Cách đây 68 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ Tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của Thực dân Pháp, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Genève công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm chống Thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.

 

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, Thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn thể Nhân dân Việt Nam đã nhất tề hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của Thực dân Pháp.

Về phía Pháp, để cứu vãn tình thế thất bại, bước vào Thu - Đông 1953, Thực dân Pháp với sự giúp sức của Đế quốc Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Navarre, tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh ở Việt Nam nhằm giành thắng lợi có tính quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng.

Nhận thức rõ âm mưu và thủ đoạn của Thực dân Pháp, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn kế hoạch tác chiến  Đông Xuân 1953 - 1954, phân tích tình hình giữa ta và địch, đề ra phương châm tác chiến: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Thực hiện kế hoạch đó, cả nước ra trận, các chiến trường đồng loạt tiến công, giáng cho địch những đòn thất bại nặng nề, buộc chúng phải co cụm, bị động đối phó trên khắp các chiến trường Bắc bộ, Trung bộ, Tây nguyên, Nam bộ, Thượng Lào và Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia; lực lượng cơ động mà Navarre tập trung xây dựng đã bị phân tán đối phó. Thất bại và bị động, quân viễn chinh Pháp gấp rút điều động các đơn vị cơ động nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ - một vị trí có ý nghĩa chiến lược quan trọng không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương; xây dựng Điện Biên Phủ thành một Tập đoàn cứ điểm mạnh, với ý đồ nghiền nát quân chủ lực Việt Nam.

Nắm chắc mọi âm mưu, hành động của Thực dân Pháp và phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là một chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quân sự, chính trị, ngoại giao rất quan trọng và dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Trong chiến dịch lịch sử này, Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức, huy động một lực lượng lớn sức người, sức của của nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Liên khu Bốn đóng góp cho mặt trận. Hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ngày đêm bạt núi, xẻ rừng mở hàng ngàn km đường giao thông cho bộ đội, dân công hành quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, lập nên biết bao kỳ tích. Trên khắp các chiến trường, từ Bắc tới Nam, cả ở các vùng địch còn tạm chiếm, quân và dân ta đã liên tục tiến công, hợp đồng tác chiến với Điện Biên Phủ, không cho địch tập trung binh lực tiếp viện, giải cứu cho Điện Biên Phủ.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi thực hiện sự chỉ đạo chiến lược và phương châm đánh địch của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc”, thể hiện tài thao lược, tinh thần trách nhiệm cao và lòng quả cảm, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân, toàn quân. Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta ta đã đập tan hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. tiêu diệt và bắt sống 16.200 quân, bắn rơi 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng vào ngày 7/5/1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành lại độc lập, tự do.

Cách đây 68 năm, Điện Biên Phủ, từ một chiến trường đẫm máu, ngày nay đã trở thành điểm hẹn của hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Những tàn tích phá hoại của bom đạn trong chiến tranh đã phai mờ, Điện Biên hôm nay đã chuyển mình, không ngừng xây dựng phát triển trở thành một thành phố du lịch lịch sử ở khu vực phía Tây Bắc của Tổ quốc. Đời sống người dân không ngừng nâng lên, du khách trong nước và quốc tế đến Điện Biên tham quan, khám phá, tìm hiểu về văn hóa, con người mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng ngày một đông.

Kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về Tổ quốc ta, Đảng ta, nhân dân ta và sự nghiệp cách mạng của quân và dân ta. Sự đổi thay kỳ diệu của đất nước trong hoà bình nhắc nhở mỗi chúng ta phải ra sức phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ ông, cha. Ngoài ra, đây cũng là dịp để mỗi người dân Việt Nam khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng hào hùng, nguyện chung sức, đồng lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện mục tiêu cao cả của Đảng, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, cường thịnh.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 9.467.066
Online: 83