áo trước ngực được thêu hoa văn hình móc, hình hoa,...giữa hình hoa có đính các hạt tròn kim loại. Phần cổ ống tay áo, vạt áo, tà áo được trang trí bằng các viền vải hồng, xanh, trắng thêu các hoa văn sặc sỡ. Đặc biệt trong những ngày lễ hội, ngày tết họ thường mặc những áo có màu sắc sặc sỡ như màu tím, xanh, vàng, đỏ...

Người phụ nữ dân tộc Hoa (Xạ Phang) mặc quần màu đen, kiểu chân què, cạp lá tọa, ống quần rộng. Trước đây người Xạ Phang cố định quần bằng cách vấn cạp quần, ngày nay họ cố định quần bằng thắt lưng. Thắt lưng được may bằng vải màu sáng có chiều dài khoảng 200cm, rộng khoảng từ 15 - 20cm. Phía bên ngoài được trang trí bằng mảnh vải màu được ghép theo chiều dài của thắt lưng.

Trang phục nữ giới

Ngoài ra khi đến tuổi trưởng thành phụ nữ dân tộc Hoa (Xạ Phang) còn đeo thêm tạp dề (ui dấu), tạp dề có dạng hình chữ T, thân tạp dề có dạng hình chữ nhật, ở giữa màu đen, 2 cạnh dài của thân được ghép 2 khổ vải trắng trên nền vải trắng trang trí các đường viền vải màu xanh, đỏ, cam và đường viền vải dệt hoa văn hình hoa lá, ở giữa thêu hoa văn hình hoa, hình lượn sóng,... và đính các nút tròn kim loại. Cạp của tạp dề được làm từ 1 dải vải xanh, trên nền vải xanh ghép 1 dải vải đỏ gắn liền với 2 dây buộc, 2 dây buộc được làm từ 2 dải vải màu hồng thêu các hoa văn  bằng các sợi chỉ màu vàng, xanh, trắng...và đính các nút kim loại hình bán cầu. Cạnh còn lại của thân tạp dề được trang trí bằng cách ghép 1 đường viền dải vải trắng, có trang trí hoa văn màu hồng, giữa khổ vải trắng có trang trí đường viền vải xanh thêu hoa văn hình hoa.

Một điểm đặc sắc nhất trong bộ trang phục của người Hoa (Xạ Phang) đó chính là đôi giày. Giày của người Hoa có nhiều loại như: giày nam, giày nữ, giày cho người cao tuổi và giày chú rể, cô dâu, giày chuyên biệt bán cho người Mông dùng để niệm theo người chết. Giày cho người cao tuổi chỉ có màu đen, mũi tròn và kín. Còn giày cho nam và nữ, từ trung niên trở xuống đều là các đôi giày màu sắc sặc sỡ, nhiều họa tiết. Ðiểm khác nhau giữa giày nam và giày nữ là giày nữ kín mũi, còn giày nam hở một phần phía trước và thân giày.

Giày thêu dân tộc xạ phang

 Để làm được đôi giày trước tiên phải khâu đế giày, đế được làm bằng mo tre già, khô, mang về phơi, ép phẳng, cắt theo hình bàn chân và khâu thành đế giày. Mỗi đế giày thường được ghép khoảng 3- 5 lớp mo, mỗi lớp bọc một lần vải dày và dai để tạo độ cứng, đảm bảo sự bền chắc cho đôi giày. Các lớp mo được dán với nhau bởi một lớp keo, sau đó khâu lại với nhau bằng những sợi chỉ được làm từ vỏ cây lanh mua của dân tộc Mông đỏ, giã cho dập và mềm, sau đó cho vào nồi nước luộc rồi phơi khô, khi khâu trà qua sáp ong để chống thấm nước. Mặt dưới của đế giày được lót bằng vải trắng; mặt trong được lót bằng một lớp vải màu tùy theo ý thích của người chế tác và được khâu chắc chắn với đế giày. Có thể thấy khâu đế giày là công đoạn phức tạp, tốn nhiều thời gian đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ của người phụ nữ vì nó liên quan đến sự bền, chắc của đôi giày.  Đối với thân giày của người phụ nữ quanh thân giày đều kín, mảnh vải để khâu thân giày là một mảnh vải liền, được trang trí hoa văn bằng nhiều sợi chỉ màu xanh, màu hồng, màu đỏ... Hoa văn trang trí thường các bông hoa trong đó có một bông to nổi bật hơn những bông xung quanh, tạo điểm nhấn chính trên thân giày. Đối với người phụ nữ dân tộc Hoa (Xạ Phang), giày không chỉ là vật dụng để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày còn là vật trang trí thể hiện sự yểu điệu, thanh thoát, ẩn chứa tâm tư tình cảm và sự sáng tạo của các chủ thể văn hoá.

Thân giày của nam giới hở một phần phía trước và hai bên, phần gót và thân sau liền, tạo sự năng động, thể hiện sự mạnh mẽ của nam giới. Hoa văn trên giày nam được thêu đều khắp trên thân giày.

Để thêu các hoa văn trên thân giày một cách chính xác và đạt giá trị thẩm mỹ cao người phụ nữ đã dùng các tấm bìa, các loại giấy bản cứng sau đó cắt thành hình các bông hoa lá cách điệu sau đó đặt lên mảnh vải dùng để làm thân giày và thêu theo khuôn mẫu.

Để tạo ra sản phẩm hoàn hảo khi khâu ghép thân và đế giày người phụ nữ cần có kinh nghiệm và kỹ thuật, tỷ mỷ, khéo léo khi khâu phải khâu đường thẳng dọc theo mép vải từ mũi giày đến gót giày, những đường khâu phải đảm bảo không lộ chỉ, mà vẫn chắc, bền.

Ngày nay dân tộc Hoa (Xạ Phang) đã định canh, định cư và có cuộc sống ổn định, đồng bào đã và đang ra sức thi đua xây dựng quê hương giàu mạnh, bản làng yên vui, gia đình ấm no, hạnh phúc, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế tăng thu nhập về mọi mặt, sản xuất ra các sản phẩm mang đậm nét văn hóa dân tộc không chỉ để sử dụng phục vụ trong sinh hoạt mà còn sản xuất để bán cho cộng đồng sinh sống lân cận góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị Di sản văn hóa.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.319.885
Online: 45